Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Nguyễn Đăng Quang: CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH LÀ "THẾ LỰC THÙ ĐỊCH" Ư?

Nguyễn Đăng Quang 


Nhận lời mời của cụ Lê Đình Kình và gia đình, tôi cùng nhà văn Nguyên Bình, nhà báo Nguyễn Đình Ấm, doanh nhân CCB Phan Trọng Khang và nhà giáo Nguyễn Tiến Dân, là 5 trong trong số hàng triệu người quan tâm và theo dõi sự kiện Đồng Tâm sau biến cố hôm 15/4/2017, cuối tuần qua đã rủ nhau về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, thăm sức khỏe và trò chuyện với cụ Lê Đình Kình và đại gia đình, cùng nhiều bà con, người dân ở đây.

Phải có người đỡ, cụ mới ngồi dậy được để tiếp chúng tôi. Từ sau hôm được xuất viện về nhà đến nay đã gần 3 tháng, cụ vẫn chưa thể tự ngồi dậy được. Cụ phải gánh chịu vết thương quá nặng, khó tránh khỏi thương tích suốt đời, vì xương đùi trái cụ bị gẫy thành 4 đoạn, xương hông bị vỡ, được Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật, phải nẹp một thanh kim loại dài 27 cm dọc suốt đoạn xương đùi bị dập nát với tổng cộng 11 đinh vít cố định, cộng thêm 2 đinh vít nữa để cố định chỗ xương hông bị vỡ!

Cụ cố gắng tiếp chúng tôi trong tình trạng cơ thể đau và mệt mỏi, nhưng trí lực tỉnh táo và tinh thần minh mẫn. Được biết, ngay sau khi xuất viện về nhà, cụ đã lên tiếng tố cáo 4 sỹ quan LLVT (có họ tên, cấp bậc, chức vụ cụ thể) sáng hôm 15/4/2017, khi được cụ dẫn ra thực địa giáp ranh sân bay Miếu Môn để chỉ ranh giới đất tranh chấp, bất thần họ vây quanh rồi xông vào đạp và đá cụ gẫy xương, quẳng cụ lên xe “như quẳng một con vật”, sau đó còn dùng còng số 8 khóa quặt 2 tay rồi nhét giẻ vào mồm cụ, và cứ thế xe chạy 50km, đưa cụ về nơi tạm giữ để lấy lời cung.

Sau gần 3 ngày rưỡi bất tỉnh và đau đớn, họ mới đưa cụ vào bệnh viện để cấp cứu! Cụ cho biết mục đích chính của họ là “nhằm thủ tiêu để bịt đầu mối, không cho cụ lên tiếng phanh phui sự thật trong vụ cướp đất ở cánh Đồng Sênh.”!

Ông Nguyễn Đăng Quang (phải) và người nhà của cụ Kình. Ảnh tác giả cung cấp.

Tôi hỏi cụ: “Thế từ sau hôm bác xuất viện về nhà đến nay, có ai trong số họ đến thăm bác không?”. Cụ buồn rầu đáp: “Nhiệm vụ thứ nhất được giao, họ đã hoàn thành, nhưng mới được một nửa! Tôi không rõ họ có được giao tiếp nhiệm vụ đến thăm tôi hay không, nhưng có lẽ họ không được giao đâu, cho dù lương tâm họ có muốn chăng nữa!”.

Cụ cho biết, cụ lên tiếng để công luận thấy rõ căn nguyên và bản chất sự việc, chứ cụ không tư thù cá nhân ai, cũng như đòi truy tố 4 kẻ thủ ác kia. Cụ hy vọng việc này sẽ do cơ quan pháp luật của thành phố thực hiện theo đúng nội dung mà Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cam kết với dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017.

Về nguồn gốc, lai lịch 59ha đất nông nghiệp ở cánh Đồng Sênh và nội dung dự thảo kết luận của Thanh tra HN hôm 7/7/2017, cụ Kình nói: “Cho dù có bị chặt đầu, tôi vẫn khẳng định đây là đất nông nghiệp. Người dân thôn Hoành xã Đồng Tâm đã canh tác trên mảnh này trong gần 70 năm qua, từ thời Pháp thuộc. Nhưng Dự thảo kết luận của Thanh tra Hà Nội hôm 7/7/2017 lại nói trên cánh Đồng Sênh (Đồng Tâm) không có đất nông nghiệp, mà 59ha này là đất quốc phòng. Đây quả là một kết luận vô lý và phi lý, đổi trắng thay đen, phủ nhận thực tế lịch sử và không dựa trên cơ sở pháp lý! 59ha đất này chưa hề có quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng của bất kỳ cấp có thẩm quyền nào! Người dân thôn Hoành đã và sẽ luôn đồng thuận, quyết tiếp tục đấu tranh giữ đất. Nếu kết luận chính thức không thay đổi, dân ĐồngTâm sẽ kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, các bên cùng nhau đo đạc để có kết luận khách quan, đúng theo thực tế lịch sử!”.

Mặc dù đang trong thời gian dưỡng thương, cụ Kình vẫn khẳng khái nói, cho dù có bị chặt đầu ngay tức thì, cụ vẫn khẳng định đấy là đất nông nghiệp của địa phương, chứ không phải là đât quốc phòng như Dự thảo của Thanh tra Hà Nội kết luận hôm qua. Không ai có thể phủ nhận được thực tế và lịch sử.

Cụ Kình là công dân cao tuổi với 82 tuổi đời, đồng thời là một đảng viên lão thành với 55 năm tuổi đảng, được hầu như tuyệt đại đa số người dân Đồng Tâm yêu quý, kính trọng và tín nhiệm! Cụ đã từng có 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã, 1 nhiệm kỳ làm Chủ tịch và 4 nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch xã, và 4 năm là Huyện ủy viên Huyện ủy Mỹ Đức. Tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm trong lòng cụ luôn sục sôi, và được người dân xã Đồng Tâm đồng tình ủng hộ. ĐCSVN cần hãnh diện khi trong đội ngũ của mình có một đảng viên như vậy. Đây là một điều may mắn và, nói một cách mộc mạc dân dã, là ĐCSVN có phúc mới có được những đảng viên như vậy.

Ấy thế mà, không rõ vì căn nguyên và động cơ gì, Đảng bộ huyện Mỹ Đức cùng HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mỹ Đức lại căm ghét cụ, ra sức chống cụ, huy động toàn hệ thống chính trị của huyện “vào cuộc” để xuyên tạc, nói xấu, chống lại cụ và những cán bộ đảng viên đi đầu trong việc chống tiêu cực, tham nhũng tại địa phương. Họ vu cáo cụ và những người này là: “Gây phức tạp tình hình ANTT, cản trở hoạt động của chính quyền, kích động quần chúng nhân dân, tụ tập đông người, gây rối TTCC tại trụ sở các cơ quan Trung ương và Hà Nội, v.v và v.v…”.

Liên tục trong suốt 2 tháng rưỡi: tháng 2, Tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2017, chính quyền huyện Mỹ Đức đã phát hành tờ rơi đến tận từng hộ gia đình ở xã Đồng Tâm để “tố cáo bộ mặt thật đối tượng Lê Đình Kình và đồng bọn”, thậm chí tờ rơi này còn được đọc 3 lần/ngày trên Đài truyền thanh của Huyện! Riêng Đài truyền thanh của xã Đồng Tâm thì cứ mỗi 2 tiếng lại nhai đi nhai lại nội dung tờ rơi xuyên tạc này. Đến nỗi người dân Đồng Tâm rất bực bội, cùng rủ nhau kéo đến trụ sở Ủy ban xã yêu cầu họ không được phát thanh tuyên truyền lung tung, phải theo đúng giờ giấc quy định. Chính quyền làm như vậy chẳng khác gì chính quyền là kẻ tuyên truyền bậy bạ, gây rối TTCC. Sau đó Ủy ban xã buộc phải xin lỗi và quay lại các bản tin như thường lệ.

Suốt trên 3 tiếng trò chuyện, tâm sự, kể cả trong bữa cơm thân mật mà gia đình khoản đãi, cụ Kình luôn thể hiện là một người mẫn tiệp, rất điềm đạm, dù trong lòng cụ vô cùng bức xúc. Tuy ở tuổi 82 và cơ thể cụ đang phải gánh chịu một vết thương rất nặng, nhưng tinh thần cụ không hề suy sụp, vẫn vững vàng và tin tưởng vào chính nghĩa, vào người dân! Cụ chỉ buồn là những kẻ thủ ác, cố tình gây thương tích suốt đời cho cụ và còn có ý định thủ tiêu cụ, không phải là kẻ thù giai cấp xa lạ ở đâu, mà chính lại là đồng đội, đồng chí của cụ, cùng đứng trong hàng ngũ ĐCSVN với cụ, mà tuổi đời của họ chỉ đáng tuổi con cháu cụ thôi.

Cụ nói riêng với tôi, đây chính là nỗi đau lớn nhất, khó có thể nguôi ngoai trong lòng cụ cũng như không thể phai mờ trong ký ức của các con, cháu và chắt cụ sau này.

Cụ Lê Đình Kình quả là một con người quý hiếm. Tuy đã cao tuổi, song cụ rất minh mẫn, có trí nhớ tuyệt vời. Cụ trình bày sự việc rất súc tích, mạch lạc và dễ hiểu. Không cần nhìn sách hay đọc tài liệu, cụ trích dẫn số liệu, tư liệu, ngày tháng, nội dung văn bản thật chính xác! Tôi không chỉ cảm nhận được cụ là người mẫn tiệp, thông tuệ, tư duy sắc xảo và trí tuệ trong sáng, mà tôi còn thấy cụ là người có tấm lòng vị tha, luôn vì công bằng và chính nghĩa, và trên hết cụ là người khẳng khái, luôn tôn thờ sự thật và tranh đấu cho công lý!

Dọc đường về, nhà văn Nguyên Bình ước ao: “Mong sao trong số 200 ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa XII hiện nay có được vài ba người như cụ Lê Đình Kình thì nhân dân và đất nước Việt Nam ta được nhờ!”. Tôi mạn phép lấy câu nói trên của nhà văn Nguyên Bình làm lời kết cho bài viết này của tôi.

Xin chân thành cảm ơn cụ Lê Đình Kình và đại gia đình đã mở lòng dành cho anh em chúng tôi một sự đón tiếp thân tình, cởi mở và tin cậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét