“Ông Đào Tiến Thi đã có một bài viết với các luận điểm rõ ràng, chính xác phản bác lại bài viết đầy tính hàm hồ, hô khẩu hiệu của Khổng Minh Trí.
Rất mong xã hội Việt Nam chúng ta càng ngày càng có nhiều tờ báo tự do công khai minh bạch, để các luồng ý kiến, tư duy lành mạnh, tiến bộ được lưu truyền trong đại chúng.
Không có tự do ngôn luận, xã hội mãi bị dồn ép trong chốn ao tù tư duy “ai thắng ai” Mác Lê Mao lỗi thời, “xã hội chủ nghĩa” ảo tưởng mà thực chất là mồi ngon béo bở cho một thiểu số lưu manh chuyên cướp hết tài nguyên của đất nước, tiền của của nhân dân về cho bè cánh, gia đình họ.
Một Việt Nam văn minh: Tự do – Dân chủ – Hiến định – Pháp trị là khát vọng của mọi người Việt Nam yêu nước.” Độc giả Lê Bình Nam.
“Bài viết của Đào Tiến Thi là thể hiện tranh biện theo tinh thần Xã hội dân sự, rất bình tĩnh, ôn hòa, có lý có tình.
Xin mời ông Khổng Minh Trí tranh luận lại với tư duy khoa học, khách quan, với thái độ bình đẳng, tôn trọng mọi người. Như vậy sẽ rất thuyết phục, chứ dùng giọng điệu công an quy chụp thì chỉ phản tác dụng thôi.” Độc giả Mạc Trang
———————–
ĐÀO TIẾN THI
Chỉ trong một bài báo ngắn (623 chữ) mà ông Khổng Minh Trí gần như đưa vào đủ tất cả các luận điểm (đúng ra là các khẩu hiệu) mà các báo quốc doanh từng nhắc đi nhắc lại đã thành thuộc lòng về “thế lực thù địch”, về “chống diễn biến hoà bình”, chưa kể các khẩu hiệu về cuộc đấu tranh “ai thắng ai”, những khẩu hiệu từ những năm sáu mươi đầy ấu trĩ mà lớp người U40 hiện nay cũng chẳng mấy ai biết.
Chỉ có điều ông Khổng Minh Trí chẳng biện giải được dù một tí ti vì sao phải như vậy. Ví dụ, vì sao không được phép đa nguyên, đa đảng? Vì sao phải tẩy chay xã hội dân sự? Vì sao dân tộc này nhất thiết phải xây dựng CNXH mà không được quyền lựa chọn nào khác? Vì sao muốn bảo vệ Tổ quốc thì phải đi liền với xây dựng CNXH?
Có thể có hai khả năng với ông Khổng Minh Trí: hoặc là ông chẳng có ý niệm gì, chỉ nói theo như một con vẹt, nói theo như một quán tính, một sự vô cảm như nhiều người ăn lộc chính thống khác; hoặc cũng có thể là ông chẳng có chút lý lẽ nào để bảo vệ các luận điểm trên, cho nên tốt nhất chỉ “hô” lên chứ không biện giải gì hết.
Dưới đây tôi đưa ra một số ý kiến phản bác ông, để nếu ông không nằm trong hai loại trên thì xin mời ông tranh luận.
1. Về “thế lực thù địch”
Xin ông chỉ ra “thế lực thù địch” gồm những ai? Đối với tôi và nhiều người hiện nay, thế lực thù địch dễ nhận ra nhất là bọn bành trướng Trung Cộng, kẻ đang tìm mọi cách lấn át chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tiến tới thôn tính toàn bộ Việt Nam. Điều này chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng khẳng định và đã hô hào toàn thể nhân dân Việt Nam chống lại bọn chúng. Và hàng vạn đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến trực tiếp hoặc gián tiếp chống xâm lược Trung Cộng. Đó là cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 (đập tan tập đoàn phát xít Khơ Me đỏ – tay sai của Trung Cộng), cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 (đánh tan 60 vạn quân xâm lược Trung Cộng), cuộc chiến Vị Xuyên năm 1984, cuộc chiến Gạc Ma năm 1988,… Và ngày nay là cuộc chiến âm thầm nhưng vô cùng dữ dội của ngư dân để bảo vệ biển đảo. Máu và nước mắt ngư dân đổ hằng ngày vì các loại hải tặc Trung Cộng. Nếu ông Khổng Minh Trí không coi nhà cầm quyền Trung Cộng là “thế lực thù địch”, trái lại, coi là bạn vàng bạn bạc thì xin ông hãy chứng minh.
Cứ theo giọng của ông Khổng Minh Trí trong bài (cũng như của báo quốc doanh nói chung) thì “thế lực thù địch” mà ông nói bao gồm “thế lực” bên ngoài – thế giới dân chủ phương Tây và Việt Kiều yêu nước nhưng không yêu CNXH, và “thế lực” bên trong gồm những công dân trong nước đang đấu tranh vì dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
“Thế lực thù địch” thứ nhất là cái thế giới được coi là đối lập với thế giới XHCN còn lại, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cu Ba. Nhà nước Việt Nam luôn dị ứng với họ vì họ thường hay chỉ trích nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, lạm dụng bạo lực với dân chúng, rồi các vấn đề về tham nhũng, về minh bạch kinh tế – tài chính, v.v… Xin ông Khổng Minh Trí hãy phân tích những điều này có thật hay không có thật và nó sai trái ở chỗ nào? Nếu thực sự họ là “thù địch”, nhà nước ta còn quan hệ, hợp tác, nhận viện trợ của họ làm gì?
“Thế lực thù địch” thứ hai là ở trong nước, tức các tiếng nói trái chiều với chính thống. Nó tập trung nhất trong các kiến nghị của nhân sỹ, trí thức, của các chức sắc tôn giáo, đặc biệt là Kiến nghị 72 đầu năm 2013 về vấn đề sửa đổi Hiến pháp mà hàng loạt các nội dung của nó đều trở thành “tội” trong quy kết của ông Khổng Minh Trí (bắt đầu bằng chữ “đòi”): đòi đa nguyên, đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi xây dựng xã hội dân sự, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đòi chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa,… Đây là chỗ nhắm tới chủ yếu của ông Khổng Minh Trí cho nên cũng xin phân tích ít điều.
2. Về “đòi phi chính trị hoá lực lượng vũ trang”
Trước hết, chỗ này ông Khổng Minh Trí và nhiều người nhầm (hay cố tình nhầm) từ quan điểm trung lập hoá quân đội biến thành “phi chính trị hoá quân đội”. Kiến nghị 72 chỉ viết: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”. Đây là cách diễn đạt khác của quan điểm trung lập hoá quân đội, chứ nói “phi chính trị hoá quân đội” thì thật là vô nghĩa. Quân đội ta có một một NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ vô cùng cao cả là bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Để làm được nhiệm vụ cao cả đó, quân đội buộc phải trung lập, không để một lực lượng nào được quyền sử dụng quân đội theo ý mình. Đây cũng là thông lệ chung của quân đội các quốc gia theo thể chế dân chủ, nhằm duy trì sự ổn định của đất nước. Chắc ông Khổng Minh Trí cũng biết rằng Đảng CSVN hiện nay không phải là một khối thuần nhất như trước kia (kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến điều đó). Nếu một lực lượng nào đó trong Đảng nắm lấy quân đội để chống một lực lượng khác (cũng trong Đảng) thì có phải nguy hiểm cho quốc gia và cho chính Đảng không?
3. Về “đòi đa nguyên, đa đảng”
Đa nguyên đa đảng hoàn toàn không có nghĩa là “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng” như ông Khổng Minh Trí và nhiều người nhầm tưởng (hay cố tình nhầm tưởng). Đa nguyên, đa đảng chính là thể hiện bản chất của nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, thể hiện “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều 2 Hiến pháp 1992).
Dân thì có nhiều loại, có người giàu người nghèo, người thuộc về dân tộc đa số, người thuộc về dân tộc thiểu số; người theo tôn giáo này, người theo tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào; người thích bảo tồn các giá trị cũ, người thích theo các trào lưu thời đại. Dân mỗi vùng miền cũng có văn hoá, tâm lý, lối sống khác nhau… Đa nguyên, đa đảng chính là thể hiện sự đa dạng ấy, để làm sao mỗi “loại” dân đều có tiếng nói của mình, các “loại” dân vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau, từ đó tạo nên một nhà nước thống nhất, một dân tộc hùng mạnh (nước Mỹ là điển hình của sự thống nhất trong đa dạng này).
Đa nguyên, đa đảng chính là điều kiện để Đảng CSVN tranh cử thực sự, để (nếu được dân bầu) trở thành người cầm quyền chính danh. (Tôi không nói Đảng CSVN hiện nay là tiếm danh, mà do những hoàn cảnh, những tình huống cụ thể của lịch sử để lại. Tuy nhiên phải hiểu tình thế nắm quyền không qua dân bầu chỉ là tình thế tạm thời. Và tình thế “tạm thời” này đến nay đã quá dài, có hại cho đất nước và có hại cho chính Đảng CSVN). Nay để chính danh, để xây dựng một xã hội dân chủ thì dứt khoát chính quyền phải do dân bầu.
Mặt khác, Đảng CSVN, trong tình hình đang thoái hoá nghiêm trọng như hiện nay, nếu ra tranh cử một cách dân chủ và bình đẳng thì chính là một cơ hội vô cùng tốt để Đảng tự sàng lọc, tự “thay máu”, lành mạnh trở lại. Do đó Kiến nghị 72 viết: “Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước”.
Nếu Đảng CSVN chứng tỏ mình là lực lượng tiến bộ thì tất yếu sẽ được nhân dân chọn là lực lượng cầm quyền, có gì mà sợ đa đảng đến như vậy? (Xem thêm mục 6 của bài).
4. Về “đòi tam quyền phân lập”
Mục tiêu xây dựng đất nước ta được ghi trong các nghị quyết của Đảng CSVN, qua lời phát biểu gần như không thể thiếu của các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, DÂN CHỦ, văn minh”.
Nhà nước pháp quyền như một điều kiện tất yếu để xây dựng xã hội dân chủ. Còn tam quyền phân lập lại là một điều kiện quan trọng – có thể nói là quan trọng bậc nhất – để xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng CSVN cũng luôn khẳng định phải xây dựng nhà nước pháp quyền, chỉ có điều lại gắn thêm cái đuôi “XHCN” vào. Tuy nhiên, không có ai định nghĩa “pháp quyền XHCN” là gì, nó khác “pháp quyền TBCN” ở chỗ nào. Còn nếu “nhà nước pháp quyền XHCN” do Đảng lãnh đạo (Điều 4 Hiến pháp) thì lại không còn tính chất “pháp quyền” nữa, vì nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là đặt pháp luật lên trên hết, không có tổ chức, cá nhân nào được đứng trên pháp luật.
5. Về “đòi xây dựng xã hội dân sự”
Nếu mục tiêu là xã hội dân chủ, nếu bản chất nhà nước là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” thì sự tồn tại của xã hội dân sự là tất yếu. Đó là nơi nhân dân trực tiếp thể hiện tiếng nói của mình (khác quốc hội là tiếng nói đại diện). Đó cũng là nơi nhân dân có thể tự quản rất nhiều mặt của đời sống như giữ gìn trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, giúp đỡ người khó khăn, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh,… mà không cần tiền của từ ngân sách chính phủ, hoặc có những việc chính phủ rất khó làm. Tiếng nói của xã hội dân sự là căn cứ để quốc hội, chính phủ nhận định chính xác về tình hình đất nước, để từ đó có quyết sách kịp thời.
Còn việc xây dựng xã hội dân sự “theo tiêu chí phương Tây” mà ông Khổng Minh Trí bài bác thì theo tôi đó cũng chỉ là một loại ý kiến. Ý kiến này có cơ sở, vì mô hình xã hội dân sự ở phương Tây đóng góp rất lớn vào sự phát triển của xã hội, đáng để cho ta học tập. Tuy nhiên theo tôi, ta không chỉ học mỗi phương Tây mà có thể học ngay trong truyền thống Việt Nam.
Trong lịch sử Việt Nam, xã hội dân sự – tạm gọi như vậy, dù chưa chính xác như vậy – đã từng có vai trò rất lớn. Mô hình tự trị của làng xã là một hình ảnh của xã hội dân sự. Chính sự tự trị này mà có những giai đoạn “mất nước nhưng không mất làng”, và do đó cơ hội lấy lại nước luôn luôn có. Tất nhiên, mô hình tự trị này có nhiều điểm phản động, có nhiều điểm ngày nay không phù hợp, nhưng có nhiều điểm có thể học tập.
Ví dụ, những việc lớn của làng xã phải được sự đồng thuận của toàn dân (thông qua các bô lão, các hội đồng kỳ mục, còn các chức dịch của làng xã chỉ là nơi thực thi nghị quyết của các hội đồng này). Nếu nguyên tắc dân chủ ấy của làng xã ngày nay được tôn trọng thì làm gì có nạn cướp đất tràn lan, cán bộ xã trở thành cường hào ác bá vì có chỗ dựa vững chắc là chính quyền cấp huyện? Làm gì có chuyện cán bộ xã ăn chơi đàng điếm như hiện nay nếu tiếng nói các vị bô lão, các tộc trưởng có trọng lượng và nếu cần, những thành viên vi phạm đạo đức bị xử theo “lệ làng”?
6. Về đòi “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”
Việc “đòi” này đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng có lẽ nó dõng dạc công khai nhất là vừa mới đây, trong Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị. (hiện đã có 870 người ký). Đây là việc làm hợp với hiến pháp hiện hành và hợp với các công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã ký kết. Trong tình hình hiện nay, đây là một ý nguyện chân thành và khả thi.
Theo chúng tôi, các nhà lãnh đạo đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đau đầu đi tìm một con đường riêng để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhưng tìm mãi mà đâu có ra! Nay chỉ có cách là xây dựng xã hội dân chủ. Còn theo CNXH, dù mô hình nào thì vẫn là toàn trị, phản dân chủ. Ông Khổng Minh Trí hãy chứng minh xem CNXH tốt đẹp ở chỗ nào? Cái mô hình nguyên chất CHXH (kinh tế tập trung, coi kinh tế thị trường là kẻ thù) thì đã phá sản hoàn toàn. 15 nước trong Liên bang Xô viết, 7 nước XHCN Đông Âu và Mông Cổ thà hy sinh chặng đường 40 – 70 năm xây dựng CHXH để đi lại con đường dân chủ. Đến nay chỉ còn một nước duy nhất kiên định mô hình XHCN là Bắc Triều Tiên thì đây lại là nơi khủng khiếp nhất của thế giới với nạn đói triền miên, với thân phận con người bị chăn dắt như bầy súc vật, với những người đứng đầu nhà nước chỉ còn có mỗi một cách là đe doạ và gây chiến với láng giềng để tồn tại. Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở Việt Nam nếu không có cú thoát hiểm ngoạn mục từ Đại hội Đảng VI (1986), nếu cứ nhất nhất đi theo mô hình XHCN đó thì có lẽ cũng đã sụp đổ.
Nhưng cái mô kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là mô hình hình lắp ghép phi logic. Phần nền (cơ sở hạ tầng) là kinh tế thị trường (mượn của thế giới dân chủ) với phần ngọn (kiến trúc thượng tầng) là Đảng Cộng sản độc quyền thì tuy giải quyết được tình thế hiểm nghèo trực tiếp (kinh tế kiệt quệ) nhưng đến nay đã phát triển đến độ nguy hiểm với tình trạng tham nhũng vô phương cứu chữa, với tình trạng các nhóm lợi ích thao túng nền kinh tế – chính trị, với tình trạng kẻ nắm quyền dẫm đạp lên hiến pháp, pháp luật vô cùng tuỳ tiện, với tình trạng tha hoá nhân cách đến mức con người cảm thấy tuyệt vọng và mỗi người chỉ còn cách im lặng hoặc làm theo cái xấu, cái ác để tồn tại, và đặc biệt với khả năng xâm lăng của Trung Cộng ngày càng gắt gao,… thì dân tộc này đã đứng ở bên bờ vực thẳm.
Trong tình hình hiện nay, chủ trương “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa” có lẽ là cách tháo ngòi nổ một cách an toàn nhất. Nó hoá giải các mâu thuẫn nội bộ mà không xảy ra bạo động, đổ máu, trả thù và thù hận tiếp theo. Nó đồng thời giải phóng nội lực của dân tộc, để dân tộc có cơ hội trở nên hùng cường. Một dân tộc 90 triệu dân (đứng thứ 13 trên tổng số gần 200 nước) với rừng vàng biển bạc, với trí tuệ không thua kém bất cứ dân tộc nào, lẽ nào là một dân tộc yếu hèn? Lẽ nào các cán bộ của Đảng, cứ mỗi khi nghe tin tàu hải giám Trung Cộng bắn giết ngư dân, lại cuống cuồng sợ hãi biểu tình nổ ra, lại vội vàng đi vận động người dân rằng “ta là nước nhỏ yếu, phải luỵ Trung Quốc để giữ lấy hoà bình”. Hoà bình gì mà nhục nhã thế, ngày xưa cha ông ta có phải đổi lấy hoà bình bằng cách đó đâu!
Việc chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa đã có thực tế ở những nước rất gần gũi hoàn cảnh nước ta như Mông Cổ, như Myanmar, như Campuchia. Theo Website của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ thì nước Mông Cổ sau khi tiến hành cải tổ, thực hiện đa nguyên, đa đảng, hiện có 18 chính đảng chính thức hoạt động và Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (Đảng Cộng sản đã cầm quyền thời XHCN) vẫn là chính đảng lớn nhất và hiện nay vẫn đang cầm quyền. Tổng thống Êu-khơ-bay-a (từ tháng 5/2005), nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ. Thủ tướng hiện nay – Gan-bon-đơ (từ tháng 1/2006), đồng thời là Chủ tịch Đảng Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ. Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (Đảng Cộng sản do Việt Nam dựng lên sau khi đánh đuổi Polot), khi chuyển sang thể chế đa đảng, vẫn là đảng cầm quyền cho đến tận bây giờ. Mọi sự hù doạ về thảm cảnh hỗn loạn nếu chuyển sang chế độ dân chủ đều không có căn cứ.
7. Cuối cùng, thay lời kết luận, xin nói với ông Khổng Minh Trí hai điều:
– Thứ nhất, nếu mục tiêu là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì việc chọn chế độ chính trị nào chỉ là phương tiện, cách thức, không phải mục đích, cho nên không thể quy kết những người chọn cách khác mình là “thù địch”.
– Thứ hai, chọn xây dựng chế độ chính trị gì, cá nhân nào, đảng nào lãnh đạo đất nước đều do nhân dân quyết định. (Nhà nước của ta là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” – Điều 2 Hiến pháp 1992).
Rõ ràng, tôi, ông Khổng Minh Trí, ông Tổng bí thư Đảng hay bất cứ cá nhân, bất cứ tổ chức nào không có quyền áp đặt một chế độ chính trị cho đất nước. Mọi áp đặt đều trái với Hiến pháp. Mọi quy kết người khác quan điểm với mình vừa trái Hiến pháp (Điều 69 – “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”), vừa thiếu văn hoá tranh luận. Chúng ta có quyền tranh luận chế độ nào là hay, là dở nhưng quyền lựa chọn là của nhân dân.
Chế độ chính trị được ghi vào hiến pháp mà quyền lập hiến thuộc về nhân dân (thông qua lá phiếu bầu hay lá phiếu trưng cầu dân ý). Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã từng khẳng định phải trả quyền phúc quyết hiến pháp cho nhân dân. Và mới đây nhất, trong cuộc góp ý Hiến pháp sửa đổi,Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng có kiến nghị: “Cần xác định quyền lập hiến là thể hiện cao nhất chủ quyền nhân dân”, gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo HP và cuối cùng là quyền biểu quyết thông qua trưng cầu dân ý”; “Công dân cóquyền biểu quyết về HP và các việc trọng đại của quốc gia. Trình tự, thủ tục, giá trị hiệu lực của trưng cầu ý dân do luật định”.
Vì phải phản biện ông Khổng Minh Trí quá nhiều vấn đề nên những nội dung trên mới chỉ là những luận điểm cơ bản, sơ lược. Nếu các cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN và Nhà nước VN cùng các trang mạng xã hội mở ra cuộc tranh luận cho từng vấn đề thì sẽ được bàn thảo kĩ hơn, có lẽ thú vị và có ích vô cùng.
(5-10-2013)
ĐTT
Liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét