Nguyễn Hoàng Đức
Tại sao nước ta đang đặt ra nhiệm vụ cấp thiết vĩ mô phải “Tái cơ cấu” hệ thống kinh tế?
Bởi lẽ, rõ ràng cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước tập trung khổng lồ là một cơ cấu sơ cứng làm ăn không hiệu quả, một thứ ổ của thất thoát và tham nhũng, và nói dễ hiểu như người Việt đó là thứ “cha chung không ai khóc”.
Tại sao tập đoàn kinh tế lại làm ăn thua lỗ? Vì Theo nguyên tắc lý thuyết cứng được cả thế giới thừa nhận và áp dụng, đó là: nhà nước là cơ quan quyền lực không thể cùng lúc làm kinh tế.
Nhà nước là cơ quan quản lý chính trị, cơ quan quyền lực, vì thế ưu tiên của nó chủ yếu là thăng quan tiến chức.
Nhưng đã làm kinh tế thì cần có lãi. Kinh tế mà không có lãi tự nó sẽ sụp đổ. Nhà nước là cơ quan quyền lực nhưng cần thực hiện những lý tưởng tốt đẹp để làm cho dân giầu nước mạnh. Nhà nước không thể như kinh tế lúc nào cũng đòi có lãi. Bởi vì nhà nước lãi thì dân phải lỗ. Nhà nước là quyền lực nhưng phải hữu ái, khoan dung, là đầy tớ của dân để dịch vụ cho dân sống tốt. Có là quan lại đi nữa thì là “quan phụ mẫu” yêu dân như con đỏ.
Khi nhà nước làm kinh tế thì nhà nước kiêm luôn cả “con buôn”. Quan lại mà xuống hàng “con”, con hát, con đàn, con đĩ, con buôn thì làm sao thượng đẳng và tốt đẹp xứng đáng là một chiếc đầu dẫn dắt dân chúng?! Chúng ta vẫn có lệ, hoàn thành một cái cầu, một nhà máy lại hô hào dùng “quyết tâm chính trị” để hoàn thành cầu. Vụ sập cầu Cần Thơ làm vài chục người chết, cho đến vụ đứt cầu treo ở Lai Châu mới đây, thấy rằng những công trình cần các cơ số kỹ thuật, an toàn, lỗ - lãi, chứ không cần quyết tâm chính trị. Kinh tế đan xen với chính trị thì chính trị thắng tuyệt đối, còn kinh tế thua tuyệt đối. Và đó cũng là lối làm ăn “nôm na mách qué”, ù xọe ăn gian, làm cái ổ cho tham nhũng, thậm chí ăn cắp trắng trợn như “xi măng cốt tre”…
Trong một bộ phim của phương Tây có cảnh. Con thuyền chuẩn bị nhổ neo ra khơi đi tìm châu Mỹ. Một đám lang thang vô công rồi nghề kéo xuống tầu xin làm thủy thủ. Thuyền trường hỏi:
- Các anh có tay nghề không? Đám lang thang đáp:
- Không! Nhưng chúng tôi có lòng nhiệt huyết nồng nhiệt!
- Ở đây, chúng tôi cần những người có chuyên môn, chúng tôi không cần những người nhiệt huyết. Bằng sự nồng nhiệt của mình các anh làm sao cứu vãn con thuyền khỏi sóng to gió lớn, để rồi tất cả chết chìm theo sự nồng nhiệt của các anh sao?!
Lãnh tụ cộng sản Lê-nin đã chẳng từng nói đó sao “Nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng Phá hoại”.
Nền kinh tế “vé kèm” chính trị của Việt Nam mang sẵn mầm thất bại trong lòng nó, vì như thánh Gandhi của Ấn Độ nói “chỉ có phương tiện thuần khiết mới dẫn đến thành công”. Người Việt nói giản dị “xay thóc thì khỏi ẵm em”, cũng còn nói “nôm na là mách qué”. Trong âm nhạc người vừa đàn vừa hát, không thể trình tấu được những bản nhạc lớn có độ khó cao, chỉ khi người đệm đàn thì người hát mới giành trọn sức mình cho những bản nhạc khó. Chính nguyên lý này mà các đối tác làm ăn với Việt Nam muốn chúng ta phải cổ phần hóa doanh nghiệp. Tại sao? Chỉ có vậy các giám đốc, các công nhân mới liên quan trực tiếp đến vốn của mình, chứ không thể “cha chung không ai khóc”, tiền chùa tiêu thả cửa, thất bát đã có Liên Xô lo, hay nhà nước chịu.
Kinh tế đã thế, còn văn học thì sao? Trong văn học cũng giống hệt vậy, đó là nguyên lý chung không có ngoại lệ. Đã làm cán bộ “nhà máy viết văn” thì làm sao thành nhà văn được. Vì Hội – Nhà máy chỉ đảm bảo cho người ta thăng quan tiến chức chứ làm sao còn lo viết văn?! Nhà văn làm sao thành, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trước đây, cứ phần thời sự trên truyền hình mỗi tối là thấy ông xuất hiện trong hoạt động văn hóa đi úy lạo chỗ này, tổng kết chỗ kia, thì tâm hồn còn đâu chỗ để làm thơ. Một văn hào Pháp có câu “Một nhà thơ làm chính trị, chúng ta mất một nhà thơ và được một nhà chính trị tồi”. Nhà thơ mà lúc nào cũng hớn hở giữa đám đông tiệc tùng sơ kết, tổng kết đi ra, chưa kể xum xuê chạy giải hay giả đò “quyết tâm chính trị”, thì làm sao tránh khỏi “diện bất sầu tâm bất quảng”? Than ôi, làm thơ mà không mang vỉa quặng trĩu nặng của tâm hồn thì làm sao khai quặng để nấu thép đây? Thảo nào mà đa số nhà thơ của chúng ta chẳng chịu học hành rèn luyện tri thức gì cứ khăng khăng biện hộ bằng cách tuyên bố “viết văn phải có khiếu!” “Viết văn phải có thiên bẩm!” Người ta không hiểu được rằng các thiên tài được phát hiện trổ bông sinh thời cũng do họ đã mang thiên năng học tập tu luyện từ kiếp trước.
Nhưng tại sao hệ thống chính trị tái cơ cấu mà lại bỏ rơi văn học ra ngoài? Bởi lẽ so với tầm vóc quốc gia, các chính trị gia chỉ coi văn học con đẻ của quốc doanh là thứ chậu hoa cây cảnh, cả lâu đài lớn có vài vạt hoa trước cửa, cứ để đấy khi nào lâu đài tái cơ cấu xong, dọn dẹp đất cát tàm tạm, rồi xén hoa tỉa cỏ chỉ trong một thoáng một chốc.
Mới đây nhà phê bình nằm lâu trong chăn mậu dịch Lại Nguyên Ân đã thẳng thắn, đại ý: những cái “hay” của thơ các đồng chí cán bộ, xưa nay chẳng qua là được xuê xoa, cả nể, bao dung, bỏ qua mà có, chứ xét nét ra thì có gì nào? (câu nguyên xi tôi đã trích ở bài trước “Văn thơ Việt bé như manh chiếu hát xẩm” nên không muốn nhắc lại). Chúng ta thử nghe một đoạn đối thoại theo mô hình trên nhé:
- Các anh bước xuống tầu văn học để làm gì? Sao không đi làm ruộng hay vào nhà máy đi?
- Làm ruộng thì phải có đất, quê chúng tôi đất bị lấy cho các dự án đại công nghiệp hay sân golf hết cả rồi!
- Sao các anh không vào nhà máy mà làm?
- Vào nhà máy làm công nhân phải có tay nghề. Còn chúng tôi chưa kịp học nghề, vì chủ yếu là nông - binh, làm ruộng hay đi lính về.
- Vậy các anh là dân lang thang vô công rồi nghề?
- Không chúng tôi đầy nhiệt huyết! Vả lại chúng tôi làm thơ!
- Các anh không biết nhiệt huyết có thể làm đắm những con tầu lớn à?
- Nhưng nó là con tầu ở trên các đại dương. Còn văn học của ta đâu có là biển cả mà lo. Vả lại ở nhà chúng tôi vẫn dùng đũa cả bơi thuyền tôn ra ao rau muống để hái. Nếu thuyền có chìm, chúng tôi lội liền, đội nó lên đầu mang lên bờ ngay.
- Thế các anh tưởng có thể vác được cái thuyền văn học này lên bờ chắc?
- Chuyện vặt! Các anh cứ cho tôi vào hội, càng đông càng vui chứ sao! Người mình có câu “thớt có tanh tao ruồi mới đậu”, ở đây có vị tanh cho chúng tôi vào với. Còn vác cái thuyền văn học cán bộ bé tẹo của các anh thì lo gì! Anh có tin không chúng tôi chỉ cần nhờ một nhân vật mù chữ chẳng biết làm gì ngoài gãi háng, hắn sẽ nhấc bổng con thuyền văn học của các anh đem vào trưng bày ở miền Trung ngay…
Ở đời, đại thụ đâu có đứng cạnh nhau. Thậm chí hai hổ không ở chung một đỉnh núi. Chỉ có cỏ lác là xúm xít cả vạn trong một bước chân. Sư tử đi một mình, còn cừu thì đi theo bầy. Nhà văn, nhà thơ độc lập mới thành cây bút, chứ còn rủ nhau đi làm là vác cuốc ra đồng. Nhà máy viết văn rồi cũng phải đến lúc cổ phần hóa để mang trách nhiệm. Chứ còn để nguyên trạng thế này, thì chỉ thấy cán bộ khoe chức chứ làm sao thấy nhà thơ khoe có thơ hay? Việc tranh nhau lên diễn đàn đọc thơ, không phải khoe thơ, kỳ thực cũng chỉ là khoe chức, ta thế nào mới được phần ở diễn đàn. Việc đăng báo hay in sách, hay giật giải cũng vậy, đó cũng chỉ cách cơ số chức vụ của ta ở mức nào. Chức vụ ở ta chắc chắn là luôn tỉ lệ thuận với giải thưởng. Nhưng cũng chắc chắn là chúng luôn tỉ lệ nghịch với giá trị. Trong đám cỏ lác thì làm sao mọc ra đại thụ?!
NHĐ 03/03/2014
Gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét