NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Cháy nhà ra mặt chuột
Hai tuần nay, cá ở vùng
biển Hà Tĩnh chết hàng loạt, sau đó lan dần ra các vùng biển Quảng Bình, Quảng
Trị, Thừa Thiên - Huế. Ngành tài nguyên môi trường rất thận trọng, chỉ xác định
được rằng cá bị nhiễm độc tố nhưng không biết từ đâu.
Thế rồi mọi sự nghi ngờ
dần dần hướng về nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á của Công ty TNHH Hưng
Nghiệp Formosa. Người dân địa phương cho biết họ phát hiện Formosa cho xả nước
thải ra biển từ khoảng 2 năm nay rồi. Để có tang chứng, họ đã lặn xuống
biển chụp ảnh và xác định được đường ống nước xả của Formosa nằm sâu dưới đáy
đại dương, dài 1,4 km và đường kính tới 1,4 m.
Như vậy, chuyện đã rõ. Bộ
công thương đã thành lập Đoàn công tác đến làm việc với Công ty Formosa tại Hà Tĩnh về việc kiểm tra xử lý chất thải và
tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường, yêu cầu Công ty
Formosa chuẩn bị tài liệu và bố trí lãnh đạo làm việc với đoàn công tác vào
ngày 26/4/2016.
Ngày
23/4/2016 ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết: Đường ống
xả thải ra biển của Formosa là có trong thiết kế, có quy trình xử lý và được Bộ
cho phép. Trước khi nước được thải ra biển đã được xử lý, quan trắc tự động,
khi máy báo đủ độ đạt chuẩn mới sử dụng đường ống của hệ thống cho ra
biển.
Nếu đúng như ông Tuấn
nói, phải chăng việc cá chết hàng loạt trên vùng biển 4 tỉnh miền Trung không
có nguyên nhân từ việc Formosa xả chất thải ra biển?
Thế nhưng, trái với ông
Võ Tuấn Nhân, Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm khi trả lời VTC14 đã nói
toạc ra rằng, được cái nọ phải mất cái kia, lựa chọn nhà máy thép hay cá ở
biển. Tức là ông ta thừa nhận nước thải của Fosmosa là nguyên nhân gây nên việc
cá chết hàng loạt, hủy hoại môi sinh một cách khủng khiếp.
Đoạnclip 96 giây của VTC14 đã
gây phẫn nộ cho cộng đồng cư dân mạng. Chí trong vòng 27 giờ đã có 12800 lượt
chia sẻ và 2860 bình luận.
Không thể chọn hủy hoại
môi trường
Hãy bỏ qua thái độ ngạo
mạn, dạy đời của Chu Xuân Phàm, ở đây chỉ nói về lý lẽ cù nhầy của ông ta.
Cứ theo ông Phàm thì khi
sản xuất thì môi trường buộc phải hứng chịu chất thải. Tức là để có sản phẩm,
buộc phải hủy hoại môi trường. Điều này hiển nhiên cộng đồng quốc tế không thể
chấp nhận, nhất là môi trường đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc
gia. Nếu công xưởng nào trên thế giới cũng xả chất độc bừa bãi ra môi trường
thì bao lâu nữa, trái đất này biến thành hành tinh chết và không chỉ sinh vật,
con người cũng chết dần chết mòn vì ung thư và tật bệnh khác bởi những sản phẩm
công nghiệp mà những kẻ vô trách nhiệm, tàn độc lựa chọn?
Khi đầu tư, giữa Fosmosa
và chính quyền Hà Tĩnh có chuyện cam kết chấp nhận cá biển chết không? Hiển
nhiên là không có văn bản nào như thế, nếu có cũng chỉ là thỏa thuận miệng.
Lối trả lời của Chu Xuân
Phàm thể hiện sự vô trách nhiệm của Fosmosa. Việc xử lý nước thải trước khi đưa
ra môi trường không phải là việc không làm được.
Tôi chỉ đưa ra một ví dụ. Cũng là nhà máy sản xuất nhưng Honda
Việt Nam (nằm ở Phường Phúc Thắng, Thị Xã Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc) xử lý chất
thải rất tốt. Họ đầu tư trên 2 triệu đô để xây dựng một lò đốt rác hiện
đại. Tro đốt lại được làm phụ gia cho xi măng nên không có chuyện chất thải
phải đem đi chôn lấp. Hệ thống lò đốt này làm giảm nồng độ các khí thải đốt rác
xuống thấp hơn cả tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam hàng chục
lần. Ngay từ năm 2001, Honda Việt Nam đã nhận chứng chỉ quản lý môi
trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001.
Tôi có một thời gian làm
việc ở Honda Việt Nam (năm 2000-2001) nên biết được quy trình xử lý chất thải
của họ. Họ xử lý chất thải xong, cho nước chảy vào một cái ao nuôi cá. Họ không
nuôi cá để bán mà nuôi để làm vật thử. Nếu cá không chết thì họ mới cho xả ra
môi trường (sông ngòi). Còn nếu cá chết, thì họ phải dừng lại và kiểm tra lại
khâu xử lý chất thải.
Tôi làm ở đấy hơn 1 năm,
hay tò mò ra xem, nhưng không thấy cá chết ở cái ao ấy.
Vì vậy, Giám đốc đối
ngoại Formosa nói chọn thép thì thôi chọn cá là nó nói láo. Tại sao người Nhật
vừa có xe máy Honda, vừa đảm bảo được môi trường? Rõ ràng Formosa không so được
với người Nhật kể cả về trình độ lẫn ý thức.
Nhà máy thép và môi
trường đều có thể chọn được cả hai nhưng Formosa chỉ có một lựa chọn, hoặc là
tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý nước thải, hoặc ngừng hoạt động. Nếu
không, coi chừng nổ ra các cuộc biểu tình ở khắp nơi trên cả nước khó có thể
kiểm soát. Còn nếu cứ cù nhầy bắt chọn một thì tôi tin chắc người Việt Nam sẽ
chọn môi trường chứ không chọn nhà máy thép.
26/4/2016
NTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét