Phạm Chí Dũng
Đêm đã khuya. Bóng tối sầm sẫm chụp lên con hẻm nhỏ. Bão đang ầm ập vào Biển Đông. Gió hun hút từng đợt cùng tiếng chó tru thê thiết từng hồi dài bên nhà hàng xóm.
Con hẻm bỗng lầm rầm tiếng người. Một giọng đàn ông nhừa nhựa men rượu. Một giọng đàn ông khác đang nói chuyện điện thoại. Một cái áo mưa trải ngay trước cửa nhà tôi cùng hai thanh niên lạ mặt đang nằm dài chợt ngóc cổ lên khi tôi vừa mở cửa.
- Các cậu ở đâu? Sao lại nằm đây? - Tôi hỏi.
Hai thanh niên giương mắt nhìn tôi. Im lặng một lát. Rồi người có giọng lè nhè ấp úng:
- Em là bụi đời lang thang tìm chỗ nằm thôi…
- Thế cậu có phải là công an không? - Tôi nhíu mày.
- Dạ không, em không phải là công an đâu - Người kia trả lời ngay - Em chỉ là dân bụi đời thôi.
- Hẻm này đến đêm là phải đóng cửa để giữ an ninh. Mấy cậu đi ra chứ không tôi lại phải gọi Cảnh sát 113, công an phường hay Sở Lao động thương binh xã hội rồi lại đổ mệt.
Người thanh niên kia đứng lên:
- Không cho nằm thì ra thôi.
Nói xong, anh ta bước ngay, trên người lủng lẳng cái cặp vừa với khổ máy laptop.
Tôi cười thầm: bụi đời đi giày tây, quần áo như thể đồ hiệu.
Cách đây không lâu, vào dịp quốc khánh Mỹ 4/7, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân cũng bị công an Hà Nội chặn ở nhà. Khi luật sư Quân dõng dạc phản đối công an ngăn chặn thô bạo theo lối côn đồ, thật bất ngờ, một giọng nói dõng dạc không kém phát ra từ những người mặc thường phục “Tôi không phải là công an. Tôi là côn đồ!”.
Té ra là vậy. Công an Việt Nam đang rất chuộng cái cách ngăn chặn như thế, đặc biệt khi có những sự kiện các đoàn khách quốc tế muốn tiếp xúc với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước.
Hiện tượng “bụi đời” xuất hiện trước cửa nhà tôi coi mòi lại gắn bó tha thiết với bóng dáng của những nhân viên an ninh Công an TP.HCM quá quen mặt từ trước đó ít giờ đồng hồ. Lý do chẳng có gì khó hiểu: một bản tin của trang Việt Nam Thời Báo đã thông báo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sẽ có một cuộc tiếp xúc với phái đoàn nhân quyền của Úc bên lề cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Úc (cuộc đối thoại này diễn ra vào ngày 4/8/2016).
Cũng như bên lề hàng loạt cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ trước đây do Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Malinowski mời, những người như tôi và bác sĩ Nguyễn Đan Quế đều bị thẳng cánh chặn tại nhà, biểu tả rất nồng nhiệt cho “Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’.
Chỉ có khác là vào lần này, công an đã chậm pha. Cuộc gặp của phái đoàn nhân quyền Úc với tôi đã hoàn tất tại Sài Gòn từ hai ngày trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét