Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

9/12/2012 – Ngày oanh liệt của người yêu nước Thủ đô (kỳ 2)



3. Đến lượt mình

Tôi nằm trong nhóm bị đưa đi thẩm vấn cuối cùng. Lúc này chỉ còn ba anh em.

Tôi dặn Ngô Nhật Đăng và Nguyễn Việt Hưng:

- Anh sẽ không tự nguyện đi đâu để tỏ thái độ phản đối bắt người phi pháp. Tất nhiên chúng sẽ cưỡng chế. Khi chúng khiêng anh đi, các em hãy nhớ lấy tất cả những hình ảnh ấy, sau này còn kể cho mọi người biết.

Vài phút sau, chừng 5,6 đứa tiến vào, đến trước tôi:

- Mời bác đi làm việc.

Tôi thản nhiên:

- Tôi không có nhu cầu được mời.

Không cần dài dòng, chúng ào đến xốc nách tôi đi. Tôi ngồi thụp xuống. Thêm hai thằng xông vào để trợ giúp đồng bọn.

Ngô Nhật Đăng bảo:

- Bác ấy là thương binh đấy. Nhẹ tay thôi nhá.

Chúng chẳng thèm đếm xỉa đến lời của Đăng. Cứ thế, khi bị áp đi thì tôi co hai chân lên không chịu đi. Tôi bám chặt tay vào cột sắt, tất nhiên chúng gỡ ra được. Có lúc chúng kéo rê tôi, hai chân quẹt xuống đất. Tôi chống lại. Cuối cùng thì bốn thằng túm tứ chi tôi khiêng bổng lên. Tôi vừa giãy giụa, vừa hô lớn:

- Đả đảo tay sai Trung Quốc.

- Đả đảo cưỡng bức.

Đoạn đường khiêng tôi đi khá dài. Từ chỗ tôi ngồi ra đến cửa chừng 15 mét, lại khiêng qua một con đường nhỏ, qua một cái sân rồi khiêng lên tầng 2. Lên tầng 2, chúng khiêng sang trái, không đúng chỗ lại khiêng sang phải.

Tôi mắng, đầy phẫn nộ. Đây là lần đầu tiên, tôi sử dụng ngôn ngữ mà tôi không quen dùng:

- Chúng nó trả cho chúng mày được bao nhiêu mà chúng mày làm những việc đê tiện và hèn hạ như thế này. Trái tim chúng mày là trái tim thú à.

Chúng nhét tôi vào một phòng. Một tên có lẽ là chỉ huy bảo để lại hai người trợ giúp (trợ giúp đứa sẽ thẩm vấn tôi), còn đi ra.

Một thằng nhận ra tôi:

- Ông này vào đây lần thứ hai rồi.

Chúng xúm ngay vào lục soát người và đồ dùng của tôi rất thô bạo. Có lẽ chúng cay cú vì tôi bắt chúng khiêng khá vất vả.

Chúng giật túi tôi đeo trên người mở ra khám. Chúng móc cái áo khoác ra sờ nắn các túi. Dưới chiếc áo là chiếc điện thoại, chúng tháo ra kiểm tra. Tôi giễu:

- Cái nokia của tao mua có 400 nghìn. Chúng mày tiêu tốn bao nhiêu tiền thuế của dân mà không biết nó không thể chụp ảnh, ghi âm được à?

Một đứa thò tay vào túi ngực móc gói thuốc lá, mở ra, Tôi nói: "Thèm thuốc à, tao cho đấy". Nó kiểm tra không thấy gì liền ném lên bàn. Một đứa thọc tay vào túi hậu, sấn xổ cởi cúc túi. Tôi bảo: Móc túi hả?. Nó moi tiền ra, chắc không thấy gì nên gí cả xấp tiền vào tay tôi. Tôi cũng chẳng biết gói thuốc lá có bao nhiêu điếu, tiền có bao nhiêu nên không biết được sau khi chúng khám xét có bị mất điếu thuốc hoặc mất tờ bạc nào không.

Đứa thẩm vấn tôi tên là Ngọc (tôi chỉ nhớ được tên). Tôi tỏ thái độ bất hợp tác. Tôi lớn tiếng phản đối việc bắt tôi lên đây và cưỡng bức tôi vào đây.

Nó nói:

- Nhưng cháu có bắt chú đâu. Chú nên giúp cháu hoàn thành nhiệm vụ

Tôi bảo:

- Cậu không bắt tôi nhưng những tên bắt tôi là đồng bọn của cậu. Thế bọn cậu tha hồ làm những điều bậy bạ rồi đưa một người không làm gì chúng tôi ra hỏi, chúng tôi cũng hợp tác được sao.

Thấy tôi căng, cậu ta áp dụng bài quen thuộc:

- Cháu cũng như con, cháu chú. Chú hãy giúp cháu hoàn thành nhiệm vụ.

- Các cậu không ai lạ gì tôi. Tại sao lại phải hỏi thêm làm gì. Cậu không nghe có thằng nhận ra tôi nó bảo tôi vào đây lần này là lần thứ hai sao?

- Nhưng cháu không biết. Lần trước người khác hỏi chú chứ không phải cháu. Cháu chưa biết gì về chú cả.

- Vậy các cậu về lục hồ sơ ra mà tìm. Hoặc là đến đơn vị cũ của tôi hay địa phương khi tôi đi bộ đội mà hỏi. Không phải các cậu cứ bắt bừa tôi vào đây rồi lần nào cũng hỏi tôi về những điều mà không hỏi các cậu cũng biết.

Tôi nghĩ một lát, bảo:

- Thôi được, tôi là ai, tôi cũng muốn nói cho cậu biết, vì những điều về tôi cũng rất đáng tự hào. Không nói thì các cậu bảo giấu giếm. Nhưng tôi không trả lời theo kiểu hỏi cung. Tôi có thể nói chuyện với cậu thôi, biết đâu ra được những điều vượt quá yêu cầu của cậu đấy.

Cậu ta bảo: "Vâng", rồi úp tờ biên bản lấy lời khai xuống mặt bàn.

Tôi nói vắn tắt, tên, năm sinh, địa chỉ, đi bộ đội từ năm nào, năm nào về hưu. Thế thôi.

Hỏi về vợ con, cha mẹ, tôi nhất định không nói:

- Tôi làm gì, tôi chịu trách nhiệm cá nhân. Vợ con, bố mẹ tôi chẳng liên quan gì và chẳng phải chịu trách nhiệm gì đến việc tôi làm cả.

Một đứa con gái ngứa nghề hỏi:

- Bác có là đảng viên không?

- Đảng đoàn như thế nào chúng mày không cần biết. Chỉ biết tao là một công dân Việt Nam là đủ.

Nó đi ra.

Thằng Ngọc hỏi tôi những câu rất vớ vẩn như chú đi bằng gì, đến nơi mấy giờ, chú quen ai, chú hô khẩu hiệu gì. Tôi nói:

- Cậu hỏi những điều ấy để làm gì, có tác dụng gì với các cậu?

Thực ra, tất cả những điều chúng nó hỏi mà tôi có trả lời đầy đủ cũng chẳng có gì mới. Mà tất cả việc tôi làm, các mối quan hệ của tôi, tôi có nói hết cũng chẳng mang lại điều gì cho chúng nó. Chẳng hỏi thì sau đó, tôi cũng kể ra rông rốc trên mạng bằng cả trăm lần những gì tôi cho chúng nó biết.

Tôi chợt nhận ra nó lật tờ biên bản lại và ghi chép từ lúc nào. Tôi nói:

- Tôi nói cho cậu biết, cậu ghi thế nào tùy cậu nhưng tôi không ký vào cái gì đâu đấy.

Số bắt lên trại Lộc Hà hôm nay phần lớn là đã bị bắt nhiều lần chúng chẳng lạ gì (chỉ có 4 người bị bắt lần đầu trong số 24 người bị bắt). Tất nhiên, việc bắt người biểu tình vào đây rồi hỏi là việc làm phi pháp vì hoạt động biểu tình hoàn toàn đúng pháp luật.

Ấy vậy mà chúng bày ra đủ trò, nào chụp ảnh, nào lăn tay, nào biên bản. Vô nghĩa hết. Hay là chúng bày ra thế cho thêm phần nghiêm trọng, khủng bố tinh thần chúng tôi. Nếu thế thì chúng quá nhầm.

Thằng Ngọc bảo:

- Chú đã vi phạm nghị định 73 nên phải xử phạt phạt hành chính.

Thằng này không hiểu. Nghị định 73 là hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính, vi phạm thế nào thì xử phạt thế nào. Còn như thế nào là vi phạm nó lại nằm ở văn bản khác. Trong trường hợp này mà nó cho là vi phạm là phải dẫn nghị định 38.

Tôi bảo:

- Vi phạm cái gì?

- Nghị định 38 cấm tụ tập biểu tình.

- Ai bảo nghị định 38 cấm tụ tập biểu tình?

Biết nói nhỡ, nó chữa:

- Cấm tụ tập đông người

- Nghị định 38 là văn bản dưới dưới luật. Không thể dùng nghị định của Chính phủ để điều chỉnh Hiến pháp, ở đây là quyền biểu tình của công dân trong điều 69. Tôi hỏi cậu, biểu tình có cần đông người không, có cần giương biểu ngữ không, có cần hô khẩu hiệu không? Thiếu 3 yếu tố ấy sao gọi là biểu tình? Chẳng lẽ khi quốc hội ra luật biểu tình, lại cấm 3 yếu tố ấy.

Nó tóm lấy câu ấy bảo:

- Nhưng chưa có luật biểu tình thì các chú không được biểu tình.

- Tôi hỏi cậu, thế điều 4 Hiến pháp qui định Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội. Vậy Luật về Đảng đâu? Chưa có chứ gì? Chưa có sao ĐCSVN vẫn cứ thực hiện sự lãnh đạo của mình mà không cần chờ luật. Chúng tôi cũng thế, chưa có luật biểu tình thì cứ biểu tình. Khi nào có Luật thì làm theo luật.

Như trên tôi đã nói, tôi chấp nhận nói chuyện chứ không chấp nhận khai báo. Mà đã nói chuyện, tôi có quyền nói, quyền hỏi. Tôi tranh thủ nói cho nó biết, tình hình Biển Đông ra sao, ngư dân ta bị Trung Cộng bắt, bị đánh đập, cướp cá và ngư cụ như thế nào. Các cậu không biết những chuyện đó sao.

Tôi nói, tôi kịch liệt phản đối công an quận Hoàn Kiếm về tất cả những lần bắt bớ, đánh đập người biểu tình trái luật.

Nó bảo:

- Chú đã nói thế, cháu cũng phải tiết lộ là hôm nay lực lượng bắt các chú không phải là công an Hoàn Kiếm mà là bộ phận khác.

- Ừ, thì cứ cho là hôm nay CA Hoàn Kiếm không bắt đi. Nhưng dù bộ phận nào cũng là công an Hà Nội, hoặc là Bộ Công an, tóm lại đều là ngành công an cả. Nhưng những lần trước, có phải là công an Hoàn Kiếm ra quyết định cảnh cáo nhiều người biểu tình không?

Tôi nói đến đây lại sực nhớ đến chuyện của tôi. Tôi bảo:

- Như tôi đây này. Hôm 5/8 bị bắt về trại này. Không có biên bản tại chỗ, mang lên đây hỏi, tôi không ký. Thế mà công an Hoàn Kiếm vẫn lén lút ra quyết định xử vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Rồi đưa bản phô tô về địa phương. Khi ông cụm trưởng dân cư thập thò cái văn bản ấy ra, dọa đưa tôi ra đấu tố, dọa đưa đi cải tạo, tôi yêu cầu chụp hay phô tô lại thì không cho. Sau đó, thỉnh thoảng tôi gọi điện yêu cầu thì bảo tôi trả lại họ rồi. Làm ăn chính đáng, sao lại thậm thụt, lén lút như thế.

Tất nhiên, những gì tôi tuyên truyền, tôi tố cáo, nó đều tảng lờ vì biết trả lời sao.

Khi chẳng thể hỏi thêm điều gì được ở tôi, có một thằng mang đồ nghề vào để lăn tay (lần trước chúng đưa tôi vào phòng lăn tay ở tầng 1, tôi bỏ đi).

Tôi bảo:

- Tôi nói trước, không lăn tay lăn chân gì đâu đấy.

Lại một thằng vào, dí máy ảnh vào mặt tôi. Tôi xua tay:

- Chúng mày chụp từ sáng đến giờ chưa đủ sao. Ảnh tao lại còn đầy trên mạng. Định làm gì?

- Cháu lấy ảnh viết báo.

- Viết thế nào mặc chúng mày. Mày không dừng thì tao cũng không làm việc nữa.

Nó bỏ ra.

Thằng Ngọc cố thuyết phục tôi ký biên bản:

- Nếu chú không ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì ký vào biên bản làm việc vậy. Chú nên giúp cháu hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi nói:

- Nếu việc riêng của cậu, tôi có thể giúp. Nhưng lúc này, cậu làm việc cho công an nên tôi không thể giúp được.

Nó vồ lấy:

- Vâng, cháu là công an, đại diện cho pháp luật làm việc với chú thì chú phải chấp hành ...

- Bất kể ai, đại diện cho cái gì, tôi chỉ chấp hành cái đúng. Các cậu sai, sao tôi phải chấp hành.

Tay có vẻ là sếp vào:

- Sắp xong chưa?

- Sắp xong rồi ạ, có điều là chú ấy không ký biên bản, không chịu lăn tay.

- Thôi được, không ký thì sẽ có người ký làm chứng.

Chẳng biết đứa nào làm chứng và làm chứng cái gì. Toàn chúng bày trò ra cả.

Tôi nhắc:

- Như tôi đã nói từ đâu là khi tôi đã hợp tác với các anh dù ít nhiều thì các anh cũng phải biết điều. Yêu cầu các anh đã bắt tôi lên đây thì phải trả chúng tôi về nơi bị bắt.

Thằng Ngọc bảo, vâng, chú đi theo anh này sẽ có xe chở chú về.

Tất nhiên, tôi chẳng lạ gì cái trò lưu manh của chúng. Hẳn là nó sợ tôi không chịu ra. Tên dẫn tôi đi chỉ tôi ra cổng giục:

- Anh ra đi.

4. Vòng tay đồng đội

Tôi nhìn ra cổng lưỡng lự. Nhưng rồi mọi người ngoài cổng trông thấy tôi liền reo hò ầm ỹ. Những vòng tay giơ ra. Tôi không đắn đo gì nữa chạy ào ra cổng ôm lấy từng người. Cánh cổng sau lưng tôi lập tức khép lại.

Thì ra, tất cả từ người bị thẩm vấn đầu tiên cho trước tôi chưa ai về cả mà ở lại chờ nhau cho đủ mới chịu về.

Lúc này, mắt tôi bắt đầu rưng rưng chứ không ráo hoảnh như khi đối diện với chúng nó. Cháu Đào Lê Tiến Sĩ con trai Thạc sĩ Đào Tiến Thi chạy đến chào:

- Bác

Tôi nghẹn ngào:

- Con trai của bác.

Bà Lê Hiền Dức ôm tôi hỏi dồn dập:

- Con có làm sao không? Sao con ra muộn thế. Chúng có đánh con không?

Tôi cười:

- Không mẹ ạ. Nó chỉ khiêng con hơi vất vả tí thôi.

- Con gọi điện về ngay cho con gái mẹ nhé (bà nhận vợ tôi là con gái - nghĩa là tôi chỉ là con rể của bà). Nó không gọi được cho con nên nó gọi cho mẹ.

Tôi bảo:

- Lát nữa con gọi cũng được. Bây giờ con phải quan tâm đến việc cần hơn.

Mọi người lần lượt đến chúc mừng. Phương Bích bảo:

- Anh thấy không, tình cảm như thế này chúng nó không bao giờ có được.

Vẫn còn Trương Văn Dũng. Dũng đi thẩm vấn trước tôi nhiều nhưng anh vẫn chưa được ra vì chúng đã thả anh rồi, lại bắt lại. Chúng tôi tiếp tục đứng ở cổng, không ai chịu về. Một chiếc xe hơi màu trắng trong cổng đi ra, chúng tôi chặn lại hô:

- Yêu cầu trả người!

- Trả người! Trả người!

Không thể đi được, chiếc xe này lùi trở lại.

Cuối cùng, lại thêm chừng 1 giờ nữa kể từ khi tôi là người áp cuối được thả, Trương Dũng cũng xuất hiện. Lại reo hò ấm ỹ. Lại ôm lấy nhau xoắn xuýt, mừng mừng, tủi tủi.

Sau đó, chúng tôi tự giải tán. Tôi và Dũng đang đi bộ ra bến xe bus thì Lã Việt Dũng rà sát lại bảo hai chúng tôi lên. Trong xe đã có Lê Dũng, bà Lê Hiền Đức, Người Buôn Gió. Nói chuyện, trả lời phỏng vấn, hỏi han nhau, câu chuyện râm ran cho đến khi về Hà Nội.

Xin tạm kết thúc ghi chép này bằng câu chuyện của Nguyễn Thúy Hạnh với tôi trước khi chúng đưa cô đi thẩm vấn.

Trong khi chờ đến lượt mình, cô nói:

- Em không sợ gì cả nhưng buồn quá. Như thế này thì nước mình sẽ mất thật sao. Có phải là không còn gì nghi ngờ nữa phải không anh? Mọi điều đã được sắp đặt cả rồi. Nếu vậy, em thà chết chứ không chịu sống mà nhìn dân ta rơi vào vòng Bắc thuộc một lần nữa. Kìa, anh nói cái gì cho em hy vọng đi chứ.

Tôi an ủi cô mà cũng không tin vào chính lời mình:

- Còn em, còn anh, còn những người bị bắt hôm nay, còn những người làm nên cuộc biểu tình này, anh tin rằng đất nước ta không thể mất được.

Tôi biết, lời nói của tôi chẳng có gì mới, lại có vẻ xáo mòn nữa. Có lẽ Hạnh cũng nhận ra điều đó nhưng mắt cô vẫn ánh lên một niềm tin khó giải thích vô cùng.



12/12/2012

Nguyễn Tường Thụy

Tạm hết

3 nhận xét:

  1. Hay! Kiên cường! Thế chứ!
    Nhưng thấy tức mỗi khi nhìn cái hình anh chụp với Bùi Hằng ở trên. Cười tươi rói hén.

    Trả lờiXóa
  2. Rất cảm động trước những tấm lòng yêu nước nồng nàn. Tổ Quốc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn bất chấp bất cứ kẻ bán nước và lũ cướp nước nào

    Trả lờiXóa
  3. CÔNG PHẪN ĐẾN TỘT ĐỈNH
    Cổ tôi đã bị nghẹn lại, căm phẫn trong lòng tôi đã dâng trào, mắt tôi đã nhòe vì nước mắt khi đọc bài này.
    ÔI VIỆT NAM CỦA CHÚNG TÔI ƠI!!!
    CẢM PHỤC BÁC THỤY, BÁC THI VÀ TẤT CẢ CÁC ANH, CHỊ EM ĐÃ XUỐNG ĐƯỜNG CHỐNG BỌN TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC.
    Cầu mong cho các bác, các anh, chị em thật nhiều sức khỏe, bản lĩnh kiên cường để chống lại bọn Trung cộng xâm lược và quân bán nước.

    Trả lờiXóa