Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

ÔNG CHỦ XƯNG HÔ KHIÊM NHƯỜNG SANG TRỌNG, ĐẦY TỚ XƯNG HÔ RƯỚN MÌNH HÈN HẠ

Nguyễn Hoàng Đức

Người đời nói, biết mà không nói là bất nhẫn. Qua những bài tôi viết, có nhiều comments, thi thoảng tôi cũng trả lời trực tiếp, như với nhà văn Nguyễn Hiếu hay vài người khác. Còn nói chung tôi không có điều kiện trả lời được. Có vài lời bình nói: thời đại này tân tiến rồi, tại sao tôi cứ phải đi trích dẫn những ông như Aristote đã chết từ lâu.

Tôi xin bàn: Xưa nay người ta quan niệm, người có học thì phải “nói có sách mách có chứng” chứ không thể ăn nói vu vơ. Trái lại chỉ kẻ vô học mới ăn nói tùy tiện, bạ đâu nói đấy. Trong học vấn, cái quan trọng và ưu tú nhất là nắm được “nguyên lý” – tức là luật vĩnh cửu. Nước thì bao giờ cũng là nước dù cổ hay kim, nếu nước khác đi thì sự sống không còn. Và nước có bao giờ thôi chảy chỗ trũng, cũng như không tuân thủ nguyên tắc “bình thông nhau”?! Chẳng hạn các nhà khoa học khi nghiên cứu những vì sao xa xôi, xem có sự sống không thì đều lấy tiêu chí có nước làm đầu. Và nước đó được đo theo tiêu chí dưới mặt đất như đã tồn tại cả triệu năm nay. Hiện nay, các bộ bách khoa thư của nhiều nước có rất nhiều hạng mục, và những chuyên mục chính thường chứa quan điểm của triết gia Aristote. Đặc biệt cho đến nay, không công trình khoa học nào được chấp nhận nếu không bảo vệ tuân thủ theo logic Đồng nhất luận, Khử Tam, và Tam đoạn luận của Aristote.

Người có học chân chính luôn phải lấy chân lý làm đầu, mà chân lý thì vĩnh cửu, nguyên lý cũng vĩnh cửu, lề luật vật lý tự nhiên cũng vĩnh cửu, không gian, thời gian, hay Hữu thể luận đều vĩnh cửu. Các tôn giáo như Phật giáo, Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo đã tồn tại hơn nghìn năm nay vẫn là những tôn giáo lớn nhất thế giới, đâu có bị coi là cũ kỹ. Các trường đại học trên thế giới cũng tự hào về số tuổi của mình, chớ đâu có coi thế là già. Việt Nam thuộc nước nghèo bậc nhất thế giới, vì dân trí quá thấp, nhưng còn vì một thứ khác như có chuyên gia bàn: Việt Nam không chỉ lạc hậu mà lo nhất là Lạc Điệu, như cái cách người ta cố tình làm đường xong mới đào lên đặt cống. Người ít học lẽ ra “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, đằng này lại chê bai không chỉ người hơn mình, còn chê bai cả các ông tổ triết học của loài người. Như vậy đâu chỉ là “Điếc không sợ súng”, mà còn đòi đem cái thấp, cái dốt ra đòi phỉ báng xóa sổ cái cao! Ở đời không thử làm sao biết, nhiều bạn comment nhìn qua thấy kiến thức cũng uyên bác lắm, các bạn hãy thử một lần dùng tên thật viết một bài tiểu luận xem thế nào? Người Việt có đặc tính cố hữu đại trà là rất yếu ớt về khả năng kiến trúc bằng lý trí, các bạn thử nhảy qua một lần xem! Hoặc có thể các bạn làm được hơn điều đó rất nhiều. Xin mời nhé!

Có một câu chuyện thế này. Một họa sĩ vẽ tranh ở quảng trường. Một người đi qua ngắm nghía, suýt xoa “đẹp quá! Chỉ có điều đôi giầy không giống lắm!” Họa sĩ liền nhảy ra “ông nói vậy ư? Ông là ai?”

“Tôi là thợ đóng giầy!”

“Rất cám ơn ông!” Họa sĩ cảm ơn người thợ.

Rồi người thợ đứng lại ngắm nghía bình tán chỗ này đẹp, chỗ kia thiếu, chỗ khác lại thừa. Họa sĩ liền bảo với thợ giầy “Ông ơi, ông đã đi quá xa đôi giầy của mình rồi đó!”

Có người bình còn chẳng biết xưng hô, gọi tôi là “em”. Đức Phật dạy rằng: Người ta có mấy loại kiêu căng, kiêu mình đẹp hơn người, kiêu mình khỏe hơn người, kiêu mình khôn hơn người, kiêu mình giầu hơn người… nhưng dốt nát nhất là “kiêu mình nhiều tuổi hơn người”, bởi vì dù người có tuổi đến đâu thì đều thua tuổi những người già hơn và những người đã chết. Và những người trẻ hơn họ chẳng cần cố gắng gì cũng sẽ đến lúc họ già như vậy.

Thế giới có hai hạng người chính: ông chủ và đầy tớ. Những người quí tộc thuộc giai tầng ông chủ họ kêu tên nhau hết sức đề cao tôn trọng nhau như gọi cả họ lẫn tên kèm theo các từ quí ông, quí ngài, quí bà, quí cô, giả dụ trong tiếng Pháp là Monsieur, hay tiếng Anh là Sir … thậm chí họ còn có nguyên tắc chào càng dài càng tôn trọng, chẳng hạn “xin chào những niềm vinh dự của tôi” (bonjour mes hommages), hoặc “Xin chào niềm kính trọng của tôi”…

Có triết gia nói “tôi nhiều hơn cha tôi hàng nghìn tuổi”, ông nói vậy vì thấy trí tuệ mình hơn hẳn cha của ông. Chúa Jesus xuống thế làm người, Ngài là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria. Tất nhiên tuổi trần gian thế tục thì Chúa Jesus là con ít tuổi hơn, nhưng tuổi vũ trụ Chúa Jesus là vĩnh cửu, hơn tuổi của cha mẹ trần gian vô tận. Nhiều Tổ Sư Tây Tạng, trước khi nhập thiền viên tịch thường chỉ cho đồ đệ biết sau khi chết ngài sẽ nhập hồn vào cậu bé nào, tên gì, ở đâu. Sau đó ít lâu, những môn đệ của ngài đến nơi đó và tìm ra cậu bé mới sinh, họ long trọng rước về một tổ sư mới, tuy trẻ nhưng còn nhiều tuổi hơn họ.

Ngay ở trần gian, theo thuyết luân hồi, có những cậu bé tuy tuổi nhỏ đã đạt đến trình độ nhận thức thiên tài, vì cậu bé đó sinh trước người khác cả một vài kiếp, một kiếp có khi cả triệu năm. Tôi may mắn gặp một bậc thầy khí công siêu phàm từ Nam ra Hà nội tại nhà cặp vợ chồng được mệnh danh là “vua dây thép” đã dâng tặng thầy khí công một ngôi nhà mấy tầng ở ngay sát nhà mình. Chỉ thoáng nhìn thấy tôi, thầy khí công này có nói với đệ tử “chúng ta chỉ tu có một kiếp, còn cái anh kia đã tu mấy kiếp rồi”.

Các nhà quí tộc, các giáo sư, các nhà tôn giáo hay thần học, các nhà chính trị ngoại giao họ rất thận trọng khi xưng hô, và bao giờ cũng theo nguyên tắc nâng người khác lên để tuyên xưng rằng: chính ta cũng thuộc những con người đáng được tôn trọng như vậy. Tôn vinh người khác chính là cách để nâng cao mình.

Ở Âu Mỹ, ngay tại nơi dân dã, họ thường có thói bao dung hào hiệp khi giới thiệu và nêu tên người khác. Chẳng hạn, mới là sinh viên ngành y, thì họ thới thiệu là bác sĩ, mới là trường đào tạo sĩ quan thì họ giới thiệu là sĩ quan. Điều đó có mất gì nhiều. Trái lại, người Việt thường dùng cách “dìm hàng” khi giới thiệu về người khác.

Người Trung quốc có câu “đoản hình tức tiếng”, tức ai thấp bé nhẹ cân thì thường loi choi lên gân kiễng chân hay ngửa cổ muốn làm anh, làm thầy người khác.

Về vấn đề chính tả, tôi cũng thường hay phạm lỗi. Cám ơn tất cả những ai chỉ ra lỗi cho tôi. Đây là báo mạng, chúng ta trực tiếp đưa bài lên mới có lỗi ấy, nếu in báo giấy, hay có ban biên tập thì lỗi đó giảm đi nhiều. Nhưng tôi không thể đồng tình với ai đắc chí lắm khi tán thưởng sự chì chiết cái lỗi chính tả đó. Một triết gia chắc chắn xác định: Có những kẻ thích vạch vòi chi li đường đi của những con kiến mà không bao giờ biết tán dương tầm nhìn tới chân trời của những đôi cánh lớn.

Con kiến nó bò từng ly một thì nó tiểu tiết chi li, nhưng chắc chắn những cái chân đó chẳng bao giờ thấy được chân trời. Người Tàu nói “tham tiểu tiết mà bỏ đại cục” hoặc như người Việt bảo “Tham bát bỏ mâm”. Người săm soi tiểu tiết chắc chắn không bao giờ là những con người phiêu lưu phát minh cả. Một đầu máy hơi nước, nó xả ra nào tro, nào nước, nào khói, nào bụi là chuyện bình thường, còn cái quang gánh của bà nhà quê thì đâu có thải ra cái gì? Một quả tên lửa phóng lên trời làm rung chuyển rừng cây với vô vàn khói lửa, sức nóng thiêu rụi, rồi còn rụng xuống tầng đáy, rồi tầng trung. Còn cái rổ ném xuống ao thì thật yên lành. Ai muốn làm rổ thì cứ làm! Còn ở nơi nào đó người ta đang ngổn ngang chuẩn bị phóng tầu vũ trụ thì hãy để cho người ta làm và đừng có quá chú ý phê phán sao lại có vài đinh ốc rớt ra đang hủy hoại môi trường. Môi trường bị hủy hoại ư, chúng ta có nghĩ đến tâm hồn mình bị băng hoại khi nó bất động hoặc loay hoay trong phạm vi của vài chấm phẩy cũng như lỗi tr hay ch. Tôi mời các quí vị giỏi chính tả bàn hộ hai từ này “Trung tâm” và “Chung tâm”. Tôi xin hỏi các vị chúng khác nhau bao nhiêu? Và khác nhau thế nào? Chừng nào mà các vị cao kiến chưa bàn về hai từ này, không biết chúng ta có nên nghi ngờ kiến thức chỉ giỏi a dua của người Việt? Tôi thực sự muốn hỏi quí vị để học tập và nghe cao kiến.

.

NHĐ 17/09/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:


  1. Hai tu nay hoan toan khac nhau ,sao lai phai ban???

    Trả lờiXóa
  2. TÔI RẤT ĐỒNG TÌNH VỚI TƯ DUY VÀ LẬP LUẬN CỦA ANH N.H.Đ TRONG BÀI VIẾT NÀY.
    TÔI NGHĨ ANH VIẾT BÀI NÀY, NẾU ĐỐI TƯỢNG MÀ ANH MUỐN GỬI CÓ ĐỌC ĐƯỢC THÌ CHẮC GÌ HỌ ĐÃ HIỂU?
    CHÚC ANH SỨC KHỎE VÀ VIẾT KHỎE.

    Trả lờiXóa