Phóng viên Hồng Chuyên của Infonet điện thoại vệ tinh báo về: Vào lúc 16h23 chiều nay, các tàu Trung Quốc mở đợt tấn công thứ 3 vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Tàu cảnh sát biển (CSB) 2016 đã bị đâm thủng tới 4 lỗ.
“Chiều nay, vào hồi 16h23 phút, khi tàu CSB 2016 đang làm nhiệm vụ tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì xuất hiện một tốp khá đông các tàu Trung Quốc đổ đến cản phá, đâm va.
Tàu Hải cảnh 46101 của TQ đang dùng vòi rồng tấn công một tàu Kiểm ngư của Việt Nam hôm 4/5/2014. (Ảnh tư liệu từ Cục Kiểm ngư)
Hung hãn nhất là tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc vừa bật loa đe dọa, vừa phun vòi rồng, sau đó đâm va nhiều lần vào tàu CSB 2016 làm thủng 4 lỗ, một lỗ dài 40x7 cm trên vạch mớn nước 40 cm, một lỗ dài 5 x 7 cm trên vạch mớn nước 50 cm, một lỗ rộng 4x6 cm trên vạch mớn nước 40 cm, một lỗ rộng 35x3 cm trên vạch mớn nước 1 cm. Ngoài 4 lỗ thủng nghiêm trọng này, tàu CSB 2016 bị hỏng mối hàn con lơn số 20, 21 và có 7 đoạn lan can bị gãy.
Tàu Trung Quốc 46105 tấn công vào tàu CSB 2016 tại vị trí 15độ 30,8 phút Bắc – 111 độ 23,6 phút Đông.
Tại thời điểm này (17h58, ngày 1/6), sau hơn 1,5 tiếng, các đợt tấn công của tàu Trung Quốc vào đội hình tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Ngoài tàu 46105 liên tục tấn công tàu CSB 2016 thì tàu Hải cảnh 32 cũng điên cuồng dùng vòi rồng tấn công tàu Kiểm ngư KN 786. Tạm thời, chưa có thống kê thiệt hại chi tiết. Các chiến sỹ và phóng viên trên tàu CSB 2016 vẫn an toàn” - phóng viên Hồng Chuyên tường thuật trực tiếp từ thực địa.
Video tàu CSB 2016 bị tàu 46105 đâm thủng, chiều ngày 1/6/2014
Ba lần tấn công trong ngày
Đây là đợt tấn công thứ 3 trong ngày hôm nay của các tàu Trung Quốc nhằm vào đội tàu chấp pháp của Việt Nam. Ở đợt tấn công thứ nhất diễn ra lúc 6h15 sáng nay, tàu Trung Quốc đã bao vây, chèn ép, đâm va để cản trở tàu kiểm ngư KN 635. Tuy nhiên, tàu KN 635 đã áp dụng mẹo… chạy ngược gió và kết quả là toàn bộ vòi rồng từ các tàu của Trung Quốc đều bắn không tới tàu KN 635. Cuộc rượt đuổi này kéo dài khoảng 3 hải lý.
Tàu cảnh sát biển 2016 đang hoạt động chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trước sự hung hãn tấn công, chèn ép của tàu Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Trong đợt tấn công thứ hai diễn ra lúc 11h30 trưa nay, một lượng lớn tàu Trung Quốc cũng đã tràn đến với ý đồ va chạm, chèn ép và tấn công tàu CSB 2016. Đồng thời phía Trung Quốc cũng cho 2 máy bay cánh bằng, một trong hai chiếc có số hiệu là CMS – V3843. Chiếc máy bay này lượn 4 vòng trên đầu các tàu của Việt Nam.
Cùng bị tấn công trong trưa nay là tàu kiểm ngư KN 635 cũng bị tàu kéo Trung Quốc số hiệu 242, 285, và các tàu Hải cảnh, hải giám số hiệu 44003, 44074, 46102, 46059, 44103… ép sát, cản trở. Trong đó, tàu 46102 của Trung Quốc đã hung hãn dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam khoảng 5 phút.
Giàn khoan trái phép lại định di chuyển?
Theo thông tin mới nhất từ Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNN), ngày 1/6 phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 không ổn định vị trí. Cục Kiểm ngư cho biết, TQ vẫn duy trì lực lượng gồm 38-40 tàu hải cảnh, 25-30 tàu vận tải và tàu kéo, 45-50 tàu cá, 4 tàu quân sự. Có 1 máy bay chiến đấu bay quanh khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 1.000m.
Đặc biệt, ngày 1/6, lực lượng kiểm ngư còn phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 không ổn định vị trí. Các tàu kiểm ngư VN hoạt động cách giàn khoan 6-8 hải lý. Tàu cá hoạt động cách giàn khoan 22-30 hải lý về phía Tây và Nam, tiếp tục đánh bắt cá, tổ chức đấu tranh đòi ngư trường, phản đối giàn khoan trái phép.
Sắp nhận thêm tàu tuần tra biển từ Nhật Bản
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters bền lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 1-6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Nhật Bản đang giúp Việt Nam huấn luyện lực lượng cảnh sát biển và chia sẻ thông tin với lực lượng này. Ngoài ra, Tokyo còn trong quá trình cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh gặp song phương Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Quá trình này đang tiển triển rất tốt đẹp và chúng tôi dự kiến sẽ nhận tàu tuần tra của Nhật Bản vào đầu năm tới".
Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 30-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ giành sự hỗ trợ hết mình cho các nước ASEAN trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông.
Lương Minh - Hồng Chuyên
Nguồn: infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét