Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

HỌ HÀNG NHÀ HỒ

Truyện ngắn của Phạm Thái

Thuở xưa vợ chồng họ Hồ sinh thành được ba người con. Cả ba đều mạnh khoẻ, làm lụng giỏi giang, chỉ đến khi người cha đặt tên cho con thì mới nãy sinh mâu thuẫn trầm trọng và kéo dài đến nay vẫn còn cải vã. Ban đầu ông bố dự kiến đặt tên chung cho cả ba và gọi theo các thứ tự A,B,C. Nhưng sau khi ngắm nghía, suy xét ông thấy ba thằng con trai đều có những cá tính và dáng vẽ khác nhau. Thằng anh cả lùn béo, tỏ vẽ bệ vệ ông liền đặt tên Giờ, thằng thứ hai tuy khoẻ mạnh nhưng hơi gầy mang tên Phút, thằng út ốm yếu tong teo song lanh lợi siêng năng ông bèn đặt tên Giây.

Cả gia đình nhà Hồ sống với nhau hoà thuận, vui vẻ. Người cha bao giờ cũng được người đời trọng vọng,nâng niu. Người ta xem ông như một báu vật, thường dành cho những vị trí trang trọng, hoặc giữ gìn cẩn thận. Gặp những khi trời mưa bão giá rét, hoặc làm việc nhọc nhằn va đập, người ta thà chụi ướt, chịu đau chứ không thể đụng đến thân thể ông. Người con thứ nhất tuy không được trọng vọng như cha nhưng được người đời luôn nhắc đến như một biểu tượng. Từ ngoài phố đến chợ quán chùa chiền, nơi công sở hội nghị đến trường học bệnh viện người ta luôn nhắc đến tên anh ta như một ân nhân. Người con thứ hai tuy gầy ốm hơn người anh cả một chút nhưng làm lụng chăm chỉ. Lúc nào anh ta cũng phải làm việc cần mẫn đều đặn không được phép sai sót, anh ta thường bị thủ trưởng các cơ quan công sở nhắc nhở, thậm chí mắng nhiết vào mỗi khi nhân viên đi làm việc trễ. Riêng út, một thằng nhỏ nhắn nhút nhát, đi đứng nói năng lắt choắt, người ta lầm tưởng nó sẽ không giúp ích gì cho đời, nhưng lúc nào nó cũng hăng hái làm việc không biết mệt mỏi. Nếu tính thời gian làm việc bao giờ nó cũng hơn gấp nhiều chục lần hai người anh. Nhưng công sức lao động của nó không được thừa nhận mà bao giờ họ cũng nhắc đến người anh cả, hoạ hoằn lắm nó mới được các bác trọng tài và các vận động viên đường kinh bơi lội hoặc đua xe nhắc đến trong tức khắc rồi lãng quên theo thời gian. Sự bất công ấy kéo dài từ ngày này sang năm khác mà nó có cảm giác dường như không bao giờ có sự công bằng giữa ba anh em nhà họ Hồ. Một hôm thằng út làm việc quá sức nằm liệt giường, người ta như bị kinh thiên động địa kêu đến cha mẹ dòng họ nó ra mắng đại loại như “đồ dõm”, “hàng mã” “, thứ hạ cấp”…Rồi người ta dự định đưa cả bố nó đi viện mổ xẽ. Người ta bảo: “Con dại thì cái phải mang”. Hai ông anh thấy thằng em nằm liệt bất động, lo sợ đến phiên mình cũng bị người ta đem đi lột da xé xác. Vốn được thừa hưởng sức lao động của người em út nên hai người anh lo toan tính trăm bề, muốn dứt bỏ tên tuổi của nó nhưng không được khi nghe người cha nhắc nhở: “Nếu vứt nó ra khỏi cái vỏ gia đình thì hai thằng mày làm sao sống,kể cả tên tuổi của tao và dòng họ nhà này cũng sẽ không còn nữa!”. Đang nằm liệt nghe bố nói vậy Giây bèn ngóc đầu dậy hỏi:

-Thưa bố, con là người gầy yếu nhỏ thó trong cái nhà này mà phải làm việc gấp nhiều lần hai người anh, nhưng không được một chút ân huệ, thậm chí đến tên tuổi mình cũng bị lãng quên. Con đòi sự công bằng và danh dự?

Người cha nghe thằng con út nói ông cười phá lên và nghiêm khắc khuyên răng như đấng thượng đế nói với chúng sinh:

- Hỡi người con yêu dấu của ta, mặc dầu ta biết con là đứa gầy yếu nhỏ mọn nhất trong cái gia đình dòng họ nhà Hồ này mà phải làm việc liên tục không ngơi nghỉ, gấp sáu mươi lần thằng anh liền kề và cấp số nhân với thằng anh cả. Nhưng đó là điều đã được đức Chúa ban phát và được chúng sinh thừa nhận như một định mệnh.

Giây nghe cha nói như một thứ thuyết giáo sướng lỗ nhĩ nhưng không sao chịu nổi khi nhìn hai người anh của mình làm việc chậm chạp và được người đời tôn sùng như một thứ mê tín. Đặc biệt là người anh cả bao giờ cũng được người ta tâng bốc đề cao, tên tuổi ở mọi nơi từ công sở đến các diễn đàn, những cuộc hội hè, đại hội long trọng. Giây tức tử và vờ vĩnh:

- Ta đây thử ốm đau nằm liệt, các cha con ngươi sẽ tính sao?

Người cha như biết được tính nết và vai trò của thằng con liền bảo:

- Thôi được, ta sẽ bảo người đời cho con nào pinơ, vàng ròng và những hạt kim cương lấp lánh miễn con phải làm việc ngoan ngoãn.

- Không được,thứ ta cần là công bằng danh dự cơ?

- Nhưng trên đời này làm gì có công bằng!

- Con nghe người ta bảo lao động là vinh quang, là thước đo phẩm chất đạo đức con người. Còn đấu tranh tìm ra chân lý và giành lấy sự công bằng là hạnh phúc?

- Đó là điều người ta đã nói hàng bao nhiêu thế kỷ rồi, còn công việc chúng ta đang làm là nhiệm vụ của từng cá thể. Một sự phân công có tổ chức, làm theo sức lao động, hưởng theo nhu cầu.

-Vậy, thưa bố đã lâu lắm rồi con bao giờ làm việc cũng có tổ chức, dưới sự phân công rõ ràng và làm việc một cách quá sức nhưng không được trả công xứng đáng, dù một lời chào hỏi an ủi, huống chi phải hưởng theo nhu cầu?

Nghe Giây nói đến đây người cha dường như đuối lý liền gọi thằng con trai thứ hai đến bắt nạt:

- Mày làm việc thế nào mà để thằng Giây ca thán đến mức như vậy?

Phút lễ phép như người biết điều:

-Thưa bố, được sự phân công của gia đình của bề trên, đã từ lâu lắm rồi con làm việc một cách chăm chỉ và tự nguyện như bề tôi.

- Nhưng thằng Giây bảo mày chỉ làm việc là đà kém nó nhiều chục lần nhưng được hưởng lợi lộc và danh vọng cao hơn.

- Nó nói cũng có lý, nhưng nó không nhìn xa trông rộng, tỷ như anh Gìơ đây chỉ trên con một cấp mà làm việc như ngồi chơi, chẳng khi nào thấy anh ta nhúc nhích. Thế mà được bao nhiêu người trọng vọng, suốt ngày thăm hỏi mời chào. Trong khi con làm việc gấp mấy mười lần, nhưng may ra được người ta nhắc nhở vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều khi những nhân viên công sở đi làm việc trễ nải.

- Mày phân bì thế là chưa đúng. Nó là anh cả trong cái nhà này, cũng giống như một tổ chức xã hội nếu không có sự phân công rõ ràng thì công việc sẽ không trôi chảy. Vì thế nó được quyền hưởng những thứ mà Chúa ban phát.

- Nhưng anh ta bỏ công sức lao động ít mà được đề cao trọng vọng như kẻ ngồi mát ăn bát vàng?

- Mày nói thế ra vẻ như đã thuộc triết lý của thánh hiền nhưng trong cuộc sống đời thường không đơn giản, mà phải biết cách thích nghi với cuộc sống hiện tại.

-Bố nói thế, con chỉ cần làm việc chậm rải như anh Gìơ, và con chẳng cần hưởng tài lộc như anh ta để cho khoẻ cái thân xác này?

- Không được, đó là sự phân công của một tổ chức, một tập thể. Mày làm thế thì cả nhà này sẽ mất hết uy danh, anh mày sẽ không còn được người đời trọng vọng, dòng họ này sẽ không còn tiếng tăm trên thế gian này. Bản thân mày và thằng Giây bé nhỏ kia cũng mất hết việc làm, sẽ chết đói cả lũ!

Giây nghe bố nhắc đến tên mình nó liền chen ngang.

- Thế con nghỉ làm việc thử xem ai là người chết đói?

Nghe Giây nói người chạ lạnh xương sống, toát mồ hôi. Nếu như nó không làm việc nữa dù chỉ trong chốc lát cả thế gian này sẽ đảo lộn! Những nhà máy, công sở sẽ ngừng hoạt động, những máy bay, tàu thuỷ sẽ đụng vào nhau, những phi thuyền không gian vũ trụ sẽ làm nổ tung bầu trời, thiên hạ rồi đây sẽ đại loạn? Nghĩ đến viễn cảnh ấy ông không còn đủ bình tĩnh và ông dỗ dành thằng con út:

- Thôi được, từ nay ta sẽ chiều theo ý con. Mọi thứ trên thế gian này: nào sơn hào hải vị, của quí vật lạ, gái đẹp nhà sang…ta đều nhường cho con miễn là không được ốm đau nghỉ việc.

Giây nghe cha nói nó sướng tê người, bèn ra giá:

- Con không cần những thứ ấy, con muốn đổi vị trí làm việc cho anh Giờ và con muốn được cái danh dự của bố kia?

- Không được, con muốn bất kỳ cái gì trên cõi đời này bố cũng bằng lòng trừ thứ ấy ra.

- Vì sao thưa bố?

- Đó là sự phân công của một tổ chức, của cái gia đình này. Mỗi cá thể điều có một vị trí khác nhau phải làm việc trong một guồng máy. Con không có quyền thay thế vị trí của anh Giờ anh Phút,và càng không được nghỉ đến cái uy danh của bố của dòng họ nhà này. Con luôn phải làm việc cần mẫn như một thứ định mệnh.

Giây nghe ông bố nói như một bậc hiền triết, vị thánh sống. Nó nghe hai chữ “định mệnh”và hiểu ra rằng chân lý đã thuộc về kẻ mạnh, thuộc về bề trên nên trở lại vị trí làm việc như một thứ thuộc tính. Từ ngày này sang tháng khác nó làm việc không quản ngày đêm, không biết mệt mỏi.Giây rất đổi đau buồn mỗi khi nghĩ đến thân phận phải lao động như kiếp ngựa trâu, không được kêu than, không chút tiền tài danh vọng. Giờ đây nó chỉ biết làm việc theo một mệnh lệnh và rỉ rê trong lòng bằng tiếng kêu tíc tắc. Nó kêu, kêu nữa kêu mãi thấu trên trời dưới đất. Từ trên xuống dưới, từ đông sang tây, từ người cao sang đến kẻ thấp hèn dường như ai cũng nghe thấy nhưng họ chỉ vờ vĩnh và hưởng thụ.

PT

Dalat ngày 27 tháng 7 năm 2003

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét