Human Rights Watch, ngày 21/7/2016
(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) - Lời người dịch: Gần đây, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cùng nhiều tổ chức dân sự độc lập khác đã đưa ra một kiến nghị đối với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức tín dụng quốc tế gắn yêu cầu về nhân quyền khi đàm phán với Chính phủ Việt Nam về các khoản vay hỗ trợ phát triển. Kiến nghị đề nghị không cho Chính phủ Việt Nam vay tiền nếu chính quyền ở Hà Nội không chịu cải thiện nhân quyền.
Ngân hàng Thế giới đã từ chối thừa nhận nghĩa vụ nhân quyền của mình trong khuôn khổ chính sách mới của mình, Human Rights Watch cho biết ngày hôm nay. Bản dự thảo thứ ba và có lẽ là cuối cùng của ngân hàng về khung môi trường và xã hội mới được công bố vào ngày 20/7/2016 không đòi hỏi ngân hàng này phải tôn trọng nhân quyền. Thay vào đó, nó chỉ tham chiếu vấn đề nhân quyền một cách không ràng buộc trong tuyên bố "tầm nhìn" của mình.
Một tiểu ban của Hội đồng quản trị điều hành của ngân hàng thông qua dự thảo ngày 20/7, và cho phép công bố. Dự kiến, văn bản này sẽ được thông qua khi Ban Giám đốc Điều hành họp vào ngày 04/8.
"Bằng việc từ chối nhìn nhận nghĩa vụ quyền lợi của mình, một lần nữa, Ngân hàng Thế giới cho thấy nó sẽ có thể vi phạm quyền con người mà không chịu trách nhiệm về hậu quả," Jessica Evans, nghiên cứu viên cao cấp về các tổ chức tài chính quốc tế thuộc Human Rights Watch nói. "Thay vì sử dụng các chính sách về môi trường và xã hội để thúc đẩy nhân quyền và củng cố vai trò của nó như là một tổ chức lãnh đạo về phát triển, Ngân hàng Thế giới đã làm điều ngược lại."
Nguồn tin bên trong Ngân hàng Thế giới nói với Human Rights Watch rằng Ban lãnh đạo ngân hàng này không muốn có những từ ngữ mà sẽ yêu cầu bản thân ngân hàng phải tôn trọng nhân quyền trong các hoạt động của nó.
Chính sách mới đã được xây dựng trong bốn năm và bao gồm một số cải cách quan trọng, có cả các cam kết để tránh phân biệt đối xử và bảo vệ các tiêu chuẩn lao động. Nó cũng đòi hỏi các chính phủ muốn vay tiền từ ngân hàng này cần thông báo với người dân bản địa, những người sở hữu đất đai và tài nguyên và có thể bị ảnh hưởng bởi dự án vay vốn. Nhưng Ngân hàng Thế giới bỏ qua lời kêu gọi của Liên Hợp quốc, các tổ chức nhân quyền, và nhiều quan chức trong các chính phủ là cổ đông của ngân hàng khi ngân hàng này từ chối đưa các yêu cầu ràng buộc về nhân quyền trong chính sách mới của nó.
Trung Quốc, một cổ đông ngày càng có ảnh hưởng của Ngân hàng Thế giới, là bên phản đối mạnh nhất các yêu cầu ràng buộc về quyền con người mà các chính phủ vay nợ sẽ phải tuân thủ trong khi nhiều cổ đông chủ chốt khác, bao gồm nhiều chính phủ ở Tây Âu và Hoa Kỳ, đã thúc đẩy các yêu cầu về quyền con người.
Khi Ban Giám đốc Điều hành họp để phê duyệt chính sách này, cơ quan này nên đồng ý với việc soạn thảo một chính sách mới và riêng biệt về nhân quyền, Human Rights Watch nói. Ban này gồm 25 thành viên được bổ nhiệm bởi 25 chính phủ trong tổng số 189 quốc gia thành viên của ngân hàng này. Chính sách này nên thể hiện sự cam kết của Ngân hàng Thế giới để tích hợp quyền con người vào công việc của mình bằng cách phân tích các vấn đề nhân quyền có liên quan đến sự phát triển trong bối cảnh của chiến lược của mình ở một quốc gia, làm việc với chính phủ quốc gia đó theo cam kết về nhân quyền của quốc gia này, và để xác định và giải quyết rủi ro về quyền con người liên quan đến đầu tư hoặc tư vấn của Ngân hàng Thế giới.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng phần lớn các cơ quan phát triển trên thế giới đã sử dụng hoặc đã áp dụng các chính sách nhân quyền từ năm 2013. Chỉ một vài tổ chức không có chính sách nhân quyền, theo một ấn phẩm của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức quốc tế về Hợp tác Kinh tế và Phát triển. Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng thương mại hiện nay cũng nhận ra rằng họ cần phải tôn trọng nhân quyền. Ngân hàng Thế giới vẫn còn lạc hậu về nhân quyền khi nói đến chính sách và thực hiện của ngân hàng này, Human Rights Watch nói.
Người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi Ngân hàng Thế giới bỏ qua quyền con người. Ở Việt Nam, ngân hàng này tài trợ các hoạt động của nhiều trung tâm cai nghiện nơi giam giữ nhiều người một cách tùy tiện, buộc họ phải làm việc, và người cai nghiện phải chịu sự trừng phạt và nhiều khi bị tra tấn nếu họ từ chối làm việc. Ở Uzbekistan, trong nhiều năm, ngân hàng này đã bỏ qua việc cưỡng bức lao động trong nông nghiệp, mặc dù là nhà cung cấp tài chính quan trọng của chính phủ trong lĩnh vực đó. Bây giờ, khi ngân hàng này đã nhận ra vấn đề của lao động cưỡng bức, nó vẫn tiếp tục công việc kinh doanh như bình thường trong khi chính phủ đe dọa và bắt giữ nhiều người bảo vệ nhân quyền, những người tìm cách tố cáo việc lạm dụng công nhân ở các dự án, kể cả các dự án có liên quan đến Ngân hàng Thế giới. Và ở Ethiopia, Pastor Omot Agwa, người đã làm việc với cơ chế trách nhiệm độc lập của ngân hàng này, tố cáo một loạt các vụ lạm dụng liên quan đến một dự án của Ngân hàng Thế giới, và đã bị cầm tù hơn một năm và phải đối mặt với cáo buộc khủng bố vô căn cứ.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim thường trích dẫn Martin Luther King Jr. Trong tháng 5, ông Kim cho rằng lời kêu gọi "hành động mạnh mẽ và tích cực" cho dân quyền của ngài Martin Luther King có thể được áp dụng để chống lại biến đổi khí hậu.
"Ngân hàng Thế giới đã và đang sử dụng những lời nói của nhân quyền, ngược lại với những hành động thực tế", Evans nói. "Jim Yong Kim thường trích dẫn Martin Luther King Jr., nhưng trích dẫn nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng này trong khi dẫn ngân hàng này vào một thời đại bỏ qua nghĩa vụ của mình là đi ngược lại với những gì mà Martin Luther King đã đấu tranh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét