Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

NHÀ VĂN KHÔNG THỂ LÀ LAO ĐỘNG CHÂN TAY

Nguyễn Hoàng Đức

Lý thuyết từ cổ chí kim, đều cho rằng, có những lao động thuộc về thượng tầng trí óc, có những lao động thuộc về chân tay. Nhưng người thuộc giai tầng lãnh đạo, thuộc thượng tầng kiến trúc của nhà nước, luôn phải là người thiên hướng về lao động trí óc, vì đấy là cái đầu điều khiển bộ não của toàn dân. Triết gia Aristote còn nhấn mạnh điều này rất nhiều lần rằng, những người lao động chân tay, vì quá lam lũ nhọc nhằn nên người ta khó có thể rèn luyện về trí đức tinh tế, chỉ có những con người thoát khỏi lao động chân tay mới có điều kiện để nâng cao tư duy và vi chỉnh hành vi của mình sao cho mỗi ngày một tinh tế. Những hành vi nhã nhặn mới giúp người ta thoát khỏi cơ bắp của chân tay để trở nên giống cái đầu hơn. Việc này là rất hệ trọng, vì người lãnh đạo không nên có những ứng xử nóng giận như người hoạt động tay chân thô lỗ. Tại sao? Vì lãnh đạo liên quan đến sinh mạng của nhiều người. Trong khi đó lao động tay chân chỉ liên quan đến vài người xung quanh.

Người Việt từ xưa đã xác định rõ ràng điều này, với câu “Một người lo bằng một kho người làm”. Và còn có câu ca dao:

Ông chủ ngồi trên sập vàng
Cả ăn cả mặc lại càng cả lo
Thằng bếp ngồi dưới xó tro
Ít ăn ít mặc ít lo ít làm

Nhiều nhà sinh học phát hiện rằng, những con chim có thể cất cánh thẳng đứng lên trời với tốc độ đập cánh có thể lên tới hàng nghìn lần trên giây, nhưng chúng vẫn không mệt nhọc như con người, vì bộ não của con người phải suy tư nên đã thiêu đốt một năng lực rất lớn.

Về biện chứng pháp cấu trúc xã hội cũng như cơ thể luận, từ xưa, triết gia Platon đã ví: cái đầu là biểu tượng của tư duy và lãnh đạo, trái tim là biểu tượng của dũng cảm, tình yêu và danh dự, còn chân tay là biểu tượng của cơ bắp thuần túy.

Triết gia Aristote ví xã hội như một con tầu, có rất nhiều người chèo thuyền ở dưới gầm đó là lao động chân tay, có những người quan sát trên sàn đó là cặp mắt, nhưng chỉ có một thuyền trưởng hay hoa tiêu, đó chính là linh hồn sống còn cũng như mục đích bến đỗ của con tầu. Những người chèo thuyền dưới gầm kia dù có thông minh cỡ nào cũng không bao giờ cần phải biết tầu đi đâu về đâu. Nếu họ có muốn biết thì đó chỉ là cái biết của tâm lý nhớ nhà, tham quan hay thích mua sắm, chứ không bao giờ là chuyên môn cả.

Trong nghệ thuật phân biệt rất rõ ràng các loại hình lao động. Một vở kịch hay một bộ phim, cũng như bản nhạc, lao động sáng tạo thuộc tinh thần. Lao động biểu diễn là hạng hai của diễn viên. Một bộ phim, hay vở kịch, thì người viết kịch bản là trí óc đầu tiên, đạo diễn là trí óc thứ hai, còn diễn viên với những cảm xúc biểu cảm để hoàn thành vai diễn của mình chỉ là “chân tay” thứ ba.

Nhà văn, nhà thơ, với sáng tạo và biểu diễn nhập làm một, nghĩa là tác phẩm không cần qua trung gian biểu diễn, đến thẳng với người đọc, thì lại càng phải là lao động tinh thần hơn bao giờ hết. Nhà văn vô sản Maxim Gorky, là một nhà văn Nga từ “đầu đường xó chợ” học ngoài hành lang đã nói: “Càng có trí tuệ thì càng có sức mạnh, đó là điều không thể chối cãi”. Vậy thì lao động của nhà văn là lao động sáng tạo cần rất nhiều tri thức, nó không bao giờ là lao động chân tay cả. Điều này cũng có nghĩa, những người lao động chân tay như công nông binh vì quá bận rộn với công việc chân tay của mình, nên chưa thể có khả năng đào luyện cảm xúc và tinh thần sao cho mỗi ngày một cao nhã hơn.

Cách mạng về đem đến cho chúng ta rất nhiều nhà văn công nông binh. Tại sao? Vì đó là trái đầu mùa của lý thuyết dân chủ. Dân chủ xưa kia theo lý thuyết Hy lạp là: người nghèo lên nắm quyền. (Trước đó là chế độ quân chủ độc tài, sau là chế độ quả đầu giành cho tầng lớp hữu sản quí tộc). Vậy thì, chủ nghĩa xã hội với lý thuyết công – nông lên nắm quyền thì tại sao công nông không thể làm nhà văn hay nhà thơ?!

Nhưng điều này cũng đã được văn hào vô sản Gorky cảnh tỉnh, nếu giai cấp vô sản không chịu học thì nhà văn nhà thơ cũng chỉ là đám lê la vô học, chẳng có sức mạnh gì hết ngoài cơ bắp. Lãnh tụ vô sản Lê Nin còn nói một câu rất nổi tiếng “Học, Học nữa, Học mãi”, và ông cũng nói: sẵn sàng đổi hàng nghìn công nhân vô sản lấy chiếc đầu biết quản lý của nhà tư bản.

Giờ hãy nhìn về văn học Việt Nam, như nhiều người nói, nhìn thấy rừng mà không thấy cây, tất cả sàn sàn lao vào sinh hoạt tập thể để làm gì? Để sáng tạo ư? Chắc không! Chủ yếu là để kiếm ưu tiên khi bày bán sản phẩm “nửa chân tay – nửa khối óc” (nhưng khối óc chưa kịp học, mới chỉ có thần chú “hạt vừng thiên bẩm ơi hãy mở cửa ra”. Cho dù nếu cái kho thần thoại đó có mở ra, thì cũng chỉ là cái kho tàng trữ của kẻ cướp ẩn trong hang đá, nào có to tát gì? Một nhà văn muốn chinh phục thế giới thì tài sản của họ phải lớn như đại dương). Các nhà thơ đa số từ nông dân mà ra. Thói quen “sáng tạo” thường là, lúc rượu chè gặp mặt, thẽ thọt hay hùng hồn nói “tôi xin đọc một bài thơ”, thường khoảng hơn chục câu, cũng rất nhiều khi chỉ ba hay bốn câu. Thơ về cái gì? Nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ bồ, nhớ ngày xưa nếm mật nằm gai, nhớ bánh trưng, bánh tét, cà pháo, canh cua, nhớ lúc tham quan, nhớ đi du lịch…

Chúng ta hãy thử làm một so sánh với các nhà thơ thế giới. Ba thi hào cổ Hy Lạp là Aeschylus, Sophocles, và Euripides… mỗi người có cả trăm vở kịch, hay gần hơn là thi hào Shakespeare với bao nhiêu bi kịch và hài kịch và còn là người tạo ra thể sonnet mới. Hỡi những nhà thơ đọc vần vèo mấy câu sinh hoạt thử hình dung xem để dựng một vở kịch người ta phải trở thành nhà kiến trúc thế nào, biết bao nhân vật, biết bao lớp lang, biết bao hành động, chỉ có thế tư tưởng mới bắn tung ra như pháo hoa trên trời.

Còn các nhà thơ Việt thế nào, sáng tác cả nghìn trường ca không có nhân vật. Tại sao? Câu trả lời quá đơn giản, chèo thuyền dưới sàn thì đông lắm, nhưng chỉ có một bộ não làm hoa tiêu và thuyền trưởng thôi. Các vị đâu đã kịp đào tạo gì cho bộ não, các vị đâu có theo học Gorky, học bờ học bụi, học ngày học đêm, vớ được chỗ nào học là học nấy. Người Nga có câu “không sợ dốt chỉ sợ không muốn học”.

Đấy mới là điều đáng ngán ở nước ta. Nhiều người đã dốt lại không muốn học, lại phá bĩnh tự hào rằng “tớ ngồi bệt đây, tớ ít học thì đã sao, sợ gì đứa nào, ông mang cả cứt và đếch vào thơ cho mà biết mặt…” Đã ít học, triết học không biết, thần học không hay, mỹ học cũng không cần, ngoại ngữ chỉ vài ông biết, giới trẻ mới nhú có tí tiếng Anh đã đủ tự hào. Cây to thì phải ra quả lớn, chỉ cần đợi một bài tiểu luận làm chứng thôi, dường như bất khả.

Nhiều người nói, thơ của chúng ta kém cỏi, tép riu thì hãy ráng chờ. Ráng chờ đến bao giờ? Chúng ta không chuẩn bị hành trang, không sắm lạc đà thì bao giờ mới vượt sa mạc? Có tí bản năng mà cứ ngồi đợi sung rụng ư? Có một cô bé ít học nói với tôi, “anh muốn lấy vợ ư? Vậy anh hãy lên đường tìm hiểu, tán tỉnh, hẹn hò. Anh tin vào Chúa ư, Chúa cho ta gạo mà ta không nấu bao giờ thành cơm?”

Dù có gạo thiên bẩm, nhưng không nấu thì chẳng có cơm. Mà việc nấu cơn chỉ là một hành động vô cùng đơn giản. Một cô bé ít học còn nghĩ thế, đa số nhà thơ của ta nghĩ gì? Có thể có rất nhiều người bảo, chúng tôi đã hiểu và còn làm được nhiều hơn thế, chúng tôi đã a-lô-sô vào hội đoàn, đã tập các bài leo ghế và giật giải, đã thập thò kiên nhẫn xin xỏ, đã hạ mình tìm kiếm và cấu kết cánh hẩu, đã reo mừng khi nhảy lên mặt báo trung ương, đã đưa tất cả ông bà cha mẹ vợ con rồi hũ mắm trong nhà, rồi cả những lời rên của giường chiếu còn hoen ố lạc thú thành nguyên liệu cho thơ như là:

Dọn tí phân rơi ,
nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than , mẩu sắn , cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ

Nhưng tất cả những nhặt nhạnh đó có ý nghĩa gì? Chúng ta có nên quên: hàng nghìn mái chèo dưới hầm tầu không thể là một hoa tiêu trên đài quan sát. Quan sát đó chính là tầm nhìn của tư tưởng.

Đã đến lúc chúng ta nên nói thật với nhau, để xây dựng nền văn thơ của chữ nghĩa, thì chúng ta phải có học, và học đầy đủ, phải rèn luyện tinh tế về văn hóa, chớ nên ngê nga tranh tre nứa lá làm vui bên lề chiếu hát hay mâm cơm nữa. Hơn chín mươi phần trăm nhà thơ kể cả trong HNV nên về quê đuổi gà cho vợ hoặc trồng cấy cây rau cây lúa thì có ích và làm cho xã hội cũng như nghệ thuật lành mạnh hơn. Đây là hiện thực thuốc đau dã tật, ai nghe không có óc phản tỉnh, thấy tự ái thì xin đáp lại, chớ có ném bẩn nhé. Xin cám ơn!


NHĐ 11/05/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét