Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Cuộc biểu tình ngày 27/11/2011

 TƯỜNG THỤY
.
Cuộc biểu tình cách đây đúng 2 năm để ủng hộ TT Nguyễn Tấn Dũng đề xuất với Quốc hội ban hành Luật biểu tình vừa nổ ra chừng 10 phút thì bị dập tắt. Cũng vì bị dập tắt quá nhanh chóng nên một số bài viết không thống kê cuộc biểu tình này nhưng sự kiện 27/11/2011 không thể nào quên trong ký ức của những người tham gia. Nếu tính cả cuộc biểu tình này, thì năm 2011 đã nổ ra 12 cuộc biểu tình và đây là cuộc biểu tình cuối cùng của năm 2011.


Khoảng 20 người đã bị bắt, chủ yếu đưa lên trại Lộc Hà. Nghe tin, một số bạn Sài Gòn  đã có mặt tại khu vực nhà thờ Đức Bà căng các khẩu hiệu đòi thả anh em ở Hà Nội. Sau đó, những bạn này đã bị bắt đưa về Công an phường Bến Nghé. Khi Bùi Thị Minh Hằng đến hỏi tin tức về số bạn này thì cũng bị bắt luôn.
Bùi Hằng bị đưa ra Hà Nội trên chuyến máy bay VN1178 của Hàng không Việt Nam lúc 12h30 ngày 28/11/2011, rồi đưa thẳng lên trại cải tạo Thanh Hà.
Và từ đây, bắt đầu cuộc đấu tranh kiên cường của Bùi Hằng, kéo dài 5 tháng. Chính 5 tháng trong trại cải tạo nhưng cực khổ hơn nhiều tù nhân khác đã biến Bùi Hằng từ một người nội trợ thành một chiến sĩ - theo cách nói của chị.
*
Sau đây là một số ghi chép về cuộc biểu tình ngày ấy tôi còn lưu giữ được:
8h05: Tôi xuống xe bus, cắt đường sang phía hồ. Thấy những người quen đang đi bộ vừa tới, không băng rôn, khẩu hiệu. Duy nhất có một lá quốc kỳ cỡ nhỏ do Nguyễn Văn Phương giăng lên bằng 2 tay. Đoàn người lặng lẽ, không 1 tiếng hô. Có thể gọi là biểu tình được không đây?
Giơ máy ảnh ra định chụp. Không được, mới biết đêm qua tháo pin ra nạp nhưng quên không lắp vào. An ủi: Thôi, xin ảnh trên mạng vậy
5 phút sau, thì xảy ra bắt người. Phương tuyên cáo là người bị bắt đầu tiên, chắc là do đi đầu và mang quốc kỳ. Có người đang đi, có người đứng. Trông thấy Lê Dũng bị 3,4 đứa lôi đi, Lê Dũng có vẻ sẵn sàng tự nguyện lên xe nhưng vẫn bị cưỡng bức. Nghe thấy Lê Dũng nói: Chúng mày mời kiểu này à.
Người buôn gió đang đứng khoanh tay đứng một mình tựa vào thành ghế đá cũng bị bắt.
Quang cảnh hết sức nhốn nháo, tất nhiên rồi. Tôi đứng thật gần quan sát cảnh từng người bị bắt. Bỗng, bị một thằng đẩy mạnh vào ngực. Tôi nghiêm mặt: “Tại sao mày đẩy tao?”. Nó cãi có đẩy đâu. “Mày vừa đẩy tao lại cãi phăng được hở”.
Tôi đi đi lại lại giữa hàng chục công an sắc phục và thường phục, hơi lạ vì tại sao chúng nó lại không bắt tôi. Có lẽ tại mình không phải phần tử "nguy hiểm". Tôi mon men đến cửa xe tìm cách leo lên nhưng vấp phải công an chặn trước cửa. Hẳn là chúng canh không cho những người bị bắt thoát ra và chặn người tự nguyện leo lên. Người tự nguyện lên xe thì có thể,  còn lo người chạy xuống thì bằng thừa vì tôi biết chẳng có ai tìm cách thoát)
Nhìn cảnh bắt bớ, tôi cắn chặt môi, cố ghìm cho nước mắt không trào ra, mắt mở to trừng trừng, đăm đăm, lòng đầy uất hận. Một cảm xúc rất lạ. Hình như lúc đó, không phải tôi căm ghét kẻ đang bắt những người thân yêu của tôi mà còn có một chút thương hại. Tôi đang nghĩ tới điều xa hơn...
Xe chuyển bánh. Tôi đứng sát thành xe, vẫy tay chào. Chỉ những người biểu tình mới biết tôi muốn gửi gắm điều gì. Cậu công an địa phương đã nhận ra tôi: “Chú ra đây cháu nói chuyện chút” Tôi nói: “Lúc này tao không nói chuyện gì cả. Có gì để sau”. Một lúc sau, câu ta lại bảo: “Chú nên nghe cháu ...” Tôi ngắt lời: “Tao không nghe đứa nào hết”. Lạ thật. Tôi tôn trọng lối nghĩ của mỗi người, tôi không vận động cậu ta, sao cậu ta lại nghĩ tới chuyện vận động được tôi cơ chứ.
Hơi buồn cười là anh chàng phóng viên đài nước ngoài gọi điện phỏng vấn, họ có nói những người đó bị bắt vì lý do gì không? Họ thích bắt thì bắt, có bao giờ đưa ra lý do gì, có bao giờ theo qui trình nào đâu. Anh ta ngạc nhiên lắm hay sao? Nên nhớ đây là Việt Nam, trong những năm đầu của thập niên 10, thế kỷ 21.
Chúng tôi tản bộ thành từng tốp đi dọc bờ hồ. Nhận ra một số người lâu không gặp lại. Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ bảo tôi tôi xuống ghế đá, đề tặng cuốn “Tâm vũ trụ” là cuốn sách tâm đắc nhất của anh.
Anh an ninh huyện trông thấy tôi gọi ra nói chuyện. Tất nhiên mỗi người một ý. Anh nhìn cuốn sách tôi vừa được tặng, hỏi, tài liệu gì đấy. Tôi đưa cho anh nói, anh xem đi, nếu là tài liệu phản động thì tịch thu luôn cũng được. Với anh, kể cả với cậu công an tôi vừa nhắc tới, tôi không có gì thù oán. Chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Nếu gạt nhiệm vụ của họ sang một bên, chúng tôi có thể trở thành những người bạn tốt của nhau.
Sau khi chấm dứt bắt bớ, chúng tôi liên lạc với nhau còn được 9 người, bèn rủ nhau đến công an phường Trần Nguyên Hãn ở số 1 Ngô Quyền thăm dò tin tức Trần Thị Nga. Ngang qua cửa đồn, họ xua tay ra hiệu cho chúng tôi đi. Biết là không làm gì được hơn, chúng tôi kéo nhau sang quán cà phê đối diện.
Chắp nối nhận biết của từng người lại, sơ bộ như sau:
-   Chị Trần Thị Nga (Hà Nam) bị bắt đầu tiên, khi vừa đưa biểu ngữ ra.
-   Bác Trâm cũng bị bắt một mình, không rõ đưa đi đâu.
-   Vụ bắt lúc 9h10’ có: Người buôn gió, Lê Dũng, Dương Thị Xuân, Trương Văn Dũng, Lê Văn Viễn, Lưu Văn Đức (Đức xoăn), Lã Việt Dũng, Phạm Quốc Sơn, Nguyễn Văn Phương, cô Phương con Nhà văn Nguyên Ngọc.
(còn thiếu?)
-    Vụ bắt lúc 10h10’ có: Phạm Chính, Luật sư Lê Quốc Quân, Pite Vũ, Lê Viễn.
Phạm Chính bị đưa đến công an Hà Nội ở số 6 Quang Trung, Hà Đông. Nguyễn Xuân Diện bị triệu tập đến đấy từ sáng.
Hầu hết bị đưa đến Trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, Sóc Sơn.
Mọi người đều chung nhận xét, số người đổ về Bờ Hồ định tham gia biểu tình đông chưa từng có. Có nhiều người ở các tỉnh về. Cảnh sát, an ninh, mật vụ dày đặc.
Trên đường về nhà, 12h12', Viễn gọi điện và nhắn tin cho biết khoảng 20 người đang ở Trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Hỏi danh sách cụ thể thì thấy có thêm nhà báo Đoan Trang. Mọi người đang đấu tranh đòi trả tự do. Tất cả đấu tranh, không chịu ăn cơm của trại.
Một số thông tin trên mạng và thông tin khác: Mạng facebook bị chặn sau khi blog Nguyễn Xuân Diện đăng tin biểu tình. Chiều nay đã vào lại được.
*    Người buôn gió chuyển lời từ trong trại Lộc Hà rằng: Chuyện chỉ có ở VN chúng tôi là những người đi biểu tình ủng hộ TT ra luật biểu tình lại đang bị chính quyền bắt giữ và đưa về giam giữ tại TRẠI PHỤC HỒI NHÂN PHẨM tại Lộc Hà- Sóc Sơn Hà Nội
*    Lê Dũng nhắn: Tôi va 12 anh chi em dang nam trong trai phuc hoi nhan pham Loc ha dong anh. Con vai nguoi dang tiep tuc lam viec voi cong an. Nam bay anh em dang nam ra ghe ngu vi met qua . hu hu hu. Nho mat tran bong NO - U chieu nay roi!
*   Trần Thị Nga: 10h38 phút có một tốp côn đồ có 4 nam và 1 nữ đến, lập tức bọn côn đồ trong đồn CA phường Lý Thái Tổ đã dùng hành động thô bạo bẻ quặt tay, cướp điện thọai của tôi rồi tống tôi lên xe ô tô biển số 90B -1079 đưa về thành phố Phủ Lý. tỉnh Hà Nam. Chúng đã thô bạo lôi dật tay rồi đuổi tôi xuống xe khi tôi hỏi tại sao bắt cóc tôi rồi đuổi tôi xuống đây? Chúng chỉ bảo đi về nhà đi ....
*   Đoan Trang: Sáng chủ nhật, ra hiệu sách Đinh Lễ-Nguyễn Xí mua một cuốn “More sex is safer sex”, tên tiếng Việt là “Kinh tế học và sex”. Kết quả là bị đưa về trại phục hồi nhân phẩm đến 7h tối. Chẳng nhẽ mình lại kêu ầm lên: “Ấy, các anh ơi, đây là sách về kinh tế, không phải về sex hay biểu tình đâu!” : ((
*  Tin đã đăng trên Ba Sàm nhưng sau đó cơ quan chức năng yêu cầu rút xuống nhưng một số trang đã kịp lưu lại:
Chuyện nóng hổi – Liệu sáng nay sẽ có biểu tình quanh Bờ Hồ không, diễn biến sẽ ra sao? Ta hãy ráng chờ ….
8h50′ – Bờ Hồ yên ắng. Công an chủ yếu tập trung quanh khuôn viên tượng Lý Thái Tổ. Lác đác một số “biểu tình viên” quanh Hồ.
9h – Biểu tình bắt đầu … Xe cảnh sát hú còi, loa inh ỏi. Một xe bus hốt người biểu tình đang đi ngược chiều đường Đinh Tiên Hoàng …
9h45′ – Tin thêm số bị bắt: Đoan Trang, Dương Thị Xuân, Nguyễn Văn Phương, Trương Văn Dũng, Lưu Văn Đức.
10h5′ – Lại có tin bắt thêm người … Đợt trước nghe chính xác khoảng 10 người, không phải 15.
10h10′ – LS Lê Quốc Quân, một phóng viên người Việt của hãng thông tấn nước ngoài, anh Viên bị bắt lên xe bus. Phạm Chính bị  về công an Hoàn Kiếm.
10h30 – Peter Vũ đã bị áp giải về CA phường Trịnh Nguyên Hãn.
*    18h: Nguyễn Văn Phương cho biết qua điện thoại: Những người ở trại Lộc Hà đã được trả tự do. Nhưng dường như mọi người chưa chịu về vì còn đang tranh cãi. Hình như là muốn biết mình bị bắt vì lý do gì. Hiện đang còn đứng trước cổng.
*    18h10’: Vũ Quốc Ngữ cho biết qua điện thoại: Phạm Chính và Nguyễn Xuân Diện vẫn đang bị câu lưu tại số 6 Quang Trung, Hà Đông. Hiện có chừng 10 người đang ở gần đó ngóng tin.
*    Hơn 19h: Phạm Chính và Nguyễn Xuân Diện đã ra khỏi số 6 Quang Trung. Đây có lẽ là những người cuối cùng ra khỏi đồn công an.
27/11/2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét