Thụy My
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 21/01/2016REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool
Liên quan đến Đại hội Đảng lần thứ 12 đang bước vào giai đoạn cuối ở Hà Nội, tờ New York Times có bài viết mang tựa đề « Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó cho người lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa » : tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục chức vụ.
Tờ báo cho biết theo các nhà phân tích, việc ông Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi, được tái bổ nhiệm có thể làm chậm lại quá trình mở cửa của Việt Nam về phía một nền kinh tế thị trường, nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến chiến lược tái cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo của phái cựu trào, được huấn luyện trong một nền kinh tế theo kiểu xô-viết và coi nước láng giềng Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, đồng minh chiến lược và ý thức hệ quan trọng. Đáng chú ý là ông Trọng đã tỏ ra miễn cưỡng khi phải chỉ trích Trung Quốc khi Bắc Kinh cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa trong năm 2014.
Nhưng chuyến viếng thăm Nhà Trắng của ông hồi tháng 7/2015 cho thấy cái nhìn của giới lãnh đạo đảng : ngày càng chú trọng hơn việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đối trọng chính chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, coi đây là lợi ích quốc gia của Việt Nam. Ông Trọng đã chỉ đạo Việt Nam tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xướng, trong đó Trung Quốc bị loại ra ngoài.
Tiếp tục cải thiện quan hệ Việt-Mỹ
Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, nguyên phó viện trưởng Viện Quản Lý Kinh tế Trung Ương, cho biết 19 ủy viên Bộ Chính Trị vốn có nhiều quyền lực nhất so với các quan chức khác, hoàn toàn đồng thuận về sự cần thiết của việc chuyển đổi kinh tế trong nước lẫn quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ. Bà nói: «Những cải cách và đổi mới về hướng kinh tế thị trường sẽ được tiếp tục», và quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến triển một cách vững chắc.
Nhưng việc ông Trọng tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ khiến thủ tướng thân Mỹ Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ dòm ngó chức tổng bí thư, phải lui vào hậu trường trong năm nay, tuy không phải là quá sớm.
Theo giới ngoại giao và các nhà phân tích, trong cương vị thủ tướng, ông Dũng đã giám sát làn sóng đầu tư nước ngoài và vun bồi mối quan hệ nồng ấm với các quan chức Mỹ hàng đầu. Ông cũng có những tuyên bố mạnh mẽ hơn các lãnh đạo khác trong đảng, chống lại các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, giành được sự ủng hộ của những người dân Việt Nam bình thường vốn tin rằng đất nước cần thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc - phương cách để giữ được độc lập kinh tế.
Khi Bắc Kinh đem giàn khoan khổng lồ đến vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, gần bờ biển miền trung Việt Nam năm 2014, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra tại các thành phố Việt Nam, và những vụ bạo động hiếm hoi đã diễn ra tại nhiều khu công nghiệp. Hoa Kỳ sau đó đã nới lỏng lệnh cấm vận lâu nay về vũ khí sát thương cho Việt Nam, tuy Nga vẫn tiếp tục cung cấp phần lớn nhu cầu thiết bị quân sự của Hà Nội.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, 66 tuổi, về nguyên tắc bị cấm làm thêm một nhiệm kỳ nữa, theo quy định của Đảng, vì ông đã quá 65 tuổi và đã ở ngôi vị thủ tướng được hai nhiệm kỳ. Ông Trọng cũng vậy vì đã quá tuổi, nhưng Đảng đã cho ông biệt lệ thêm lần thứ hai.
Phát triển kinh tế sẽ chậm lại ?
Một số nhà phân tích dự đoán nhịp độ của nền kinh tế Việt Nam vốn đã chậm chạp, sẽ còn chậm hơn sau khi ông Dũng nghỉ hưu trong năm nay. Một phần do ông nắm rõ hơn ông Trọng cung cách giao tiếp với các nhà đầu tư ngoại quốc, và ông Dũng cũng nhiệt tình hơn trong việc rũ bỏ chiếc vỏ bọc ý thức hệ Mác-Lênin của đảng.
Ông Tường Vũ chuyên về khoa học chính trị ở trường đại học Oregon nói rằng ông Trọng có thể sẽ tiếp thu dễ dàng hơn so với các quan chức bảo thủ cứng rắn nhất trong Đảng, muốn chống lại việc mở cửa lãnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho các nhà cạnh tranh nước ngoài ; và một dự luật hợp pháp hóa các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
Cả hai thay đổi này đều được cho là rất quan trọng để tuân thủ TPP. Nếu được Quốc hội thông qua, hiệp định đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa hơn nữa cho cạnh tranh từ các nước, phải nhượng bộ về quyền lao động, sở hữu trí tuệ và những lãnh vực khác.
Giáo sư Vũ trả lời New York Times qua điện thoại: « Tất cả các phe phái đều đồng ý là cần phải phát triển thương mại và đầu tư. Nhưng phe ông Trọng có thể chống lại các nhượng bộ, trong khi phe ông Dũng cố gắng làm những động thái cải cách để thu hút nguồn tiền ».
Cuộc « nội chiến » đã không xảy ra
Sami Kteily, chủ tịch điều hành PEB Steel, một công ty xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định tự do mậu dịch gần đây chứng tỏ đất nước này thực sự muốn trở thành một thành viên tích cực của nền kinh tế thế giới. Ông nói :« Tôi nghĩ việc kinh doanh sẽ như thường lệ. Việt Nam là một quốc gia của những định chế, và các chính sách không chỉ do một người quyết định ».
Frederick Burke, người quản lý tại Việt Nam của công ty luật Mỹ Baker & McKenzie nói rằng việc chuyển đổi chính trị êm ái tại Đại hội Đảng tuần này là đáng khích lệ, vì nhấn mạnh sự ổn định chính trị và tôn trọng quy định luật pháp. Theo ông : « Đối với những người sống ở đây, đó là những điều họ muốn. Họ không mong một cuộc nội chiến trên mạng tiếp diễn ».
Trong những tuần lễ gần đây, đã có một loạt tin đồn chính trị trên các blog tiếng Việt và các bài viết trên Facebook – một số được thúc đẩy từ các bài báo nước ngoài – về một cuộc chiến tranh tương tàn giữa phe cải cách và phe bảo thủ trong Đảng.
Nhưng theo ông Burke thì có một sự đồng thuận hơn trong nội bộ đảng Cộng sản so với những gì mà báo chí hay quan sát viên chính trị nhận định, và ông Trọng chưa bao giờ tỏ khuynh hướng thoái trào, bảo thủ. Ông nói : « Người ta cố tạo ra một vở kịch, nhưng kịch bản hiện nay khác với thực tế ».
(Trích đăng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét