Anh Văn
(VNTB) - Trong khi TS. Phạm Chí Dũng vừa bày tỏ bức xúc của mình với kết quả nghiên cứu đầy hời hợt của IR, thì ông cũng dẫn chứng qua con số, nhân vật có thật. Vậy mà tác giả Vũ Hợp Lân coi đó là việc sử dụng nhiều thông tin tiêu cực, không rõ xuất xứ, chủ yếu khai thác từ internet.
“Không rõ xuất xứ?”
Toàn bộ số liệu mà TS. Phạm Chí Dũng dẫn ra trong bài phản bác kết quả lạc quan kinh tế của IR cũng như hạnh phúc top 4 thế giới chính là những sự kiện diễn ra ngay trong đời thực của nền chính trị - xã hội Việt Nam.
Thông tin 8.000 đồng tiền thuế môi trường cũng chính xuất phát từ các cơ quan hữu trách nhà nước mà ra; nguy cơ vỡ nợ hiện hữu với ngân khố chỉ vỏn vẹn 45.000 tỷ đồng trong khi nợ vẫn đang phải đối diện xuất phát từ nguyên Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh; hiện tượng nợ động khiến nó gấp 4 lần ngân sách nhà nước Việt Nam xuất phát từ tiến sĩ Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; 25 tỷ nợ xấu ngân hàng là từ ông Trương Văn Phước, Phó Chú tịch Ủy ban giám sat tài chính quốc gia; thảm họa Formosa và phá hủy 90% ngành khai thác thủy hải sản, du lịch tại 4 tỉnh miền Trung cũng được công bố; quốc nạn xây tượng đài với việc chi hàng ngàn tỷ đồng nằm chiễm chệ trong cái gọi là “quy hoạch” đến nỗi chính báo Nhân Dân đã phải đăng tải bài: Tượng đài: Quy hoạch nào cho tương lai? [1]; quan điểm của TS Khuất Thu Hồng về kết quả nghiên cứu của IR là phiến diện trong cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội; 15 tỉnh lên VP Chính phủ xin gạo cứu đói được báo Nhân Dân [2] và hàng tá báo khác đăng tải,…
Hàng tá số liệu mà theo tác giả Vũ Hợp Lân cho là “không rõ xuất xứ, tiêu cực” trên chỉ là một phần nỗi ám ảnh đầy tuyệt vọng thảm họa kinh tế đến môi trường mang lại. Vậy mà người dân lại “hạnh phúc” top 4 thế giới – phải chăng đó là thứ tâm lý “hạnh phúc của một tang gia” của người dân Việt? Không, đó là thứ lạc quan, hạnh phúc của 700 người ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh – số mẫu quá nhỏ để có thể cho ra kết quả chính xác về quan điểm có biên độ rộng như “hạnh phúc hay lạc quan”.
Là một công dân đang sống tại Việt Nam, và là TS Kinh tế, cũng đồng thời là người quan tâm sâu đến tình hình nhân quyền, ông Phạm Chí Dũng có đủ tư cách để bác bỏ kết quả nghiên cứu nêu trên và đặt nghi vấn về việc, IR có thể bị chính quyền dùng tiền để mua thông tin nhằm giữ “thể diện chính trị”. Ở đây, người viết nhấn mạnh, với một kết quả đầy chất “lạc quan” nêu trên – bất kỳ ai cũng có quyền và nghĩa vụ phải đặt dấu hỏi.
Số liệu kinh tế tươi sáng?
Tác giả Vũ Hợp Lân tự hào khi dẫn số liệu dẫn chứng cho thấy nền kinh tế - xã hội Việt Nam đầy khởi sắc. Tôi cũng cho rằng, nó là điều đáng mừng, nhất là lần đầu tiên dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu đạt hơn 81%. Nhưng cũng chỉ có 2 tia sáng trong nhóm số liệu mà tác giả nêu ra.
CPI năm 2016 của Việt Nam tăng 4,74% - tuy nhiên, con số này lại dưới mức trần mà Quốc Hội Việt Nam đề ra, cũng như thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân của Việt Nam trong năm năm gần đây. GDP tăng 6,21% - mà tác giả tự hào là cao trong khi các nước đang phát triển ở châu Á là 5,5%, khu vực Đông - Nam Á 4,5% nhưng lại thấp hơn năm 2015 và năm đầu tiên có mức tăng chậm lại kể từ năm 2012, bản thân Tổng cục thống kê Việt Nam cũng thừa nhận điều này trong bản báo cáo. GDP cũng không phải là kết quả để người dân “sống hạnh phúc, bởi nhiều năm nay, con số GDP chỉ được coi là “cái bóng” của nền kinh tế - nó phải được xếp bên chỉ số HDI (phát triển con người), PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh),… Không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33% GDP là thấp so với kế hoạch đề ra trước đó (33,5 – 35% GDP); tỷ lệ giảm nghèo ở mức 8,5% nhưng tỷ lệ tái nghèo cao (theo thừa nhận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) khi có 41 huyện vẫn có tỷ lệ nghèo trên mức 50%. Năm 2016 có 1,6 triệu người có việc làm nhưng dự báo 2017 lại có 1,1 triệu người thất nghiệp, trong đó lực lượng thanh niên chiếm 8%.
Tất nhiên, những số liệu nêu trên là được rút ra từ báo cáo các cơ quan chính thống của Việt Nam chứ không hề là sự bịa đặt. Và cũng thực sự khó có thể nói “tốt” cho quốc gia khi mà con số lại ảm đạm đến mức độ như vậy.
Liên quan đến khảo sát chuyên gia nước ngoài năm 2016 của HSBC, cần nhận thức rằng, khảo sát này cho biết cơ hội để phát triển sự nghiệp, tận hưởng chất lượng cuộc sống và an toàn cho cá nhân – gia đình chuyên gia. Việt Nam xếp hạng thứ 2 (sau Singapore) tại Đông Nam Á, nhưng con số trên lại đến từ 46% thái độ muốn tìm kiếm thách thức mới, 24% là bị điều chuyển và 24% là cải thiện chất lượng sống gắn với 35% là giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn từ quê nhà.
Bên cạnh, dù “môi trường chính trị ổn định” và có tới 72% số chuyên gia nước ngoài ở đây cảm thấy tự tin về nền kinh tế như tác giả dẫn ra, và xếp thứ 2 sau Singapore về kết quả khảo sát nhưng Việt Nam vắng bóng trên bảng xếp về kinh tế; trải nghiệm và gia đình của HSBC. Tác giả cũng quên dẫn ra rằng, 3/4 chuyên gia nhận thấy Việt Nam có thể tiết kiệm tiền bạc; 1/3 cảm thấy quản lý tài chính tại Việt Nam phức tạp (liên quan đến thuế, bảo hiểm), và 78% bày tỏ lo ngại môi trường.
Chính vì yếu tố đen trắng rõ ràng nêu trên, nên không ai phản ứng trước kết quả đánh giá khảo sát này. Còn IR, với khảo sát 700 người dân Việt Nam, lại cho họ kết quả hạnh phúc toàn diện khi bản thân người Việt lại sống trong suy giảm kinh tế, ô nhiễm môi trường, bế tắc giao thông? Chưa kể, việc dẫn ra khảo sát chuyên gia nước ngoài cũng là một cách “lạc đề” (đánh tráo khái niệm) của tác giả, liệu nó liên quan gì đến phản ứng của TS. Phạm Chí Dũng về “hạnh phúc bất ngờ” mà 700 người Việt thổ lộ với IR?
Kết
Ngoài việc chỉ trích cá nhân TS. Phạm Chí Dũng và dẫn những số liệu tương đối là “tốt” để đáp trả những đánh giá trên BBC, VOA, RFA và khẳng định các đánh giá trên tiêu cực, tùy tiện về Việt Nam thì tác giả Vũ Hợp Lân lại không hề đưa ra một quan điểm nào mang tính chính đáng hơn, bớt “tùy tiện” hơn, mà chủ yếu 2/3 là dẫn lại ngôn từ bày tỏ của IR trong kết quả nghiên cứu và đưa số một mặt sáng của số liệu về phát triển kinh tế - xã hội? Điều này, nói thẳng ra là giống như loài vẹt, chỉ biết lặp đi lặp lại mà không hề nhận thức được bản chất câu chữ, số liệu đó hàm ý điều gì? Liệu rằng tác giả Vũ Hợp Lân có quá mộng mơ trong một xã hội không quá nhiều mơ mộng? Trách nhiệm người cầm bút là nhìn thẳng vào sự thật của tác giả đến đâu? Hay chỉ là mải miết chạy theo những con số đẹp mà quên sự lầm than của người dân?
--------------------
Tham khảo
[1] http://www.nhandan.com.vn/hangthang/item/27008802-tuong-dai-quy-hoach-nao-cho-tuong-lai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét