Trương Minh Tam
Tóm tắt vụ việc: Năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An ra quyết định phê chuẩn dự án cải tạo đê bao chống lũ vùng thị trấn Thạnh Hoá. Theo đó, Uỷ ban nhân dân huyện Thạnh Hoá ra các quyết định thu hồi, quyết định đền bù và tái định cư đối với các hộ dân nằm trong dự án. Nhận thấy việc đền bù không thoả đáng và nơi tái định cư không phù hợp với nghề nghiệp hiện tại của mình, một số hộ dân trong diện giải toả đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương đối thoại với mình với khẳng định đồng ý di rời nhưng phải được đền bù thoả đáng và hỗ trợ nơi tái định cư đảm bảo cuộc sống cho họ dài lâu. Thiết nghĩ đó là đòi hỏi chính đáng và một chính quyền nếu thực sự lấy dân làm gốc, coi dân là đối tượng phải phục vụ thì rõ ràng việc đối thoại là cần thiết. Tuy nhiên, không một cuộc đối thoại nào được thực hiện mà trái lại ngày 14/9/2011 Uỷ ban nhân dân huyện này ra quyết định xử phạt vi phạm hành chinh đối với 3 hộ Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Tài và Nguyễn Thị Nhanh về hành vi “Tái chiếm đất đã giải toả” trong khi thực tế là họ vẫn đang ở đó chưa thể đi đâu được vì không có đất khác cùng mưu kế sinh nhai.
Ngày 31/7/2014, chính quyền Thạnh Hoá tổ chức cưỡng chế lần thứ nhất nhưng sau đó do lo sợ những vấn đề an ninh chính trị nên họ tạm dừng. Ở đây, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao nhân danh “Chính Nghĩa” mà họ phải lo sợ???
Ngày 14/4/2015, chính quyền Thạnh Hoá tổ chức cưỡng chế lần thứ hai. Một lần nữa chúng ta có quyền đặt câu hỏi: 9 tháng trôi qua mới lại tổ chức cưỡng chế có phải để “Chính Nghĩa” có đủ thời gian tìm hiểu, bàn bạc, ủ mưu “ cướp” như bài học lịch sử của người Cộng sản đã từng làm năm 1945???
Một điều cũng cần phải nhắc lại cho đầy đủ là tính đến trước ngày 14/4/2015 thời điểm diễn ra cuộc cưỡng chế lần thứ hai, suốt 8 năm sống trong sự vô vọng bế tắc không lối thoát các hộ dân này đã khẩn thiết nhiều lần đề nghị chính quyền đối thoại nhưng chỉ nhận được sự phớt lờ. Cũng trong thời gian dài đó, họ luôn chủ động thông báo cho chính quyền biết về khả năng sống tồi tệ của họ nếu mất đất và cảnh báo những nguy hiểm có thể nếu chính quyền cố gắng cưỡng chế.
Bất chấp những đòi hỏi chính đáng cùng những cảnh báo nói trên, ngày 14/4/2015, với một lực lượng cảnh sát lên tới hơn 200 người trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ và nghiệp vụ tiến vào cưỡng chế phần đất sống còn của 13 con người nói trên. Không quá vất vả, toàn bộ số người dân nói trên đã bị khống chế phản ứng tự vệ, bị bắt và đánh đập ngay tại hiện trường.
Ngày 16/9/2015, toà anh nhân dân huyện Thạnh Hoá xét xử và cáo buộc 10 con người gồm Mai Thị Kim Hương, Mai Văn Đạt, Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Trung Can, Phùng Văn Tuân, Phùng Thị Ly, Mai Văn Tưng, Nguyễn Thị Thắng, Mai Quốc Hẹn, Nguyễn Văn Tôi cùng bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ; 2 người Nguyễn Trung Linh và Mai Văn Phong tội Cố ý gây thương tích. Riêng Nguyễn Mai Trung Tuấn sinh năm 2000, con trai của anh Nguyễn Trung Can và chị Mai Thị Kim Hương bị cáo buộc tội Cố ý gây thương tích nhưng tách riêng xử trong một phiên khác.
1- Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, những người nói trên có phạm tội?
Pháp luật Việt Nam quy định rõ, một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi có đầy đủ 4 yếu tố cấu thành: Chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan.
Mặt chủ quan của tội phạm là gì? Đó là là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm: lỗi, mục đích và động cơ phạm tội. Những người dân mất nơi sinh sống cuối cùng bị dồn đẩy đến tận cùng của sự tuyệt vọng, họ đã van nài, thuyết phục chính quyền không thành nên buộc phải cố thủ trên phần đất mình sống; họ chủ động thông báo về khả năng nguy hiểm có thể có nếu ai đó cố tình xâm phạm tới nơi họ ở. Đó là những điều không thể chối cãi và không có luật nào cho phép suy diễn là họ có mục đích và động cơ phạm tội, lại càng không thể suy diễn tuỳ tiện rằng đó là âm mưu bàn bạc “ thực hiện đến cùng tội phạm được”. Con người, xét về bản chất cũng là một sinh vật nên nó phải có bản năng bảo vệ cuộc sống của nó. Xã hội văn minh, quyền sống của con người phải được tôn trọng nên không ai được phép nhân danh cái gì để tước đi quyền sống cơ bản của bất cứ ai. Đẩy một người nào đó vào một cái chết từ từ cũng chính là hành động giết người. Như vậy, xét về mặt khách quan chỉ có thể hiểu họ đang cố thủ để bảo vệ sự sống của mình, họ đã chủ động thông báo mức độ nguy hiểm có thể có để dùng như một cứu cánh bảo toàn sinh mạng sống của mình. Bởi lẽ, để thực hiện thành công hành vi phạm tội, không một tội phạm nào lại ngờ nghệch đến mức đi thông báo các hành vi mình dự liệu thực hiện.
Còn về mặt khách quan của tội phạm thì sao? Chúng là những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan bao gồm: Lực lượng, phương tiện, công cụ tội phạm, phương pháp thủ đoạn, thời gian, địa điểm. 200 nhân viên công vụ trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp, họ lại được đào tạo huấn luyện chuyên nghiệp để đàn áp hơn 10 con người trình độ học vấn không có gì, không có các công cụ chuyên nghiệp. Họ có thể có sự phản kháng nhưng thời gian để lực lượng đối lập áp đảo này khống chế và bắt gọn là rất ngắn thì làm sao có thể nói hành động phạm tội của họ đã tồn tại một cách khách quan. Trong vụ án này, tình tiết gây nực cười nhất về mặt khách quan của tội phạm đó là việc em Nguyễn Mai Trung Tuấn cố ý gây thương tích cho lực lượng hùng hậu đối kháng. Chúng ta có thể tin được không khi một cậu bé 15 tuổi mắc 2 căn bệnh mãn tính suy tim và hen suyễn lại có thể thực hiện dễ dành hành vi gây nguy hiểm cho 200 nhân viên công vụ được trang bị công cụ hỗ trợ và nghiệp vụ tới tận cái lông chân??? Chúng ta có thể tin được không khi ngay lúc đó nhân viên công vụ chỉ “thực hiện tự vệ” đã xiết được dây vào cổ Tuấn thành công làm Tuấn ngạt thở gần chết???
Từ những phân tích trên có thể thấy, không có bất cứ một hành vi phạm tội nào của 13 con người khốn khổ nói trên. Có chăng đó chỉ là những phản kháng tự nhiên của những kẻ yếm thế trong việc duy trì sự sống bị những kẻ quyền thế xuyên tạc thành hành vi phạm tội.
2- Nhìn nhận vụ án dưới góc độ xã hội:
Đánh giá về tình hình pháp luật Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia pháp lý đều thống nhất cho rằng Việt Nam không thiếu Luật nhưng Luật không đi vào vào cuộc sống. Luật pháp Việt Nam không phải là công cụ điều tiết xã hội mà là công cụ để cai trị xã hội. Điều đó xuất phát từ cơ chế vận hành quản lí xã hội. Người diễn giải luật cũng chính là người thực hành pháp luật nên nó sẽ bị suy diễn một cách tuỳ tiện méo mó cốt có lợi cho người cầm quyền.
Không có bất cứ ai vi phạm Luật hình sự nhưng chính quyền ở đây thoải mái suy diễn để bắt người. 13 con người đều là ông, bà, cha, mẹ, con cháu trong một gia đình trực hệ và quan hệ họ hàng cùng bị bắt, bị kết tội với 26,5 năm tù giam, 6,5 năm tù án treo và 13 năm thử thách chưa kể án riêng củả Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ cho chính quyền thể hiện thành công sự tàn bạo trong việc bảo vệ lợi ích của chế độ nhưng chắc chắn nó sẽ gây nên những hệ quả nhận thức sâu sắc cho 1 gia đình đứng trước sự đổ vỡ, khủng hoảng về kinh tế, học vấn cùng cách nhìn nhận xã hội. Không ai có thể đoán trước phản ứng của 13 con người trong một gia đình cùng bị dồn đến đường cùng của sự sống, bị tống vào ngục tù sau này với chính thể và xã hội sẽ tiêu cực đến đâu nhưng không thể nói không có.Việc bắt người và buộc tội như trên không đảm bảo tính nhân đạo trong một xã hội văn minh bởi nó mang tính huỷ diệt, chu di một gia đình. Riêng việc bắt em Nguyễn Mai Trung Tuấn lại càng tồi tệ vô nhân đạo khi em là một người bệnh tật và đang theo học phổ thông. Còn ở phía cộng đồng người dân, có thể có những nỗi sợ hãi về cường quyền nhưng nó cũng đẩy người dân đến nhận thức tự đi tìm những cách riêng bảo vệ mình thay cho việc chấp hành pháp luật. Như vậy, việc bắt người như trên chỉ xét riêng góc độ xã hội cũng không thể chấp nhận được và hoàn toàn không có lợi cho chính hệ thống cai trị.
Vẫn còn một cơ hội cho chính quyền Việt Nam sớm sửa sai bằng phiên toà phúc thẩm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét