Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

CĂN BỆNH “LÀM DÁNG TÀI NĂNG”

Khi không còn khả năng chấp nhận sự khác biệt của đời sống, sẽ tự nhiên thành ra bảo thủ. Tâm lí bảo thủ phát triển dần tới tâm lí cực đoan, tuyệt đối không chấp nhận những gì không giống mình. Đích cuối cùng của não trạng này là bệnh tâm thần nghề nghiệp. Đây là căn bệnh tâm thần nghề nghiệp thực sự của tâm lí cuồng tín tới mức tâm thần.

Trong giới những người làm nghề âm nhạc hay hội họa thường hay xuất hiện những cá thể có tâm lí cực đoan về loại hình nghệ thuật hay phong cách nghệ thuật, nhiều hơn ở những nghề nghiệp khác, bởi tính đăc thù của đam mê nghệ thuật.(ngày nay chúng ta đã chứng kiến sự đam mê games quá ngưỡng cũng mắc bệnh tâm thần).

Các cá thể bị bệnh tâm thần có nghề nghiệp dính tới hai chữ nghệ thuật này, ban đầu chỉ biểu hiện đam mê, có khát vọng lớn lao về nghề “hội họa hay âm nhạc” đang làm. Sau phát triển cực đoan tới mức phủ nhận thậm chí xúc phạm hết thảy những ai có suy nghĩ và làm nghề khác với cách nghĩ và làm nghề của họ.


Trong giới làm nghề nghệ thuật như hội họa hay âm nhạc cũng có không ít những anh chàng giả vờ cực đoan để đôn cao tài năng vốn tầm thường của mình. Đây là những chàng nghệ sĩ háo danh và cơ hội, diễn vai đam mê và cực đoan nghề nghiệp âm nhạc hay hội họa. Sẵn sàng lớn tiếng xúc phạm sự tồn tại của thể loại nghệ thuật khác để “làm dáng tài năng”.


Chúng ta sống trong thế giới của sự khác biệt, vì vậy mà thiên nhiên cho chúng ta nhiều giác quan khác nhau để nhận biết và nhận thức những khác biệt. Những suy nghĩ cực đoan chính là đang tự teo, tự tiêu diệt. Ví dụ như trong âm nhạc, khi mãi mãi tôn vinh một thứ âm nhạc như nhạc cổ điển, đã làm cho âm nhạc cổ điển phát triển đến đỉnh cao tột cùng không còn cao hơn được, để tới mức dường như đã sa đà sang một thứ khoa học về tỷ lệ và liều lượng âm thanh. Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên những loại hình âm nhạc khác sẽ phát triển đáp ứng nhu cầu nâng cao và làm giàu tâm hồn bằng giải trí âm nhạc. Ví dụ như nhạc sĩ , ca sĩ John Ono Lennon, và những ban nhạc không phải nhạc cổ điểm hay giao hưởng sau John Ono Lennon. Và cũng đương nhiên không vì thế mà nhạc cổ diển mất đi vị trí cổ điển đỉnh cao. Con người vẫn cổ vũ rèn luyện những bản nhạc bất hủ của các nhạc sĩ cổ điển, mặt khác cũng không ngừng phát triển những thể loại âm nhạc khác tới những đỉnh cao mới. Tất nhiên khi còn chưa bị hủy diệt, văn minh con người không thể dừng lại ở bất kì đỉnh cao trí tuệ nào. Trong đó có cả đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc thính phòng cổ điển hay đỉnh cao hội họa phục hưng đã qua.Văn minh con người không thể dừng lại, bởi mọi nhu cầu tiện nghi và hưởng thụ tinh thần không thể dừng lại. Con người cần cả tranh “bờ hồ”, tranh dân gian và tranh cổ điển, tranh hiện đại.v.v…cũng như âm nhạc con người cần tất cả các thể loại. Nhạc giao hưởng hay nhạc thính phòng cổ điển không thể thay thế những bài hát mừng sinh nhật hay mừng Chúa giáng sinh, hay những bài hát ru của mọi vùng miền, mọi dân tộc… và sự khác biệt là tự nhiên.

21/11/2013

Hồng Hoang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét