Nguyễn Hoàng Đức
Bài mới đây của BBC xếp Việt Nam đứng hàng thứ 15 về nô lệ mới, với khoảng 260.000 nô lệ, đấy là con số chưa đầy đủ, nhưng xét riêng trong châu Á với những đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em và việc xuất khẩu đi các nước trong khu vực làm tạp dịch, có thể nói Việt Nam là đệ nhất nô tài ở châu Á.
Nhìn kỹ hơn cách đây không lâu, tại Nga đã vỡ lở một hầm chứa thợ may người Việt bị nhốt như súc vật, không được ra ngoài, khi gặp hỏa hoạn đã chết thui như chuột.Còn có vài phóng sự truyền hình tả về nạn người Việt bị nhốt trong các vườn trồng á phiện bằng đèn ở mấy nước châu Âu. Nghe kể, xưa kia người Di Gan dân du mục ở châu Âu dù có bị đánh chết cũng chẳng được hưởng pháp luật can thiệp vì người ta coi dân Di Gan như đám lang thang chuyên nghề trộm cắp. Mới đây, cũng nghe kể nhiều vụ người Việt ở Nga bị xâm hại cũng chẳng ai ngó ngàng. Ngay tại Sài Gòn, mới đây có mấy người nhảy lầu chạy người ta mới biết đó là những người bị giam cầm làm việc, không chịu nổi phải trốn bằng cách một sống hai chết đó. Tại sao nhiều người Việt lại đối xử như cầm thú với đồng hương của mình như vậy?
Đó là vấn đề của Lương Tri. Để dễ hiểu có thể hiểu “Lương tri” là lương tâm cộng với tri thức. Theo căn bản kiến thức Đông Tây, thì người ta chỉ có thể có Lương tâm một khi có đủ tri thức để phân biệt hay – dở, tốt – xấu, cái tốt nên làm, cái dở nên tránh. Tri thức thì ở trên đầu. Vì thế muốn có tri thức hay có những công dân tốt, các quốc gia đều phải đặt Giáo dục lên hàng đầu quốc sách. Bởi chỉ có giáo dục mới cho con người ta hiểu biết để phân biệt Phải – Trái. Nước nào Dân trí cao thì lương tâm cao. Dân trí thấp thì lương tâm thấp. Lương tri ở Việt Nam hiện nay đang rất có vấn đề, trước hết theo các chỉ số về giáo dục nó đứng bét dĩ ở châu Á và đứng tốp cuối của thế giới. chúng ta thử tham chiếu cách đánh giá của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong một bài viết gần đây có tên “Trình độ sống của người Việt còn thấp!
- " Người Việt chúng ta không có niềm tin đủ mạnh vào cái thiện, đủ để làm cho họ tránh phạm điều ác. Bạo lực chứng tỏ trình độ làm người thấp của cả cộng đồng. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều để vượt lên một trình độ sống khác" (VnMedia).
Cụ thể hơn, các chuyên gia nước ngoài đánh giá chúng ta thế nào? Về lãnh đạo, họ cho rằng: Người Việt thường ôm những ảo tưởng vĩ đại như những dự án tiền tỉ USD như Vinashine nhưng chẳng làm gì nên chuyện. Khi tập đoàn Vinashine rầm rộ nhập khẩu các loại tầu bè và cả công nghệ đóng tầu về, có chuyên gia đã cảnh báo: người ta không thể có được nền công nghệ đóng tầu bằng thương mại. Đúng vậy, công nghệ đóng tầu cũng như mọi công nghệ khác đòi hỏi có trình độ, đào tạo các kỹ sư, và lắp ráp hệ thống đồng bộ, chứ đâu có thể đi mua về bằng thương mại rồi tưởng mình đã thành nước có công nghệ đóng tầu?!
Còn cách ngành nghề khác, lấy một thí dụ dễ thấy nhất, một huấn luyện viên bóng đá nước ngoài chuyên gia cho bóng đá Việt Nam nói rằng: “Các cầu thủ cần xác định được mục tiêu của chiến thuật là ghi bàn thắng”. Than ôi, chẳng lẽ họ lại bảo “sao các anh ngu lâu thế”, đá bóng muốn thắng thì phải ghi bàn, đằng này những cầu thủ đã ở tuổi trưởng thành chạy đi chạy lại mà lại không biết một trận đấu phải ghi bàn ư? Vì sao? Vì các cầu thủ đâu có chạy như cầu thủ mà đang chạy như diễn viên, làm sao đá giả vờ như thật để còn phục vụ cá độ bóng đá. Quay lại việc thương mại để mong có một kỹ nghệ đóng tầu cũng có cái gì na ná, nào mua ụ nổi, tầu cũ để giải ngân hay lại quả…
Vấn đề rèn luyện để trở thành công dân tự do và trưởng thành đã được nhiều vĩ nhân chú mục. Tại Trung Quốc, lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói “Trung Quốc xưa nay không có các cuộc chiến tranh về tự do, tư tưởng hay tôn giáo, mà chỉ có các cuộc đấu tranh giành ngôi báu, đất đai và đàn bà”. Tại Ấn Độ, thánh Gandhi nói: Giành độc lập không quan trọng bằng việc nhân dân phải có đủ phẩm chất để sống trong nền độc lập. Còn thi sĩ Tản Đà thì buồn cho tầm vóc tinh thần của người Việt:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Chúng ta đều biết: muốn trưởng thành người ta đều phải rèn luyện khả năng tinh thần. Mà tinh thần thì bao giờ cũng phổ biến, bởi vì học vấn được đúc kết nhờ chữ viết và ngôn ngữ. Ngôn ngữ là trí tuệ! Trí tuệ là ngôn ngữ! Chữ viết là chữ viết chung, không ai nghĩ chữ cho riêng mình cả. Một câu hô, “lụt”, “cháy”, “cướp”… thì nghe ai cũng hiểu và đế ứng phó kịp thời. Người Việt cũng dạy mọi người tinh thần phổ biến như “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Tức cửa quan là chỗ công đường, công lý, người ta bàn nhau những việc của chung thiên hạ, nên ra đấy người nói có lý của chung thì thuyết phục được mọi người liền. Cũng có câu “nói phải củ cải cũng nghe”, nghĩa là lẽ phải nó rất tự nhiên dễ dàng thuyết phục mọi người.
Triết gia Aristote có câu thơ:
Càng học ít càng buồn
Dù uống nước trong chẳng thấy được nguồn
Người có học thì phải hiểu cây có gốc, cái gì cũng có cội nguồn của nó, như người Trung Quốc bảo “oan có đầu, nợ có chủ”, có con nợ thì phải có chủ nợ, đó là tất yếu, chẳng thể nào có con nợ mà chẳng nợ ai gì cả. Các giáo sư Âu Mỹ trước khi chấm luận án cho học trò thì đều xem bảng trích dẫn sách tham khảo, người ta cho rằng, cá nhân chẳng là gì nếu không thừa hưởng trí tuệ của các tiền bối và nhân loại. Người ta còn chắc chắn “Khoa học là của chúng ta”, nghĩa là không có khoa học cá nhân úm ba la.
Vậy mà khi tôi viết một số bài, có trích dẫn các triết gia hay tư tưởng nước ngoài, thì liền nghe một số người ào ào phản đối, rằng tại sao lại trích dẫn những người cổ, cũ kỹ?... Chúng ta nên nhớ, một số ngành như tôn giáo, triết học hay nghệ thuật đã đạt đến đỉnh từ xưa chứ không phải ngày nay. Đặc biệt tôn giáo, cho đến giờ các tôn giáo lớn đều xuất hiện trước đây hơn hai nghìn năm. Các tiền bối triết học cũng vậy, cho đến nay chưa một triết gia mới nào nghĩ ra Tam đoạn luận để thay thế Aristote. Hoặc toán học đã có ai thay thế định lý hình học của Pythagoras…?
Người Trung Quốc và người Việt cho rằng: người có học thì phải “nói có sách mách có chứng”, còn loại bạ đâu nói đấy chỉ là hạng Tùy tiện, đó cũng gọi là hạng Hạ tiện luôn. Người đức cao vọng trọng thì “vua không nói chơi”, hay “nhất ngôn cửu đỉnh” – lời nói nặng tựa chín đỉnh. Còn loại vớ vẩn “lời nói gió bay” chẳng có đầu cuối, chẳng có lý lẽ, chẳng có sở cứ để tin.
Triết gia Hegel thì nghiên cứu sâu xa cụ thể, ông nói: Người có học thì luôn cư xử theo đặc tính chung của sự việc mà họ đã từng học, nên có tính đồng nhất nhau (như vậy “khoa học mới là của chung”). Còn loại càng ít học thì cư xử sự vật theo ý của mình trở thành lập dị kỳ cục chẳng giống ai. Trong sinh hoạt những kẻ cư xử khác thường hay đem đến cho mọi người cảm giác nguy hiểm.
Einstein chủ nhân của Thuyết tương đối được cả thế giới coi là nhà bác học có bộ não vĩ đại, cho dù ông cũng là một trong vài người đã phát hiện ra nguyên lý bom nguyên tử, ném xuống Nhật Bản hai quả, tạo nên thảm họa cho nước Nhật cũng như nhân loại. Nhưng thế giới không đem chỗ nọ bỏ chỗ kia. Bởi vì họ không cố chấp mà biết chấp nhận. Sức mạnh nguyên tử cũng như vô vàn sức mạnh khác khi nó dùng vào việc có lợi thì nó có lợi, dùng vào việc có hại thì nó có hại.
Có phương ngôn “Văn hóa cao nhất là biết chấp nhận người khác”. Như vậy trái lại, không biết chấp nhận ai là vô văn hóa tuyệt đối. Có rất nhiều người Việt họ không muốn chấp nhận ai cả, các triết gia cổ xưa họ bảo “cổ lỗ”, các người mới như Ngô Bảo Châu họ bảo “chưa ăn thua”… Tóm lại họ chỉ muốn chấp nhận chính bản thân họ.
Mới đây chúng ta đưa tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo tự do của mỗi người, người ta đều có quyền đánh giá ông, nhưng một công dân tự do về ý thức sẽ bỏ phiếu kèm theo những ý kiến của mình, nhưng than ôi, ngay cả một chuyên gia nước ngoài cũng nói, người Việt có quá nhiều người ném đá với ý kiến vu vơ, mà chẳng có mấy ai biết “bỏ phiếu” theo trách nhiệm. Khi Việt Nam tham gia chứng khoán, có nhiều ý kiến chính thức nói “có tâm lý bầy đàn”. Không hiểu trong việc này tâm lý đó có xuất hiện không? Nước ta đã có đường biên độc lập, nhưng hẳn là cái phẩm chất tự do như một ông chủ tự tại của người Việt vẫn còn èo uột, là là theo tầm đầu gối mới lo bò mà chưa vươn người đứng thẳng hết tầm?!
NHĐ 21/10/2013
Tác giả gửi cho NTT blog
Nguyễn Hoàng Đức bàn thật chí lí.
Trả lờiXóaTheo Tiến Đặng, sở dĩ dân mình "quen/thích/ưa..." tinh thần nô lệ là vì một nguyên nhân căn bản ÍT HỌC. Đi thăm một vài địa chỉ văn hóa về những danh nhân Việt mà thấy buồn. Trong khi châu Âu người ta đã cho xuất bản Bách khoa toàn thư thì ở ta vẫn lụi hụi trong mớ sách giấy bản mà Nguyễn Khuyến gọi đích danh là dăm cuốn sách nát; trong khi ở các nước tân tiến người ta in cơ man nào là sách công cụ để nâng cao trình độ cho người dân thì ở ta hàng vạn người tự nguyện ... nộp tiền để đổi lấy mấy cái chứng chỉ, mấy tấm bằng hão huyền, thậm chí bán nhà và hoa màu để đổi lấy tấm bằng tiến sĩ cực kì ất ơ nào đó. Không có thực họ thì không thể có thực tài, không có thực tài thì không có thực nghiệp và không bao giờ có được tư cách độc lập. Thế thì là nô lệ.
Dân ta có câu nói khá là hay: Xui trẻ con ăn cứt gà sáp. Tưởng là đùa hóa lại rất chính xác. Vì đầu óc nô lệ nên luôn ăn cứt gà sáp lại ngỡ là socola. Ví dụ cái nạn Hợp tác hóa nông nghiệp thời nào. Ở Liên Xô, ở Trung Quốc hợp tác hóa đã gây chết đói hàng nhiều triệu người, thế mà ở ta vẫn nhắm mắt làm theo. Vì nô lệ như vậy nên ông Kim Ngọc mới bị coi là phản động khi ông ấy kiên quyết không chịu "ăn" cái món Hợp tác xã kia!!!
Căn tính nô lệ này buồn thay ở ta không ai chịu lên tiếng quyết liệt.
Nhìn sang Nhật Bản và cả Trung Quốc nữa thấy họ khác mình lắm.
Ông Lỗ Tấn là người tiêu biểu cho tinh thần cầu tiến.
Người Nhật Bản tuyên bố Thoát Á luận.
Con ta thì ra sức nghiên cứu vốn cổ không phải để từ bỏ mà để ... phát huy.
Dây nhợ cuộn đầy mình như vậy thì đến mùa quýt sao hỏa cũng không thoát kiếp nô lệ.
Chả biết Nguyễn Hoàng Đức có chia sẻ với Tiến Đặng không?