Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Nghị định 174 vẫn rất mơ hồ

TƯỜNG THỤY

1. Sai từ văn bản nhưng không chịu sửa


Trong bài Hiểu và áp dụng NGHỊ ĐỊNH 174/2013/NĐ-CP như thế nào đây, thưa các bác??, tôi có đề cập tới chuyện cùng một hành vi nhưng lại có 2 mức xử phạt khác nhau.

Nhóm hành vi:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

theo điều 64 thì phạt 30 đến 50 triệu đồng, còn theo điều 65 thì bị phạt 70 đến 100 triệu đồng.

Cho đến bây giờ, sự mâu thuẫn này vẫn yên vị trong văn bản.

Liệu Chính phủ có ý định cứ để thế, muốn xử nhẹ thì áp dụng điều 64, muốn xử nặng thì áp dụng theo điều 65? Chẳng lẽ nghị định của Chính phủ lại luộm thuộm đến thế hay sao?

Hay là sửa lại thì mang tiếng là nghe theo cư dân mạng, vô hình trung thừa nhận mình sai, nó kém oai đi.

2.Điều khoản mơ hồ


Bây giờ xin bàn thêm một số lỗi của nhóm hành vi trên. Cũng như điều 79, 88, 258 của Bộ luật hình sự, trong nghị định này còn những khái niệm còn rất mơ hồ. Vì nghị định xử phạt này dài dằng dặc, tôi chưa đọc hết nên chỉ bàn về điều 64 và điều 65. Cả hai điều này đều qui định xử phạt đối với một nhóm hành vi giống hệt nhau mà tôi đã nói ở trên.

Với nhóm hành vi nói trên, cần phải hiểu đúng, làm rõ một số khái niệm sau:

- Tư tưởng phản động là gì? Từ điển định nghĩa, phản động là "Có tư tưởng, lời nói hoặc hành động chống lại cách mạng, chống lại trào lưu tiến bộ".

Vậy những người tuyên truyền cho những tư tưởng tiến bộ, thí dụ tuyên truyền cho dân chủ, nhân quyền, tức là hậu ủng cho cái ghế của VN ở Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc có bị coi là phản động không. Tuyên truyền về biển đảo, tuyên truyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam có bị coi là phản động không vì đã có nhiều người khốn khổ về chuyện này. Nhận bản Tuyên ngôn nhân quyền sau đó xé bỏ, vứt vào thùng rác có bị coi là phản động không?

Hầu hết các nước từng theo chủ nghĩa Mác đã từ bỏ nó để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Chủ nghĩa Mác đã làm cản trở sự phát triển của nhận loại, cứ áp dụng ở đâu là ở đó đì đẹt, trì trệ, điều này đã rõ. Vậy cổ súy cho chủ nghĩa Mác, bắt cả nước đi dưới "ánh sáng soi đường" của chủ nghĩa Mác thì có bị coi là phản động không?

- Lịch sử một đằng, nói một nẻo. Ví dụ dựng các hình tượng không có thật, hoặc bịa ra những cái tốt mà nhân vật không có, nếu người của "phe ta", gán cái xấu cho nhân vật họ không có, nếu là "phe địch", có bị coi là xuyên tạc lịch sử không. Cắt đi một giai đoạn lịch sử trong giáo trình, không cho học sinh học có bị coi là xuyên tạc lịch sử không?

- Thế nào là danh nhân? Anh hùng dân tộc? Theo tôi biết thì nước ta có 2 danh nhân văn hóa là Nguyễn Trài và Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa. Xúc phạm đến 2 vị này thì bị phạt là đúng rồi.

Vậy ngoài ra, còn ai là danh nhân, anh hùng dân tộc? Cấp nào được quyền công nhận, công nhận bằng văn bản nào? Chứ ông lãnh đạo này bảo ông A, B là anh hùng dân tộc, ông kia lại bảo ông B, C thì dân không biết đằng nào mà lần.

Vì vậy, Chính phủ phải có danh mục danh nhân, anh hùng dân tộc để những người dùng mạng biết lối mà còn tránh.

v....

Qui định gì đi chăng nữa, là luật hay dưới luật cũng phải cụ thể, rõ ràng. Làm sao cũng một hành vi, với bất kỳ người nào có quyền xử phạt cũng phải xử giống nhau, không thể khác được. Không thể xử phạt theo kiểu tùy hứng. Cãi không nổi thì dùng quyền để lấn át, xử cho bằng được theo ý thích của mình. Như thế thì đừng nói tới xây dựng nhà nước pháp quyền nữa.

03/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét