Hàn Giang, VNTB
(VNTB) - Anh Dương Văn Tuyến cho rằng hy vọng bà Cấn Thị Thêu được thả ngay tại tòa vào ngày 20/9/2016 là có nhưng khả năng rất nhỏ. Anh nói: "Hy vọng thì có, nhưng nhỏ lắm! Dù có rất nhiều người quan tâm nhưng quyền lực không thuộc về lẽ phải."
Theo như thông báo từ phía chính quyền cũng như từ phía gia đình thì ngày 20/9/2016, Tòa án nhân dân Quận Đống Đa (số 157B, phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) sẽ đưa bà Cấn Thị Thêu, một phụ nữ ở phường Dương Nội được nhiều người dân Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước biết đến là một người luôn tiên phong trong các cuộc đấu tranh giữ đất đai, đòi quyền lợi cho người dân mất đất ra xét xử với tội danh "Gây rối trật tự nơi công cộng" theo Điều 245 Bộ luật hình sự. Đông đảo người dân từ khắp nơi, thậm chí cả những tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao đồng hướng về phiên xử hy vọng bà Thêu được thả ngay tại tòa nhưng cũng đưa ra những dự đoán chính quyền Hà Nội sẽ tung một lực lượng công an, an ninh, dân phòng đông đảo ra bắt giữ những người đến tham dự phiên xử mặc dù được thông báo là phiên xử diễn ra công khai...
Dân oan Cấn Thị Thêu (ảnh: Facebook Khương Hồ)
Vài dự đoán của dư luận về phiên xử
Từ Facebook anh Trịnh Bá Phương, người con trai lớn của bà Cấn Thị Thêu cho hay, hôm 17/9/2016 cơ quan công an Quận Đống Đa đã đến đưa giấy mời cho chồng bà Thêu, anh Phương và người con trai thứ của bà Thêu là anh Trịnh Bá Tư đến tham dự phiên xét xử bà Thêu vào ngày 20/9/2016. Theo anh Phương, việc Tòa án quận Đống Đa đưa giấy mời cho ba thành viên trong gia đình là điều hoàn toàn khác biệt với toà án quận Hà Đông và toà án TP.Hà Nội trước đây từng đưa bà Thêu ra xét xử, cả hai cấp toà này không đưa bất kỳ giấy tờ gì cho phía gia đình. Tại cuộc tiếp xúc với nhân viên công an Quận Đống Đa, anh Phương đã đưa yêu cầu những viên an ninh chấm dứt hành vi chặn cửa phiên tòa và phải cho người dân và các cơ quan thuộc bộ ngoại giao các nước vào trong toà tham dự phiên xử.
Về phía người dân, những người có quan tâm đến phiên xử của bà Thêu đều chia sẻ với Việt Nam Thời Báo với những dự đoán rằng; khả năng chính quyền tung một lực lượng đông đảo bao gồm công an các loại, an ninh trật tự để ngăn chặn dòng người đến tham dự phiên xử đặc biệt là những dòng dân oan đến từ các tỉnh thành hiện đang cư trú tại địa bàn Hà Nội chứ không riêng gì đối với dân oan Dương Nội. Mọi người cũng khẳng định bà Thêu không có tội gì cả ngoài cái “tội” đi đòi quyền lợi đất đai chính đáng cho bản thân và người dân.
Bà Lan, một thành viên trong số hơn 350 hộ dân bị mất đất ở phường Dương Nội, cũng là những cảnh đời dân oan bị cướp sạch tài sản cho nên bà Lan từng có thời gian cùng bà Thêu đi đòi quyền lợi nhưng bây giờ chính quyền đã bắt bà Thêu và sắp đưa ra xét xử sơ thẩm chia sẻ:
"Nhân dân chúng tôi vì không chịu chuyển đổi nghề nghiệp, đi đòi đất đai mà chịu oan trái này, ngày 20/9 tới đây là ngày xử cô Cấn Thị Thêu thì chúng tôi cũng mong từng ngày từng giờ để ra nói lên sự việc nhân dân chúng tôi bị oan trái như thế... Cấn Thị Thêu cũng không có tội gì cả. Tôi mong muốn chính quyền thấy được sai trái của mình mà thả tự do ngay cho Cấn Thị Thêu, phóng thích ngay tại tòa"
Bà Lan nói mình cũng không quên sự kiện ngày 24/4/2014, có hơn ngàn công an, an ninh, dân phòng hung hãn, đánh đập người dân bất kể già trẻ hay đàn ông, đàn bà để cưỡng chế đất đai ở phường Dương Nội hòng giao cho nhà đầu tư xây dựng dự án. Trong vụ việc ngày 24/4 này, bà Thêu đã đứng trên một cái chòi cao để quay lại cảnh cưỡng chế và sau đó bà Thêu bị bắt với tội danh "Chống người thi hành công vụ", bị Tòa án Quận Hà Đông cũng như Tòa án TP.Hà Nội tuyên án 15 tháng tù giam. Dư luận phẫn nộ đối với bản án đã tuyên cho bà Thêu, đặc biệt sau khi xem đoạn video mà bà Thêu đã dũng cảm quay được thì càng tỏ ra phẫn nộ hơn, yêu cầu chính quyền Hà Nội phải trả tự do cho bà Thêu cùng những người liên quan ngay lập tức. Quay trở lại phiên xử ngày 20/9, bà Lan dự đoán cũng như các phiên xử năm 2014, phía chính quyền Hà Nội cũng sẽ không cho mọi người vào tham dự phiên xử, thậm chí là không tránh khỏi việc bắt người mặc dù thông báo là xét xử công khai. Bà Lan nói:
"Như phiên xử lần trước vào năm 2014, chúng tôi cũng có ra tham dự nhưng mà chính quyền và công an đã làm đến hàng chục lá chắn với công an đứng chắn ngăn không cho chúng tôi tham dự phiên xử đó. Là người dân chúng tôi có quyền đến dự phiên tòa nhưng chúng tôi không được vào mà còn bị bắt giữ như trường hợp Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư. Còn lần này, cũng đưa ra phiên xử công khai theo tôi suy đoán chính quyền cũng không cho chúng tôi vào dự phiên xử đâu."
Một chia sẻ khác là của bà Sy, cũng là một người có quan tâm đến phiên xử bà Thêu vào ngày 20/9 nói với Việt Nam Thời Báo là, đã có người nhận được thông tin chính quyền có biểu hiện tung lực lượng ra làm thí điểm ngăn chặn từ trước cách đây khoảng mấy ngày. Bà Sy nói:
"Phiên xử này tất cả đoàn của chúng tôi sẽ ra chỗ tòa để tham dự phiên xử nhưng cách đây vài ngày thì có một người trong đoàn của tôi đi ra Hà Nội có biết tin là chúng nó (lực lượng công an, an ninh trật tự) chặn từ hôm mồng 4/9 lận, làm thí điểm ngay hôm ấy rồi. Mọi người trong đoàn bảo nhau có khi hôm ấy sẽ đi sớm rồi tập trung tại một chỗ nào đó nhưng lo là sẽ bị chúng nó dồn về chỗ công an bưu điện. Tuy vậy, mọi người trong đoàn cũng như tất cả dân oan khác quyết tâm nhất định hôm ấy sẽ đi sớm vì tòa nói xử công khai"
Cũng như bà Lan, bà Sy cũng nói bà Thêu chẳng có tội tình gì ngoài việc đi đòi quyền lợi cho bản thân, chính quyền và những người có chức có quyền xử bà Thêu cái tội gây rối trật tự nhưng mọi người hỏi lại việc gây rồi trật tự diễn ra ở chỗ nào? Sao lực lượng chính quyền không bắt bà Thêu ngay tại thời điểm phạm tội mà lại bắt ở thời điểm đang ngủ cùng chồng con tại nhà ở Hòa Bình?
Thêm một điểm chung nữa là hầu hết những chia sẻ của người dân khi được Việt Nam Thời Báo hỏi liệu bà Thêu có nhận tội tại phiên xử ngày 20/9 không? Tất cả đều nói không như lời anh Dương Văn Tuyến, người từng tiếp xúc với bà Thêu lúc bà Thêu chưa bị bắt nói:
'Theo tôi phiên xử này chắc chắn rằng cô Thêu sẽ không nhận tội, vì cô hoàn toàn không có tội gì hết. Tất cả được dựng lên để đe nạt người đấu tranh."
Từ lúc bà Thêu bị bắt vào ngày 10/6/2016, trải qua mấy tháng giam giữ cho đến trước ngày đưa ra xét xử sơ thẩm phía gia đình bà Thêu vẫn chưa được gặp mặt bà Thêu. Có bốn luật sư tham gia bào chữa pháp lý cho bà Thêu tại phiên xử lần này là các luật sư; Hà Huy Sơn, Lê Luân, Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành. Theo luật sư Sơn và luật sư Luân cho biết tình hình sức khỏe bà Thêu hiện tại bình thường, tinh thần tốt, tình tiết vụ án khá đơn giản.
Hy vọng được thả ngay tại Tòa
Đó là nhận định chung của nhiều qua tâm phiên xử của bà Thêu vào ngày 20/9, bao gồm ý kiến của bà Lan và bà Sy.
Bà Lan nói: "Tôi hy vọng bà Cấn Thị Thêu được phóng thích ngay tại phiên tòa lần này bởi vì tôi thấy lúc nào Nhà nước Việt Nam cũng nói lấy dân làm gốc, chúng tôi cũng là những người dân như ngày xưa có bao nhiêu cuộc chiến cũng giành cho bằng được người cày có ruộng thế mà bây giờ bắt người dân chúng tôi chịu cảnh mất đất, tù tội như thế này. Tôi mong muốn những người được người dân giao phó nhiệm vụ thì phải làm theo đúng Hiến pháp và Pháp luật, phải có lương tâm để làm minh bạch, để trả tự do và không còn oan trái ở đời."
Và lời của bà Sy: " Hy vọng được thả tại tòa. Theo bà con dân oan trong đoàn thì hôm xử sẽ thả thôi vì chẳng có tội tình gì. Bây giờ buộc chúng nó phải xử chứ chẳng lẽ chúng thả không thì cũng ấy. Mọi người nghĩ chắc chúng nó cũng sẽ thả thôi."
Anh Dương Văn Tuyến thì cho rằng hy vọng bà Thêu được thả ngay tại tòa là có nhưng khả năng rất nhỏ. Anh nói: "Hy vọng thì có, nhưng nhỏ lắm! Dù có rất nhiều người quan tâm nhưng quyền lực không thuộc về lẽ phải."
Anh Tuyến mong rằng phiên xử bà Thêu sẽ được xét xử công khai đúng nghĩa, cho tất cả mọi người vào tham dự để mọi người biết bà Thêu có tội hay không?
Ngày 17/09/2016, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ( HRW ) ra một thông cáo kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai, sắp ra tòa vào đầu tuần tới. Trong bản thông cáo, ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW nhấn mạnh: “Mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền trong việc trưng thu đất đai đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây”. Theo ông Adams, chính quyền nên "cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù, thay vì trừng phạt những người dân bị mất đất".
Ngoài ra thì nhân viên của các Đại sứ quán Úc, Hoa Kỳ và nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế khác cũng đều bày tỏ sự quan tâm và lo ngại đến tình trạng nhân quyền của Việt Nam thông qua việc bắt giữ và kết án tù bà Cấn Thị Thêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét