Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

MỖI NGÔN TỪ BAO HÀM TỔNG SỐ LỊCH SỬ CỦA NÓ

( Trao đổi với nguồn Book Hunter Club về bài “Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt”)

Nguyễn Hoàng Đức

Mới đây đọc bài “Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt” do Book Hunter sưu tầm, tôi thực sự thấy thán phục. Bởi lẽ ngôn ngữ là công cụ cao nhất của tư duy, thậm chí nó không chỉ là công cụ nhiều khi còn song hành trực tiếp ngang ngửa với tư duy như Nước và Sóng vậy. Sóng không chỉ là thuộc tính của nước dường như nó còn là đặc tính bản chất sinh ra cùng với nước. Bàn về ngôn ngữ là bàn về gốc phương tiện đầu tiên của tư duy. Có một phương ngôn “Con người là một động vật biết dùng phương tiện”. Và phương tiện để xác định đẳng cấp cao nhất của con người chắc phải là Ngôn Ngữ. Và chỉ với phương tiện ngôn ngữ con người mới vươn đến tầm tư tưởng được xem như đặc ân đỉnh cao tột bậc của các giống loài.

Chính vì thế mà tôi thán phục bài về ngôn ngữ của Book Hunter. Đặc biệt hơn bài này còn chỉ ra những cái sai, như vậy cũng có nghĩa là chọc vào tổ kiến lửa của tư duy. Bài viết khá đồ sộ với 16 đề mục. Tham chiếu cả tiếng Tây lẫn tiếng Tàu – một ngôn ngữ do xâm thực đã chiếm từ 70 đến 80% tiếng Việt. Vì thán phục mục đích to lớn của bài viết nên tôi không có ý đối thoại vào từng điểm mà chỉ có ý trao đổi để trước hết làm giầu thêm các quan niệm về ngôn ngữ, sau đó là làm đầy hơn cho ngôn ngữ trong cách nhìn hướng về toàn thể. Vì thế tôi xin trao đổi trên các ý chính.

Bài sưu tầm của Book Hunter chủ yếu dựa trên hai luận điểm chính: 1- Tiếng Việt bị xâm thực quá nhiều bởi tiếng Hán và mang quá nhiều đặc điểm của tiếng Hán trong ngôn từ. 2- Tiếng Việt nên thuần khiết hơn với danh từ đi trước tính từ đi sau, chứ không nên nói theo tiếng Hán tính từ đi trước danh từ.

Tôi xin đi vào 2 thí dụ cụ thể.


1- Bài viết nói “CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.”



Nói như vậy, thì người ta nói “của chung” thì sao? Rồi “chung tay”, “chung sức”, “chung lòng” thì sao? Vả lại cứ cho “chúng cư” mới là đúng, thì người Việt vẫn thêm dấu và bỏ dấu như “ở trỏng” hay “cổ ấy” là chuyện bình thường. Xét về qui luật của âm thanh nói chung, trên khắp thế giới người ta đều có xu hướng phát âm dễ hơn. Vậy thì tại sao “chúng cư” không rụng dấu để thành “chung cư”?!
2- Bài viết bàn về từ “Độc lập” thế này: 

“ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai.”

Đây là cách bàn nói thẳng tưng là Sai. “Độc lập” về bản thể của từ hoặc từ nguyên là đứng riêng rẽ, nhưng có gì bắt thứ riêng rẽ không được tương quan. Chiếc giầy bên phải chắc chắn phải độc lập với chiếc giầy bên trái bởi lẽ người ta có thể để riêng hoặc chuyên chở riêng, đứa cháu nội cầm một chiếc, đứa cháu ngoại giành cầm chiếc kia để đem đến cho ông… Nhưng chúng vô cùng liên quan đến nhau, đến mức mất chiếc giầy bên phải, người ta sẵn sàng ném chiếc bên trái đi. Về chuyện này triết học đã bàn rất kỹ: cái A không bao giờ là cái Phi-A, nhưng qua cái Phi-A, người ta nhìn thấy sự chỉ dẫn của nó tới cái A, và ngược lại. Cái độc lập luôn không phải là cái phụ thuộc như nước độc lập có biên giới, có tên riêng, nhưng nó không thể thoát khỏi mối tương quan hay chỉ dẫn hình thành lên nó.

Về ngôn ngữ, sẽ không chỉ có đặc điểm xâm thực hay tính từ đặt trước hay sau, mà có những yếu tố sau:

1- Ngôn ngữ nào cũng bị xâm thực: 

Rõ nhất là nước Anh và Pháp ở ngay trung tâm châu Âu. Do cuộc xâm lăng của William quí tộc Pháp sang Anh thế kỷ 11, nước Anh có hai ngôn ngữ song hành, hầu hết các danh từ của Anh luôn có kèm theo từ của Pháp. Nhưng giới quí tộc thiên về nói danh từ của Pháp, còn giới bình dân thiên về nói tiếng Anh. Người Pháp đã xâm thực ngôn ngữ sang người Anh trước, còn bây giờ người Pháp đang lo chống trả bị ngôn ngữ Anh xâm thực. Có một loạt từ mà nước Pháp không có, chẳng hạn từ “cuối tuần” của người Anh được ghép ngắn gọn thành “weekend”, người Pháp không thể nào có nổi, nếu nói theo tiếng Pháp có lẽ người ta phải nói “cái cuối của một tuần” (A la fin de la semaine). Ban nhạc nổi tiếng của Đức Modern Talking hát bằng tiếng Anh, vì các thành viên cho rằng hát bằng tiếng Đức sẽ không hiệu quả.

Có khoảng hơn 30% tiếng phương Tây nhập khẩu những danh từ qua ngả Ả Rập, đặc biệt về những giống loài châu Âu không có. Chẳng hạn từ “lúa” qua Anh thì thành “rice”, qua Pháp thì thành “riz”. Về mặt này, các chuyên gia ngôn ngữ còn khuyên, mỗi ngôn ngữ nên đem vàng ngọc của ngôn ngữ khác về làm giầu cho mình. Ngược lại người ta có đóng cửa muốn bảo thủ lấy mình cũng không làm nổi.

2- Ngôn ngữ nào cũng tìm cách thuận lợi và đánh rơi những thứ rườm rà

Việc người Pháp dùng từ “cuối tuần” (weekend) của người Anh là một thí dụ. Ở Canada, nơi 2/3 dân số Anh chung sống với 1/3 dân số Pháp, có vùng người ta đếm từ 1 đến 6 bằng tiếng Anh, nhưng bởi số 7 (seven) phải đọc thành 2 âm bị dài mà từ số 7 (sept) đến 10 người ta đếm bằng tiếng Pháp cho ngắn gọn. 

3- Tính từ hay danh từ còn tuân thủ luật êm tai

Trong ngôn ngữ của tiếng Pháp người ta không nhất thiết xếp tính từ ở trước hay sau danh từ, mà xếp chữ ngắn lên trên, chữ dài xuống dưới. Đó cũng là xu hướng chung, vì ngôn ngữ nào cũng tìm cách thuận mồm êm tai.

4- Mọi thứ tiếng khi dùng tiếng xuất xứ ngoại quốc thường ít tục tĩu hơn và nhiều lịch lãm hơn

Khi gọi cơ quan dưới thấp chẳng hạn, từ “L…” bao giờ cũng tục hơn từ ngoại lai là “âm hộ”. Người ta có thể đưa từ “âm hộ vào văn bản y tế một cách dễ dàng, nhưng khó mà đưa từ “L…”. Các từ sang trọng cũng vậy, từ “Tự do” theo tiếng Anh là “Freedom” thường không sang trọng bằng từ Pháp có gốc Latin “Liberty”. Mọi quốc gia hầu như đều tự nhiên áp dụng luật bất thành văn này. Từ “hồng vệ binh” vì thế kinh điển hơn từ “lính khố đỏ”.

5- Mỗi từ đều có cả lịch sử về nó

Đây là ý tưởng của triết gia Satre mà tôi đã đặt cho bài viết. Bên trên chúng ta đã bàn đến cách từ “lúa” đến phương Tây. Một loạt các từ như “tấm séc” hay “nhà băng” đến Đông phương hay Việt Nam. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói “trước kia ở Trung Quốc không có các từ như ‘tự do’ ‘dân chủ’ hay ‘cá nhân’” (tất nhiên họ chỉ có từ quân chủ, thảo dân, nô tài). 

Như vậy chúng ta thấy, mỗi ngôn từ còn được hình thành từ rất nhiều hướng mà nó không chịu thuần nhất theo hướng nào, thậm chí nó còn là tổng số lịch sử về nó. Người ta nói “áp dụng luật pháp quá chặt sẽ không có chỗ bao dung, định việc vào nguyên tắc quá mạnh sẽ thành cứng nhắc”. Tôi nghĩ, những ý kiến sưu tầm của Book Hunter dù rất chi li hiểu biết, nhưng vẫn còn thiếu một cái nhìn toàn thể của bộ môn siêu hình học, tức là khoa học về cái toàn thể. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy việc của Book Hunter làm là việc khai sơn phá thạch rất khó của ngôn ngữ. Rất đáng thánh phục, học tập và cầu thị. Xin cám ơn Book Hunter, và rất sẵn lòng trao đổi chi tiết hơn.

NHĐ 18/11/2013

Tác giả gửi cho NTT blog




.























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét