Nguyễn Hồng Hưng
Lác đác trong các trang sách có dùng thuật ngữ “nghệ thuật đương đại”. Hai chữ đương đại, là một khái niệm mới của nghệ thuật xuất hiện sau khái niệm nghệ thuật hậu hiện đại (khoảng 1988-1990). Hai từ “đương đại” dễ hiểu chệch hướng theo ý nghĩa lịch đại, dễ dẫn tới cách hiểu sai là: cứ sáng tác nghệ thuật ở thời đương đại này đây, thì sẽ có tác phẩm nghệ thuật đương đại, với lí do tác giả không thể tránh được ảnh hưởng của thời đại (lịch đại) mà anh ta đang sống. Không phải vậy, vì ngay tại thời điểm “bây giờ đây”, không còn là thời đại của nghệ thuật cổ điển hay hiện đại nữa, nhưng nếu thích, có thể làm nghệ thuật cổ điển hay hiện đại vẫn được.
Nghệ thuật cổ điển, khác với nghệ thuật hiện đại, cũng như nghệ thuật hiện đại khác với nghệ thuật hậu hiện đại và đương đại. Sự khác là do khi nghệ thuật phát triển, đã xuất hiện những quan niệm thẩm mĩ khác nhau, tạo ra các khái niệm thẩm mĩ khác nhau, dẫn tới cách tư duy đề tài, cách thao tác làm tác phẩm cụ thể khác nhau.
Ví dụ trong nghệ thuật thị giác, hội họa cổ điển rất cần tới một cặp mắt rất tinh sáng với đôi tay có kĩ năng thể hiện tài khéo để dùng bút vẽ chấm vào màu, mà chế tác mô phỏng hiện thực tinh vi nhất, bao gồm thiên nhiên và con người, với quy luật ánh sáng tự nhiên, với tỷ lệ người đã được thiết lập thành chuẩn mực cổ điển cố định. Cấu trúc hình thức của nghệ thuật cổ điển luôn là những bố cục minh họa cho nội dung.
Nghệ thuật hiện đại có nhiều trường phái như “ấn tượng”, “siêu thực”, “trừu tượng”, “biểu hiện” v.v… Vẫn là dùng bút vẽ như nghệ thuật cổ điển. Nhưng cũng đã khác, vì có tôn chỉ chung là không cần phải vẽ mô phỏng tinh vi giống hệt như mắt nhìn thiên nhiên thật. Không nhất định phải tuân theo quy luật ánh sáng tự nhiên, và tỷ lệ người thì phụ thuộc vào cảm xúc nghệ sĩ (có thể vẽ méo mó tùy nghệ sĩ). Nên nhu cầu đòi hỏi kĩ năng ở tay và mắt, không khắt khe, siêu phàm, như tay và mắt của họa sĩ cổ điển, tuy nhiên trong trào lưu nghệ thuật hiện đại vẫn còn có tới hai trường phái là “cường hiện thực” và “siêu thực” cần sự khéo tay tinh mắt đỉnh cao ở người họa sĩ.
Nghệ thuật hiện đại rất cần một cái nhìn trí tuệ trực tiếp của thị giác, để biểu hiện những cấu trúc màu và cấu trúc hình thức, làm sốc ghê gớm đồng thời làm giầu những tâm hồn thưởng lãm tác phẩm đó. Cấu trúc hình thức của nghệ thuật hiện đại trực tiếp là nội dung tác phẩm. Không còn là bố cục những hoạt động của con người trong tự nhiên để diễn tả, minh họa cho nội dung như nghệ thuật cổ điển. Những mĩ từ như “bữa tiệc màu sắc”, dùng mô tả thụ cảm hội họa có từ khi xuất hiện hội họa hiện đại.
Thẩm mĩ của nghệ thuật hiện đại, coi trọng hiệu quả bầy tỏ cái tôi nghệ sĩ, và hậu quả tác động lên tâm lí người xem, bằng mọi hành vi vẽ lên trên tác phẩm thị giác của tác giả. Hai điều duy nhất còn lại của hội họa hiện đại còn giống với hội họa cổ điển là vẫn sử dụng màu vẽ lên trên bề mặt được chuẩn bị trước nào đó, để làm thành tác phẩm. Và chỉ cảm thụ cùng nhận thức tác phẩm bằng thị giác. Không cảm thụ bằng các giác quan khác.
Nghệ thuật đương đại cũng có nhiều ngành khác nhau như “ nghệ thuật sắp đặt”, “nghệ thuật trình diễn”, “nghệ thuật khái niệm” , “nghệ thuật kỹ thuật số”, “nghệ thuật video v.v... Có những quan niệm khác hẳn nghệ thuật cổ điển hay hiện đại, đã hình thành một khái niệm nghệ thuật khác. Đương nhiên cũng đem đến cách làm tác phẩm và cảm thụ tác phẩm không còn như nghệ thuật cổ điển và hiện đại.
Cụ thể là nghệ thuật thị giác đương đại, không có nguyên tắc định chế cho phương pháp làm tác phẩm. Tác phẩm thị giác đương đại có thể làm với bất kì hình thức biểu hiện nào, không nhất thiết phải dụng bút vẽ lên bề mặt tranh. Có thể xây, đúc, hàn, chiếu video, hay dùng đèn pha, dùng giấy bìa cắt dán, buộc dây, dùng vải bọc, dùng nước, dùng động cơ, xe lu lăn đường, xe cần cẩu…Thậm chí cả thuốc nổ v.v... Bài trí tại bất kì không gian nào do tác giả lựa chọn. Và cho phép cảm thụ bằng tất cả các giác quan: thính giác-thị giác-xúc giác-khứu giác-vị giác.
Nghệ thuật đương đại, là một nghệ thuật liên phương tiện, đa kĩ năng, kĩ thuật của nhiều ngành ngoài nghệ thuật, phối hợp phục vụ cho ý tưởng tác phẩm. Và ý tưởng tác phẩm sẽ quyết định chất liệu và hướng thể hiện tác phẩm. Cũng vì đặc điểm của khái niệm nghệ thuật đương đại, nên hầu hết tác phẩm nghệ thuật đương đại rất khó mua bán, hay lưu giữ tại các bảo tàng hoặc gallery. Một thể loại nghệ thuật bẩm sinh phi thương mại. Hiện nay đã có một số bảo tàng nghệ thuật đã mua tác phẩm nghệ thuật đương đại, muốn thương mại hóa các tác phẩm của nghệ thuật đương đại.
Tác giả thực hành những tác phẩm như thế, được gọi là “Nghệ sĩ đương đại”, hay “Nghệ sĩ nghệ thuật thị giác”. Phương pháp thẩm định cái đẹp của nghệ thuật đương đại, không còn giống nghệ thuật hiện đại và những nghệ thuật trước nó nữa. Xong đương nhiên không phải khái niệm cái đẹp của nghệ thuật đương đại có thể phủ nhận cái đẹp của những trào lưu nghệ thuật khác có trước nó.
Thường thì mỗi khái niệm nghệ thuật khi mới xuất hiện, các nghệ sĩ của trường phái mới đó hay tỏ ra gần chân lí hơn cái cũ, khắc phục được hạn chế của khái niệm nghệ thuật cũ, và cũng thường hay kèm theo những tuyên ngôn “…khái niệm nghệ thuật kia không hợp thời, khái niệm nghệ thuật này đã chết từ lâu v.v… của những đại biểu thủ lĩnh sôi sục nhiệt huyết với lí tưởng thẩm mĩ mới của họ”. Dễ làm nức lòng những nghệ sĩ loại sau, an tâm thủ đắc tính hợp thời trang vì sinh hoạt trong cộng đồng nghệ thuật đương đại.
Thực tế lịch sử nghệ thuật luôn rõ ràng “Không một trường phái nào, một khái niệm nghệ thuật mới tinh nào có thể phủ nhận nổi các bậc nghệ sĩ tinh hoa thiên tài, ở mọi trường phái nghệ thuật của nhân loại”. Có thể xét ngay từ thời nghệ thuật chưa có chữ viết để bầy tỏ “khái niệm nghệ thuật” của nghệ sĩ. Đó là thời nghệ thuật nguyên thủy.
Bản chất cốt lõi của phát triển nghệ thuật nói chung, chính là lịch sử xuất hiện các khái niệm nghệ thuật. Các họa sĩ đương đại đang phát triển theo thời đại của mình, đó là tự do của nghệ thuật. Những ai đó đang sống trong thời đại này, thích sáng tác theo những khái niệm nghệ thuật xưa, đương nhiên cũng là tự do của nghệ thuật.
Lại nói đến thực tế. Thực tế sáng tác của một nghệ sĩ có nhu cầu từ nội tâm sâu, thường không bận tâm gì tới lí luận nghệ thuật, về lí thuyết các khái niệm nghệ thuật. Nghệ sĩ đích thực không sáng tác bằng tâm thế giải cứu bế tắc của một nền nghệ thuật cụ thể. Họ sáng tác vì chính bản thân họ. Nếu không sáng tác như thế, họ sẽ không chịu nổi mỗi khi sáng tác mà không làm như thế…như thế…
Tôi nhận thấy rằng: “Nghệ thuật không chứa niềm tự hào. Nghệ thuật là niềm an ủi của nghệ sĩ, hoặc người nghệ sĩ đi tìm sự an ủi nơi nghệ thuật”. Chỉ đặc biệt với các nghệ sĩ thiên tài, nghệ thuật vốn là niềm an ủi của riêng họ, đã trở thành niềm an ủi và tự hào của cộng đồng. Thậm chí có thể là niềm tự hào của nhân loại.
Mọi lí luận về những khái niệm nghệ thuật, đều là cách bầy tỏ nghệ thuật bằng phương pháp khác. Phương pháp của những con chữ với: ngữ pháp, hùng biện, mĩ học, triết học, những phương pháp rất tuyệt vời trí tuệ…Nhưng nhất định không phải là những cấu trúc hình thức của nghệ thuật thị giác. Một thứ hình thức mà mọi chữ viết cố gắng cùng tột cũng chỉ tiệm cận với nghệ thuật mà thôi.
Quần chúng vẫn rất cần những chỉ dẫn tiệm cận đó. Và quần chúng tạo ra xu thế thời đại có lợi về tiền bạc và tiếng tăm cho không ít nghệ sĩ hợp thời. Lại thấy rõ vai trò có tính thời sự, tạo dư luận và hướng dẫn dư luận của giới phê bình lí luận nghệ thuật. Sẽ là tồi tệ văn hóa nghệ thuật cho cộng đồng nào có những phe nhóm phê bình nghệ thuật háo danh, cơ hội.
Giả tưởng một nhân loại khác, có đầy đủ những tư liệu bằng chữ viết về nghệ thuật thị giác của loài người chúng ta. Xong họ không hề có một mảnh tư liệu nào bằng hình về nghệ thuật thị giác của chúng ta. Liệu họ có cảm thụ được không, nghệ thuật thị giác của con người. Hỏi?
Có thể họ hiểu theo văn bản và suy luận…Điều này tương tự như uống nước: “Ai uống người đó hết khát”. Người không uống sẽ suy luận về cảm giác hết khát của người uống nước. Gọn lại là lí luận nghệ thuật là cách trình bầy khác của nghệ thuật. Không phải là nghệ thuật. Nhưng dù sao các nhà phê bình lí luận nghệ thuật của chúng ta không bị lâm vào tình trạng không có tư liệu về hình ảnh. Ấy thế mà lịch sử phê bình và lí luận nghệ thuật, chưa hề có trường hợp nào định hướng hay tiên đoán được phát triển của nghệ thuật. Ngay hiện nay, các nhà phê bình lí luận nghệ thuật không thể tiên đoán sau nghệ thuật đương đại sẽ xuất hiện trào lưu nghệ thuật nào? Nếu các nhà phê bình nghệ thuật dự báo được các trào lưu nghệ thuật tương lai, thì các thiên tài hội họa Van Gogh và Paul Gauguin đã không quá nghèo khổ khi đang còn sống. Nên chỉ có cách truyền thống, là chờ đợi sáng tác ở một vài nghệ sĩ thiên tài không chịu nổi nghệ thuật đương đại. Bứt phá. Sau đó các nhà lí luận phê bình sẽ làm việc của họ. Không có họ, nhân loại sẽ bị xa lạ và không hiểu được nghệ thuật ở tầm mức phổ quát. Một mảng lớn văn hóa nhân loại bị hẫng hụt. Các nghệ sĩ thực tài không bao giờ được quần chúng biết đến, cho dù việc này chỉ có ý nghĩa với cá nhân nghệ sĩ. Tính cả những họa sĩ đã chết lâu rồi.
Nghệ thuật và phê bình nghệ thuật tựa như hai mặt của một tấm…mâm đồng thau, một mặt là những cấu trúc hình thức, mặt kia thuần túy là chữ. Cả hai mặt cùng bàn nhiều về hạnh phúc con người. (Chắc sự ví von hai mặt của cái mâm đồng và hạnh phúc con người, sẽ làm nhiều người không hài lòng…Có lẽ họ muốn sửa lại là nghệ thuật và lí luận phê bình nghệ thuật, cùng hướng về cái đẹp bằng hai phương pháp khác nhau).
Lại nói về các nghệ sĩ, dù ở thời đại nào cũng là số ít. Cộng đồng và cả nghệ sĩ đương thời, cùng thiệt thòi mọi đằng nếu không có những người làm phê bình lí luận nghệ thuật tâm huyết, không cơ hội và háo danh, diễn giải, bắc cầu, và phát triển nghệ thuật bằng cách khác của nghiệp vụ lí luận phê bình nghệ thuật.
29-6-2013.
H6 Bạch Mã- cư xá Bắc Hải TP. HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét