Nguyễn Hoàng Đức
Nhìn một cái thấy ngay văn thơ Việt hầu như không có tác phẩm đồ sộ. Trong quá khứ đã có các tác giả khá lớn như Ngô Tất Tố với “Tắt đèn”, Vũ Trọng Phụng với “Số đỏ”, Nam Cao với “Chí Phèo”… có thể xem như những tác giả lớn có tác phẩm lớn. Chỉ có điều người ta nhìn thấy cái tầm vóc “lớn” đó mong manh lắm. Cái mong manh không phải do cảm thấy mà bằng suy lý đàng hoàng. Mọi người nhận ra rằng, dù những tác giả đó, những tác phẩm đó có vượt tầm đến đâu nhưng nó giống một buổi ban mai chưa đủ chín mồi để đạt đến đỉnh ngọ thiên.Mỗi một cái tháp khi đạt tới độ cao thì nó phải leo chính thang gác của mình, thang gác đó được xem là tính biểu tượng nhiều nhất cho hai từ “Tiến bộ”. Các nhà văn Việt Nam trong buổi đầu manh nha chạm chân vào con đường hiện đại tiến bộ dù có đạt được thành công bước đầu nhưng không đủ khí lực để làm thành “sưu tập” của công trình đồ sộ.
Việc này khác rất nhiều với văn hào Lỗ Tấn, người được coi là cha đẻ của nền văn học hiện đại Trung Hoa. Lỗ Tấn đâu có viết nhiều, chính ông cũng thừa nhận, ông không phải người viết ào ạt, tuyển tập của Lỗ Tấn cỡ trên dưới nghìn trang giấy, phải nói là “hơi ít”. Nhưng tại sao ông vẫn xứng danh là văn hào của một dân tộc lớn, thậm chí còn được xem là “cha đẻ của nền văn học hiện đại Trung Hoa”? Tại vì, thứ nhất ông sinh trưởng trong một nền văn học đã có truyền thống và những tác phẩm lớn như “Đông chu liệt quốc”, “Tam quốc”, “thủy Hử”, “Kim Bình Mai”, “Hồng Lâu Mộng”, đặc biệt có “Tây Du ký”… Thứ hai đó mới là lý do trực tiếp khi ông đưa ra phát hiện nhân sinh quan như tìm thấy châu Mỹ ngay trong lòng nước Tàu: “người Trung Quốc chỉ giỏi ăn thịt người”. Đó là lời nói phản tỉnh mạnh mẽ nhất không phải giành cho ai đó mà giành cho dân tộc có dân số đông nhất thế giới. Cảnh tỉnh táo bạo đó xứng đáng tấn phong ông lên làm cha đẻ của văn chương hiện đại. Phản tỉnh đó ở thế giới đã hiếm! Ở châu Á lại chẳng bao giờ có!
Về thơ thì còn rõ hơn, thời thơ Đường chói lọi của Trung Hoa đã kéo cả dải ngân hà chữ vụn qua bầu trời văn hóa tiểu nông, rút cục còn lại cỡ trăm câu hay tàm tạm, chục câu hay xuất sắc. Hãy thử nhìn một lâu đài, mấy mảnh vụn lóe sáng có khác nào mấy mảnh vỏ chai gắn lên tường. Mấy mảnh vỡ đó làm sao mang bóng hình của một cấu trúc vạm vỡ dâng lên từ nền móng để rồi tạo thành mũi nhọn cho người ta gắn lên một ngôi sao như ngôi sao của điện Kremlin?!
Tôi vừa đi thăm khu du lịch “Làng Văn Hóa” cách Hà Nội hơn 20 km theo đường Láng – Hòa Lạc. Sau khi tham quan tất cả, tôi và mấy chuyên gia rẽ vào thăm khu mô phỏng Đền Chăm. Đó chỉ là một khu mô phỏng bé tẹo, nhưng đã toát lên phẩm chất tinh thần của người tạo ra nó. Từng viên gạch được xếp theo lớp lang lên cao, mỗi mũi nhọn nhỏ xíu nhô ra cũng có một mô típ trang trí cầu kỳ, và tất cả sự sắp đặt đều ra thông điệp cho mọi người về một hệ thống chi ly và hoàn thiện đến mức không có điều gì nhỏ nhất bị bỏ qua hay xem thường. Tôi chỉ còn biết reo lên hai từ “thán phục!” thế là cùng lúc, mọi người đều bày tỏ sự thán phục của mình. Một chuyên gia về dân tộc Chăm cho biết, anh ta có xem một tài liệu, họ đưa dân tộc Chăm vào danh sánh vĩ đại tóp mười thế giới với hơn chục trang sách. Trong khi đó dân tộc Việt đứng áp chót với chỉ vẻn vẹn có hơn nửa trang giấy. Bởi vì người Việt chẳng có thành tựu gì về văn hóa để nói nhiều.
Tất cả các công trình lớn ở đời đều cho chúng ta biết: sở dĩ nó lớn là vì được sắp đặt trong bản vẽ của kiến trúc. Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc cho chúng ta thấy rất rõ điều đó. Văn hào Albert Camus có xác thực: “Không có sự sắp đặt thì tòa lâu đài chỉ là một đống đá”. Chúng ta thử hình dung, trong lớp mẫu giáo, trẻ con được phát những khối xếp hình. Trẻ con hoàn toàn có thể chồng 4 khối vuông lên nhau một cách dễ dàng, không cần một sự cố gắng nào cả. Rồi chúng cứ xếp lên, được 8, 9 khối là khó khăn rồi. Vậy mà sáng nay, đứng ngoài khu Big C, phía đối diện tôi thấy một cần cẩu bé tẹo được lắp đặt cao hơn tòa nhà 30 tầng, và đang thao tác việc xây dựng. Tại sao cái cần cẩu nhỏ xíu đó vươn lên cao chót vót mà không bị đổ? Vì khi nhà xây cao tới đâu, người ta liền lắp ráp hai thanh sắt hai bên như hai cạnh tam giác áp vào nó, như vậy nó đã được níu giữ theo cấu trúc hình học thật vững chắc.
Không thừa tí nào, cây cối trong tự nhiên cũng vươn lên theo cấu trúc Dọc và Ngang. Những cái cây muốn lên cao tự chúng phải trổ ra những cành ngang, rõ nhất như cây bàng thường được trồng trong sân trường phổ thông.
Nếu người ta muốn dệt tấm vải dài ra thì người ta phải đan cài sợi ngang vào sợi dọc, có thế tấm vải mới có thể thành hình. Các triết gia Hy Lạp cho rằng: con người không có lý trí thì không thể hạnh phúc chứ đừng nói đến thành công. Tất cả những dạng cờ bạc rượu chè hút chích sa đà là bởi họ thấy vui cứ lao đầu vào hưởng thụ mà không thể dùng lý trí kìm nén bản thân. Người ta cũng cho rằng: không có giáo dục, con người không thể thành người. Mà giáo dục chính yếu là học tập và rèn luyện lý trí (reason). Người Trung Hoa đã tóm gọn điều này trong hai câu:
1- “Nhân bất học bất tri lý” – Người không học thì không biết lý lẽ.
2- “Có lý đi khắp thiên hạ. Không có lý không qua nổi một bước chân”.
Như vậy cả Tây lẫn Đông đều gặp nhau ở điểm: không có giáo dục, không thể có lý trí. Không có lý trí thì không thành gì cả. Quay lại “Làng Văn Hóa”, chúng tôi có hỏi vị đầu tư cho khu du lịch, thì được biết: tất cả khu du lịch có thể đẽo đục, lắp ráp, đan cài, lợp rắt trong một năm, nhưng riêng khu Đền Chăm mất bốn năm mới hoàn thành. Nào chúng ta hãy thử so sánh, tất cả sự đẽo đục tranh tre nứa lá nằm trên một quần thể rộng lớn có thể hoàn thành trong một năm, nhưng khu đền xếp gạch bằng lý trí chi li kia đòi hỏi thời gian gấp 4 lần.
Đấy là sự so sánh giữa công trình tre nứa làm trong vài tháng với cấu trúc cột kèo ngang dọc. Còn một bài thơ 4 câu hay nhiều hơn vài câu chỉ làm trong buổi tối là một chiếc rổ, chiếc rá hay chiếc chuồng gà thì sao? Chúng ta nên đối mặt với điều này, hàng triệu bài thơ Đường không thể đổi lấy một tác giả hay một tác phẩm như “Tây Du ký”. Còn ở Việt Nam, ngót ngét cả triệu nhà thơ làm thơ như người ta nói “hắt hơi” mấy câu đâu có ai được gọi là thi hào như Nguyễn Du, còn được tấn phong là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Mà Nguyễn Du chỉ là người đi sao – chế lại chuyện hạng hai của Tàu. Nhưng tại sao ông vẫn thành công hơn cả vạn nhà thơ lẻ. Đơn giản dù ông đi chép, ông vẫn sao chụp và dựng lại được một cấu trúc hệ thống to lớn. Một kỹ sư học ở nước ngoài về rồi chuyển giao công nghệ cho cả một dây chuyền sản xuất vẫn còn hơn anh thợ gò cứ hí hửng mình đã sáng tạo ra được một kiểu nồi. Thật ra gò một chiếc nồi mới còn vất vả gấp hàng chục lần làm một bài thơ vụn. Nhìn chiếc lều tre, tôi bỗng liên tưởng đến đó là một bài thơ nghêu ngao mấy thanh tre, mấy sợi rơm. Nếu tập trung cả vạn chiếc lều đó liệu có nổi một kiến trúc sắp đặt đáng nể như một đền thánh không? Chắc là không rồi. Một vạn cái rổ xếp lại đâu có thành nổi kiến trúc của một chiếc xe ngựa, chưa nói đến một chiếc ô tô hay tên lửa.
Thơ vài câu, trường ca thì không có nhân vật, truyện ngắn thì yếu tình tiết, tiểu thuyết thì yếu tư tưởng rồi hành động yếu. Tóm lại, đó là tất cả những gì không cãi nổi thuộc về lý trí. Không có lý trí thì không có cấu trúc. Không cấu trúc thì mong gì có công trình lớn. Có mấy bài thơ nhỏ lẻ sản phẩm trong một lúc một nhát, một sớm một chiều, mà lại giầu mộng mơ ngang ngửa giải Nobel thì có quá phù phiếm không? Tôi sẽ viết một bài bàn sâu về sự khả thi giải Nobel của người Việt trong một loạt bài tới đây. Xin chào và cám ơn bạn đọc.
Tác giả gửi cho NTT blog
NHĐ 22/02/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét