Dân trí Tại hội nghị giao ban thanh tra các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2017 chiều 5/7, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an - cho rằng do chưa có quy định về truy nguyên nguồn gốc tài sản nên mới có chuyện nhiều người giải trình là được “hình thành từ nuôi lợn, nuôi gà” (!).
Theo ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ), 6 tháng đầu năm 2017 toàn ngành thực hiện 480 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 900 đơn vị, kiến nghị xử lý hành chính 172 tổ chức, 310 cá nhân.
Qua thanh tra cho thấy, ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm chủ yếu như người đứng đầu không tiếp công dân định kỳ theo quy định; việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại tố cáo chưa thực hiện nghiêm túc, việc xử lý đơn thư còn chậm…
Trong công tác phòng chống tham nhũng, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng và qua hoạt động thanh tra phát hiện 21 vụ, 22 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
“Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục đôn đốc, tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập năm 2016 của các bộ ngành, địa phương theo quy định”-ông Lĩnh nói.
Theo dự thảo định hướng kế hoạch thanh tra năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này sẽ thực hiện nhiều chính sách, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, tổ chức nhất là cán bộ quản lý. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để đảm bảo chính xác thông tin, đúng sự thật.
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an (Ảnh: T.K)
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an - đánh giá, nhiều năm nay Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành rất trăn trở, nói nhiều tới tiêu cực, tham nhũng ở các nơi liên quan đến kê khai tài sản. Bên cạnh đó, những kết luận về xử lý cán bộ gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng cho thấy nhiều vi phạm liên quan đến kê khai tài sản.
Bất cập rất lớn hiện nay trong việc này, theo ông Xuất, chính là cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhiều.
“Kê khai chỉ để kê khai. Khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không. Chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu. Thế nên mới có chuyện nhiều người giải trình hình thành từ nuôi lợn nuôi gà. Vừa rồi câu chuyện ở Yên Bái giải trình như thế nhưng xem giải trình đúng không thì chưa có cơ chế kiểm soát”- ông Xuất nói.
Từ đây, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất đề nghị Thanh tra Chính phủ đưa vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018 một chương trình thanh tra đối với việc kê khai tài sản.
“Thực hiện những cuộc thanh tra như thế thì họ cũng phải run sợ, cũng phải ngại, kê khai không đúng thì sẽ bị xử lý như thế nào. Tôi nghĩ như vậy”- Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an nêu quan điểm.
Ghi nhận ý kiến của ông Xuất nhưng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn thừa nhận việc này không hề đơn giản, bởi “mình đi thanh tra phải có kết quả cuối cùng”.
Trong khi đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, số vụ việc khiếu nại tố cáo giảm đi, nhưng số vụ đông người khiếu kiện gay gắt, phức tạp lại tăng, phổ biển nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai.
“Chúng tôi có nhận được hai báo cáo của công an, quân đội, có đưa ra một số vụ việc của địa phương trở thành điểm nóng. Điểm nóng nhiều nhất ở miền Trung và miền Bắc. Sau vụ Formosa và Đồng Tâm, nhiều trường hợp bị kích động, tụ tập đông người, biểu tình gây rối, chống đối lực lượng chức năng, bắt giữ cán bộ trái pháp luật”- ông Sáu nói.
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất: Ở Yên Bái giải trình nguồn gốc tài sản như vậy, nhưng chưa biết đúng hay không. Trong ảnh: khu dinh thự rộng hơn 13.000m2 của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý (Ảnh: Toàn Vũ).
Đối với câu chuyện chồng chéo trong hoạt động thanh tra, gây phiền hà cho doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định mình “từng trải qua hết rồi” bởi “từ địa phương đi lên” và có 17 năm làm doanh nghiệp.
“Tỉnh An Giang có năm có tới 83 đoàn thanh tra. Phải chịu đựng tiếp. Đoàn nào vô cũng cười cả. Có một con đường mà ngành kế hoạch-đầu tư cũng vào, đất đai cũng vào, giao thông cũng vào, rồi tới kiểm toán. Việc chồng chéo hết sức phiền phức với doanh nghiệp. Việc này xuất phát từ luật pháp, kiểm toán và thanh tra chưa định rõ, dẫn tới trùng lắp. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đang bàn thảo để tháo gỡ chuyện này”- ông Sáu thông tin.
Giải đáp thêm băn khoăn của thanh tra các bộ ngành, ông Lê Hồng Lĩnh cho biết, Thanh tra Chính phủ dự kiến quy định: Khi thực hiện kế hoạch thanh tra nếu phát hiện thấy có sự chồng chéo với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, nhất là tại doanh nghiệp, thì thanh tra bộ ngành, thanh tra tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp, trao đổi thống nhất với đơn vị kiểm toán được giao thực hiện nhiệm vụ hoặc báo cáo Thanh tra Chính phủ để trao đổi với Kiểm toán Nhà nước thống nhất phương án xử lý.
Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành, địa phương có thể thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Khi đề xuất thanh tra đột xuất, cơ quan thanh tra cần xác định rõ căn cứ, cơ sở các dấu hiệu vi phạm để thanh tra đột xuất. Khi tiến hành thanh tra không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra hay vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Thế Kha
Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét