Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Vì sao tòa Hà Nội bất ngờ hoãn xử blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh?

Những diễn biến bất ngờ và khó đoán định không chỉ liên đới mật thiết đại hội 12 của đảng cầm quyền, mà còn liên quan cả giới dân chủ nhân quyền.

Trường hợp blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh có thể được xem là một ví dụ điển hình.

Chỉ cách đây vài ba ngày, Tòa án nhân dân Hà Nội còn gửi thông báo phiên xử vụ án ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho các luật sư bào chữa là Trần Văn Tạo, Nguyễn Hà Luân, Hà Hải, Trần Quốc Thuận, Trịnh Minh Tân, Nguyễn Tiến Dũng và Hà Huy Sơn. Phiên xử sẽ được diễn ra lúc 8h30′ ngày 19/1/2016.

Nhưng vào buổi sáng ngày 13/1/2016, khi luật sư Hà Huy Sơn đến Tòa án để nộp đề nghị thay đổi thẩm phán, thì bất ngờ nhận được thông báo hoãn phiên tòa ngày 19/1/2016 mà không xác định ngày nào xử lại.

Có thể nói, đây là một trường hợp khá hy hữu, và lập tức gây ra mối nghi ngờ rộng khắp: phải chăng chính quyền Hà Nội lo sợ vụ xử án sẽ bị giới dân chủ và quốc tế phản ứng mạnh nên đã phải hoãn lại?

Nhưng chỉ mới mấy ngày trước, hai đơn vị chủ công là Bộ tư lệnh thủ đô và Bô tư lệnh cảnh sát cơ động còn dàn đến 5,200 quân diễn tập để “phòng chống bạo loạn” và “bảo vệ đại hội đảng 12”. Khí thế hừng hực của các sĩ quan và chiến sĩ trong cuộc chiến đấu tưởng tượng với dân oan và “bọn phản động”, cho thấy sau vụ tống giam luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, giới lãnh đạo ở Việt Nam đang muốn cố chứng tỏ sức mạnh thuộc về họ, chứ không phải của những kẻ đòi dân chủ.

Nếu tạm loại trừ nguyên lo sợ phản ứng trong nước và quốc tế, một giả thiết khác có thể hợp lý hơn đang được vài cây viết trên mạng xã hội phân tích: blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự của anh bị biến thành vật hy sinh cho một cuộc đấu đá nào đó trong nội bộ đảng, liên quan mật thiết đến chủ đề tranh giành các chức vụ cao cấp.

Rất đặc biệt, ngày xử án dự kiến là 19/1, tức chỉ một ngày trước khi khai mạc đại hội 12.

Cách đây ba ngày, một tác giả lấy bút danh là Việt Dũng - người được dư luận cho là thuộc nhóm ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã phóng ra bài viết “Vì sao xét xử Anh Ba Sàm trước ngày Đại hội 12 khai mạc?”, trong đó cho rằng việc đưa Ba Sàm ra xét xử là chủ ý của ông Trương Tấn Sang nhằm tấn công ông Nguyễn Tấn Dũng.

Cuộc đấu trong Bộ chính trị Việt Nam lại đang đến hồi “có tôi không có anh”. Việc hoãn đột ngột lịch xử Ba Sàm càng cho thấy đã xảy ra một thay đổi nào đó về chủ trương xử án trong nội bộ đảng cầm quyền. Không loại trừ, sự thay đổi này nhắm đến mục tiêu “không cho phá đại hội”.

Từ vụ hoãn xử Ba Sàm, có lẽ cần nhìn lại vụ bắt giam đột ngột luật sư Nguyễn Văn Đài vào giữa tháng 12/2015. Phải chăng luật sư Đài cũng bị biến thành vật hy sinh cho một mưu đồ đấu đá chính trị giữa các phe phái nội bộ?

Logic đơn giản nhất có thể hình dung: với những vụ bắt giam và xử án giới bất đồng chính kiến, nhân vật lãnh đạo nào ở Việt Nam sẽ bị “chửi” nhiều nhất?

Lê Dung 

(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét