Nguyễn Hoàng Đức
Mới đây, việc nhà báo, nhà thơ Đăng Hạ 29 tuổi thành lập câu lạc bộ sáng tác văn học nghệ thuật cấp quốc gia, đã phát triển hơn 30 chi hội thơ ở nhiều tỉnh và thành phố, chiêu nạp được ngót năm nghìn nhà thơ, thu được tiền tỉ, chẳng lẽ sự việc lại trôi chảy êm ru như nước vòi vặn vào thùng như vậy. Không, đó nhất khoát không phải việc con giun chui qua lỗ kim, mà là con voi chui qua lỗ kim. Một mình anh nhà báo, nhà thơ còn khá trẻ kia liệu có thể thao túng được việc này sao?Việc anh ta cho in hai tập thơ tuyển như “Thơ Việt đương đại” và “Thơ hay ba miền”, phải xin giấy phép nhà xuất bản (thơ hay văn thì xin nhà xuất bản nào đây? Chuyện này đâu có khó gì lần ra manh mối và truy cứu, nếu một cuốn quan trọng như “Trại súc vật” có tầm tư tưởng tác động mạnh vào xã hội thì người ta tìm ra liền và xử lý ngay. Còn thơ có phải chỉ là thứ thơ thẩn của đám nghiệp dư háo danh lăng nhăng nên chẳng ai thèm quan tâm, nên nó được trôi êm như vậy?)
Người Tầu có câu “Giết vua, giết cha không phải việc xảy ra trong một ngày”. Câu này muốn nói, những việc tày đình chúng không thể ngẫu nhiên sinh ra như thể người ta bỗng nổi hứng đến bờ ao khỏa chân xuống nước cho mát, mà nó chỉ có thể xảy ra theo phạm trù nguyên nhân và kết quả. Giết vua hay giết cha là thực hiện tội ác lớn, nó phải được mở màn rất sớm từ những uất ức tâm lý, nảy sinh âm mưu, vạch kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, đó là chưa kể dục vọng tiếm ngôi hay giành gia sản… Một anh chàng nhà thơ muốn thành lập câu lạc bộ sáng tác quốc gia, như vậy chí ít anh ta phải vận hành “công nghệ” qui mô ở mức quốc gia. Trong sản xuất, chúng ta vẫn biết những nước lạc hậu muốn làm ra sản phẩm tiên tiến thì phải viện đến sự giúp đỡ của những nước tiên tiến, để họ chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô, tầu thủy, hay máy vi tính cho… Đó là cái tiến bộ. Nhưng tại những vùng thôn quê hẻo lánh bỗng có bọn hút chích rồi trộm cắp xuất hiện với thủ đoạn tinh vi chuyên nghiệp thoát hẳn tính cố hữu quê mùa, chúng ta buộc phải nhận định, bọn trộm cắp trên phố đã chuyển giao công nghệ cho bọn cà lơ phố huyện.
Nhìn qui trình công nghệ, người ta thấy ngay nó bắt nguồn từ đâu, chẳng hạn ở châu Phi xuất hiện một anh đấu bò tót, người ta nghĩ ngay đó là công nghệ Tây Ban Nha, một người thổi tù và dài 4m người ta nghĩ ngay đó là công nghệ Thụy Sĩ, còn một anh, hay một chị đấm ngực lã chã nước mắt ngâm thơ chỉ có cảm xúc mà không có nhân vật người ta nghĩ ngay đến công nghệ thơ nông nghiệp Việt Nam… chúng ta thử xem hội thơ chui kia xử dụng những công nghệ nào?
1- Kết nạp hội viên, cho vào hội để thành nhà thơ “con dấu” chính thức của quốc gia.
Nhiều nhà thơ đã dưng dưng cảm động phản ánh, đại loại như: “Lâu nay tôi cũng chỉ làm thơ trà dư tửu hậu, loanh quanh trong nhà ra ngõ xóm, vậy mà đùng một cái, tôi được kết nạp thành hội viên, của quốc gia. Trời ơi danh dự vô biên, hạn phúc tột cùng, đang là kẻ vô danh nơi chòm xóm, bỗng lớn thành “nhà thơ Phù Đổng” nhảy một phát từ ao làng lên mái nhà quốc gia, có con dấu đàng hoàng. Đó có phải cuộc cất cánh đổi đời không? Phép mầu đó làm sao được thực hiện nếu không có con dấu của anh Đăng Hạ nhân danh quốc gia kia!”
2- In thơ lên sách báo, vào tập tuyển
Có triết gia nói, “tác phẩm là quyền lực”, trời ơi đang ở chốn quê mùa, tỉnh lẻ, thậm chí ở ngay tỉnh chẵn này, có ai biết tôi là gì, vậy mà được in thơ bằng máy in lên giấy, lại có cả ảnh mình rõ ràng rất đẹp trai, xinh gái kèm theo… Người Việt bảo “vua biết mặt, chúa biết tên” là thế, từ nay tôi đã có tầm vóc khác rồi, tầm vóc quốc gia đàng hoàng chứ lị!
3- Ẵm giải
Làm nhà thơ lớn hiển nhiên phải có giải thưởng để người ta không thể nhí nhố cãi quanh rằng ta không có tài. Giải thưởng ư, nào sơ khảo, chung khảo rắc rối mệt mỏi lắm, cuối cùng vẫn chỉ là trao bằng khen mà thôi, vậy thì ở đây ban tổ chức quốc gia không cần thi thố, xét thấy tài năng của cán bộ ưu tú quá mức, liền trao bằng khen liền.
4- Không có gì cho không, tiền ít đừng hít giải cao
Muốn thành hội viên của quốc gia ư, các anh các chị phải nộp lệ phí tiền triệu. Muốn in thơ vào sách ư, cũng phải chi trên nửa triệu. Muốn có bằng khen ư, bằng khen chứ đâu phải lá rụng ngoài vườn, nào nghĩ nhanh lên có đóng tiền không? Qua vụ câu lạc bộ thơ chui quốc gia kia, người ta trắng trợn ra giá “muốn giải cao phải nhiều tiền, không cần biết thơ hay dở”, rõ ràng không có tiêu chí cho thơ, mà thơ chỉ là cái cớ để kiếm tiền.
Toàn bộ qui trình này nói tóm lại là gì? Triết gia Kant nói “Muốn ăn bánh thì phải nghĩ đến chiếc cối xay”. Tương tự, có thể suy luận: Muốn có danh vọng thì hãy nhìn vào con dấu. Nào vào hội ư, nào in thơ ư, nào ẵm giải ư, nào leo ghế ư… không có con dấu đảm bảo thì làm sao có được. Trong một vụ tham nhũng lớn ở Tầu, một quan chức nói: “chúng tôi thu tiền bán chức, bởi vì chúng tôi đã phải tốn tiền rất nhiều lần để mua chức”.
Liệu có một hành trình tương tự: chúng tôi leo mãi mới tới giá trị của văn học con dấu, vậy thì tại sao chúng tôi lại không dùng con dấu đó để ban phát cho người khác?! Có lẽ không ai có thể cho rằng, việc to như con voi mà Đăng Hạ làm là do một mình. Trái lại, sẽ có rất nhiều thầy dùi tham mưu cho Đăng Hạ làm, cũng có nhiều thầy dùi trực tiếp tham gia, tiền tỉ chứ có nhỏ đâu mà không lăn lộn vào để ăn chia?! “Thớt có tanh tao thì ruồi mới đậu” mà. Và có phải “chợ chưa họp kẻ cắp đã đến”, thì thơ chưa tụ bạ những kẻ háo danh đã tập hợp đông như ruồi nhặng? Và cái công nghệ kiếm chác dựa trên số đông háo danh thơ này là của ai chuyển giao nhỉ? Và nó giống ai? Xin mọi người tự trả lời. Và có khó lắm không để tìm kiếm câu trả lời, một khi sự việc như người Việt nói đã lè lè “ăn gian nó giàn ra đấy”?!
NHĐ 29/08/2013
Tác giả gửi cho NTT blog
Tại sao các Bác lại cười mũi người ta ? Trong khi cả nước các hội Thơ nở rộ như nấm gặp mưa từng Trung ương xuống tận xã huyện . Đi đâu cũng tưng bừng , Hồ hởi , phấn khởi nói về Văn chương thi Phú . Một đất nước Thơ , một dân tộc Thơ , hãnh diện trước thế giới cho đã chứ !
Trả lờiXóaSao đi ném đá vào hội Thơ cá thể , tội nghiệp lắm người ơi ! Bây giờ thời buổi nhà nước và nhân dân cùng làm , cùng cạnh tranh phát triển . Như vậy cái hội Thơ tự biên tự diễn có tội gì đâu , có móc túi được như các tổ chức Văn hoá của nhà nước vào khoản đóng góp thế mà của nhân dân đâu ?
Hay dở , sống chết do hội Thơ cá nhân tự biên tự diễn gánh chịu . Người ta có thể Buôn bán , thì Buôn Thơ cũng là một nghề , có gì phải ghen tỵ và ganh ghét .
Buôn Thơ cũng có giấy phép hay sao ? Đi Buôn Thơ cũng lậu hay sao ?
Các Bác cứ nghỉ lại đi , buoon Thơ chứ nào phải là Buôn dân bán nước , mong các Bác nương tay cho các hội Thơ cá thể được nhờ . Đừng nên lấy dây mà tự trói mình , rồi miệng lại hô mất tự do . Hì hì ...!!!
Ơ! Muốn có danh không bỏ tiền mua thì ai cho.
Trả lờiXóa