Thưa các bác,
Trong bài viết trước, nhà cháu đã có ý kiến rằng "sau bài viết này, nhà cháu xin phép không bình, không nhận xét bài của bác nào nữa vì nghĩ qua gần 30 bài đưa ra ra làm ví dụ cũng đã nêu đủ những điều cơ bản về thi pháp Đường luật".
Tuy vậy, một số bác vẫn tiếp tục gửi bài hoặc có ý kiến trao đổi. Vì thế, trước khi vào phần kết thúc, nhà cháu xin dành mấy dòng để hầu chuyện các bác đến sau:
*** Bác Lão Nông viết:
... Từ “dặt dìu” trong bài em gửi, em tra một vài từ điển trên mạng thì có giải nghĩa là dùng như “dìu dặt” hoặc “dập dìu”, và là tính từ/trạng từ/động từ. Vì vậy em mới đảo “dìu dặt” ra “dặt dìu”(để hợp niêm luật) hàm ý đàn đúm, tòng hành, túc đông/nhiều… để đối với tính từ “chiếc bóng” là lẻ loi, ít. Có thể hơi khiên cưỡng. Kính mong bác Thụy hoặc bác nào vào đây thông thạo chữ nghĩa chỉ giáo thêm ạ! ...
Lần này xin chỉnh sửa bài cũ như vầy ạ.
VỊNH YÊN TRUNG
Yên Hồ thục nữ trút ưu phiền
Tỉnh mộng, ba bề núi kết liên
Tôm cá: quăng mình thêu thủy mặc
Vạc cò: thâu cánh họa đào nguyên
Dập dìu, bồng đảo thông tâm sự
Chiếc bóng, khuê cung Nguyệt tịnh thiền
Cảnh vật như thiên thi trác việt
Tu hoa bế nguyệt đích Hồ Yên!
Bác Nông giải thích về chữ "dặt dìu" và "chiếc bóng". Nhưng dù ý nghĩa của nó như thế nào thì "dặt dìu" là từ láy, nó phải được đối với từ láy, trong khi "chiếc bóng" không phải là từ láy.
Bài sửa của bác hay hơn bài cũ.
Bác cho thêm hai cái dấu hai chấm vào là thừa và làm cho hai câu thơ ấy mất tự nhiên đi.
Ngắt nhịp của câu 7 không phù hợp với cách ngắt nhịp của thơ ĐL. Thơ ĐL thường ngắt nhịp 2/2/3 hay còn gọi là 4/3. Câu này ngắt 2/3/2, đọc lên nó lạc hẳn nhịp đi.
Câu 7 có 3 thanh không liền nhau, đó là điều cần tránh (bàng nữu)
Câu 8 phong yêu (câu 8 bài cũ không mắc lỗi này)
29. Bác A Ha gửi bài muộn:
Yên Trung độc cảnh tạc giang hồ
Lưng trời sương tỏa, sóng nhấp nhô
Tuyết lê ẩn hiện, thông ngây dại !
Khe xanh thấp thoáng, cá hồ đồ
Dương phong ôm ấp thiên bồng cảnh
Nguyệt quang vén mở gấm nhung đài
Lão Tạo khéo vờn thân trinh nữ,
Khiến “cọc thơ già” nhểu giọt…tai !
Thơ của bác Ha thất niêm. Bác có 4 câu làm theo bảng luật bằng (tô đậm) và 4 câu theo bảng luật trắc. Trong một câu lại bị sai bằng <=> trắc (chữ "nhấp" và chữ "trinh")
Hai cặp đối không chỉnh
Vần thứ 4, thứ 5 bị lạc
Nhiều chữ bác dùng không chuẩn, diễn đạt không rõ ràng
*** Bác Lý có phản hồi lại về chữ "chập chùng", viết thế có sai chính tả không vì có lúc viết thế này, có lúc viết thế khác, kể cả từ điển cũng viết khác nhau.
Theo nhà cháu thì nên căn cứ vào cách viết phổ biến và căn cứ vào cuốn từ điển chính thống.
Nhưng nhà cháu chắc rằng, nếu học sinh viết như thế là giáo viên sẽ bắt lỗi đấy ạ.
*** Bác Baytang viết:
Anh Thụy mến! rất xin lỗi vì vào thăm nhà anh mà chưa quen biết, tuy nhiên vì đọc nhiều trang này nên tự cho là quen mà xin đề nghị anh giúp cho một việc.
Số là chúng tôi sinh hoạt trong một nhóm nhỏ yêu thơ, tự làm tự đọc cho nhau nghe, chỉ là những người nghiệp dư thôi. Gần đây có người đăng một bài thơ ngắn, như thế này:
“Thu sắp tàn rồi, Đông đến chưa (?)
Thềm hoa vạt nắng ngả đong đưa.
Cúc vàng hiu hắt, buồn se sắt,
Thương bước giang hồ trong gió mưa!”
Có người cho rằng đây là một bài thơ Đường hoàn hảo, đáng để làm mẫu cho học sinh. Có người thận trọng hơn thì nói vẫn còn khiếm khuyết và phân tích vài điều.
Như thường lệ là tranh luận gay gắt. vì vậy tôi đề nghị anh giúp đỡ, anh có thể giúp nhận định về bài thơ, nó có phải thơ Đường hoàn hảo? nếu không thì mắc phải những lỗi nào.
Xin lỗi một lần nữa vì đã làm phiền amh, cố gắng giúp chúng tôi nhé.
Thưa bác Baytang,
Đó là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Có nhiều loại thất ngôn tứ tuyệt. Thất ngôn tứ tuyệt thông thường thì làm theo bảng luật trắc vần bằng và bảng luật bằng vần bằng. Bài thơ trên làm theo bảng luật trắc vần bằng.
Thực ra, bảng luật của thất ngôn tứ tuyệt ĐL là nửa trên của bảng luật thất ngôn bát cú.
Đây là bài thơ hay. Nhưng nói đó là bài thơ ĐL hoàn hảo có thể dùng làm mẫu thì không nên:
- Thứ nhất, bài này có áp dụng luật bất luận.
- Thứ hai là còn có một số lỗi như: Câu 2 phong yêu, câu 3 hạc tất (hắt, sắt) và chánh nữu (cúc, hắt, sắt), câu 4 chánh nữu (4 chữ không dấu).
Nhà cháu không làm trọng tài đâu nhưng nếu ý kiến của nhà cháu mà nhóm các bác thấy không đúng thì rất mong bác cho phản hồi ạ.
30. Bác Ba Phi gửi bài muộn cũng là chẵn 30 bài nhà cháu bình:
Yên Trung nước biếc giữa trời cao
Cá quẫy thông reo ngỡ động đào
Lạc lối du sơn nào chẳng biết
Quay đầu vọng ngưỡng đảo bồng cao
Chim trời dưới suối tung tăng giỡn
Cá nước thi nhau vượt cổng rào
Dưới bóng trăng mờ quên cõi thực
Lòng trần thoát tục nỗi buồn đau.
Bài thơ đúng luật lại không cần đến luật bất luận.
Bác trùng vần "cao". Chỉ được phép dùng nguyên vận khi đồng âm khác nghĩa.
Trùng chữ "nước".
Câu 1, 3 phong yêu.
Có những chỗ bác diễn đạt không thoát ý, chẳng hạn mấy chữ "thoát tục nỗi buồn đau".
Kết thúc cuộc "thi" dịch văn xuôi ra thơ Đường luật.
Thưa các bác,
Khi "phát động", nhà cháu cũng không tưởng tượng ra cuộc "thi" sẽ diễn ra như thế nào.
Trước hết, nhà cháu rất vui vì không ngờ các bác lại hưởng ứng nhiệt tình như thế.
Ban đầu ý của nhà cháu là các bác cùng tham gia bình hay nhận xét thơ cho nhau. Nhưng ngoài một vài ý kiến nhỏ ra thì toàn mình nhà cháu độc diễn nên cũng khá mệt ạ.
1. Nhà cháu xin có mấy nhời đánh giá chung như thế này:
Phải công nhận rằng đề ra có phần gò bó, chỉ lấy có mỗi đoạn văn rồi thi nhau "dịch". Chữ nghĩa của các bác đều phải xoay quanh đoạn văn ấy. Mà đoạn văn ấy là nhà cháu chọn bất ưng chứ không có ý chọn đoạn hay. Các bác đọc lại dễ thấy đoạn văn còn sai văn phạm nữa.
Thế nhưng, các bác đã cho ra nhiều bài thơ hay, nhiều ý, nhiều chữ nhà cháu phải học.
Khi nhận xét, nhà cháu buộc phải có những căn cứ nhất định. Đó là luật thơ phổ biến hiện nay và những điều nên tránh, tạm gọi chung là kỹ thuật.
Đánh giá kỹ thuật một bài thơ nhà cháu dựa vào các tiêu chí sau (goi chung là luật thơ)
- Bảng luật
- Vần
- Các cặp đối
- Những điều nên tránh (bệnh)
Về bố cục bây giờ người ta không quan tâm mấy, không cho là quan trọng. Tuy nhiên bài thơ bố cục chặt chẽ vẫn có những cái thú vị của nó. Khi viết đừng quên việc bố cục bài thơ, còn nếu khó quá thì hãy cho qua.
Ba nội dung đầu là quan trọng nhất. Còn những điều nên tránh có thể gọi là thủ thuật làm thơ được đúc kết trong quá trình làm thơ. Nếu tránh được thì bài thơ đọc sẽ hay hơn.
Việc tránh hay chấp nhận lỗi do người làm thơ cân nhắc. Nếu thay chữ mà nội dung kém hay đi thì không nên.
Khó có bài thơ không có lỗi. Nếu cố gò cho khỏi mắc lỗi có thể dẫn đến một bài thơ ngay ngắn, chỉnh về kỹ thuật nhưng vô nghĩa, vô hồn. Cũng như cuộc thi hoa hậu, Ban giám khảo phải cân nhắc các tiêu chí như chiều cao, các vòng đo, kiến thức ... Nhưng trên thực tế, nhiều cô chẳng cao, số đo không chuẩn nhưng lại có sức hấp dẫn hơn người đăng quang hay giải phụ này nọ vì cô có ma lực mà không thể qui vào tiêu chí nào được, không đo đếm hay đánh giá được, chẳng hạn cái đẹp về lối sống, về tính cách, nụ cười, ánh mắt...
Cùng với việc xét về luật là xét về nội dung, nghĩa là cách dùng chữ, dùng từ, tức là cái thần thái của bài viết.
Một bài thơ nghiêm chỉnh về luật, ít lỗi chưa chắc đã hay hơn là bài thơ có nhiều lỗi.
Không biết 8 điều nên tránh khi làm một bài thơ ĐL được nêu ra từ bao giờ nhưng nếu đem những bài thơ ĐL kinh điển (như của các cụ Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương) ra mà đối chiều thì vẫn có nhiều thi bệnh; mặc dù đó là những bài thơ hay, được truyền tụng mà đến đời chúng ta ai cũng biết.
Bây giờ nói là "chấm thi" thì thật là khó vì không có ban giám khảo. Lại nhiều bài hay nên khó chọn. Vậy nhà cháu chỉ đưa ra cảm nhận của mình, còn ý kiến các bác như thế nào thì các bác cứ nêu ạ.
Theo nhà cháu, bài đảm bảo niêm luật, tránh được nhiều lỗi và nội dung hài hòa, giọng thơ đĩnh đạc là bài của bác Nguyễn Quốc Sơn:
Yên trung thủy tọa núi soi gương
Đảo nhỏ bồng bềnh lá biếc sương
Cá nhảy lòng hồ tìm bạn rỡn
Le đùa mặt nước kiếm uyên ương
Thông reo núi đứng lời cha dặn
Nước chảy khe truyền sữa mẹ thương
Tửu chứa lưng hồ trăng tỏa sáng
Thơ đeo nặng túi khách tha hương.
Nhà cháu ấn tượng về bài của bác Thanh-Huyền về bố cục, 4 cặp đề. thực, luận, kết thể hiện vai trò rất rõ ràng. Nhà cháu cũng mê bài này của bác í:
Chen giữa hai bên núi một hồ
Ven bờ cây phủ ánh trăng nhô
Xa xa dáng ngọc đôi hòn nhú
Hờ hững sườn non bức họa đồ
Cảnh vật hữu tình pha ảo thực
Suối ngàn tương cảm hội nguồn thơ
Khá khen con tạo bày nên vẻ
Non nước hòa duyên khéo hững hờ.
Bài trào phúng mà nhà cháu thấy thú vị là của bác Lê Vinh Huy:
Ở lưng chừng núi có hồ to
Làm lắm thi nhân đến lặn mò
Thằng gãi rừng thông nâng bác Thuận
Đứa mơn bồng đảo bú em phò
Chim trời cá nước đâu mờ biết
Ý thánh thơ thần đíu dám ho
Quẳng mẹ ưu phiền nàng xuất khí
Nobel ai dám…độn anh lò!
Bài dạt dào tình ý, khéo dùng chữ hơn cả là của bác Hà Văn Thịnh. Chỉ tiếc là cặp thực thất niêm. Thường là tài hoa thì dễ phạm luật, giống như Tú Xương, tài thơ là thế mà 8 lần thi không đậu cử nhân cũng chỉ vì phạm luật :). Bài này pha chút tinh nghịch, có bác phê bình liệu có dung tục quá không. Theo nhà cháu thì không sao, cốt chữ nghĩa thanh là được. Không cần đạo mạo quá. Khoản này đã ăn thua gì so với Bà Hồ Xuân Hương:
Yên Trung tạo hóa tạc cơ đồ
Trác hạ ai người thích họa thơ
Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây cá giỡn hồ
Suối nguồn khe đẫm, đôi bồng đảo
Trăng núi gió lùa, mấy tiếng cu
Nghe thấy chim gù không có bướm
Nghĩ nàng công chúa vẫn say mơ?
Nhà cháu cũng hoan nghênh và bày tỏ lòng cảm kích đói với những bác nhiều lần gửi bài tham gia. Có bác vì thấy bài còn lỗi lại tiếp tục viết bài khác những mong thơ hay hơn. Tinh thần của các bác đối với cuộc "thi" thật là quí hóa.
2. Nhà cháu cũng xin tự phê: Trong 4 kỳ bình, nhà cháu đọc lại thì thấy còn sót lỗi chưa chỉ ra nhưng vì đã trót đăng rồi nên không sửa nữa. Vậy các bác về rà soát lại để tự đánh giá thơ của mình.
Có một trường hợp nhà cháu bắt lỗi nhầm, có bác đã chỉ ra. Hẳn là còn những chỗ bắt nhầm hay bỏ sót khác nữa mà nhà cháu chưa soát hết. Nhà cháu xin nghiêm túc tự phê nhưng các bác đừng bắt nhà cháu từ chức ban tổ chức ạ.
Vì không có nhiều thời gian, nhà cháu tập trung vào phần luật, các thi bệnh chứ không đi sâu vào cách dùng từ, lối diễn đạt. Có nghĩa là nhà cháu tập trung vào phàn kỹ thuật là chính. Mong các bác thông cảm cho.
27/11/2012
NTT
(Còn tiếp)
Bài liên quan:
Thi dịch văn xuôi thành thơ Đường luật
Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.
Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (2)
Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 3)
Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 4)
Bài liên quan:
Thi dịch văn xuôi thành thơ Đường luật
Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.
Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (2)
Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 3)
Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét