HÀ NỘI (NV) - Dù chế độ Hà Nội thực hiện nhiều động tác kèm nhiều tuyên bố, khẳng định, những vùng biển mà cá từng chết trắng nay đã an toàn nhưng các động tác và tuyên bố này có nhiều mâu thuẫn.
Cuối tuần vừa qua, từ phó thủ tướng đến một số bộ trưởng của các bộ hữu trách và viên chức chính quyền một số địa phương như Ðà Nẵng, Hà Tĩnh đã ra biển để tắm và ăn hải sản cho báo giới quay phim, chụp ảnh nhằm chứng minh biển đã sạch. Tổng Cục Môi Trường thì mới loan báo nước tại các vùng biển thuộc bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã đạt “quy chuẩn Việt Nam.”
Viên chức Ðà Nẵng, Quảng Nam tắm biển để trấn an dân rằng biển đã sạch. (Hình: Tuổi Trẻ)
Cũng vào cuối tuần vừa qua, chính quyền Việt Nam đã tổ chức đón những tàu đánh cá vừa cập bến để mua hết số cá mà ngư dân đánh được, kèm tuyên bố sẽ cấp “giấy chứng nhận hải sản sạch” để ngư dân có thể bán cá.
Ngoài việc cấp gạo cứu đói, chính quyền Việt Nam cũng đã yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại xóa nợ hoặc giãn nợ, giảm lãi suất để giảm áp lực và sự bất bình nơi các nạn nhân của thảm họa môi trường - cá chết trắng biển.
Ngày 1 tháng 5, 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, tân thủ tướng Việt Nam cam kết với dân chúng rằng sẽ giải quyết thảm họa một cách nghiêm túc, khách quan. Tân thủ tướng Việt Nam yêu cầu các cơ quan hữu trách nhanh chóng “điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết,” kể cả phối hợp với các chuyên gia ngoại quốc.
Cho đến nay, chính quyền Việt Nam chỉ xác định thảm họa cá chết trắng biển là do nước biển nhiễm độc nhưng không xác định nước biển nhiễm loại độc tố nào và độc tố từ đâu mà ra.
Ðáng lưu ý là dù các viên chức chính quyền từ trung ương đến địa phương thi nhau tắm biển, ăn cá để trấn an dân chúng thì hôm 1 tháng 5, thủ tướng Việt Nam chỉ dám khẳng định: “Hải sản đánh bắt cách bờ từ 20 đến 30 hải lý đã an toàn.” Ông ta không nói gì đến tình trạng vùng biển gần bờ.
Ðề nghị của một số chuyên gia, xét nghiệm các mẫu cá chết để tìm độc chất, lấy mẫu nước trong lòng đường ống dẫn chất thải của Formosa tống ra biển để đối chiếu vì dễ làm vẫn không được chính quyền Việt Nam thực hiện. Các cơ quan hữu trách chỉ lấy mẫu nước ở những nơi từng có cá chết để xét nghiệm. Ai cũng biết nước biên chuyển động liên tục thành ra khó có thể tìm câu trả lời thật sự thỏa đáng.
Ngoài việc chỉ “liên tục quan trắc chất lượng nước biển” và “kiên quyết” không xét nghiệm cá chết để xác định độc tố nào gây ra thảm họa còn có nhiều dấu hiệu khác cho thấy, chính quyền Việt Nam vẫn chỉ tiếp tục “hớt phần ngọn, bỏ phần gốc.”
Chẳng hạn sau khi ngư dân phát giác một “đường ống khổng lồ” dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét, dẫn nước thải từ Formosa Hà Tĩnh thuộc khu kinh tế Vũng Áng ra biển, một thứ trưởng của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam tuyên bố, Bộ này không hề bất ngờ về sự hiện diện của “đường ống khổng lồ” vì chính họ cấp giấy phép cho Formosa Hà Tĩnh.
Ðến khi công chúng sôi lên vì giận, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam tuyên bố, không cho phép Formasa đặt ống dẫn nước thải ở đáy biển. Ông Hà yêu cầu Formosa phải nâng ống dẫn nước thải lên khỏi mặt nước.
Trong một thư ngỏ gửi cho ông Hà, ông Tô Văn Trường, một chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường, nhận định, yêu cầu của ông Hà là... bậy bạ. Ông Trường nhấn mạnh, giống như nhiều quốc gia khác, Luật Bảo Vệ Môi Trường của Việt Nam không cấm đặt ống xả nước thải dưới đáy biển.
Mặt khác để giảm tác động của việc xả nước thải đến sự ổn định của đáy biển, giảm độ đục của nước biển ở khu vực gần bờ, miệng ống dẫn nước thải ra biển cần phải cách bờ cả cây số. Nếu nâng ống dẫn nước thải lên khỏi mặt nước thì phải xây dựng hệ thống đỡ đường ống. Hệ thống đó sẽ gây rối loạn sinh hoạt và giao thông trong khu vực cận bờ. Cũng vì vậy chẳng có ai yêu cầu như thế.
Ông Trường nhắc nhở ông Hà rằng giám sát chất lượng nước thải là việc phải làm trước khi nước thải trong hồ chứa nước thải được xả vào biển. Việt Nam đã không làm điều này và đó là chuyện chính mà một bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường phải quan tâm nhưng ông Hà lại chưa đề cập.
Ông Trường đề nghị là phải xem lại quy chuẩn Việt Nam vì quy chuẩn hiện nay quá sơ sài. Ông Trường lặp lại những thắc mắc mà nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường từng nêu nhiều lần đối với cách ứng xử khác thường của chính quyền Việt Nam đối với Formosa.
Chẳng hạn ngày 15 tháng 1 năm 2008, Formosa mới có thư từ Ðài Bắc gửi thủ tướng Việt Nam, trình bày về ý định xây dựng nhà máy thép tại Vũng Áng. Thế nhưng ngày 16 tháng 1 năm 2008, ông Võ Kim Cự (lúc đó là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, sau này là bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh) đã biết và gửi “Tờ trình” đề nghị thủ tướng Việt Nam chấp nhận dự án của Formosa.
Chẳng hạn theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng Vũng Áng đến 70 năm, tuy nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn gật đầu.
Ông Trường nhấn mạnh, khi Formosa - một tập đoàn từng được tặng “Giải Hành Tinh Ðen” do hủy hoại môi trường, lại được dành cho đủ loại ưu ái về tiền thuê đất, về tiền thuế,... thì tất nhiên là dân chúng sẽ liên tưởng đến “đa kim ngân, phá luật lệ.”
Ông Trường nói thêm, chuyện các viên chức thi nhau tắm biển và ăn hải sản là thiếu sức thuyết phục về mặt khoa học. Sự nguy hiểm không nằm ở những hải sản đã chết vì chẳng ai ăn mà nằm trong hải sản vẫn còn sống nhưng đã bị nhiễm độc và độc chất sẽ tích lũy trong cơ thể những người ăn loại hải sản này. Theo ông Trường, thay vì tắm và ăn, chính quyền Việt Nam nên dồn sức phân tích độc chất. (G.Ð)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét