Lê Tuấn
(Tham luận tại Hội thảo 'Việt Nam: Tự do cho báo
chí" do hội Nhà báo độc lập VN tổ chức tại Sài Gòn ngày 3/7/2015)
Kính thưa quý vị,
Điều 19 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ghi
nhận: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này
bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm
kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền
thông không kể biên giới quốc gia.”
Tự do báo chí là một trong những nền tảng cơ bản
của một xã hội dân chủ thực sự bởi nó trợ giúp giám sát xã hội và thể chế nhà
nước, tăng cường chính nhiệm giải trình của chính quyền trong chính sách và chủ
trương phát triển đất nước. Do đó, tự bản thân nó đã là một quyền tự do căn
bản, bất khả xâm phạm.
Và dù không mang tính tuyệt đối, nhưng nhất
thiết phải đảm bảo những giới hạn trong khuôn khổ pháp luật không ngăn cản hoặc
làm giảm vị trí, vai trò và trách nhiệm của báo chí trong đời sống cộng đồng.
Thế nhưng, tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Vụ
trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư lại khẳng định rằng: “Báo chí
[Việt Nam] phải trở thành công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng,
bảo vệ hệ tư tưởng của Đảng.”.
Tiếp đó, ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
- Nguyễn Phú Trọng, người có phát biểu trong dịp 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng
Việt Nam đã nhắc lại: “Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin
thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng
tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng.”.
Và rằng, “báo chí luôn được đặt dưới sự lãnh đạo
của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế
phát triển chung hiện nay. Báo chí phải là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của
Đảng trên mặt trận tư tưởng.”.
Chính tư tưởng cầm quyền báo chí và biến báo chí
thành công cụ nêu trên đã khiến cho nền báo chí nhà nước Việt Nam biến dạng so
với chuẩn mực của nền báo chí thế giới, biến các cơ quan chủ quản báo chí được
quy định trong Luật báo chí trở thành nơi cung cung cấp nguồn báo Đảng khổng
lồ, biến diễn đàn của các cơ quan hành chính, sự nghiệp xã hội thành “cơ quan
tuyên truyền của Đảng”, biến “diễn đàn của nhân dân” trở thành “diễn đàn định
hướng của Đảng”.
Kiểm duyệt và định hướng Đảng trong báo chí cũng
là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho sự tiếp cận nguồn tin của người
dân bị hạn chế, thậm chí là méo mó về thông tin nhận được.
Kính thưa quý vị,
Đây không phải là thực trạng mới nổi của nền báo
chí Việt Nam mà thực chất ra, nó là sự duy trì cố hữu các ràng buộc báo chí vào
trong việc bảo vệ chế độ cầm quyền từ khi nhà nước Việt Nam còn mang tên Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Vào tháng 6/1957, Sắc lệnh về xuất bản số 003
được ban hành, trong đó, điều thứ nhất ghi nhận rằng: “Quyền tự do xuất bản của
nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Tất cả các xuất bản phẩm đều không phải
kiểm duyệt trước khi xuất bản.”. Tuy nhiên, cũng tại Sắc lệnh đó, lại quy định
về “tính chất và nghĩa vụ của ngành xuất bản” theo Điều 4: “Ngành xuất bản có
nhiệm vụ đấu tranh chống mọi tư tưởng, hành động có tính chất phá hoại sự
nghiệp củng cố miền Bắc”.
Tháng 12/1958, Nghị quyết của Bộ chính trị BCH
T.Ư Đảng Lao Động Việt Nam về công tác báo chí đã nhấn mạnh: “Dưới chế độ ta,
báo chí là người cổ động tuyên truyền tập thể, là người tổ chức tập thể, là một
công cụ của Đảng để lãnh đạo quần chúng, là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén
chống kẻ địch.”.
Thưa quý vị,
Nhưng như đã nói, sau 58 năm, cũng giống như cơ
quan lãnh đạo cao nhất của ngành báo chí – thông tin là Ban Tuyên Huấn năm 1958
được thay bằng Ban Tuyên giáo 2015. Báo chí Việt Nam vẫn bị khống chế bởi các
điều luật, trong đó, đảm bảo tính tuyên truyền và định hướng báo chí nhằm bảo
vệ chế độ. Các điều luật “bảo vệ chính quyền, chế độ” đã hạn chế khả năng thực
hành chức năng báo chí thực chất và sự tiếp cận của người dân đối với thông tin
báo chí.
Ở đây, tôi xin đề cập đến một dự luật mới liên
quan đến lĩnh vực quản lý báo chí nước nhà, đó chính là Dự thảo Luật Báo chí
sửa đổi do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra.
Dù được đánh giá là “có nhiều điểm đổi mới,
trong đó tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí năm 1989 và dự báo xu hướng phát
triển của báo chí thời gian tới” nhưng, dự thảo luật này tiếp tục “thể chế hóa
các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí
trước yêu cầu mới; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước” trong
lĩnh vực báo chí.
Trong đó, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 5 tiếp tục
ghi nhận nhiệm vụ của báo chí Việt Nam là: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần
xây dựng, thực hiện và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng.”.
Như vậy, một khi sự định hướng và tuyên truyền
thông tin của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong
lĩnh vực báo chí được ghi nhận như thế, thì vô hình chung, nó biến toàn bộ Đối
tượng được thành lập cơ quan báo chí theo Điều 16 bao gồm: “Cơ quan của Đảng,
cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính
trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp” trở thành một khối cơ
quan, tổ chức Đảng duy nhất.
Như vậy, sự đe dọa vật lý và pháp lý đối với hệ
thống báo chí, buộc nền báo chí phải theo một khuôn khổ xuất phát từ chính từ
cách vận dụng luật để trói buộc sự tự do báo chí, khiến cho vai trò và chức
năng của báo chí theo đơn vị ngành nghề trong xã hội không thể phát huy hết
chức năng, vai trò báo chí trong “thông tin thiết yếu cho đời sống; cơ quan
ngôn luận của tổ chức xã hội, nghề nghiệp; diễn đàn thực hiện tự do ngôn luận
của nhân dân” như quy định trong Luật báo chí và dự thảo Luật báo chí.
Nói một cách khác, báo chí nhà nước hiện thời bị
chính quyền cưỡng đoạt lấy ½ chức năng, khiến chức năng và nhiệm vụ báo chí bị
bẻ cong và thay thế vào đó là chức năng “tuyên truyền.”.
Và một khi đã như thế, thì quyền “Được thông tin
qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới” theo Khoản 1, Điều
13 - Dự luật báo chí 2015 có thực sự tồn tại trên thực tế?
Đây chính là một trong những nguyên nhân gốc gây
nên thực trạng ngày một bi thảm đối với chính nền báo chí chính thống Việt Nam.
Và một trong số đó là dù có hơn 849 cơ quan với
hơn 1.000 ấn phẩm báo in, nhưng lượng báo in liên tục sụp giảm, độ nhanh nhạy
và đa chiều dần bị các mạng xã hội vượt mặt (trong đó có facebook). Bản thân
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Hoàng Hữu Lượng trong dịp 90 năm báo chí
cách mạng Việt Nam, báo có số lượng phát hành top đầu lại thuộc về: “Báo Nhân
Dân cùng với một số cơ quan báo in khác như Tạp chí Cộng sản và một số tờ báo
Đảng địa phương như Hà Nội Mới, Sài Gòn giải phóng.”.
Chưa kể, tự bản thân báo chí nhà nước cũng buộc
phải “cải hóa”, phải cổ vũ lối sống thực dụng để tồn tại trong cơ chế cạnh
tranh. Điều này khiến cho nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên
Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá T.Ư, người gần nửa thế kỷ cầm bút phải than lên
trong Hội thảo khoa học “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên
số” tổ chức tại Hà Nội sáng 10/06, rằng: “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải
đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người
giờ không dám nhận là nhà báo vì báo sai sự thật quá nhiều. Có những cái sai
không ngờ.”.
Sự bùng nổ thông tin và phát triển mạng xã hội
đang khiến cho “đường lối Đảng” trong báo chí co thắt trở thành sợi dây thòng
lọng, thế nhưng, lãnh đạo Đảng –Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục duy ý
chí, áp đặt “tuyên truyền và định hướng Đảng” lên tất cả các tờ báo, thuộc
nhiều cơ quan, sự nghiệp xã hội khác nhau, ông nói: “Cạnh tranh là để phát
triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin
nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng
những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền” và theo ông, “Muốn thế, người làm
báo phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng.”.
Và vì thế, trong giai đoạn đầu của thế kỷ XXI,
Việt Nam với gần 100 triệu dân, hàng trăm ngàn phương tiện, ấn phẩm, loại hình
báo chí nhưng lại… chỉ thiếu mỗi 1 sự tự do.
Kính thưa quý vị, điều đó cho chúng ta nhận thấy
rằng:
Một, sự tự do hoạt động trong lĩnh vực báo chí
đối với các tổ chức, cá nhân trong hệ nhà nước luôn đặt trong tình trạng bị
định hướng và tuyên truyền bởi Ban tuyên giáo T.Ư. Do đó, thay vì thông tin và
cung cấp, báo chí Việt Nam được sử dụng như một công cụ tuyên truyền để bảo vệ
chủ trương, đường lối của Đảng, trở thành mũi dùi tấn công mọi tổ chức, cá nhân
đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam.
Chúng ta nhắc về nhà báo Nguyễn Đắc Kiên - Báo
Gia đình & Xã hội bị đuổi việc vào tháng 2/2013, sau khi ông đăng một bài
viết trên blog đã bị quy kết là chỉ trích Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai, các tổ chức, cá nhân hoạt động báo giới
chính thống Việt Nam không những không đáp ứng được yêu cầu về quyền được thông
tin của người dân, được ghi nhận trong Hiến Pháp 2013, mà bản thân nhiệm vụ
“chính trị” với định hướng và kiểm duyệt đè nặng lên các cơ quan báo chí đã
tước đoạt đi sự nhanh nhạy và trung thực trong việc cung phát các nội dung
thông tin về nền chính trị - xã hội – kinh tế nước nhà. Làm nên một tâm lý
“nhạy cảm” trước các góc khuất về mặt chính trị, kinh tế trong nhà báo Việt
Nam, cái tâm lý khiến các nhà báo Việt Nam có xu hướng “né tránh, không viết,
không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, đụng
chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm…” như Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy
viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư từng thừa nhận.
Chúng ta nhắc đến báo Sài Gòn Tiếp thị, một tờ
báo thuộc chủ quản của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh,
tờ báo bị chính Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ, trong một hội nghị về
báo chí và truyền thông đã nhắc nhở về “sai tôn chỉ”, theo đó: “Báo của tổ chức
này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi
viết về chính trị?”
Ba, các cơ quan, tổ chức bị đối diện với các
điều luật không rõ ràng như Điều 79, 87, 88 và 258 BLHS nhằm bịt miệng báo chí
nếu như họ thoát ra khỏi khuôn khổ “định hướng, kiểm duyệt.” Bởi ông Tổng Bí
thư, cũng trong dịp 90 năm thành lập báo chí Cách mạng Việt Nam đã khẳng định
rằng: “Đẩy nhanh việc cụ thể hóa thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng
về báo chí và có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa những vi phạm trong lĩnh vực
này.”.
Năm 2008, 4 nhà báo thuộc báo Tuổi Trẻ, Thanh
Niên tham gia phanh phui vụ tham nhũng PMU18 lên mặt báo đã bị tước thẻ nhà báo
vì “tác động tiêu cực đến dư luận xã hội.”.
Năm 2015, báo Người Cao Tuổi bị Bộ Thông tin và
Truyền thông thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử và buộc phải “xây dựng
phương án kiện toàn nhân sự, cơ cấu tổ chức”; TBT Kim Quốc Hoa bị cách chức
Tổng biên tập đồng thời bị truy tố theo Điều 258 BLHS vì đã phản ánh các hoạt
động của nhóm lợi ích, trong đó có liên quan đến cán bộ nhà nước cấp cao.
Thưa quý vị,
Cái tinh thần vận dụng luật nhằm ràng buộc báo
chí phục vụ cho Đảng phái đã triệt tiêu tinh thần báo chí trong cuộc chiến
thông tin. Và nếu ta nhìn sang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi có bản Tu chính án
đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1791, trong đó có nhấn mạnh: “Quốc hội sẽ
không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín
ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến
nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.”. Thì chúng ta sẽ thấy, cách
quản lý báo chí Việt Nam đang đi ngược lại với những chuẩn mực mà báo giới quốc
tế đang tiệm cận.
Rằng “tự do báo chí Việt Nam” là “quyền tự do
không có quyền được nói những điều nên nói, mà lại có quyền tự do không nói
những cái không nên nói.”. [Huỳnh Thúc Kháng, báo Tiếng Dân 175-1/5/1929].
Thưa quý vị,
Chúng ta ngồi đây, và mỗi người đang hằng ngày
đấu tranh cho quyền được nói, quyền được tiếp cận thông tin trên lĩnh vực báo
chí. Và cao nhất là đấu tranh cho sự ra đời và công nhận báo chí tư nhân.
Tuy nhiên, để đạt đến kết quả đó, thì chúng ta
buộc phải đấu tranh và ủng hộ sự đấu tranh cho báo chí nhà nước không thuộc đơn
vị chủ quản là “Đảng” phải thoát ra khỏi sự ràng buộc về mặt Đảng.
Chúng ta không ngồi chờ đợi, hy vọng hay xin xỏ
Đảng và nhà nước sẽ “buông tha” cho báo chí của các tổ chức ngoài Đảng – bởi
“tự do gì lại có tự do xin”, mà chúng ta sẽ làm điều đó bằng việc thẳng thắn
yêu cầu nhà nước xóa bỏ những cái gông đeo cổ đối với báo chí ngay trong dự
luật báo chí sửa đổi 2015 và nỗ lực thoát khỏi định hướng và kiểm duyệt trong
khối báo chí nhà nước.
Theo đó, căn cứ theo Điều 25 - Hiến Pháp 2013 có
quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông
tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định.” Chúng ta lên tiếng đòi hỏi:
1. Nhà nước Việt Nam phải cởi bỏ ngay cơ chế
định hướng và can thiệp về mặt nội dung của Ban Tuyên giáo T.Ư, trong đó xóa
bỏ: (a) nội dung "Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng, thực hiện và
bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng" trong Điểm b, Khoản 2, Điều 5 của
dự luận báo chí; (b) nội dung “Tiết lộ bí mật của Đảng,” trong điểm c, Khoản 1,
Điều 11 trong Dự thảo Luật Báo chí 2015 hoặc không áp dụng các điểm này đối với
báo chí không trực thuộc cơ quan chủ quản là “Đảng”.
2. Chính quyền phải tôn trọng sự khách quan
trong báo chí, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và áp dụng tùy tiện các Điều 79,
87, 88 và 258 BLHS với mục đích răn đe, bảo vệ chế độ đối với lĩnh vực báo chí,
bởi nó cho thấy sự phản bội quyền lợi được thông tin của người dân, hạn chế
hoặc tìm cách làm lệch lạc quyền tiếp cận thông tin về thể chế chính trị và nền
kinh tế của người dân.
3. Yêu cầu trả lại thẻ nhà báo, khôi phục lại
chức vụ của những nhà báo từng bị tước đoạt vì bị kết tội “Tiết lộ bí mật của
Đảng, nhà nước” hoặc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà
nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”.
Ngoài ra, như quan điểm của Chí sĩ Huỳnh Thúc
Kháng, Chủ bút tờ báo Tiếng Dân từng khẳng định: “Họ không cho ta có quyền tự
do nói, nhưng ta lại cho ta quyền tự do giữ ta không nói những cái họ bắt ta
nói” thì sự tự do trong báo chí Việt Nam phải đến từ chính sự chuyển động và
thoát khỏi lũng đoạn của Đảng trong báo chí nhà nước.
Do đó, chúng ta kêu gọi sự vận động bên trong
mỗi tòa soạn báo không trực thuộc cơ quan chủ quản Đảng, bằng việc, mỗi nhà báo
nhà nước nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trong đó, đưa phương diện “sự thật,
khách quan” làm tiêu chí hàng đầu, lấy “độc giả làm trung tâm” nhằm nâng cao
tính trách nhiệm trong nghiệp làm báo, có cơ chế để đối phó và chống lại sự
định hướng và kiểm duyệt, không lẫn vai trò người làm báo nghề nghiệp với vai
trò làm báo tuyên truyền cho cơ quan Đảng. Điều này là cực kỳ quan trọng trong
việc đưa báo lề Đảng trở về với báo lề dân.
Cuối cùng, trong việc thực thi nền báo chí tự do
tại Việt Nam, một trong những cách để gây áp lực buộc chính quyền phải trả lại
quyền lực báo chí lại cho xã hội thay vì nắm giữ nó như một công cụ Đảng phái,
đó chính là gia tăng mầm mống báo chí tư nhân trong xã hội. Hiện nay, Hội nhà
báo Độc lập Việt Nam là một trong những tổ chức như vậy, sự gia tăng mạnh về
liều lượng phản ánh thông tin, cũng như phản biện thông tin trên quan điểm ôn
hòa góp phần giúp ngăn chặn sự thủ tiêu vai trò báo chí trong xã hội, và đưa
báo chí trở về với bản chất thực sự của nền báo chí – nhân bản và tự do.
Viết để chống lại sự nô dịch báo chí hoặc là
chết chìm trong sự nô dịch báo chí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét