Nguyễn Hoàng Đức
Dù nói bay bướm, hay diễn văn hào hùng thế nào chúng ta cũng không thể lảng tránh sự thật nước Việt đang lạc hậu nghèo đói, cá chỉ số văn minh, nhân bản, kinh tế đang ở mức tụt hậu nhất thế giới, ngay với các nước trong khu vực cũng thua cả dăm thập niên hay một thế kỷ. Một túi rác vứt bừa bên hè phố ở Hàn Quốc hay hay Đài Loan, người ta nghĩ ngay đó là những cô dâu người Việt, tại sao? Vì trước khi có các cô dâu Việt sang tá túc, người ta không có thói quen làm vậy. Một ổ trồng cần sa bằng đèn điện ở Tây Âu bị phát hiện nghi vấn đầu tiên lại hướng về người Việt, tại sao?Vì dường như chỉ có người Việt là thích hợp sống trong bóng tối bị giam cầm như gà vịt. Rồi các vụ án giam cầm người đồng hương dưới hầm đất để may mặc bị chết thui như chuột vỡ lở, cảnh sát Nga đến gần lại thấy ngay đó là những người mang quốc tịch Việt Nam, và người ta hoàn toàn tự nhiên đặt câu hỏi: phải chăng chỉ có người Việt mới tụt hậu lầm lũi cam chịu sống gian tà phi nhân độc ác đến vậy? Câu hỏi này nêu lên thực ra là một cách tế nhị. Đúng ra, các nhà đạo đức đã nói: cái vô tri, tức thiếu hiểu biết bao giờ cũng dẫn tới vô luân. Bởi vì đạo đức luôn bao gồm nhận biết hay và dở, đúng và sai, để người ta biết chọn cái tốt bỏ cái dở. Có những báo cáo quốc tế chính thức nhận định: chất lượng công dân, cũng như tay nghề bậc cao ở Việt Nam là rất thấp, chủ yếu Việt Nam chỉ có lao động cơ bắp đơn giản, giá rẻ.
Qua nghiên cứu, chúng ta thấy, cái nghèo, cái lạc hậu, cái dốt nát của người Việt chủ yếu là vì người Việt không có đức tính sống trong sự thật, đối mặt với sự thật. Ngay người Việt cũng đã diễn tả tình trạng dốt nát trong mấy thành ngữ hiện đại như, ở chỗ dân gian thì “ngu lâu dốt bền”, ở nơi công quyền thì “ngu lâu khó đào tạo”.
Sự thật là cội nguồn của sự sống cũng như mọi vấn đề!
Sự thật đơn giản ví như mặt trời. Nó chiếu sáng mọi thứ khiến chúng ta nhìn rõ vạn vật mà không bị vấp ngã, nhưng hơn cả thế ánh sáng dường như chẳng là gì cả mà không có nó thì cây cối dù có được ươm vào đất tốt vẫn cứ lụi tàn rồi chết lịm. Sự thật được coi như vẻ đẹp của tâm hồn con người, giống như mọi người ra tòa án xem xử một vụ tội phạm. Ở đó có bị cáo, bị hại, người làm chứng, và người bị oan… phiên tòa diễn ra khi sự thật được phơi bày, và người bị oan được giải oan, bị cáo bị kết tội tâm phục khẩu phục. Như thế sự thật đã khải hoàn ca bắt kẻ có tội phải chịu tội, giải oan cho người vô tội. Đó là sự tốt đẹp.
Trước kia, tôi cứ nghĩ đơn giản, chân lý hay sự thật chỉ là sự khao khát của đạo đức, nhưng chỉ cách đây mấy ngày thôi, đang khi đọc lại cuốn “Cộng Hòa” của Platon, một cuốn sách kinh điển bậc nhất thế giới, tôi nhận thấy rốt ráo rằng: Sự thật gắn bó mật thiết với con người đến mức, không biết sống sự thật con người sẽ diệt vong. Sự khôn ngoan, giầu có, thịnh vượng hay tiến bộ của mỗi người hay cả dân tộc cũng như thế giới tỉ lệ thuận với việc người ta tiếp cận hay đối mặt với sự thật.
Chúng ta thử hình dung, một đôi giầy dởm – tức không thật, đang lúc người ta leo núi lại bục đế thử hỏi sinh mệnh con người sẽ ra sao? Một đôi giầy đã thế, thử hỏi một chi tiết trong máy bay mà rởm cả máy bay gặp nạn thì bao nhiêu con người nguy vong? Việc này, từ lâu người Trung Quốc đã có câu: “Một móng ngựa hỏng làm ngã con ngựa, con ngựa ngã kéo theo viên tướng, viên tướng thua làm mất một trận đánh, một trận đánh thua làm mất một quốc gia”. Đấy, từ một cái móng ngựa đóng dối có thể làm mất một quốc gia.
Từ xưa triết gia Aristote đã bàn rằng: ngay từ lúc sinh ra con người đã phải trọng sự thật, bởi lẽ, người ta đi vào rừng hái lượm phải biết được quả nào ăn thì no, quả nào ăn thì độc, nếu không người ta ăn phải quả độc sẽ chết. Rồi người ta phải biết lá nào độc, lá nào có thể chữa bệnh, và lá nào thì chữa bệnh gì nếu không đắp lá loét vào vết thương muốn kéo da non thì sẽ thế nào? Thế vẫn chưa hết.
Con người chỉ là con người khi có hiểu biết. Mà hiểu biết chỉ có thể là hiểu biết thực khi nó gặt hái trên những gì hiện thực. Một người nhận biết gỗ khô thì nổi, gỗ tươi thì chìm. Và người ta đóng thuyền bằng gỗ khô. Còn kẻ đóng thuyền bằng gỗ tươi đã nhấn cả đoàn thủy thủ xuống nước?! Tất cả các thợ học việc từ thợ mộc đến thợ giầy, rồi kỹ sư cầu cống, đường xá hay nhà cửa thì chỉ có thể hiểu biết và thực hành qua việc học thật của mình. Ngay cả một người mẹ dạy con gái nấu cơm hoặc món ăn, thì kiến thức cũng như vật liệu như cá thịt phải thật, có vậy cô gái mới biết nấu ăn thật.
Giờ đến người phải mổ, nếu truyền cho người đó máu giả, liệu có sống được không? Mới đây khi bàn về những con số của Tổng cục thống kê, các chuyên gia nói: nếu đưa ra con số giả thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước. Nền kinh tế của chúng ta giả dụ đang còi dinh dưỡng 80%, nhưng những báo cáo tô hồng lại đánh giá rằng nó chỉ còi dinh dưỡng 30%, kết quả sẽ thế nào? Chúng ta thử hình dung một con bệnh nặng lẽ ra cần truyền 80 mililitre máu, vì báo cáo tô hồng về tình trạng bệnh nhân chúng ta chỉ truyền có 30 mililitre, thì bệnh nhân khỏi hay chết? Thử hình dung việc khác khi cây cầu đã xuống cấp 80%, người ta lại báo cáo có 30%, kết quả là cả một đoàn xe dài đã lao xuống sông vì cầu không chịu được trọng tải?
Thi nhân Tản Đà đã viết một câu thơ thật thấm thía và tầm vóc khi hiểu thấu người Việt
Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Tại sao vậy? Chắc tiên sinh thấy người Việt khó mà trưởng thành khi không dám đối mặt với sự thật. Như chúng ta vừa bàn, không đối mặt trước sự thật, thì không thể có dù thức ăn sạch, kiến thức căn bản, nói gì đến trưởng thành. Người Việt nói chung lảng tránh sự thật và khoa học, ưa những gì phù phiếm thư thơ phú hò hát. Thơ phú hò hát cũng tốt thôi vì nó mua vui giải trí cho cuộc đời, nhưng cuộc đời lúc nào cũng đòi mua vui, cũng lảng tránh sự thật, thì mới yếu ớt nhũn nhẽo vô vị làm sao. Việc hàng nghìn nhà thơ Việt không thể nghĩ ra cốt truyện hay nhân vật cho trường ca đủ thấy kiến thức của họ bấy bớt và ít trưởng thành đến mức nào! Nhạc sĩ thiên tài Schumann có nói: “Bằng bánh ngọt và kẹo những đứa trẻ không bao giờ lớn được, thức ăn tinh thần cũng giống thức ăn vật chất vậy, nó phải giản dị và lành mạnh”. Ở đời cái lành mạnh bao giờ cũng phải thật, thấy sao nói vậy mới là lành mạnh, còn uốn éo vặn vẹo loanh quanh, câu vần nhũn nhẽo ngắn tũn sao mà lành mạnh được.
Phiên tòa là đại biểu cho sự thật và công bằng. Một phiên tòa không thể mở nếu không có nhân chứng hay vật chứng – tức là cái thứ ba ngoài bị hại và bị cáo làm trung gian xác định sự thật. Dân Việt vì lảng tránh sự thật đã khó trưởng thành, dân Trung Quốc cũng vậy vì lảng tránh sự thật họ cũng không trưởng thành vì thế lãnh tụ Tôn Trung Sơn có nói: Trung Quốc chưa từng có các từ tự do, bình đẳng. Trung Quốc chỉ có gia tộc, tông tộc mà không có quốc tộc. Trung Quốc chỉ có các cuộc đấu tranh giành đất đai, ghế và đàn bà mà chưa hề có đấu tranh vì tư tưởng, tự do và tôn giáo. Ngay hiện giờ, khi Trung Quốc từ chối các cuộc đàm phán có người thứ ba tham dự về tranh chấp biển Đông, đủ thấy họ là nước lớn mà ít trưởng thành đến mức nào. Nhiều chuyên gia phương Tây nói: Trung Quốc không bao giờ trở thành một cường quốc, bởi vì muốn trở thành cường quốc thì phải có tư tưởng và tiến bộ, nhưng đó là cái Trung Quốc chưa một lần có.
Không đối mặt trước sự thật sẽ không bao giờ có lý trí, đó chính là cách giải thích tại sao người Việt lại thiếu, yếu và nghèo nàn về lý trí đến vậy, thậm chí người ta còn không có cả thói quen đặt vấn đề để nhìn nhận xem xét bằng lý trí. Người Trung Quốc có câu: “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không bước qua nổi bước chân”. Người châu Á đặc biệt là Việt Nam tại sao lạc hậu lâu như vậy? Vì chúng ta đâu có lý trí để tiến lên! Chỉ có một chút cảm tính, rồi tư duy bằng thơ ca nhũn nhẽo vần vèo thường trực như nước đường nhạt thếch trên môi, làm sao người Việt có thể xây dựng một nền văn hóa cũng như quốc gia hùng cường cho được. Muốn hùng mạnh tiến bộ ư, nước Nhật thời Minh trị duy tân đã phải hạ bệ thơ ca và nghệ thuật xuống để nâng khoa học và lý trí lên. Còn Việt Nam thì sao, chẳng lẽ chúng ta có thể hùng cường bằng mấy câu thơ mấy bài hát tí tởn mua vui bằng cảm xúc tùm lum này ?
NHĐ 15/04/2013
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét