Bản quyền hình ảnh CAO HA TRU CImage caption Đại diện dân Vườn Rau Lộc Hưng đi xin phép tổ chức họp báo tại Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh hôm 12/3
Chính quyền TP Hồ Chí Minh không cấp phép tổ chức họp báo cho dân Vườn Rau Lộc Hưng vì 'nội dung không phù hợp' trong khi luật sư nói quyết định này là sai luật.
Đơn xin họp báo của cư dân Vườn Rau Lộc Hưng gửi đi hôm 12/3 nhưng đến 13/3 thì nhận được văn bản không chấp thuận của Sở Thông tin truyền Thông TP Hồ Chí Minh.
"Nếu sắp tới Sở Thông tin Truyền thông tôn trọng sự thật, thực thi pháp luật, thì tôi hi vọng rằng trước sau bà con chúng tôi cũng được họp báo," ông Cao Hà Trực, đại diện dân Vườn Rau Lộc Hưng nói với BBC hôm 13/3.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư hỗ trợ pháp lý cho dân Vườn Rau Lộc Hưng cho BBC hay trước mắt sẽ không họp báo để 'tôn trọng' yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền Thông.
Nhưng sau đó nhóm luật sư sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Lộc Hưng làm việc với chính quyền để họp báo có thể diễn ra thời gian tới.
'Không hợp pháp, sai thẩm quyền'
Bản quyền hình ảnh FB MINH THI TRAN Image caption Dân Vườn Rau Lộc Hưng bị cưỡng chế nhà hôm 9/1/2019
"Việc sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh từ chối quyền tổ chức họp báo của người dân Vườn Rau Lộc Hưng là không hợp pháp, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Mỹ Hằng của BBC hôm 13/3.
"Văn bản từ chối của chính quyền cho thấy đây thực ra chỉ là cuộc chơi về câu chữ."
Văn bản do ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng báo chí Sở Thông tin Truyền Thông TP Hồ Chí Minh ký, dẫn luật báo chí năm 2016 rằng "mọi công dân đều có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cá nhân đó".
Và rằng Sở không chấp nhận việc tổ chức họp báo của nhóm dân Lộc Hưng vì "nội dung họp báo liên quan đến người dân thuộc khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình" "là chưa phù hợp, không đại diện cho người dân của khu vực, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế địa phương."
"Về mặt thủ tục thực ra rất đơn giản, công dân có quyền họp báo và phải thông báo trước khi định họp trước 24 giờ, cư dân Lộc Hưng đã làm đúng luật." luật sư Mạnh nói từ TP Hồ Chí Minh.
"Về mặt thẩm quyền, người ký văn bản từ chối này là trưởng phòng của Sở Thông tin Truyền Thông. Trong khi theo quy định, ký những văn bản như thế này phải là giám đốc sở."
"Lý do họ [chính quyền] không cho tổ chức họp báo có thể hiểu được. Vì từ khi sự việc xảy ra đến nay người dân Vườn Rau Lộc Hưng không có cách nào để lên tiếng. Chính quyền nắm trong tay mọi công cụ, mọi tờ báo, đài, đưa thông tin một chiều. Người dân đang cố gắng để đưa ra sự thật và giải pháp của họ là tổ chức họp báo."
"Có một lý do nữa, chỉ là suy đoán của tôi, là thời điểm này Việt Nam đang họp kiểm điểm nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. Cho nên dịp này họ không muốn có những việc lùm xùm, không muốn bị tố cáo rằng mình vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí," luật sư Mạnh nói.
'Chưa báo nào viết đúng sự việc'
Bản quyền hình ảnhCAO HA TRUC Image caption Nhóm người đeo khẩu trang được cho là được cử đến canh gác trước cửa nhà dân, nơi dự định tổ chức họp báo
Trong khi đó, ông Cao Hà Trực, một trong những người dại diện dân Vườn Rau Lộc Hưng nộp đơn xin tổ chức họp báo, nói với BBC rằng cuộc họp này rất có ý nghĩa với họ.
"Họp báo rất quan trọng với bà con Lộc Hưng nói riêng và với dân oan cả nước nói chung vì ai cũng muốn đưa ra thông tin minh bạch."
"Bởi lẽ sau buổi cưỡng chế sai trái Vườn Rau Lộc Hưng, chính quyền chưa bao giờ ra mặt tiếp dân. Văn phòng Tiếp Công dân Trung ương Đảng đã có văn bản gửi về cho Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu sớm họp và giải quyết cho người dân nhưng họ vẫn không tiếp. Do đó chúng tôi mong chỉ có họp báo mới gióng lên tiếng nói và có áp lực với chính quyền."
"Ngoài ra, từ khi sự việc xảy ra, chưa tòa soạn báo nào viết đúng sự việc. Một số bài báo viết bằng rằng ông chủ tịch thành phố hoặc chủ tịch quận trả lời dân Lộc Hưng thế này thế kia, mà không có một văn bản chính thức nào cho người dân hết."
"Chính vì thế, dân chúng tôi mong tổ chức họp báo để có thông tin công khai, chính xác gửi dư luận và báo chí lề trái, lề phải lấy đó làm cơ sở."
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng thường người dân ít khi sử dụng giải pháp họp báo.
"Do đó, khi người dân có nguyện vọng tổ chức họp báo theo đúng luật định thì đây là dịp để họ thông tin lại những vấn đề của mình một cách khách quan, trung thực."
"Như thế mới là sự thật. Và như thế công chúng có dịp nghe thông tin từ hai phía [chính quyền và người dân]," luật sư Đặng Đình Mạnh nói.
Ngăn cấm và canh gác
Bản quyền hình ảnh VUON RAU LOC HUNG Image caption Khu Vườn Rau Lộc Hưng trước khi bị cưỡng chế
Trong lúc trao đổi với BBC hôm 13/4, ông Trực cho hay có rất đông người của lực lượng an ninh vẫn đang canh gác khu Vườn Rau Lộc Hưng và nhà một người dân - nơi dự định tổ chức họp báo sau khi một nhà hàng hủy hợp đồng cho thuê chỗ vào phút chót.
"Việc chính quyền tăng cường lực lựng canh gác Vườn Rau Lộc Hưng được thực hiện từ đợt ông Trump sang dự Thượng đỉnh. Cao điểm có lúc tới 400 người còn trung bình khoảng 100 người," ông Trực nói.
"Buổi họp báo không diễn ra được. Nhiều bà con đã trông đợt suốt nhiều ngày nên tới 2 giờ chiều nay, khi biết tin buổi họp bị hủy, nhiều người 'bất ngờ' và vẫn chờ, có tới khoảng 80 người dân vẫn đứng tụ họp để nghe ngóng thông tin."
Hôm 12/3, Trần Văn Thuật, ông Cao Hà Chánh, ông Cao Hà Trực và bà Trần Thị Minh Thi đại diện bà con Vườn Rau Lộc Hưng nộp đơn xin phép tổ chức họp báo hôm 13/3 tại nhà hàng Đoàn Viên ở quận Một với bốn nội dung:
Thông tin về quá trình sử dụng đất, quá trình khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân Vườn Rau Lộc Hưng và việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan chức năng. Thông tin về việc người dân tố giác hành vi phá hoại tài sản của những người tham gia cưỡng chế. Thông tin về việc người dân xin được tiếp xúc với lãnh đạo và công an thành phố để trình bày khiếu nại, tố cáo. Trao đổi về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất trong quá trình triển khai dự án tại khu Vườn Rau Lộc Hưng.
Người chủ trì họp báo là bốn luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh - những người đã đứng ra nhận giúp dân Lộc Hưng về mặt pháp lý.
Nhưng đến chiều 12/2, một luật sư trong nhóm nhận được tin nhắn từ nhà hàng Đoàn Viên rằng cơ sở đến kỳ sửa chữa nên hủy hợp đồng thuê họp báo.
Truyền thông trong nước nói gì?
Bản quyền hình ảnh OTHERImage caption Vụ việc cưỡng chế xảy ra ở một góc đường Chấn Hưng và Hưng Hóa, gần Đền thánh Phê rô Thi
Không có báo nào của Việt Nam đưa tin về cuộc họp báo bất thành của dân Vườn Rau Lộc Hưng.
Trước đó, nhiều báo chính thống của Việt Nam đưa tin rằng chính quyền đã "hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép" tại Vườn Rau Lộc Hưng hôm 9/1, dịp sát Tết Nguyên Đán.
Một số tờ báo cũng đưa tin chính quyền sẽ xử lý 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối, chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng. Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ và đã xác minh được "đối tượng cầm đầu".
Ngoài ra, sau khi tháo dỡ các căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, báo Việt Nam cho hay công an phát hiện có "phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu".
Truyền thông Việt Nam cho hay việc san lấp nền đã hoàn tất ở khu Vườn rau Lộc Hưng trên khu đất trống 48.000 m2. Chính quyền cũng cho cắm bảng thông tin về quy hoạch xây ba trường học đạt chuẩn quốc gia, trị giá 120 tỷ đồng trên mảnh đất này.
Vườn rau Lộc Hưng hoang tàn sau một tuần cưỡng chế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét