Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

VĂN THƠ VIỆT BÉ NHƯ CHIẾU HÁT XẨM

Nguyễn Hoàng Đức

Để công bằng với văn thơ Việt quê nhà, chúng ta thử tham chiếu bài của những nhà phê bình lặn lội sống với văn thơ Việt nửa thế kỷ qua. Trong bài “Huyền thoại một thời” nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết về cây cao bóng cả vang bóng một thời Nguyễn Tuân như sau:

“Trong khoảng gần năm chục năm cầm bút, ông đã tạo nên quanh mình cả núi giai thoại, chính những giai thoại nửa thật nửa bịa đó là một chất dẫn truyền rất tốt để tác phẩm của ông có thêm cái lung linh mà người đọc phải cố tìm biết. Nhà văn đó là Nguyễn Tuân.
Ông không dám chỉ viết cho mình, viết cho đời sau, như cách sáng tác của cánh họa sĩ Nghiêm Liên Sáng Phái mà ông rất hiểu. 
Ông chấp nhận làm theo đơn đặt hàng, và khi không thích làm thì nghỉ, chơi. 
Trong thâm tâm, ông tự nghĩ cái tạng của mình là thế, mình cần làm thế để sống. 

Đến với hiện tượng Nguyễn Tuân giờ đây, trong lòng không khỏi thoáng qua cảm tưởng thanh vắng y như đến chùa nhưng ngày hội đã hết, chỉ còn gác chuông, mái ngói và những pho tượng trầm tư.” 

Đấy, Nguyễn Tuân một ngòi bút có tri thức khá đủ, khá cao, vậy mà khi chúng ta nói thẳng với nhau, thì ông chỉ còn lại âm vang tiếng chuông không phải bằng đồng mà chỉ bằng những đơn đặt hàng cuộn lại, vì thế nó chỉ có được tiếng bồm bộp của giấy bồi. Ông là gốc to đã vậy thì những thứ nhánh nhỏ ăn theo các đơn đặt hàng sẽ ra sao? May mắn cho chúng ta, chúng ta không phải nhìn chữ “sẽ” trong dự báo mà đã được chứng thực qua chữ “đã và đang” hơn nửa thế kỷ về thứ văn thơ hợp tác xã làm theo đơn khoán ăn theo nhu cầu. Chúng ta hãy xem tác giả Lại Nguyên Ân viết trong bài hội thảo “Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa”: 

“Tôi là người cùng lứa tuổi với lớp nhà thơ ấy. Những lời khen tặng họ, đối với tôi, đã là việc của ngày xưa, khi họ mới xuất hiện, cần sự cổ vũ, hơn nữa, cả sự bênh vực, sự cảm thông. Còn bây giờ, những đại diện của lớp nhà thơ ấy đã ít nhiều họp thành một thứ “nhóm lợi ích”, mà rất có thể một số “lợi ích” họ cần bảo trì lại có cơ phương hại đến “lợi ích” của lớp nhà thơ đến sau, cũng tức là đến lợi ích của sự phát triển văn học.”

Thế là đã quá rõ với chúng ta bởi chính những nhà nghiên cứu phê bình “nằm chung với rận trong chăn”. Bóng dáng huyền thoại của Nguyễn Tuân chỉ có là giai thoại đã tuột mất mặt nạ của vũ hội giả trang. Còn các loại đa đề hậu bối chỉ là mấy ông lên cơn sốt cảm xúc trong một bài, rồi thành đại ca, ông kễnh, thậm chí đầu gấu đứng canh cửa văn chương, đem thơ của quê hương, ngành nghề mình, con cháu mình, bồ bịch mình vào thành nhóm lợi ích, ăn cây thơ mâụ dịch thì phải rào kỹ cây thơ chớ để cho kẻ nào có tài bén mảng đến gần. Còn các loại giám đốc, doanh nghiệp, hay tư nhân có tiền ư, hãy mở cửa cho họ vào thật đông. Loại này rất sẵn ví, còn cái gọi là tài năng của họ thì làm cho danh tiếng bọt xà phòng của chúng ta yên tâm nhất, bởi vì làm sao phải lo tâm hồn thơ dâng lên từ ruột tượng?! Chút tiếng tăm tài năng của nhóm lợi ích này có được chẳng qua là nhờ con mắt xuê xoa bao dung, lởi xởi của người hiểu biết.

Sau khi có những đánh giá tin tưởng bậc nhất, tôi xin được bàn vào giá trị của văn thơ Việt. Người Việt nói chung, văn thơ Việt nói riêng làm chúng ta luôn cảm thấy cái tài năng nhỏ mọn ăn theo nói leo của họ. Như Nguyễn Tuân nhìn kỹ cũng chỉ là thứ cà lơ vặt với mấy mẩu văn thơ ẩm thực làm dáng. Còn lại thì sao? Không nhìn thấy những gốc cây đại thụ, chủ yếu là những chiếc lá thơ dăm bảy dòng, cụ thể hơn là tứ tuyệt, bát cú, rồi còn non bấy hơn với thể thơ Hai-ku có hai câu rưỡi, còn có cả thơ nhất câu chạy băng qua cả trang giấy luôn. Sống dăm bảy chục năm ở đời mà chỉ ra nổi một vài tập thơ không có gáy mỏng như tờ rơi, lại còn biện hộ “hay không cốt dài”, chẳng nhẽ nhân gian Việt không phân biệt nổi túp lều với nhà ba gian, nhà năm gian và nhà bảy gian… Rồi cả nghìn người kiễng chân viết trường ca, nhưng lại không có nhân vật thì viết làm gì. Có một đại ca nổi tiếng hạng nhất thời chồng Mỹ kia, tưởng trường văn trận bút, nào ngờ viết trường ca có mỗi một nhân vật, nhân vật đó lại chỉ có mỗi hành động “gãi háng”. 

Chúng ta xem phim Việt Nam thì thấy, các nhân vật nói rất dề dà chậm chạp. Tại sao? Bởi đó là ngôn ngữ của nông dân, văn hóa lúa nước, “từ từ khoai sẽ dừ”. Và cái tâm thức văn hóa nông dân này chỉ đủ sức nghê nga hát xoan, hát xẩm, hát chèo để mua vui chốn thôn dã. Một nhà nghiên cứu dân tộc có nói với tôi, mới đây, người ta thích dùng từ “chiếu chèo” nhiều hơn là “sân khấu chèo”, như vậy nghe đúng và ấm áp hơn. Nghĩa là tầm vóc của chèo ở mức chiếu thì hãy để nó về với chiếu. Thơ văn Việt cũng vậy, nó mới chủ yếu xuất thân từ tâm hồn thôn dã, mảnh ruộng phần trăm, hay tì tõm ruộng phèn, nên nó luôn mang bóng dáng của những manh chiếu đang lới lơ múa may làm dáng mua vui. 

Khi tôi viết bài “Muốn có tác phẩm mới, Việt Nam nên vứt thơ đi!” đã không nhận được một đối thoại trực tiếp nào trao đổi hay đọ thơ, mà nhiều người nổi cáu kiểu giang hồ với ngôn ngữ “tao đếch thèm đọ, tao muốn xơi tái mày”… Việc này rất đơn giản, người Trung Quốc có câu: “Quân tử đấu khẩu, tiểu nhân đấu chân tay”. Muốn làm kẻ sĩ mà không chịu đấu lời với người ta, chỉ muốn dùng cơ bắp cho nhanh cũng là sở trường thật của mình, thì đó có phải là dạng vai u thịt bắp?! Có một số nhà thơ cóc nhái, chuột bọ khác tụ về một blog làm thơ chọc ngoáy tôi, rồi biện hộ rằng: “Vứt thơ đi ư, nó là lời ru của mẹ đấy!” Than ôi, tại sao người ta không hiểu như người Anh nói “lúc nhỏ bú sữa mẹ, lớn lên bú sữa cha?” Sữa mẹ chỉ là dinh dưỡng, còn sữa cha mới là tinh thần, công lý và vinh quang. Dăm bảy chục tuổi rồi, có mấy vần thơ mà lúc nào cũng đem vú mẹ ra làm bầu trời che chở, thì có khác gì thơ bú tí mẹ. Vậy tôi có một bài thơ nhỏ làm trong dăm phút để đáp lại:

Thơ thơ phú phú
Đú đởn mua vui
Khui chai rượu đế
Hát kiểu dế kêu
Bài ca vú mẹ
Nuôi con lớn lên
Nuôi con thật bền
Tuổi ngũ lục rồi
Con vẫn trong nôi
Ngợi ca sữa mẹ
*
Con hỡi con ơi
Già sao không lớn
Vú mẹ tóp teo
Sữa chỉ có thì
Đau rát con tim
Kìa chim còn non
Đã phải ra giàng
Con ong tách đàn
Con kiến rời hang
Con là con người
Sao không chịu lớn
Từ bé đến già
Sao cứ nghê nga
Mấy câu vần vèo
Đòi đeo vú mẹ
Hãy lớn con ơi
Tuổi đến mãn rồi
Quốc gia đại sự
Sao không ngó ngàng
Lại cứ lang bang
Mấy câu bú tí

Hà Nội rạng sáng 27/02/2014

Tôi xin kết thúc bài bằng một đoạn trích trường ca “Kẻ hành hương từ đời đến thơ”:

Hãy lên đường chân cứng đá mềm
Đừng luyến tiếc ở nhà với mẹ
Một hạt giống cứ ủ vào gốc mẹ
Mãi còi cọc chẳng thể nào lớn được
Con hãy bứt mẹ ra
Để trở thành một đấng nam nhi cường tráng
*
Bứt mẹ ra
Để trở thành một thân cây riêng rẽ
Bầu sữa mẹ khi xưa
Có thể nuôi con đang còn bé bỏng
Nhưng không đủ để dưỡng dục con
Trở thành một cây đại thụ
Con hãy ra đi
Hãy uống sữa đời
Sữa của mặt trời, mặt trăng, và muôn sao tụ lại
Rót xuống đất bao la nguồn ánh sáng
Dâng tràn những đỉnh non ngàn
Và chảy về sự sống
Con hãy uống lấy nguồn sữa đó
Để trở thành chàng trai của cha trời mẹ đất
Mái nhà tranh đây
Chỉ là quê con – đứa hài nhi bé bỏng
Nhưng ngoài kia bầu trời thiên hạ bao la
Mới là Quê Đời – cho con sống

Xin cám ơn! Và xin trở lại đề tài này với tầm “leo thang” hơn.


NHĐ 01/03/2014

Gửi cho NTT blog



























1 nhận xét:

  1. Nặc danh1/3/14 7:57 CH

    Trong thời "lý tưởng, hoài bão" là... ăn cắp, thi văn thơ không vứt là... không được! Ngán ngẩm...

    Trả lờiXóa