(Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa) - Tuần trước, tôi có status kể về một nhà hoạt động dân chủ nhân quyền dùng nhiều thời gian đấu tranh ngoài bàn phím: luật sư Nguyễn Văn Đài. Hôm nay, xin kể về một người còn lạ hơn: Không có ý định dùng bàn phím.
Phạm Thanh Nghiên bước vào con đường đấu tranh khổ ải, gian nguy này bằng hai bàn tay trắng: không máy tính, không điện thoại di động, không xe gắn máy... Nhà đông người, lại nghèo khó tạo cho cô một tấm hình nhỏ bé, yếu ớt giữa 5 anh chị em không hơn được bao nhiêu. Với gia cảnh này, cô qua được THPT đã là một điều lạ...
Cô cũng không có chút khái niệm nào về công nghệ thông tin vì đâu có nghĩ phải tìm hiểu nó cho công việc gì khác. Cô là thợ may gia công tại gia, nữ lao công...bất cứ việc làm nào sạch sẽ cô cũng nhận làm để kiếm sống. Làm khá nhiệt tình, không mặc cảm.
Nhận sự giới thiệu của lật sư Lê Thị Công Nhân trước ngày bị bắt, hai chú cháu tôi tìm đến nhau...
Trí tuệ của Phạm Thanh Nghiên giúp cô nhanh chóng hòa nhập vào khối kiến thức dân chủ, tự do rộng lớn của nhân loại. Nhìn nhận sai lầm về thần tượng Hồ Chí Minh do người bố truyền lại là khó khăn lớn cô phải vượt qua trong nửa năm đầu tiếp xúc với Dân Chủ. Trong một stt cô kêu gọi những người đi trước không nên phê phán Hồ Chí Minh. Tuy nhiên những ai quan sát cô thời đó đều biết sau này cô là người phê phán HCM nhiều nhất, nặng nề nhất.
Nhưng khó khăn lớn nhất là làm sao cô có được một máy vi tính để bày tỏ chính kiến, tham gia được vào lực lượng phản biện duy nhất bằng bàn phím thời ấy. Trách nhiệm này tôi nhận. Tuy nhiên, tôi cũng nghèo không thể giúp cô ngay được.
Phạm Thanh Nghiên không biết tôi đang lo cho cô và may mắn là cô không chờ đợi có cái bàn phím mới làm việc.
Vào một ngày cô đề xuất công việc cho cả hai người.
Hai chú cháu lục tìm trong danh bạ điện thoại Hải Phòng những địa chỉ, cảm thấy có thể "tiếp cận" được. Chúng tôi lấy từ mạng xuống những bài viết ngắn và thích hợp nhất của "phản động" to nhỏ, cho vào phong bì, dán tem và ở phần TO (Nơi đến) là các địa chỉ đã tìm được trong danh bạ điện thoại. Để giữ an toàn tuyệt đối, chúng tôi phải làm cấp tập trong ngày hôm đó. Mỗi hòm nhận thơ chỉ được bỏ 5, 10 chiếc nên phải đi đến nhiều trạm thư tín rải rác nhiều nơi trong nội và ngoại thành. Tôi có xe gắn máy, nên chỉ 3 giờ đã hoàn thành công việc. Nghiên dùng xe đạp nên cùng số lượng đã nhận giống tôi phải dành đủ một ngày mới xong. Phương tiện khai dân trí thủ công kiểu này chắc chắn Nghiên không làm nếu cô muốn ngồi ngay vào bàn phím.
Lại một lần khác Chúng tôi tìm được hơn 300 số điện thoại di động của cư dân trong thành phố Hà Nội. Việc tìm kiếm này không khó. Nó nằm trong các mục quảng cáo rao bán nhà đất, xe máy, dịch vụ.v.v. Cùng một tin nhắn thông tin thời gian, địa điểm và kêu gọi tham gia biểu tình chống Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa (bao gồm Hoàng Sa và Trường sa của Việt Nam) chúng tôi dùng đi động, (để an toàn, phải thay nhiều sim các) gửi đến các số đã kể... Không thể xác định trong hơn 300 chủ nhân của các số máy kia có bao nhiêu người tham gia, nhưng cuộc " tập trung đông người" trái pháp luật trước đại sứ quán Trung Quốc lần đầu tiên (ngày 9/12/2007) có 400 đến 500 người hò hét cùng chúng tôi. Biểu tượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải đảo là bức hình bà Trần Thị Hài với cánh tay có nắm đấm vung cao có từ ngày đó...
Lại nhớ chuyến đi mạo hiểm của Phạm Thanh Nghiên và Ngô Quỳnh vào Thanh Hóa để tìm hiểu, đưa tin vụ tàu chiến Trung cộng bắn chết và bị thương 14 ngư dân Hoàng Trường, huyện Hoằng Hóa đang đánh cá trên vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là vụ bắn giết gây tổn thất về sinh mạng đầu tiên và lớn nhất do Trung cộng gây ra cho ngư dân Việt Nam.Chúng kéo cả tàu cá, xác người đã chết và người bị thương về đảo Hải Nam để giấu tội ác. Chính quyền cộng sản không cho báo chí thông tin. Không hề có một danh từ "tàu lạ" nào trong thời gian này. Ngư dân địa phương bị đe dọa không thông tin cho người hỏi," để nhà nước lo" Công an Thanh Hóa canh giữ từng nhà thân nhân của người bị nạn, mất tích... Nghiên đã xung phong vào hiện trường, cùng đi có Ngô Quỳnh. Chuyến đi mạo hiểm và khôn ngoan với 3 ngày ròng rã, khóa điện thoại, không liên lạc với gia đình, với đồng đội... được cô kể lại trong bài ký: Uất ức biển ta ơi. Những thông tin và hình ảnh hai người post lên chấn động
dư luận trong cộng đồng Hải Ngoại và quốc tế.
Chúng tôi tiếp tục dùng phương tiện thủ công kể trên để gửi thông điệp dân chủ đến hàng trăm người kết hợp với trao tay trực tiếp hai tập san bằng giấy in là Tổ Quốc ( có tôi công khai danh tính trong ban biên tập) của nhóm Tập Hợp Dân Chủ Da Nguyên và Tự To Ngôn Luận của khối 8406 cùng những thông tin, vận động biểu tình chống trung cộng sau đó.
Mãi đến tháng 5 năm 2007 Phạm thanh Nhiên mới có một chiếc điện thoại di động trị Nokia trị giá 650 ngàn, cuối năm 2007, nhờ sự giúp đỡ của khối 8406 cô có được một máy vi tính để bàn. Từ đó cô mới tự dùng bàn phím để đấu tranh và là người dùng bàn phím muộn mằn nhất trong lớp xuất hiện 2006-2008.
Với nhiệt huyết không ai nghĩ có được từ cơ thể gầy yếu của Phạm Thanh Nghiên, cô đã hoàn thành nhiều bài viết giá trị, những cuộc trả lời phỏng vấn cho BBC,RFA...,những buổi hội luận sắc sảo cùng bạn đấu tranh và người quan tâm từ quốc nội đến hải ngoại...qua skype. Phạm Thanh Nghiên vừa dùng bàn phím vừa xuống hiện trường cho đến tận ngày bị bắt. Giống như dùng phương tiện thủ công để đấu tranh, Phạm Thanh Nghiên đã đóng góp nhiều công sức cho cuộc vận động dân chủ từ những năm còn khó khăn và nguy hiểm khi dùng bàn phím.
Hôm qua chú cháu gặp nhau. Một dịp hiếm hoi để ôn lại những kỷ niệm cũ.
Có bạn nói. Hải Phòng không có nhiều, nhưng đã có là chất lượng. Câu khen này dành tặng Phạm Thanh Nghiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét