Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ


Báo chí Việt Nam cho hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói hôm 15/9 trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng việc phê chuẩn hiệp định TPP sẽ cần căn cứ vào chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Cụ thể, bà Ngân nói việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương “cần phải được Ban chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến để có cơ sở quyết định”. Bà chủ tịch Quốc hội nói thêm việc phê chuẩn TPP “cũng cần phải xem xét, căn cứ tình hình các nước phê chuẩn như thế nào, cũng như ảnh hưởng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến TPP ra sao”.

Theo tường thuật của báo chí trong nước, Chủ tịch Quốc hội Ngân cho rằng vì các lý do trên nên bà đề nghị chưa đưa việc phê chuẩn TPP vào chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 24 ngày, bắt đầu vào ngày 20/10 tới.

TPP là một hiệp định thương mại tự do, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo hiệp định, 18.000 chủng loại hàng hóa sẽ được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan xuất nhập khẩu.

Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vì hàng hóa Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường các nước thành viên. Đồng thời, hiệp định cũng mang lại hy vọng là đầu tư từ các nước TPP vào Việt Nam sẽ tăng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cam kết về các biện pháp cải cách kinh tế, bảo đảm các quyền của người lao động, trong đó có lộ trình cho phép thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam mà nhiều người hy vọng sẽ giúp gia tăng dân chủ.

Hiệp định TPP đã được đại diện 12 nước thành viên ven Thái Bình Dương ký hồi tháng 2/2016. Nhưng hiệp định chỉ có hiệu lực khi chính phủ và Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Từ đó đến nay, chưa có thêm diễn biến mới liên quan đến TPP do Quốc Hội Mỹ chưa thông qua. Trong khi đó, cả hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, là bà Clinton của đảng Dân chủ và ông Trump của đảng Cộng hòa, đều nói họ không ủng hộ hiệp định vì cho rằng nó không có lợi cho nền kinh tế và người lao động Mỹ.

Về việc Việt Nam “nghe ngóng động tĩnh” ở Mỹ để cân nhắc thông qua TPP, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế uy tín ở Việt Nam, đưa ra nhận xét với VOA:

“Cái việc là Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét một cách tích cực nhưng không quá vội vã cái việc thông qua hiệp định TPP này là bởi vì Việt Nam còn phải cân nhắc khả năng là Hoa Kỳ thông qua như thế nào, bao giờ thông qua, và có điều chỉnh gì hay không”.

Tin tức ở Mỹ trong cuối tháng 8, đầu tháng 9 này cho hay Tổng thống Obama vẫn tin tưởng TPP sẽ được Quốc hội thông qua trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Trong trường hợp TPP sớm được thông qua, Việt Nam cũng sẽ phải nhanh chóng thực hiện các cam kết của mình, đặc biệt là những điều khoản về công đoàn độc lập và xã hội dân sự được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cởi mở, tiến bộ và dân chủ hơn. Tiến sỹ Doanh nhận định:

“TPP có rất nhiều cam kết về cải cách. Trong đó có cải cách về công đoàn độc lập. Tôi nghĩ rằng với nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện hiệp định TPP cũng như là thực hiện các cam kết khác như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu thì môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ được cải thiện, và xã hội dân sự sẽ được công nhận, và các quyền tự do dân chủ đã được ghi trong Hiến pháp của Việt Nam sẽ được thực hiện một cách cụ thể và đầy đủ hơn”.

Trong khi nhiều người bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau rằng họ trông đợi TPP là tác nhân lớn dẫn đến cải cách, dân chủ ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh Việt Nam phải thay đổi trước hết vì nhu cầu nội tại bên cạnh việc đáp ứng các cam kết quốc tế. Ông nói:

“Trước hết là đáp ứng các đòi hỏi của người dân ở trong nước. Hiện nay có rất nhiều yêu cầu về đất đai, về giải quyết các thiếu sót trong quản lý môi trường, hiện nay được quần chúng đông đảo rất là quan tâm. Và tôi nghĩ là sự quan tâm đó sẽ được Quốc hội và chính phủ xem xét rất là nghiêm túc để đẩy mạnh công cuộc cải cách ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Chắc chắn là cái yêu cầu nội tại của Việt Nam đòi hỏi công cuộc cải cách đó là chủ yếu chứ không phải là cái sức ép từ TPP”.

Một số tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và nước ngoài cho rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi TPP. Có dự báo cho rằng TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ đôla vào năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada hay Nhật Bản khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%.

TPP có 12 nước tham gia là Việt Nam, Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét