NGUYỄN
TƯỜNG THỤY
Vẫn cứ là “giải phóng miền Nam”
Hoạt
động cuối cùng của đợt “kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất
nước” là màn bắn pháo hoa tại 3 điểm ở Sài Gòn vào lúc 9 giờ tối ngày 30/4/2019
với mô tả “mãn nhãn”, “thắp sáng bầu trời tp HCM”.
Cụm
từ “kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam" tràn ngập trên các trang báo
mạng. Nếu gõ câu “kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” vào
google có thể tìm thấy ít nhất khoảng 160 tin bài. Chỉ có trang “Nhân dân” của
đảng CSVN thêm chữ “hoàn toàn” - giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Dùng chữ “hoàn
toàn”, hẳn họ quên mất rằng, ở thời điểm 30/4/1975, quần đảo Hoàng Sa thuộc miền
Nam quản lý đã mất vào tay Trung quốc từ hơn 1 năm trước đó, mà những người
lãnh đạo của Việt Nam dân chủ cộng hòa khi đó vẫn cứ tin là TQ “giải phóng và
giữ hộ”
Còn
nếu bỏ mấy chữ “giải phóng miền Nam” đi, gõ cụm từ “kỷ niệm 44 năm thống nhất đất
nước” vào công cụ tìm kiếm thì chỉ thấy vài tin, nhưng là nói về màn bắn pháo
hoa.
Như
vậy, không có chuyện chính quyền Việt Nam tránh nói từ “giải phóng” trong dịp kỷ
niệm 30/4 năm nay như một bài viết của RFA đã đặt dấu hỏi.
Đừng khét thêm vào nỗi đau tháng Tư
Việc
tuyên truyền, khuếch trương chiến thắng của bên thắng cuộc chỉ khoét sâu thêm
vào nỗi đau của bên thua cuộc.
Phân
tích kỹ thì bên thua cuộc không chỉ là miền Nam mà bao gồm tất cả những người
phải chịu tổn thất trong chiến tranh. Với khái niệm này, bên thua cuộc còn bao
gồm hàng triệu người lính miền Bắc và dân thường đã ngã xuống trong nỗi đau đớn
của gia đình họ. Bên thua cuộc còn bao gồm những người kỳ vọng vào một đất nước
thống nhất cường thịnh nhưng lòng tin ấy đã đổ vỡ
Tóm
lại, bên thua cuộc là nhân dân VN, còn bên thắng cuộc là những người phát động
chiến tranh, giành thắng lợi và hưởng lợi từ chiến thắng ấy.
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…
(Đá
ơi – Thơ Nguyễn Duy)
44
năm đã quá đủ thời gian để nhìn nhận lại cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.
Người ta ngày càng rõ hơn các vấn đề như bản chất của cuộc chiến tranh, tại sao
phe cộng sản thắng? Đất nước thống nhất đem lại cho nhân dân những gì? Có ý kiến
đặt ngược vấn đề “ai giải phóng ai?”. Đây là một góc nhìn mới và nghiêm túc.
Có lẽ
trong hiện thực xã hội mục ruỗng và bế tắc hiện nay, trước tương lai mù mịt của
đất nước, phe thắng cuộc không còn gì hơn là bấu víu vào quá khứ mà người ta gọi
là ăn mày dĩ vãng. Oái oăm thay, quá khứ ấy càng vén lên, càng đánh thức nó dậy
thì càng bất lợi cho họ. Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Chỉ cần
đặt ra mấy câu hỏi mà ai cũng trả lời được là sẽ rõ vấn đề:
- Bên
nào đem quân vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam?
- Gọi
là chống Mỹ xâm lược, tại sao khi quân đội Mỹ chưa tham chiến hoặc sau khi họ
rút quân, chiến tranh vẫn tiếp diễn?
- Tại
sao miền Nam cần phải giải phóng và giải phóng khỏi cái gì?
- Tỉ
lệ tử sĩ trong chiến tranh (tạm lấy số liệu của wikipedia) giữa CSVN & đồng
minh / VNCH / Mỹ & đồng minh là 13,2/4,7/1 nói lên điều gì? Có phải đấy là
cách để làm nên chiến thắng của phe cộng sản?
v.v...
Việc
khuếch trương chiến thắng, sỉ nhục bên bại trận là môt sai lầm mà bên thắng cuộc
cố tình không nhận ra do bản chất kiêu ngạo của họ. Nó không có tác dụng gì
trong việc nâng cao tầm vóc cho họ mà chỉ làm tổn thương cho phía bên kia, duy
trì và khoét sâu sự hận thù. Trong khi luôn miệng kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân
tộc thì 44 năm qua, cứ vào dịp 30/4, họ lại tưng bừng kỷ niệm chiến thắng, xoáy
vào nỗi đau tháng Tư của đồng bào phải chịu tổn thất trong chiến tranh.
Là
bên thắng cuộc, họ không những không có lòng khoan dung, cao thượng mà vẫn còn
đó sự căm thù chế độ Việt Nam cộng hòa mặc dù nó đã đi vào quá khứ. Xóa sổ một
chính thể, hàng triệu đồng bào bỏ chạy khỏi đất nước, hàng trăm nghìn người bỏ
xác nơi biển cả, sa vào tay hải tặc, đày đọa hàng trăm nghìn cán binh VNCH
trong các trại cải tạo chưa đủ làm họ thỏa mãn sao? Không thể tưởng tượng được,
chỉ từ cử chỉ cầm lá cờ Việt Nam bé xíu vẫy của tổng thống Mỹ khi sang thăm Hà
Nội mà ông thủ tướng lập tức nghĩ ngay đến “bọn phản động lưu vong người Việt”,
và tưởng tượng ra “bọn” này “rã rời chân tay”.
Năm
2005, kỷ niệm 60 năm quốc khánh, ông Võ Văn Kiệt phát biểu:
“Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có
hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung
của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...”
Phát
biểu của ông Kiệt được nhắc lại với tần suất rất cao mỗi khi nói về hòa giải và
hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, không có một lãnh đạo cấp cao nào nói ra được một
ý tương tự. Tiếc rằng, vì quan điểm tiến bộ, cởi mở của ông mà sau đó ông bị đồng
chí của mình nghi kỵ, cảnh giác. Đã có những ý kiến nghi ngờ rằng cái chết của ông có uẩn
khúc.
Lối
cư xử với bên bại trận ở VN, làm người ta nghĩ đến cách giải quyết trong quan hệ
Mỹ - Nhật sau khi Nhật Bản đầu hàng, để có được một nước Nhật ngày nay. Xa hơn
nữa là cách giải quyết trong nội bộ nước Mỹ khi Liên bang miền Bắc chiến thắng trong
cuộc nội chiến cách đây 1,5 thế kỷ để có một siêu cường Hoa Kỳ ngày nay. Nó
khác hẳn với tư duy hẹp hòi, thiển cận và những hành động trả thù hèn hạ sau cuộc
nội chiến kéo dài 20 năm ở VN của bên thắng cuộc và dai dẳng đến tận bây giờ
Không thể chỉ kêu gọi suông
Tác giả - một cựu quân nhân miền Bắc và một quân nhân Việt Nam cộng hòa. Ảnh Ngô Chí Thiềng
Về vấn
đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, trái bóng luôn ở chân nhà nước cộng sản VN, đơn
giản vì họ là bên thắng cuộc, ngoài ra họ là bên phải chịu trách nhiệm về cuộc
chiến tranh. Họ có đủ quyền hành, lực lượng để chủ động trong việc ấy.
Để
hòa giải và hòa hợp dân tộc, cần phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể chứ
không chỉ kêu gọi suông. Người ta nhìn vào hành động để biết nhà cầm quyền có
thực tâm hòa giải không.
Những
hành động cụ thể cần phải làm, trước hết cần dùng một tên gọi chính xác cho cuộc
chiến tranh 1955 – 1975. Nếu ngại những từ “nhạy cảm” như “thôn tính”, “cưỡng
chiếm”, có thể gọi là cuộc nội chiến hay chiến tranh Nam Bắc, chứ không gọi là
“cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hay chiến tranh “giải phóng miền
Nam”. Cần loại bỏ vĩnh viễn những cụm từ
“giải phóng miền Nam”, “đế quốc Mỹ và tay sai”, “ngụy quân ngụy quyền” ra khỏi
đời sống xã hội. Phải bỏ ngày 30/4 ra khỏi ngày nghỉ lễ.
Ngày
30/4 là một biến cố lịch sử. Chỉ nên tổ chức những buổi hội thảo tự do không định
hướng, không kén chọn thành phần để làm rõ hơn mọi khía cạnh cuộc chiến tranh
1955 - 1975, giai đoạn đau thương và đen tối nhất của lịch sử dân tộc.
Cần
chấm dứt việc gây khó dễ khi xét lý lịch đi học, đi làm đối với con cháu quân
cán binh VNCH. Phải loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với những người có liên
quan đến chế độ cũ. Không được gây cản trở mọi hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những
người có liên quan đến chế độ cũ, ví dụ hoạt động tri ân thương phế binh VNCH
được nhà thờ Kỳ Đồng tổ chức hàng năm. Các nghĩa trang quân đội VNCH cần được
chăm sóc chu đáo như những nghĩa trang liệt sĩ khác.
Đừng
làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng
như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào,
kiêu hãnh của mình.
Những
người được coi là thắng cuộc liệu có biết họ đang thua cuộc. Có trong tay cả một
đất nước để rồi không biết làm thế nào cho “đất nước đứng lên”. Họ đang đứng trước
một cuộc khủng hoảng toàn diện với những thách thức về lý luận, về phương pháp,
về lòng tin, về sự thối nát của hệ thống chính trị và phải tìm cách thoát khỏi
bế tắc. Việc thực tâm hòa giải bằng những việc làm cụ thể cũng là một cách khai
thông bế tắc ấy.
2/5/2019
NTT
Cựu
chiến binh miền Bắc
Nghe họ tuyên truyền chiến thắng 30/4 mà thấy phản cảm vô cùng!
Trả lờiXóa