Nguyễn Hoàng Đức
Hiện xã hội ta đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, với hàng loạt các tổng công ty đã và đang bên bờ vực phá sản. Nhưng sự phá sản lớn nhất không chỉ là số tiền nợ đọng hay hết vốn, mà là cái nguyên lý duy trì nó, có thể nói một cách thời đại hơn, hệ điều hành cũng như phần cứng của chúng đã phi lý hoàn toàn. Người Trung Quốc có câu “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không qua được một bước chân”.
Cái lý xuyên suốt chính yếu để tồn tại mọi giá trị cao ở đời là gì? Một cây cảnh có mốc ở gốc đã đắt hơn một cây cảnh mới bứng vào chậu cỡ một ngàn lần. Tại sao? Vì người chơi muốn được ngắm cây cảnh mốc có thời gian đọng trên vỏ cây. Còn cây cảnh mới bứng từ vườn vào có khác gì “trồng cây gì nuôi con gì?”
Muốn tồn tại ư? Người Việt bảo “Một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”, hoặc “sinh nghề tử nghiệp”. Người làm chuyên một nghề thì mới giỏi, chứ còn loay hoay chuyển nghề liên tục đó chỉ là cái khôn vặt “xoay xở” của hạng tiểu nhân. Một chiếc tầu càng lớn, nó xoay mình càng khó, đó là điều chắc chắn. Còn chiếc thuyền thúng có thể xoay tít thò lò. Một người có bản lĩnh kiên trì bao giờ cũng giành cho việc theo đuổi các công việc lớn, còn dạng hạ tiện thì lúc thế này lúc thế khác, ăn xổi ở thì.
Các triết gia Hy Lạp nói: chỉ có những người làm việc theo sở trường của mình thì mới thành công. Con công có bộ cánh sặc sỡ, lượn lờ khoe sắc thì được, chớ dại mà đọ tốc độ với đại bàng nó mổ cho vài nhát thì bộ cánh biến thành thực phẩm. Con dơi nên đọ tai, con chó nên đọ mũi… Người phương Tây có câu “đá lăn không xanh rêu”, tức là nếu hòn đá không kiên định trụ lại, thì rêu không thể mọc được. Chữ rêu là khái niệm của thực vật cũng là sức sống bám lên hòn đá, và nó gợi cho chúng ta nhớ lại câu bên trên, một cây cảnh rêu phong đắt hàng ngàn lần cây cảnh mới bứng.
Cái nguyên nhân thất bại chủ yếu của các tông công ty đã được chỉ rõ, vì người ta chia lẻ vốn đầu tư ngoài ngành, ngành nào rồi cũng loay hoay mở tắc xi, rồi địa ốc, rồi ngân hàng, rồi sân golf… nghĩa là tuần chay nào cũng có nước mắt, và thế là cách làm ăn đồng nát, hổ lốn, trở thành miếng mồi nham nhở cho tham nhũng và rửa tiền…
Bất kỳ ai, khi làm ăn không định hướng cũng như dựa trên sở trường của mình, thì có nghĩa họ không có tài, không có sở trường gì cả. Chúng ta nên nhớ, sở trường với con người là quà rất hiếm. Ở Việt Nam có hơn 90% nông dân, nghĩa là cách nghĩ, cách làm của mọi người rất giống nhau, họ rất ít có sở trường, cũng như cá tính. Họ còn thù ghét người khác mình. Vì bất tài nên mới phải đầu tư ngoài ngành, bởi vì cuộc đời không xác định nổi cái gì là chính, cái gì là phụ, sở trường không có nên mới không thể theo đuổi cái mình có.
Các doanh nghiệp đầu tư vốn ngoài ngành là bất tài vô dụng 100% rồi, nó sờ sờ ra đấy, không cần bàn cãi. Giờ chúng ta hãy nhìn mấy nhà thơ đầu tư ngoài trang giấy. Trang giấy là thứ vô cùng được kính trọng. Người Việt có câu “Bút sa gà chết”. Nghĩa là chữ nghĩa được đẩy lên hàng tột đỉnh có liên quan đến sinh tử của con người. Người Ấn Độ có câu tuyệt đỉnh luôn: “Mực của học giả còn quí hơn máu kẻ tử đạo”. Máu mới là của chiến sĩ, sau khi máu khải hoàn ca về thì hiến pháp mới được viết lên giấy để khai sinh ra cả một quốc gia với triều đại mới. Vì thế, xưa nay tất cả những ai được in sách người ta đều hân hoan như được sinh đẻ một hài nhi tinh thần.
Vậy mà có không ít nhà thơ Việt Nam lại không thỏa mãn thơ của mình được in trên báo và sách, họ loay hoay đẩy thơ lên sân khấu để ham hố vinh quang của “con hát”. Cụ thể, có nhà thơ mậu dịch kia, cả đời in lui in tới, thơ của ông cũng như đồng đội của mình, được in lại cả chục lần là bình thường, vậy mà ông vẫn mót nổi tiếng đến độ mở Triển lãm thơ. Than ôi, thơ đã được in lên báo chí cho cả vạn người đọc, vậy mà vẫn còn ham vài trăm người thập thò triển lãm để mót thêm tí lúa lép cho sự nổi tiếng. Người Việt có câu “được lòng ta xót xa lòng người”. Tại sao ông được đăng nhiều vậy mà vẫn cầu thêm vụ mót trong triển lãm? Hẳn là vì thơ ông có đăng thế, đăng nữa cũng không rướn lên được, vì thế mà ông đành phải cơi nới ăn thêm vào triển lãm. Việc làm này cũng chứng tỏ văn hóa của ông cực thấp, vì nó không hiểu rằng: ra chợ mua rau, vào bệnh viện mua thuốc, tìm gái vào thanh lâu, xem tranh đến triển lãm, đọc thơ thì mở giấy… vậy mà ông lại triển lãm cho thơ thì chao ôi, tham hết phần thiên hạ. Nhưng mà tham thì thâm thôi, có đứng kiễng chân trên thang ưu tiên mậu dịch, giống các tổng công ty nhà nước được ưu tiên vẫn phá sản, thì ông cũng thế, không đủ tài thì ưỡn ẹo mấy cũng chỉ thành đồng nát bất tài.
Thơ thiết yếu là đọc, và đó là điều cao quí nhất, vì nó thẩm thấu trực tiếp vào tâm hồn.
Trên thế giới phân biệt hai loại hình:
1- Sáng tác bằng chữ quan trọng hơn vì nó là sản phẩm của tinh thần.
2- Biểu diễn là nghệ thuật thứ hai, dưới cấp, bởi nó chỉ là biểu hiện của da thịt dưới đèn đuốc.
Mới đây cũng xuất hiện mấy ông bà lên cơn mót nổi tiếng sau khi thơ trên giấy của mình đã được cho bột nở hết cỡ mà cũng chỉ có từng ấy, và thế là họ lại khao khát cơi nới lên sân khấu có đèn đuốc lấp lánh lập lòe.
Sân khấu là gì? Sân khấu chủ yếu là để diễn kịch. Nếu không có chức năng diễn kịch, thì sân khấu không được sinh ra, và trở thành vô ích. Những người đi dự thơ trình diễn sân khấu đều thấy rất nhạt. Chí lý! Tại sao? Bởi vì nó không phải là ca kịch, cũng không phải là kịch thơ, mà là những bài tủn mủn được đọc. Có nhiều người cãi chầy cãi cối rằng: trường ca không cần nhân vật. Chúng ta thử xem có đạo diễn nào dựng nổi một bộ phim truyện không có nhân vật không?!
Đem thơ đến sân khấu, không có nhân vật, tức không có tư tưởng và hành động, có khác gì mời người ta ăn tiệc vo, không có thịt cá, cũng không có rượu, chỉ có tí rau cỏ cảm xúc tự biện bạch rằng cảm xúc của tôi đẹp lắm… Ở đời mọi tòa lâu đài lớn, mọi cây cầu lớn thì đều phải có kiến trúc. Cầu giải yếm không cần kiến trúc nhưng chỉ để con kiến bò qua cái chậu mà thôi.
Có một nhà thơ đem thơ phơi sân khấu tâm sự: tôi làm thơ một tình yêu bình dị tự nhiên, cứ thế làm, không cần biết mọi người có để ý hay không.
Không cần mọi người để ý sao cứ phải mất tiền mua đèn đuốc sân khấu? Và chính anh ta muốn thông điệp với mọi người điều gì?
Anh là người lạm dụng và coi thường thơ nhiều nhất! Không một người biểu diễn nào dám bước ra sân khấu lớn mà chưa tập kỹ bài hát hay bài múa của mình. Anh ta, chị ta run rẩy còn hơn cả trinh nữ vào phòng cưới. Vậy mà với thơ thì sao? Hồi chiến tranh, người Việt mỗi khi lên sân khấu nghiệp dư thường nói “hát hay không bằng hay hát”, “tôi cây nhà lá vườn, có sao hát vậy, mong mọi người bỏ quá”… Vậy mà thời tiến bộ, trong nhà hát lớn nhất thành phố, một người chưa tập luyện thành thạo, lại có thể mang “vài mớ rau cảm xúc lên bán”, à uôm tuyệt đối, chỉ có thơ mới cho phép người ta có thể yên tâm vào sự bất tài đồng nát của mình đến vậy. Tại sao? Vì với thơ, là sản phẩm nhiều sau nông sản, không bao giờ bị truy hỏi về trí tuệ hay lý tưởng… người ta mới có thể dễ dãi buông thả trong nghệ thuật đến vậy.
Một người hát sai, mọi người đều nhăn mặt. Nhưng một người đọc thơ của mình thì dù đúng sai thế nào cũng không bị ai nhắc nhở, vì nó là của anh ta, chị ta, sản phẩm đầu ra dù tròn méo thế nào cũng là của riêng người ta mà. Nhưng rõ ràng đó là thái độ của thứ nghệ thuật cấp thấp tùy tiện. Thứ nghệ thuật không có sở trường lại ẩn nấp trong thái độ ù xọe coi thường khán giả, thì dù kiễng chân thế nào cũng theo gót các tổng công ty phá sản đang bị tái cơ cấu mà thôi.
Thơ văn Việt Nam chỉ hùng mạnh khi nào chúng ta biết chơi đúng người, đúng việc, đúng văn hóa mà thôi.
NHĐ 21/03/2014
Tác giả gửi cho NTT blog
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét