Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

VNTB - "TBT Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo vì nước, vì dân"?

Đinh Liên (VNTB) Sau cái thời khắc đứng trên bệ và đọc diễn văn bế mạc ĐH XII, ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành Tổng Bí thư của ĐCSVN trong nhiệm kỳ sắp tới.

Bàn về ông Trọng

Nhiều lời bàn tán, trong đó nổi lên sự trách móc ông tham quyền cố vị. Nhưng nếu đặt trong giả thuyết, ông đi được 1/2 nhiệm kỳ, sau đó sẽ trao quyền cho một nhân vật kế nhiệm nào đó trong hội nghị 18 thì sao? Quan điểm "trách cứ" đó liệu còn trở nên không vững chắc? Khi mà bước đi đó là nhằm để tránh việc ông Nguyễn Tấn Dũng "lên ngôi" và đi ngược lại với đường lối và mục tiêu ĐCSVN đề ra, nhất là "tiềm năng" phá nát Đảng với xu hướng tự do quá trớn của ông Thủ tướng?.




Lại nói về việc ông có thân Tây hay thân Tàu, là phe bảo thủ hay cải cách? Ai cũng bảo vậy, cứ phân chia rạch ròi, và cho rằng nội bộ ĐCSVN đang bị phân hóa trầm trọng. Nhưng cũng có một luồng nhận định gần như thống nhất ở cả phương Tây lẫn một số nhà quan sát chính trị Việt Nam là: Dù cải cách hay bảo thủ, thì sự lựa chọn lãnh đạo của Việt Nam là việc làm cân bằng lợi ích phe phái, và đảm bảo đường lối đối ngoại đi dây (làm bạn với tất cả các nước) của mình. 

Thậm chí, Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) khi bình luận về điều này cũng cho rằng, "Việt nam thân ổn định vững bền". Và điều này, rõ ràng phù hợp với ông Trọng, khi các câu nói chỉ đạo của ông luôn nhấn mạnh, khẳng định quan điểm "ổn định đại cục".

Việt Nam Thời Báo cũng từng cho đăng tải bài nhận định rất hay, cho thấy cái nhìn đa chiều về cục diện chính trị Việt Nam trước khi ĐH XII diễn ra, đó là "VNTB - Lãnh đạo tương lai của Việt Nam không đơn thuần là 'thân Tây, thân Tàu'". Bài viết chỉ ra rằng, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng là một "quan chức Đảng" (trung thành nguyên tắc Đảng), trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng là một "nhà đầu tư" (trung thành lợi nhuận). Vai trò quyền lực của đảng và chính phủ trong bộ máy nhà nước Việt Nam là đan xen lẫn nhau. Và rằng, "trong khuôn khổ của thể chế một đảng-nhà nước, thì cấu trúc này có tính lưu động gắn với việc luân chuyển cán bộ, nơi các quan chức cấp cao kinh qua các vị trí, vai trò khác nhau trong bộ máy chính phủ và bộ máy Đảng ở cấp trung ương và cấp tỉnh." Như vậy, không chỉ dừng ở việc phân chia quyền lực ở bộ tứ, mà phân chia quyền lực ngay trong cơ cấu nhân lực chính quyền trung ương và địa phương các bộ ngành... Đồng thời, việc gắn ông Dũng là "thân Tây" trong khi ông Trọng là "thân Tàu" càng không vững với những chi tiết liên quan đến việc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, cất nhắc vị trí của ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Bá Thanh, Trương Đình Tuyển... những người chống tham nhũng và có kinh nghiệm điều hành chính sách kinh tế.

Cũng trong một bài viết ngay sau khi ông Trọng đăng đàn với tư cách Tổng bí thư, AP đã cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng bảo thủ về mặt lý luận Đảng, tức là chống sự xê dịch của chủ nghĩa Mác-Lenin trong phương hướng lãnh đạo tại Việt Nam, nhưng sự bảo thủ đó cũng hàm nghĩa là cẩn trọng với cải cách. Nói rõ hơn, cải cách kinh tế (trọng tâm là hoàn thành vai trò TPP) vẫn được tiến hành, nhưng tiến hành một cách cẩn trọng dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, chứ không đặt nguy cơ "băng hoại đảng, phá hoại đảng từ bên trong" dưới bàn tay ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có lẽ, người "cầm cương của Đảng" là nhân sự "đặc biệt" theo cách này.

Một chi tiết khác đáng lưu ý, là trong đợt ĐH XII vừa qua, chỉ duy nhất ông Trọng là người còn ở lại khi trên 70; độ tổi trung bình của UB BCT là 59,7 - tức đảm bảo sự trẻ hóa về mặt nhân sự chính trị T.Ư; có những Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh lại không trúng vào Ủy viên T.Ư, trong khi Chủ tịch HĐND lại trúng... Con ông Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị vẫn chắc tay Ủy viên Trung ương chính thức vào BCT, mà theo nhà báo tự do Lê Diễn Đức thì "Nếu quyết tâm chơi Dũng sát ván, Nguyễn Phú Trọng có thể vận động và sử dụng các kỹ xảo khác để làm Nguyễn Thanh Nghị bật khỏi danh sách của BCH Trung ương khoá XII". 

Một chi tiết khác còn đặc biệt hơn nữa là ông Vương Đình Huệ nằm trong BCT, mà theo dự đoán, ông Huệ sẽ là người tư vấn chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ sắp tới cho ông Nguyễn Phú Trọng. Cần biết rằng, ông Huệ chính là người có tầm nhìn xa, và theo hướng cải cách về mặt kinh tế.


Như vậy, việc ông Trọng tiếp tục là Tổng bí thư không phải là điều gì quá tăm tối, mà chúng ta cần xét tiếp là trong nền TPP, với việc ông Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, với đội ngũ nhân sự BCT,... trong kỳ ĐH XII.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, Đại hội XII đã sáng suốt lựa chọn ra được một BCH TƯ, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là không có lý do của nó.

Phê ông Trọng

Tiếp xúc với báo giới ngay sau khi tái đắc cử vào ngày 28.01, ông Nguyễn Phú Trọng khi trả lời câu hỏi về kế hoạch, lộ trình và thời gian bao lâu để tìm kiếm người trẻ, tài đức kế nhiệm đã cho biết, chưa thể trả lời, bởi "phải làm từng bước, bài bản, chứ bây giờ nói 2, 3 hay 5 năm sợ không khả thi và ảo tưởng."

Ấy thế mà lý luận mô hình về CNXH dù không dự đoán một cách chắc chắn về thời điểm hoàn thiện, mơ hồ ngay cả 1 thời gian kéo dài là 1 thế kỷ, vậy mà ông Tổng bí thư trong buổi lễ khai mạc và bế mạc vẫn kiên định đường lối XHCN. 

Trả lời Reuters về việc, dưới sự lãnh đạo của ông và Bộ Chính trị, ông có nghĩ Việt Nam sẽ trở thành một nước giàu mạnh, dân chủ hơn không? Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, ông là một "bộ phận của tập thể, nguyên tắc của Đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chứ không chuyên quyền." Đồng thời, để tránh việc tốt nhận vơ, xấu đổ tập thể thì đề cao trách nhiệm cá nhân.

Nhưng trách nhiệm cá nhân bấy lâu nay dựa vào ý thức cá nhân gắn liền nguyên tắc phê bình tự phê bình, liệu rằng có chế tài nào đi liền cái trách nhiệm cá nhân đó không thì ông Tổng bí thư chưa hề đề cập đến cho đến hiện tại. Khác gì trông chờ vào "ý thức cao" của đảng viên" mà duy trì một tập thể lãnh đạo không chuyên quyền?

Ông lại cho hay, thực hiện dân chủ giàu mạnh dựa vào mục tiêu, khẩu hiệu. Thực tế cho thấy, đó là hướng "phát triển" hàng thập kỷ qua, nhưng đa phần đều không đạt được. Ngay như khẩu hiệu "công nghiệp hóa, hiện đại hóa năm 2020" đã phải tiếp tục dời lùi, hay "công bằng, dân chủ, văn minh" vẫn còn xa vời đối với ngay cả người dân Việt Nam. Phát triển của Việt Nam vẫn là phát triển dựa vào tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu hơn là nội lực doanh nghiệp trong nước, dân giàu lên chủ yếu là nằm ở những người dựa vào tài nguyên (bất động sản, khoáng sản) hơn là dựa vào chất xám công nghệ. Do đó, thực hiện được mục tiêu giàu mạnh suy cho cùng phải đi từng bước một, phải dựa vào kế hoạch và chiến lược đề ra chứ không đơn thuần là trương khẩu hiệu và cho đó là "dân chủ, giàu mạnh", và dựa vào khẩu hiệu để Việt Nam "phát triển" - bởi như thế, nếu lấy lại cách nói của ông thì ấy là sự "ảo tưởng".

Trong một bài viết về kinh tế có liên quan trên VOV cũng đề cập đến câu chuyện "làm kinh tế bằng khẩu hiệu" không khác gì cách "xây dựng xã hội giàu mạnh bằng khẩu hiệu" mà ông Tổng đã đề cập. Bài viết này cho biết, "tự chủ kinh tế" chỉ là khẩu hiệu, khi mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ lối tư duy manh mún, thân ai nấy lo. Căn cứ theo đó, nếu nhà nước và ĐCSVN dưới sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ tư duy xơ cứng về CNXH, về tính chủ đạo DNNN, về khả năng vô hạn của cái gọi là "phê bình và tự phê bình" trong phòng chống tham nhũng thì "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh" chỉ là khẩu hiệu Đại hội, 5 năm xuất hiện... 1 lần.

Là một nhà "lý luận sắc bén của Đảng, là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa" như nhận xét của nguyên TBT Lê Khả Phiêu là điều đáng nghênh, nhưng lý luận mà thiếu tính thực tế là lý luận xám, sự sắc bén của lý luận xám sẽ biến nhà cộng sản chân chính thành phi chân chính đối với dân tộc, chí tình - chí nghĩa với đảng phái trở thành phi nghĩa tình đối với con dân nước Việt. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có phải lãnh đạo vì nước, vì dân hay không thì mới chỉ là câu nhận định, tính xác thực nó sẽ được biết khi ông rời nhiệm sở, tham nhũng sẽ đứng ở vị trí thứ mấy theo thang bậc của Tổ chức Minh bạch quốc tế; TPP hay FTA có được các doanh nghiệp tận dụng tốt hay không; thói độc quyền của DNNN sẽ được khống chế như thế nào, vấn đề Biển Đông được giải quyết ra sao với Trung Quốc,...

Hãy cứ chờ xem, ĐH XII có phải là ĐH cuối cùng của người Cộng sản, hay nó sẽ mở ra một trang mới cho người Cộng sản trong cái gọi là "đổi mới".


* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét