Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Cách tân bút pháp hay miếng vải thưa che chiếc đầu rỗng tuếch

Hữu Lý phỏng vấn Nguyễn Hoàng Đức

.

PV: Chào anh Nguyễn Hoàng Đức, anh có nhớ về buổi chúng ta hẹn làm việc hôm nay không?

NHĐ: Tất nhiên là tôi nhớ. Đó là đề tài bút pháp và tư tưởng, cái cốt lõi sống còn của văn học.

PV: Anh nghĩ gì về đề tài hệ trọng này?

NHĐ: Tất nhiên y phục xứng kỳ đức, đề tài lớn luôn phải được quan sát một cách tương xứng. Nhưng với cách sống hời hợt của người Việt, người ta ít có độ chú mục nghiêm túc khi làm việc, ngay đến các phóng viên truyền hình thường nói vấp liên tục, không phải vì họ thiếu tri thức hay không được đào tạo, mà là họ không có trục dọc xuyên suốt chú mục trong tinh thần như một thói quen của tôn giáo hay đức hạnh, vì thế mới hay nói vấp. Còn về bút pháp ư, sợ nhất là kiểu tập trận giả của người Việt, có vẻ thích bàn luận đôi chút, nhưng trong thực tế, lại rất sợ những gì có tính qui lát, chỉ thích cà trớn nhảy nhót vui đùa sáng tác bằng cảm tính. Rồi cậy vào thiên bẩm.


PV: Tôi có vẻ chưa được hiểu rõ ý này của anh. Anh có thể nói giản dị hơn không?

NHĐ: Tôi xin kể một chuyện cụ thể. Khi người ta mở một cuộc hội thảo “Thơ đến từ đâu” ở L’espace Tràng Tiền Hà Nội, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến được ngồi trên bàn chủ tịch đoàn. Ông là người áp đầu được mời phát biểu. Ông liền đưa ra ý kiến “Thơ không phải là tư tưởng”. Ai chẳng biết thơ – cũng như nghệ thuật không phải là tư tưởng. Nghệ thuật chỉ mang tính tư tưởng thôi! Chẳng lẽ giáo sư HNH lại không hiểu được? Không! Đó là cách sàng xê biến mình trở thành người đứng bên lề nhưng vẫn không mất phần phát biểu ( Người Việt có lệ “được ăn, được nói, được gói mang về”). Lần thứ hai, tôi gặp giáo sư HNH ở hội thảo văn học Việt-Mỹ nơi Resort Hòa Bình, khi được mời lên phát biểu, ông ngang nhiên dùng xuất nói của mình phát biểu lạc đề 100% để hỗ trợ việc marketing cho một công ty truyền thông. Lần thứ ba, tôi gặp giáo sư HNH ở hội thảo về Trần Đức Thảo tại L’espace. Lúc ra lấy xe máy, có cơ hội chạm mặt giáo sư tôi hỏi :

“sao hôm nay anh không phát biểu gì?”

“Tớ có hiểu gì về Trần Đức Thảo đâu!” giáo sư HNH đáp.

Tôi cho rằng đó là một câu không có trách nhiệm. Theo tuổi tác và trình độ, HNH là một trong vài người tham dự hội thảo hiểu rõ nhất về triết gia Trần Đức Thảo. Vậy mà ông không có ý kiến gì. Qủa là đáng ngạc nhiên! Trình độ như giáo sư HNH mà còn lúc thì nhảy sang bên lề, lúc thì chơi sai sân bãi, lúc thì ngậm miệng tuyệt đối, thử hỏi mấy dạng văn thơ ấm ớ còn tả xung hữu đột giả vờ vào bút pháp đến thế nào?

PV: Xin bàn thẳng vào bút pháp và tư tưởng. Anh nghĩ gì?

NHĐ: Như thường lệ, chữ nghĩa là cái vỏ, còn nội dung là cái bên trong, là cái cần thông điệp-đó là tư tưởng. Tôi rất thích cách nói của người Pháp. Hình thức bên ngoài là xe công-ten-nơ (container), còn hàng hóa được chở bên trong là nội dung được gọi là công-tơ-nu (contenue). Chúng đều bắt nguồn từ động từ contenir – nghĩa là chứa đựng. Cái xe hay cái vỏ hộp bên ngoài chỉ là dụng cụ. Cái được chứa bên trong mới gọi tên sản phẩm đích thực. Bút pháp và tư tưởng có thể được gọi theo những cặp tên sau: “hình thức và nội dung”, “thể loại và đề tài”, “bút pháp và tư tưởng”.

PV: Có nhiều người nói cách tân bút pháp mới quan trọng. Còn tư tưởng ư, thơ đâu có phải tư tưởng như giáo sư HNH nói.

NHĐ: Đấy là những người không có khả năng tư tưởng, họ chỉ là người thợ khéo tay, tất nhiên họ phải đề cao sự khéo tay. Giống như ta ra chợ, trước mặt người bán thịt cá, thì người bán rau phải tìm ra cách biện hộ là rau tốt lắm, có thế chị ta mới bán được hàng. Tư tưởng rót từ trên đỉnh cao xuống. Không có nơi nào trên thế giới mà khi nước từ trên cao đổ xuống như thác lại không trở thành cảnh quan để thăm quan, bất kể trái núi có hình dáng nào. Nước rót càng cao càng đẹp! Văn hào Exupery có ví: đối với những người sống trên sa mạc, thì hình ảnh của thác nước là một thiên đường. Bởi vì nước không chỉ đẹp mà nó là biểu hiện trực tiếp của sự sống. Một người lả khát bên đường, giơ tay ra, dù không hiểu ngôn ngữ của nhau, người ta đều hiểu đó là từ “nước”. Như vậy, hình ảnh cũng như bút pháp không còn là thứ duyên dáng bên ngoài mà nó đã mang thông điệp trực tiếp của cuộc sống. Và lúc đó nó cũng tạo ra giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Giống như nước đã qua tay một người ân cần rót thẳng vào chiếc cổ khô cháy của người khát lả.

PV: Ngoài hình ảnh thác nước của tư tưởng, thì còn hình ảnh nào khác giành cho bút pháp và tư tưởng?

NHĐ: Đó là giữa hình thức và nội dung, là cái bao bì và vật phẩm. Một người bán thịt ngon có đông người xếp hàng mua. Người bán hàng luôn tay gói và bán nhưng không xuể, anh liền vội vàng gói xộc xệch qua loa… nhưng dù sao hàng anh bán vẫn đắt khách vì người mua muốn thức ăn thật chứ không thích đồ đóng gói.

PV: Hình thức không quan trọng, vậy chẳng lẽ thời trang lại không cần thiết?

NHĐ: Một người đẹp thì mặc gì cũng đẹp! Người xấu thì thay cả trăm bộ một ngày vẫn xấu. Mà người đẹp càng mặc ít, như cuộc thi hoa hậu ấy đến màn rơi rụng vải vóc phô ra bộ áo tắm bé nhất mới là lúc cơ thể khoe phô vẻ đẹp cao nhất.

PV: Nhưng tôi nghe nói, xã hội văn minh là xã hội của quần áo! Còn xã hội không vải vóc đó là thời nguyên thủy!

NHĐ: Anh đang định dẫn tôi vào mê lộ chữ nghĩa theo kiểu tư biện của lúa nước. Phải nói thế này: xã hội văn minh là xã hội biết ăn mặc ở mức làm tôn lên vẻ đẹp của mình nhiều nhất. Văn minh không có nghĩa là che đậy và giả dối. Trái lại văn minh là tôn vinh cái bản tính lành mạnh tinh khôi của con người.

PV: Nhưng đâu là ranh giới khác biệt giữa cái tinh khôi và cái hoang dã của con người?

NHĐ: Vì thế chúng ta mới cần nhà văn để hướng nhân loại “leo dây” giữa cái ranh giới siêu hình mơ hồ đó. Nhân loại không cần nhà văn như những thợ may sản xuất nhiều kiểu thời trang, mà cần những kỹ sư tâm hồn có khả năng phân định những ranh giới khó nhất của vấn đề cuộc sống hay tư tưởng.

PV: Anh mới viết một bài bàn về cái nhìn xứng tầm hướng về giải Nobel. Hy vọng lần sau chúng ta sẽ bàn về đề tài này!

NHĐ: Rất sẵn lòng! Nhưng sau đó anh muốn chúng ta sẽ bàn về đề tài gì?

PV: Về tầm vóc trực tiếp của các nhà văn xứ A Nam chẳng hạn!

NHĐ: Ồ, toàn những đề tài thú vị bắt người ta phải động não.

PV: Xin chào. Cám ơn anh!

Hữu Lý thực hiện 29/11/2012

Bài gửi qua email

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét