Hồi anh mới quen nàng, nàng đang làm thủ tục ly dị chồng.
Hai người, một căn hộ hai bảy mét vuông, nhà lắp ghép, gian ngoài mười bảy mét,
gian trong mười mét. Nàng hai mươi sáu, có đứa con trai ba tuổi.
- Anh đừng ngại! Không sao đâu! Chúng em đã thoả thuận với
nhau: Nếu ai nuôi con thì ở gian rộng hơn. Còn từ nay, không ai có trách nhiệm
với nhau nữa, không được xâm phạm tự do của nhau! Mà, anh ấy cũng biết tính em
rồi…
Hoàng nghe nàng nói những điều ấy, cặp lông mày của nàng
nhướn lên. Lúc bấy giờ, anh chỉ thấy những gì đẹp đẽ trong cử chỉ. Còn bây giờ,
mỗi khi nhớ lại, anh không khỏi rợn người…
Khoảng mười giờ đêm, có tiếng gõ cửa của chồng nàng. Nàng
bảo:
- Anh cần gì không? Em có nước sôi, có chè đấy!
Giọng nàng nhẹ nhàng, ngọt ngào khiến Hoàng phát ghen.
- Tôi không cần gì. Chỉ hỏi cô rằng bây giờ là mấy giờ rồi.
Nàng quay lại Hoàng:
- Mấy giờ rồi, anh?
- Mười giờ rưỡi…
Hoàng ấp úng. Còn nàng:
- Mười giờ rưỡi, anh ạ! Sao? Có lệnh giới nghiêm à?
- Không! Nhưng cô mang khách lạ vào nhà, không có hộ khẩu…
Nàng nhếch mép:
- Thế thì anh khỏi lo. Anh ấy không có ý định ngủ lại đây
đâu. Anh có nhớ điều chúng ta thoả thuận với nhau không?… Anh cứ việc đi báo
công an hộ khẩu…
- Nhưng anh chị cũng nói chuyện khe khẽ chứ, cho người khác
còn ngủ…
- Đồng ý! Cám ơn anh…
Và nàng đóng cửa, nhoẻn miệng cười, xiết chặt Hoàng trong
vòng tay và những cái hôn. Nàng thì thầm:
- Nói nhỏ thôi nhá… Mà tốt nhất là không nói gì… Cần gì
phải nói…
Hoàng như mê mụ người đi vì những cử chỉ ấy, những lời nói
ấy. Họ nhịn nói, nhịn cười, nhưng càng nồng nhiệt hơn những sự âu yếm.
Đêm ấy, Hoàng ngủ lại, giấc ngủ chập chờn. Anh sợ. Và sung
sướng. Còn nàng, trông nàng ngủ mới ngon lành và dễ thương làm sao. Anh thầm
nghĩ: đúng là nàng sinh ra để yêu, mặc dù nàng đã làm vợ và làm mẹ. Hoàng nằm
cạnh hai mẹ con nàng, thầm nghĩ rằng mình đã làm điều gì không phải với người
chồng của nàng, bây giờ chỉ là một anh hàng xóm. Anh còn nghĩ miên man đến
chuyện sẽ là chồng nàng, sẽ chăm bẫm đứa con riêng của nàng. Phức tạp đấy,
nhưng anh yêu nàng, và quý cả đứa con trai ba tuổi của nàng. Điều ấy đối với
anh thật là hiển nhiên…
Nàng như một người lần đầu được yêu, và chẳng cần giấu giếm
tình yêu ấy. Ai xì xào, mặc người ta!
Nàng hỏi anh:
- Họ cho rằng, anh mê em, có đúng không?
- Đúng đấy…
- Họ nói rằng: em lừa anh, có đúng không?
- Không! Anh yêu em!
- Em đã có chồng, và đã có con…?
- Nhưng anh yêu em!
Chỉ thế. Và họ lại riết lấy nhau trong vòng ôm và trong
những cái hôn bất tận. Nàng bày ra đủ mọi thứ trò để trêu chọc anh như một cô
gái tinh nghịch. Còn anh, chỉ cảm thấy sung sướng trước tình yêu trẻ trung của
nàng.
Hoàng có lần nhận xét:
- Em có một tình yêu của Hoả Diệm Sơn…
- Từ khi quen em đến giờ, anh mới có một nhận xét đúng và
thông minh… Anh có sợ cháy không đấy?
- Cháy cũng được!
Hoàng đáp liều. Anh bắt đầu sợ ngọn lửa ấy. Có một cái gì
đó không yên tâm khi anh nhìn thấy ngọn lửa của nàng bùng lên. Anh biết mình
không đủ sức kiềm chế nó, và không ai đủ sức kiềm chế nó, nếu như nó không tự
lụi tàn… Trong ánh lửa ấy, có cái gì đó vừa hấp dẫn đến ma quái, vừa tàn nhẫn
đến khủng khiếp, và không bao giờ thoả mãn với những gì nó đã thiêu đốt, huỷ
hoại. Có thể, ngay cả bản thân nàng nữa, nàng cũng không bao giờ biết tiếc
nuối, thương xót chính mình, và nàng cũng không đủ sức chế ngự được ngọn lửa
ấy…
Chính Hoàng, đã chứng kiến nhiều chuyện, mà cho đến giờ,
anh cũng không thể lý giải một cách chính xác, rằng vì sao mà nàng lại làm như
vậy.
Nàng có quen một chàng thi sĩ. Theo Hoàng nhận xét, thì cả
người chàng ta sũng nước. Có mấy bài thơ đăng báo, nhưng toàn bộ một giọng rền
rĩ, nỉ non, như ve sầu mới lột tập kêu. Nàng đọc thơ chàng ta và khóc:
- Anh xem này! Anh ấy viết cho em đấy! Đề tặng hẳn hoi…
- Anh thì không biết làm thơ…
- Thế thì một nửa cuộc sống của anh không có ý nghĩa gì cả…
Ngay tối sau, nàng mời chàng thi sĩ ấy đến. Nàng mua hoa,
mua rượu, thức nhắm. Và, suốt tối ấy, Hoàng không biết nói gì, chỉ giương mắt
lên nghe và nhấp rượu. Chỉ có hai người nói. Và hai người đưa nhau về. Tối ấy,
Hoàng đứng chờ ở chân cột đèn trước nhà nàng, đến tận sáng, vẫn không thấy nàng
về. Đứa con trai, nàng giao cho ông chồng hờ ngay từ tối, để về với bà nội.
Hoàng đạp xe lên cơ quan nàng, đã thấy nàng đáp:
À… hôm qua, đi với anh ấy một đoạn, em buồn ngủ quá, rẽ vào
nhà con Tâm, ngủ lại sáng nay đến cơ quan luôn. Thế anh chờ em suốt đêm à? Đúng
là anh chàng dở hơi! Tội nghiệp…
Tâm, bạn nàng, chứng nhận những lời nàng nói. Anh chẳng
hiểu ra làm sao cả.
Buổi tối, anh hỏi nàng, giận dỗi:
- Em không yêu anh nữa hay sao.
Nàng dướn lông mày:
- Khi nào em không yêu anh nữa, em sẽ nói thẳng với anh,
còn bây giờ, em vẫn yêu anh, như từ đầu…
Anh hiểu tính nàng, và tin nàng nói thật. Anh đoán chuyện
tối qua, cũng chỉ là một trò phù phiếm của nàng, và anh lại tiếc rằng mình lại
không biết làm thơ.
Quả tình, nàng quên anh chàng thi sĩ nọ rất nhanh, dẫu sau
đó, anh chàng còn nhiều bài thơ nữa được đăng báo và bài nào cũng đề tặng nàng.
Đọc những tờ báo biếu, nàng chỉ cười nhếch mép:
- Thế này cũng mang tiếng là đàn ông! Phải như anh cơ…
- Như anh làm sao?
- Mạnh mẽ, độ lượng, có kiến thức nhưng ông anh hơi khô,
hơi ít lời đấy, ông anh ạ! Mà, em thích thế…
Hoàng quen với tính nết nàng, càng yêu nàng hơn, cũng quen
dần với những cơn “điên điên” của nàng. Ngoài cơn “điên điên” ấy, nàng là một
người không thể chê vào đâu được. Nàng ước muốn nhiều thứ, như mọi người đàn bà
khác, là tình yêu, sự thương cảm, sự đầy đủ, sự tự hào về chồng, con. Hai người
đã không biết bao nhiêu lần vẽ ra những viễn cảnh của cuộc sống chung đụng.
Bỗng có một lúc, nàng chợt thở dài:
- Sống với em, rồi anh cũng khổ. Và em cũng chẳng sung
sướng gì… Giá chúng mình cứ yêu nhau mãi như thế này nhỉ, đừng cưới xin, đừng
có con, đừng ràng buộc… Em sợ những thứ ấy lắm!
- Nhưng cả anh và em, không thể cứ sống mãi như thế này
được!
- Đấy, nó khổ như thế! Em yêu anh, nhưng không muốn lấy
anh…
- Vì sao? Vì sao, em nói đi!
- Em không thể nói được! Vì em không hiểu em nghĩ gì. Chỉ
biết rằng nó như thế. Nó chỉ là linh cảm. Anh đừng bắt em phải giải thích, vì
em phải nghĩ ngợi, mệt lắm!
Một hôm khác, nàng nói:
- Cuộc sống gia đình, giết chết tình yêu, bởi ràng buộc đạo
lý này, đạo lý nọ. Mà toàn những thứ người khác đặt ra bắt mình phải tuân theo!
Rồi phải hai bữa cơm, rồi phải nước nôi, giặt giũ… rồi trăm thứ chi tiêu…
- Thế em với con, sống không cần những thứ đó sao?
- Nhưng nó đơn giản hơn! Với lại, anh đã nghèo, mẹ con em
thì khổ, còn đèo bòng mà làm gì…
Hoàng biết, đấy là những suy nghĩ thực của nàng, khi lần
duy nhất, anh gợi ra ý chung sống với nàng. Anh buồn rầu:
- Vậy là chúng ta sẽ xa nhau sao? Em cứ ở vậy sao?
- Em đã nói rồi! Khi nào không yêu anh nữa, em sẽ nói thẳng
với anh. Còn nếu em có lấy chồng nữa, thì chắc chắn sẽ không lấy anh đâu.
Rồi nàng lấy chồng. Đấy là người đàn ông hơn nàng bảy tuổi,
có nhà cửa đàng hoàng, kinh tế khá, hiền lành, có một đứa con riêng.
Lúc đầu, Hoàng không tin nàng chọn người đàn ông ấy. Và như
lời hứa, nàng nói với anh:
- Em sẽ lấy anh ấy! Có nghĩa rằng em không thể sống với anh
được…
- Nhưng em vẫn nói rằng em không thích cuộc sống gia đình
kia mà? – Không thích, nhưng phải vậy! Anh có đảm bảo cho cuộc sống của hai mẹ
con em không?
- Thế nào là “đảm bảo”? Em không yêu người ta, sao em lại
lấy?
- Em đang cố gắng để yêu người ta, vì em sẽ lấy người ta.
Và, em đang cố gắng để không yêu anh…! Ôi, anh ơi, đời buồn lắm!… Nếu rồi đây,
em có làm sao, thì anh có nhận em không?
- Làm sao, là làm sao?
- Là em và anh ấy không sống nổi với nhau, mà em vẫn còn
yêu anh! Hoàng im lặng, không trả lời. Anh chỉ cảm thấy một nỗi buồn tê dại.
Hơn lúc nào hết, anh càng xót xa cho nàng…
Rồi nàng lấy chồng, vẫn cái anh chàng mà nàng bảo rằng
“đang cố yêu” ấy. Nàng có mời Hoàng, nhưng anh chỉ đến cơ quan gọi điện cho
nàng:
- Xin chúc em hạnh phúc!
- Em cảm ơn anh!
Tất cả đều là những lời xã giao buồn thảm.
Từ đấy, anh không gặp nàng nữa, hay đúng hơn, là anh cố
tránh không gặp nàng, mặc dù, không bao giờ anh quên nàng được.
Ba tháng, sau ngày nàng cưới chồng…
Một đêm, nàng tìm đến chỗ anh. Nàng kể lại tất cả những gì
đã xảy ra trong ba tháng đó.
- Ngay hôm sau, hắn bảo em thế này: “Tôi không cần cô phải
yêu quý con tôi, và cô đừng bắt tôi phải yêu quý con cô. Cô chẳng còn gì để mặc
cả với tôi cả!”. Thằng khốn nạn!
Rồi nàng khóc. Hoàng phải dỗ nàng. Bây giờ, với nàng, anh
chỉ coi như một đứa em gái dại dột và bướng bỉnh. Anh thương nàng, nhưng không
biết làm thế nào cả. Tuyệt nhiên anh không hề trách nàng, dẫu rằng, đấy là con đường
nàng đã chọn, rằng nàng đã phản bội anh. Không gì chính xác hơn hai chữ “phản
bội”. Ngay đến bây giờ lòng anh vẫn còn đau đớn. Và nàng đến, khơi dậy nỗi đau
âm ỉ ấy.
Nàng vẫn vừa rấm rứt khóc, vừa kể không ra đầu ra đũa. Anh
giục nàng về. Nàng hỏi:
- Trước kia, em có hỏi anh, là nếu em có làm sao, thì anh
có nhận em không, anh đã không trả lời…
- Bây giờ vẫn vậy!
Hoàng không do dự trả lời nàng. Một tay anh vẫn vuốt tóc,
và tay kia cầm khăn lau nước mắt cho nàng:
- Nín đi em… Nước mắt lúc này không có ích gì cả. Anh biết
em vốn là người quyết liệt lắm kia mà…
- Nhưng em bây giờ đuối sức lắm rồi…
- Cũng phải chịu thôi! Cái gì cũng có giá của nó! Em chẳng
thường nói thế là gì? Anh làm sao trả thay em được!
Nàng thôi khóc, ôm riết lấy Hoàng và hôn anh túi bụi.
… Hoàng sực tỉnh, gỡ nàng ra. Nàng vẫn ôm riết anh, giọng
thì thầm, quyến rũ:
- Em cho anh… Em chỉ yêu mình anh thôi…
Hoàng thấy lạnh. Những mảnh vụn còn lại của một tình yêu ảo
mộng bị đập vỡ, anh đã cố gìn giữ lâu nay, bỗng trở nên thật rẻ rúng. Nàng đã
nhẫn tâm hạ giá nó. Anh nhẹ nhàng gỡ nàng ra, và giọng anh trầm hẳn, nghe ghê
rợn:
- Em đã xử sự như một con…
Anh không nói hết câu và bỏ ra ngoài.
Khi trở lại, anh không biết nàng đã về từ lúc nào, mang
theo cái khăn tay của nàng, mà anh đã dùng nó để lau những giọt nước mắt hoen ố
muộn mằn của nàng trong buổi tối ấy…
NQH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét