Chương trình Tết Giáp Ngọ
Tôi giật mình ngoảnh lại, thấy vợ đứng đằng sau từ lúc nào.
- Có gì đâu. Bên "Áo trắng" họ phát động cuộc thi chào đón xuân mới. Anh đang tính tham gia, may ra kiếm được cái giải gì đấy.
Nghe nói đến giải, chắc vợ tôi cũng đủ thông minh để đoán ra là nó liên quan đến tiền hay một thứ tặng phẩm nào đó. Nàng tỏ ra dễ dãi:
- Thế thì việc gì mà phải lấm la lấm lét như buôn bạc giả vậy, hễ thấy em vội chuyển sang trang khác là sao.
- Thì anh vừa viết, vừa phải xem lại thể lệ, nhỡ viết chệch tiêu chí đi có phải mất công không.
- Đưa em xem thể lệ thế nào nào.
Tôi mở trang thông báo về cuộc thi truyện ngắn và thơ xuân trong diễn đàn, hướng dẫn vợ cách chuyển trang, rê chuột cẩn thận rồi nhường chỗ cho nàng, lánh sang bàn tranh thủ uống nước.
Bỗng nàng hỏi giật giọng:
- Nắng Xuân là con bé nào? Tên đẹp thế này chắc xinh lắm đây. Thảo nào suốt ngày cứ thậm thậm thụt thụt.
Tôi cuống quýt, giải thích:
- Không phải đâu em. Đấy là một thầy giáo giảng dạy ở Đại học Cần Thơ, người sáng lập ra diễn đàn này.
Nàng không tin:
- Anh nói dễ nghe nhỉ, cứ làm như em ngu lắm ý. Con trai chẳng ai đặt tên như thế bao giờ cả.
Tôi gãi đầu, tìm cách nói sao cho nàng dễ hiểu:
- Đấy không phải là tên người mà chỉ là tên hiệu, nó gần như cái bút danh ấy. Cũng giống như anh viết báo, có lúc không muốn ký tên mình mà ký tên em thì chả tên phụ nữ là gì.
Rồi tôi lại lục tất cả các thông tin về Nắng Xuân cho nàng đọc, nàng mới thôi căn vặn, yên tâm "nghiên cứu" tiếp.
Chợt nàng bảo:
- Này, anh thi truyện ngắn được đấy. Ẵm giải là cái chắc.
- Sao chắc?
- Có thế mà anh không nghĩ ra à. Truyện ngắn có ma nào nó gửi bài đâu. Mới có nhõn hai cái. Vậy mà vẫn được năm giải như hai "thằng thơ". Cứ cho rằng có thêm ba truyện nữa đi thì năm "đứa" chia nhau năm giải, vui vẻ cả. Anh dốt cũng cầm chắc giải khuyến khích.
Hai "thằng thơ" mà nàng nhắc tới là mảng thơ Đường luật với mảng thơ truyền thống và hiện đại khác nói trong thể lệ cuộc thi. Tôi giải thích cho nàng rằng không hẳn như thế. Không phải cứ ít bài dự thi thì muốn viết hươu vượn gì người ta cũng trao đủ năm giải đâu.
Nàng ngẩn ra:
- Ừ, thế cũng phải. Chứ cứ viết linh ta linh tinh như anh mà cũng trao giải thì còn gì là uy tín cuộc thi nữa.
*
Dù sao thì vợ tôi cũng có lý phần nào. Tôi nghe nàng, bắt tay vào viết một cái truyện ngắn. Hàng ngày, thường là chừng mười giờ đêm, nàng chờ tôi không được, đi ngủ trước. Còn tôi ngồi đánh vật với chữ nghĩa tới hai, ba giờ sáng, mặc cho nàng hết trở mình lại ngồi dậy đập muỗi.
Thấy tôi viết mãi không xong được cái truyện ngắn, vợ tôi tỏ ra thương hại:
- Hay anh đừng viết truyện nữa. Viết truyện phải gõ nhiều mà giá trị giải thưởng lại không cao hơn. Anh nên chuyển sang làm thơ, chỉ cần nhởn nhơ gõ nửa trang cũng bằng "thằng" hùng hục viết năm, sáu trang truyện. Tha hồ nhàn.
Tôi xếp cái truyện ngắn chưa rõ hình hài lại, chuyển sang làm thơ. Nhưng thật khốn khổ thân tôi. Viết ê a chắc giám khảo chỉ đủ kiên nhẫn đọc mấy câu đầu. Mà viết cho thành thơ thì tôi đâu sẵn chữ. Tôi định làm bài thơ khoảng mười lăm câu, tính ra chừng một trăm chữ, cần ba bốn trăm nhát gõ. Nhưng tôi gõ đi gõ lại thành vạn nhát rồi mà nó vẫn chưa hình thành.
Cuối cùng tôi cũng hoàn thành được bài thơ lục bát sáu câu. Tôi hí hửng đưa cho vợ duyệt trước, cũng là để khoe với nàng:
- Hay rồi em ạ. Thế nào cũng được Ban giám khảo để mắt tới.
Rồi tôi gại giọng, đọc sao cho diễn cảm. Xong, lại phân tích cho vợ hiểu cái hay của câu này, cái đắc địa của chữ nọ.
Nàng liếc qua, dửng dưng:
- Ngắn quá, làm sao người ta trao giải. Họ sẽ đánh giá là anh lười biếng, gõ mấy chữ mà cũng ngại, thiếu tôn trọng giám khảo. Muốn đoạt giải thì anh phải viết được hăm tám, ba mươi câu, miễn là đừng quá giới hạn. Còn thơ có mỗi sáu câu như của anh thì giải khuyến khích cũng không đáng. Em biết đánh máy á, chỉ cần ngồi gõ một tẹo có mà ra cả trang.
Tôi đã cảm thấy mệt mỏi. Nhưng tâm lý tôi lại muốn cố tham gia cuộc thi, mong được phần thưởng gì đó để làm vui lòng vợ nhân dịp xuân mới. Tôi nghĩ phải làm được cái gì cho xứng với công nàng suốt ngày canh mấy đứa trẻ con vừa nghịch như quỷ sứ vừa hay trốn học để tôi yên tâm ngồi viết và tụ tập bạn bè. Còn có được hay không lại tùy vào cái đầu của tôi nó tối tăm hay sáng láng nữa chứ.
*
Thấy tôi lọ mọ quá, vợ tôi bảo mở thể lệ cuộc thi cho nàng xem lại. Nàng hỏi:
- Thế thơ Đường luật là cái gì?
Tôi trả lời đó là thể thơ làm theo luật thơ thời Đường bên Trung Quốc, mỗi bài tám câu, mỗi câu có bảy chữ...
Như Ác-si-mét khi phát hiện ra định luật về lực đẩy của nước, nàng reo lên:
- Thế mà anh không bảo em ngay từ đầu. Thôi, chuyển ngay sang thơ Đường luật đi. Khỏi phải cạnh tranh với bố con đứa nào. "Chúng nó" muốn viết dài hơn anh cũng không thể được.
Tôi nhăn nhó:
- Nhưng anh chưa học về thơ Đường luật, làm sao có thể thi.
- Thì cứ nhìn người khác viết thế nào rồi bắt chước làm theo. Có năm mươi sáu chữ, khó gì. Như em đây này, ngày xưa đi làm "hợp tác", có ai dạy đâu mà mỗi ngày cũng cuốc được mười luống đất.
NTT
NTT
- Thơ Đường luật là gì hả mẹ?
Trả lờiXóa- Giời ạ. Chúng mày bây giờ sao mà dốt thế! Là thơ mà Bộ GTVT làm để phổ biến luật đi đường cho người dân đấy hiểu chưa?! Chẳng ai chịu học thuộc thơ này, đâm ra cứ đi theo tư duy của vịt!
- Là đi kiểu gì hả mẹ?
- Thì thấy chỗ nào có lỗ trống là nhào vào! Đâm ra tắc cả đám, rồi đứng nhìn nhau, mặt đần như ngỗng ỉa!