Nguyễn Tường Thuỵ
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra là qui trình ngược. Thay vì việc đưa Lê Anh Hùng ra tòa thì cơ quan điều tra bắt anh đi giám định tâm thần để có thể đình chỉ điều tra. Đây không phải là việc làm “nhân đạo” nhằm tránh bỏ tù Lê Anh Hùng. Việc kết luận anh tâm thần rồi hè nhau đè anh ra tiêm thuốc không phải là đã kết thúc vụ án.
Tình trạng bi đát của Lê Anh Hùng hiện nay
Những thông tin về Lê Anh Hùng bị cưỡng bức điều trị tâm thần được gia đình (mẹ và em trai anh) đưa ra cho thấy anh đang ở trong tình thế rất bi đát và sự hành hạ của nhà chức trách đối với anh cũng rất độc ác, man rợ.
Khi anh tuyệt thực để phản đối việc cưỡng bức giám định tâm thần, họ đè anh ra truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy máu. Ai cho phép họ can thiệp vào việc tuyệt thực của Lê Anh Hùng? Ngoài cưỡng bức không cho tuyệt thực, anh còn bị cưỡng bức tiêm thuốc để “điều trị tâm thần”.
Phải chăng nhà chức trách đã quá “trách nhiệm” với anh, tới mức can thiệp thô bạo vào việc anh tuyệt thực hay cưỡng bức chữa bệnh? Việc nhét thức ăn vào mồm, vào mũi, đè ra tiêm thuốc hăng hái quá mức là trách nhiệm hay là sự trả thù? Kết quả của những “trách nhiệm” đó là hiện nay Lê Anh hùng gầy yếu, thần sắc phờ phạc, theo gia đình anh cho biết.
Lê Anh Hùng rất bức xúc và phẫn nộ khi bị đối xử tàn tệ. Anh nhờ tất cả anh chị em tranh đấu giúp để chấm dứt tình trạng cưỡng bức “điều trị tâm thần” đối với anh.
Ai cho phép họ cưỡng bức tiêm thuốc đòi “điều trị” anh? Theo tìm hiểu thì để điều trị tâm thần, người ta dùng biện pháp tâm lý là chủ yếu. Ngoài ra có thể dùng thuốc uống. Thuốc tiêm chỉ dùng trong trường hợp thật đặc biệt. Tiêm thuốc sẽ biến người không tâm thần cũng trở thành tâm thần vàc ùng với ức chế sẽ mất đi sự sáng suốt, minh mẫn.
Lê Anh Hùng có tâm thần không? Điều này đã có nhiều bài viết đề cập và chung một nhận định rất khó hiểu khi anh bị cho là tâm thần. Biểu hiện của sự minh mẫn của anh ở chỗ, anh là một cây viết nhạy bén, viết khỏe, là cộng tác viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nhiều năm gần đây. Bài viết của anh chuẩn mực về ngôn ngữ, văn phạm và chính tả. Những ai từng giao tiếp với Lê Anh Hùng đều chung nhận xét, anh nói năng nhỏ nhẹ, mạch lạc, khiêm nhường, không to tiếng gây sự với ai bao giờ. Anh là người cha người chồng thương yêu vợ con và có lòng bao dung với những sai lầm của vợ. Lê Anh Hùng còn là dịch giả của những cuốn sách hoặc bài viết về kinh tế, thương mại, chính trị xã hội. Tôi cũng từng nhờ anh dịch giúp thư từ hay phiên dịch trực tiếp trong những buổi làm việc.
Không chỉ kết luận tâm thần mà xong
Công luận đều biết việc trong vòng 10 năm kể từ 2008 cho đến khi bị bắt, Lê Anh Hùng liên tục viết đơn tố cáo một số quan chức cao cấp của đảng CSVN như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Tấn Dũng. Phải chăng, việc kết luận Hùng bị tâm thần nhằm vô hiệu hóa mọi nỗ lực đấu tranh của anh trong những năm qua và để lẩn tránh xử lý, trả lời đơn của anh?
Tuy nhiên, nếu xem xét về góc độ pháp luật thì không phải cứ bị tâm thần là không bị xử lý hình sự.
Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, thì “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Nhưng Lê Anh Hùng bị bắt sau một loạt hành vi đứng ở nhiều nơi trên đường phố HN giương biểu ngữ đòi bắt Nguyễn Phú Trọng và Hoàng Trung Hải. Anh làm việc đó trong trạng thái hoàn toàn bình thường.
Theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015, thì “đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, cứ cho là Hùng bị tâm thần đi thì sau khi điều trị xong, họ có đưa anh ra tòa - điều mà anh mong muốn không?
Đó là theo luật. Còn cứ theo lý lẽ thông thường mà suy thì người tâm thần không phải hành vi nào cũng sai. Ví dụ, những bài viết của Lê Anh Hùng chưa có bài nào bị bác bỏ vì thông tin sai hay lập luận lung tung. Lối cư xử của anh đối với mọi người và vợ con là những hành vi tử tế, không phải là hành vi sai. Do đó, cơ quan điều tra vẫn phải xác minh nội dung đơn tố cáo của anh, nếu không đúng có thể truy tố anh về tội vu khống. Hoặc hành vi anh giương biểu ngữ đòi bắt lãnh đạo cũng cần phải kết luận có phạm tội hay không và nếu có thì phạm vào tội gì? Việc này, Lê Anh Hùng luôn xác định hoàn toàn chịu trách nhiệm và anh mong muốn được ra tòa để đối chất. Nhưng tại sao hơn chục năm nay, nhà chức trách vẫn lờ đi việc này. Không phải cứ tâm thần thì hành vi nào cũng sai hết.
Thực tế, có nhiều người phạm tội chạy giấy giám định tâm thần. Nhưng với Lê Anh Hùng, việc giám định tâm thần cho anh là điều anh kịch liệt phản đối. Đây là vụ án hết sức đặc biệt nên những gì diễn ra nó cũng khác thường.
Như vậy, theo luật thì vụ Lê Anh Hùng vẫn phải đưa ra tòa. Kết quả giám định tâm chỉ là một căn cứ để tòa quyết định có cần phải bắt buộc chữa bệnh hay không. Ngay cả kết quả giám định tâm thần, tòa cũng có quyền nghi ngờ và yêu cầu giám định lại nếu cẩn.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra là qui trình ngược. Thay vì việc đưa Lê Anh Hùng ra tòa thì cơ quan điều tra bắt anh đi giám định tâm thần để có thể đình chỉ điều tra. Đây không phải là việc làm “nhân đạo” nhằm tránh bỏ tù Lê Anh Hùng. Việc kết luận anh tâm thần rồi hè nhau đè anh ra tiêm thuốc không phải là đã kết thúc vụ án.
Chúng tôi đã viết bài về việc Lê Anh Hùng làm chủ “cuộc chơi” trong vụ này. Trong đó có nêu ra việc anh cố tình hành động để bị/được bắt. Phải chăng, nhà chức trách biết rõ ý định của Hùng nên tìm cách tránh việc đưa anh ra tòa. Nhưng vụ án chưa thể kết thúc.
"Tiêm thuốc sẽ biến người không tâm thần cũng trở thành tâm thần vàc ùng với ức chế sẽ mất đi sự sáng suốt, minh mẫn."
Trả lờiXóaVấn đề mấu chốt là đây!