Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Đọc Trần Mạnh Hảo: “Sự mặc khải của Thi Ca”

.
Trước khi đi vào nội dung của bài viết, xin nói rõ người viết không quen cũng như chưa từng gặp ông Trần Mạnh Hảo, chỉ biết ông qua tác phẩm Ly Thân trên dưới hai mươi năm về trước, thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “nói và làm” (NVL), cởi trói văn nghệ (tư tưởng) làm như văn nghệ sĩ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giống như gà vịt, ngan ngỗng, trâu bò, lợn không bằng, muốn trói lúc nào thì trói, muốn cởi lúc nào thì cởi. Thời đó, ngoài ông Trần Mạnh Hảo “Ly Thân” còn có Dương Thu Hương với "Những Thiên Đường Mù", Nguyễn Huy Thiệp với "Kiếm sắc", Phùng Gia Lộc với "Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì?", Bảo Ninh với "Nỗi Buồn Chiến Tranh"... tất cả theo thời gian lặng lẽ chìm vào quên lãng.

Bẳng đi một thời gian khá lâu, tên Trần Mạnh Hảo cùng với những tên tuổi của thời Nguyễn Văn Linh “cởi trói tư tưởng” gây ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc không còn đọng lại trong tâm trí của người viết nữa. Thế rồi, khúc quanh lịch sử lại mở ra, hàng loạt sự kiện ngang ngược của bành trướng phương Bắc khiến những người con yêu của tổ quốc rầm rập xuống đường phản đối, bị nhà nước này, nhà nước dân chủ vạn lần hơn đạp vào mặt, bắt giữ và Trần Mạnh Hảo lên tiếng nói hộ cho những anh chị em yêu nước bị bắt qua bài thơ “Tôi Yêu Tổ Quốc Mà Tôi Bị Bắt” đã chạm vào trái tim, đã truyền lửa làm cho người viết, có thể còn nhiều người khác nữa xúc động, nằng nặng bên lòng một nỗi đau.

Từ đó, người viết bắt đầu chú ý đến các bài viết gần đây của Trần Mạnh Hảo từ thơ văn, phê bình văn học, phê bình các bài viết giới thiệu về “tài” thơ của Trần Gia Thái, phê bình các tác phẩm “nặng ký” được đề nghị dự giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, rồi đọc cả những bài phê bình phản phê bình của Trần Mạnh Hảo, của Nguyễn Sỹ Đại và một số bài không rõ nguồn gốc, chữ của nhà nước hay sử dụng cho mọi vấn đề nhạy cảm lẫn không nhạy cảm! Thật lòng mà nói, người viết cũng không quan tâm đến lời qua tiếng lại của những người làm văn chương chữ nghĩa trong nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì không hứng thú, vì cảm nhận một điều “văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị” võ thuật có thể phân cao thấp nhưng văn chương thật sự là “văn” có thể hay với người này nhưng lại dở đối với người kia là chuyện thường, khó bàn cãi hay nhất hay dở nhất, hay dở tùy theo cảm nhận của mỗi người.

Cứ như thế, mãi cho đến khi đọc được bài “Sự Mặc Khải Của Thi Ca” của Trần Mạnh Hảo, người viết bất chợt nhận ra nhiều điều thú vị trong bài viết và hiểu ra tại sao có nhiều kẻ đeo mạng che mặt kiểu Hồi Giáo tấn công mà không dám trực diện, sòng phẳng tranh biện với Trần Mạnh Hảo?

Chính qua bài “Sự Mặc Khải Của Thi Ca”, người viết bắt gặp kiến thức sâu, rộng ở tầm cao của Trần Mạnh Hảo, chứng tỏ ông là người chịu khó đọc, học nhiều và tiêu hóa được những gì ông đọc, học. Đặc biệt là biết gạn đục khơi trong những tinh hoa của các nền văn minh nhân loại từ đông sang tây, từ cổ đến trung, cận đại mà ông đã tiếp cận, để làm nền cho bài viết với các luận chứng, từ các mẫu thần thoại, tư tưởng, triết học của các nhà tư tưởng, triết gia Hy Lạp như Aristotle, socrates, Plato... cái nôi hình thành nền văn minh tây phương đương đại, cùng với những nét đẹp tôn giáo của Phật, Chúa, Nho, Lão hoà quyện với con người, nếp sống, tinh thần Việt suốt chiều dài lịch sử dân tộc tương tác với thi ca, làm nên thi ca giúp đời sống loài người thăng hoa.

Ấn tượng nhất vẫn là việc Trần Mạnh Hảo được giáo dục, được lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa, được nhồi nhét, thấm nhuần tư tưởng Marx-Lenin, satlin, Mao, Hồ vĩ đại, được giới thiệu “thiên tài” thơ Hồ Chí Minh, được học “bên ni biên giới là nhà, bên kia biên giới cũng là quê hương” của “thi hào” Tố Hữu nhưng tuyệt nhiên trong bài viết“Sự Mặc Khải Của Thi Ca” Trần Mạnh Hảo không giới thiệu, không nhắc một giòng nào về tư tưởng một thời được nhân loại và một số người cho đến bây giờ vẫn tung hô, ca ngợi là đỉnh cao trí tuệ của loài người!

Không những thế “Sự Mặc Khải Của Thi Ca” sử dụng nhiều luận chứng tư tưởng triết học, tôn giáo, đạo sống, đạo làm người tác động hình thành, liên hệ đến thi ca nhưng không vì thế làm cho bài viết khô khan, khó hiểu, bí hiểm, huyền bí như nhiều tác giả khác viết về tư tưởng, triết học, tôn giáo và, nó dù được sử dụng ngôn ngữ giản dị, bình dân của cuộc sống đời thường, vẫn giữ được nét lả lướt, ẻo lả, phong lưu, lãng mạn của một bản văn đẹp, hấp dẫn bạn đọc không giống những lời gay gắt, đanh thép, máu lửa trong các bài phê bình văn học vốn có của Trần Mạnh Hảo như đoạn văn sau: “Nếu triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thần linh thì thi ca đi tìm cái Đẹp. Chiến tranh, cuồng tín, dịch bệnh, thiên tai… hàng mấy nghìn năm qua đã đe dọa cái Đẹp của con người bằng sự dung tục hóa, bằng lòng tham và thù hận, nhưng không tước đọat được niềm mộng mơ đầy thi vị của nhân loại.”(*)

Đọc Trần Mạnh Hảo “Sự Mặc Khải của Thi Ca” giúp cho người viết hiểu tại sao ông gay gắt, phẫn nộ lẫn nghiêm khắc khi phê phán một số tác phẩm văn học của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vì ông tiếp cận với nhiều giòng tư tưởng đẹp, những tinh hoa của nhiều nền văn minh nhân loại nên ông nhận ra văn học nước nhà và các văn nhân, thi, nghệ sĩ không phải tất cả đều bất tài nhưng phải sáng tác theo đơn đặt hàng, phải viết theo quan điểm, lập trường của đảng nên sản sinh ra loại văn học nghệ thuật minh họa, môt thứ văn học nghệ thuật đồng phục ù lì, lạc hậu quá xa, so với mặt bằng văn học chung của nhân loại, khó có tác phẩm vượt ra biển lớn, vươn lên ngang tầm thời đại như loa đài nhà nước thường rêu rao, cường điệu và mơ ước. Do đó, với một người có tâm, có tầm không cho phép Trần Mạnh Hảo nhắm mắt làm ngơ trước các ông bà “tờ sờ” làm văn học, làm giáo dục dẫn dắt thế hệ trẻ sa xuống vũng lầy tư tưởng với những “trò lố” của văn học và văn chương Việt nam hiện nay, dù biết rằng một cánh én không làm nỗi mùa xuân nhưng cũng báo hiệu được mùa xuân sẽ đến.

Thế có bao nhiêu người trong giòng văn học đồng phục, minh họa của nhà nước xã hội chủ nghĩa lắng nghe tiếng kêu đơn độc, lạc lõng của Trần Mạnh Hảo để đồng cảm, để nhận ra tầm quan trọng của chữ nghĩa đáng báo động, được gọi là văn học nghệ thuật của Việt Nam hiện nay?

Dường như có rất ít người làm công việc sáng tác nghệ thuật, hòa vào nhịp đập của trái tim, thẩm thấu vào tầm tư tưởng văn học của Trần Mạnh Hảo. Có lẽ, một số nhỏ chỉ ở mức cổ động viên ủng hộ các bài thơ văn, phê bình và đa phần còn lại không ủng hộ, thậm chí chống đối những bài viết phê bình thật, trực diện thẳng lòng với những tác phẩm “thường thường bậc trung, hoặc dở” vốn có của nó mang mà Trần Mạnh Hảo không ngần ngại đụng chạm, chỉ ra.

Qua bài viết “Sự Mặc Khải Của Thi Ca” không khó để chúng ta hiểu, tại sao có nhiều kẻ đeo mạng che mặt kiểu Hồi Giáo phản bác, tấn công Trần Mạnh Hảo điên cuồng, với nhiều chiêu thức, mưu mô, thủ đoạn thuộc sở trường đã đưa họ lên chức vụ chức danh, học hàm học vị của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam và trong đám lúc nhúc “tờ sờ” tốt nghiệp lý luận chính trị, triết học Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hệ chính quy lẫn hệ tại chức làm sao đủ kiến thức sâu, rộng, cao để tranh luận sòng phẳng với Trần Mạnh Hảo nên họ chọn hai cách: một là đeo mạng che mặt tranh luận; hai là sử dụng quyền lực chính trị răn đe, bịt mồm Trần Mạnh Hảo như họ đã từng dùng hai bao cao su đã qua sử dụng, gán ghép âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, đối với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Mặt khác hệ thống khoa học chính trị, lý luận Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh của trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc trước kia hoặc Học Viện chính trị, hành chánh quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay đã lộ ra nhiều lỗ hỏng, khiếm khuyết lẫn hoang tưởng, không khó để cho Trần Mạnh Hảo và vô số người bẻ gãy lý luận, triết luận tưởng như khoa học nhưng thật ra phản khoa học của tư tưởng, triết học Marx-Lenin. Thế cho nên, các ông bà tờ sờ tốt nghiệp trường đảng hoặc học viện chính trị quốc gia như tên gọi hiện nay, nếu sự học của họ bị cho là “ngụy thuyết, ngụy luận” vô giá trị trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thực tiễn thì các ông bà tờ sờ này có khác chi các anh chị nông dân, công nhân, có khác chăng là hiền lành, chất phát với độc ác, gian manh có từ trong bản chất của chính nó.


Thế thì, chuyện có nhiều kẻ đeo mạng che mặt Hồi Giáo chống Trần Mạnh Hảo điên cuồng vào những chuyện tủn mủn, vụn vặt không dính dáng nhiều đến chuyện văn chương chữ nghĩa cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu đối mặt tranh biện sòng phẳng nhở ra Trần Mạnh Hảo bắt mạch, điểm mặt sẽ lồi ra vô số bệnh, còn chi danh giá lúc nhúc tờ sờ, chi bằng đeo mạng che mặt, giả danh quần chúng tự phát là nơi trú ẩn an toàn cho các tờ sờ của học viện lý luận chính trị cao cấp trường đảng, học viện chính trị, hành chánh quốc gia Hố Chí Minh.

Đọc “Sự Mặc Khải Của Thi Ca” kết nối với những bài viết rải rác đó đây mới thấy được cái tâm lẫn cái tầm của Trần Mạnh Hảo đáng trân quý. Nói thế, không có nghĩa những cá nhân làm công việc sáng tác văn học nghệ thuật trong nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không có tâm lẫn tầm như Trần Mạnh Hảo. Có thể, những người như thế không phải là ít nhưng chỉ khác nhau ở chỗ, họ thiếu cái dũng của Trần Mạnh Hảo “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.” Họ an phận, họ nhắm mắt bịt tai trước cái xấu và cái ác. Chừng nào những văn nhân, nghệ sĩ sáng tác có tâm, có tầm vượt lên nỗi sợ đứng lên phá đổ nền văn học đồng phục, minh họa cùng nhau dựng lại nền văn học nước nhà vươn lên ngang tầm thời đại.... bao giờ... đến bao giờ?


Bài nhận qua email

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét