Nguyễn Hoàng Đức
Ở đời ai chẳng khao khát vinh quang. Triết gia Aristote còn cho rằng: chỉ có hạnh phúc lớn khi đi kèm vinh quang lớn. Thế giới có một nửa đàn ông, một nửa đàn bà, nếu coi tình yêu là hợp nhất hai nửa, thì hạnh phúc của con người có ngót trăm phần trăm. Nhưng hai nửa của vinh quang gặp nhau như trai hùng – gái liệt thì tỉ lệ chỉ còn khoảng một phần nghìn. Hay nếu hoàng tử gặp công chúa thì tỉ lệ là một phần triệu. Hoặc nếu được như nàng Pelenope cứ đan xong tấm thẩm vào ban ngày lại tháo vào ban đêm để chờ người chồng Odyssey mang vinh quang là kẻ thắng trận từ thành Tơ-roa trở về thì tỉ lệ là huyền thoại từ cổ chí kim cả tỉ tỉ người chưa gặp lần thứ hai.
Vậy thì mỗi năm cả bảy tỉ người mới có một giải Nobel giành cho văn học, nếu ai đó gặt được giải thì chẳng vinh quang lắm sao?! Tôi nhớ có một tác giả thuộc Cộng Hòa Việt Nam trước đây có nói một câu rất nghẹn ngào: giải Nobel sao không gắn với những cái tên của họ Nguyễn, họ Trần hay họ Phạm? Có nghĩa là bằng ngôn ngữ văn học, tác giả muốn nói: tại sao Nobel rớt xuống khắp nơi mà không nhằm vào đất Việt rụng trái xuống đầu một người Việt nào cả?! Vậy bao giờ người Việt mới tiếp cận đến giá trị của giải Nobel? Nhưng có một nghịch lý ngang trái rất đau đớn, như một tác giả lớn của phương Tây viết: kẻ nào viết văn để giật giải Nobel sẽ không bao giờ đạt được. Chưa nói đến giải Nobel, một nghệ sĩ chơi đàn, nếu không chú tâm biểu diễn, chỉ lo nhìn xuống dưới xem người khác tán thưởng mình ra sao thì sẽ không bao giờ biểu diễn thành công.
Cơ may giải Nobel giành cho Việt Nam là bao nhiêu?
Giải Nobel là của con người, và nó hoàn toàn mang những yếu tố con người. Đó là nó không bao giờ thoát khỏi các yếu tố xã hội và mặt trận. Xã hội đã ưu tiên phụ nữ với nữ quyền, ưu tiên các dân tộc thứ ba với tinh thần nâng đỡ, ưu tiên cho tiền bạc với chiến lược tài chính, ưu tiên cho văn hóa với trầm tích lịch sử, ưu tiên cho chính trị với động cơ thúc đẩy tình hình… Và Nobel có ngoại lệ không để không ưu tiên cho các vấn đề xã hội hóa đó? Chắc chắn không! Nobel của con người thì cũng ưu tiên các vấn đề mang tính xã hội của con người.
Hãy thử tham chiếu, Fifa tổ chức Liên đoàn bóng đá thế giới khi đưa giải bóng đá thế giới đến châu Á, châu Phi đã nói như sau: cần đưa giải bóng đá thế giới đến các châu lục để phát triển đều khắp. Mỗi khi giải bóng đá được thực hiện trên sân nhà của nước nào đó, người ta thấy rất rõ tình trạng thiên vị đội chủ nhà của các trọng tài, đặc biệt các quả thổi việt vị giành cho đối phương, và lờ đi các quả việt vị giành cho đội nhà. Tại sao? Một cách bất thành văn, người ta đều muốn dìu đội nhà ít nhất vào đến trận chung kết, để có được tất cả các đỉnh cao dịch vụ cần thiết như bán vé, người xem cổ vũ, tài chính sẽ xuôi chèo mát mái… Và có thể nói đó là thứ thiên vị chịu đựng được. Riêng trận chung kết, mọi sự dường như đã hoạch định an bài, thì sự thiên vị không còn cần thiết nữa.
Fifa đã có những tính toán xã hội. Vậy tại sao Nobel lại không có những tính toán xã hội. Chúng ta thử nhìn những yếu tố chắc chắn nhất. Một tác giả lớn của phương Tây Viết: giải Nobel có thể rơi vào tay các nước Á, Phi, thậm chí Châu Mỹ La tinh, nhưng không bao giờ đó là những giải Nobel mang tính tiền phong của tinh thần. Mà đó chỉ là những giải Nobel khéo léo hành văn đôi chút. Hãy nghe chính Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật Bản lĩnh giải Nobel năm 1994 phát ngôn chính thức: “Chúng ta theo đuôi và bắt chước triết học phương Tây, ngay cả ngày nay, sau 125 năm công cuộc hiện đại hóa của chúng ta, thì trong con mắt của người châu Âu và châu Mỹ, giá trị của chúng ta vẫn bị thờ ơ… Người phương Tây chẳng khao khát tìm đọc những con người sản xuất xe Honda nhiều lắm. Tại sao? Có lẽ chúng ta chỉ là người bắt chước họ, hoặc là với con mắt của người châu Âu thì chúng ta chỉ là những người thủ vai im lặng”(theo New Yorker 2/1995).
Ở đời người có học thì không nói vu vơ mà phải “nói có sách mách có chứng”, tôi nghĩ Oe, một tác giả đạt trình độ Nobel, hoàn toàn xứng đáng để chúng ta tham vấn nghiêm chỉnh và cầu thị. Về mặt nguyên tắc, thứ nhất, không có nhà văn lớn thuộc về các dân tộc nhỏ. Nhà khoa học có thể thuộc dân tộc nhỏ, còn văn học là Nhân học thì hầu như không thể có. Thứ hai, phụ nữ không thể viết như đàn ông. Bằng chứng theo điều tra tại Pháp: tất cả các nhà văn nữ đều đọc tác phẩm của nhà văn nam, nhưng chỉ có 30% nhà văn nam đọc tác phẩm của nữ giới. Trong vài năm gần đây, người ta thấy có vài tác giả thơ và truyện ngắn đoạt giải Nobel: 1- nhà thơ Ba Lan Szymborska, đó có phải vì đó lf nữ giới. 2- Nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer, đó có phải giải Nobel giành cho sân nhà nước bé khó có thể có tác phẩm văn xuôi vạm vỡ, nên đành phải trao giải thơ?! 3- Nhà văn Canada giật gải Nobel giành cho truyện ngắn, đó có phải vì là tác giả nữ thì được ưu tiên tác phẩm thể loại cỡ bé?!
Bên trên chỉ là giả định của tôi, tôi không tìm đến sự tranh cãi khác biệt, mà chỉ muốn bày tỏ: dù thế này hay thế kia, chắc chắn có những yếu tố nhân sự và xã hội mà giải Nobel cũng như những giải thưởng khác thuộc về con người là không tránh khỏi.
Vậy còn giải Nobel giành cho nhà văn Mạc Ngôn viết tiểu thuyết của Trung Quốc mới đây? Liệu nó có tránh được sức ép của một cường quốc có dân số bằng một phần tư thế giới? Có tài chính đứng thứ hai tòan cầu? Có trầm tích văn hóa tác phẩm đồ sộ chỉ sau Ấn Độ (vì không có sử thi)? Trung Quốc đã có 2 giải Nobel, nhưng chỉ trao cho tiểu thuyết, không thơ, cũng không truyện ngắn!
Liệu có bao giờ giải Nobel nhắm vào các tác giả thơ vụn của Trung Quốc? Cơ may là một phần vạn. Tại sao? Vì không bao giờ người ta muốn chấp nhận một cường quốc thế giới lại chỉ có qui mô tác phẩm thơ vụn tức cảnh sinh tình trong chốc lát. Có lẽ hiểu được điều đó mà hơn nửa thế kỷ qua, các cây bút Trung Quốc đã bứt phá bỏ rơi thơ để chuyển sang viết văn xuôi.
Nhưng chính giải Nobel là cái gì cơ chứ? Chúng ta thử hình dung Iliad và Odyssey có cùng thần thoại Hy Lạp, nghĩa là khoảng 3000 năm trước công nguyên. Nếu mỗi năm có một giải Nobel văn học thì cho đến thời triết gia Aristote, mỗi năm trao giải Nobel cho một người, và đã có khoảng 2700 tác giả Nobel. Nhưng thực tế thì sao? Đã có tác giả Nobel nào sống sót ngòai Homer? Và hãy kể từ giải Nobel đầu tiên vào năm 1901 đến nay, có bao nhiêu người trụ lại đóng một dấu son như một hạt men nảy mầm trong lịch sử. Thử tưởng tượng, dù Szymborska đã đoạt giải Nobel, nhưng tác phẩm của bà có bao nhiêu người đọc? So sánh với thiên tài Chopin, với những bản nhạc bất hủ ngày nào cũng trở thành giáo án dạy và học cho cả triệu người trên thế giới, thì thế nào? Giải Nobel xét một cách toàn thể có thể gọi “đó là giải bình dân cao cấp”.
Còn Cao Hành Kiện, rồi Mạc Ngôn có thể sánh với Lỗ Tấn hay Tôn Trung Sơn những người tiên phong để lại dấu vết lập thuyết cho người Trung Quốc? Ở Nga, thì các giải Nobel có thể ngang ngửa với các tên tuổi đồ sộ như Puskin, Leo Tolstoi, hay Dostoievski… những cây bút với tư tưởng tiền phong đồ sộ khai sơn phá thạch không?
Giải Nobel về mặt nào đó cũng giống giải nhất giành cho thể thao.Có giải nhất giành cho bóng bàn, rồi tennis, thậm chí ở Trung Quốc có giải đá cầu hay chọi dế, nhưng giải Nobel giành cho bóng đá là giải “vua của các vua” vì nó thuộc về môn thể thao vua. Giải Nobel giành cho tài khéo văn chương không thể bằng các giải có tính chất tư tưởng tiền phong, hay lập thuyết. Người phương Tây không bao giờ ù cạc, cái đầu tiên họ để ý bao giờ cũng là “tính qui mô của tác phẩm”. Họ luôn thấy sự khác biệt của Szymborska Nobel 1996 với giải Nobel của Tác phẩm Quo Vadis do văn hào Henryk Sienkiewicz, cũng người Ba Lan. Một đằng là hơn 200 bài thơ ngắn so với một tiểu thuyết đồ sộ mang theo biến cố tinh thần vĩ đại nhất của lịch sử: đế quốc thế tục của Hoàng đế Nero đối mặt với thần tục của tông đồ và giáo dân Ki-tô giáo.
Việt Nam hiện nay vừa kỷ niệm sự kiện dân số 90 triệu, đang ở mức cường quốc tóp mười về dân số. Liệu giải Nobel có ngó con mắt ưu tiên vào thơ lẻ của chúng ta? Có lẽ không! Vì trước hết thế giới đã công nhận thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, thì nếu phải trao một giải Nobel cho người Việt, họ không thể nào ưu tiên cho thơ thêm nữa. Vả lại Trung Quốc là cường quốc thơ lẻ nổi tiếng từ thời Đường, mà họ còn không ngó ngàng thì sao có thể “vượt mặt” để ngó đến thơ chợ lẻ Việt Nam?!
Và giả dụ một nhà thơ lẻ Việt Nam nào có được trao Nobel, thì liệu Nobel đó có sánh được với thi hào Nguyễn Du – mới chỉ là người đi sao chế lại tác phẩm hạng hai của Tàu? Đây không phải những câu hỏi miệt thị mà là thẳng thắn. Người làm nghệ thuật và khoa học đỉnh cao nên biết nhận chân ra mình! Không nên ù ù cạc cạc áng chừng có vài mẩu thơ ngắn cảm xúc được chăng hay chớ là qui mô hoành tráng có thể đọ với tất cả. Kinh thánh có câu “Ngươi đong đấu nào, ta đong trả ngươi bằng đấu ấy”. Cái hay của thơ vụn, thơ lẻ, dù hay thì qui mô cũng chỉ có chừng ấy, cái mà người ta nói: một đêm làm sao làm được thành La mã. Ước mơ giật Nobel là một ước mơ chính đáng. Chỉ có điều nó sẽ chính đáng và khả thi hơn nếu mỗi tác giả hay mỗi người (nghiệp dư thì chỉ nên gọi đúng là người) nên biết mình đang là ai. Phải biết mình biết ta thì mới khả chiến và khả thắng. Nếu không chỉ là ếch ngồi đáy giếng ca bài khải hoàn anh hùng xó bếp. Xin được tiếp tục đề tài này trong các số tiếp theo.
NHĐ
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét