Bài viết nói về thân phận, nỗi cơ cực của người phụ nữ có chồng là tù chính trị, đặc biệt lại là những trường hợp không có giấy giá thú, nỗi khổ hạnh còn tăng lên rất nhiều. Hình như họ rất thích thú khi vớ phải những trường hợp như thế. Đọc bài này, tôi lại nhớ đến chị Dương Thị Tân. Đau đớn thật.
Bài viết còn mang nội dung tố cáo chế độ khắc nghiệt của nhà tù cộng sản.
Tôi đã đến thăm chị cùng Hội BBTT, được tiếp chị Lộc tại nhà trong lần đến cùng chị Nga, vợ Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Tôi sẽ xin sự ủng hộ sao cho đỡ một phần vất vả cho chị Lộc. Cảm ơn cháu Phạm Thanh Nghiên, người bạn vong niên rất nhân bản và kiên cường của chú.
Nguyễn Tường Thụy
Nguyễn Tường Thụy
==============
PHẠM THANH NGHIÊN
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch
khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất
hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như
chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan
hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho
bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu
tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
Khi ra tù vào tháng 9 năm 2012, tôi đã sốc và rất buồn
khi biết ông Nhàn bị bắt trở lại. Lần thứ nhất ông bị kết án 2 năm tù giam và 3
năm quản chế. Ra tù được vài tháng ông bị bắt trở lại vào tháng 6 năm 2011 và
bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam cộng thêm 4 năm quản chế. Cả hai lần ông đều bị
cáo buộc điều 88: “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, một thứ Nhà
nước không có thật theo chính lời thừa nhận của ông tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn
Phú Trọng hồi tháng 10 năm 2013 rằng “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ
nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”. Nói cho bông phèng một chút thì
ông Nguyễn Kim Nhàn, 66 tuổi, hơn hẳn chúng tôi về mặt “thành tích” đi tù vì
tội “chống thứ không có thật.”.
Cách đối xử của trại giam đối với ông cũng ngày một
khắc nghiệt hơn.
Lần tù đầu tiên của ông Nguyễn Kim Nhàn, bà Ngô Thị
Lộc đã được thăm gặp chồng với tư cách người vợ. Lần tù thứ hai ông bị giam tại
Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An và bà Lộc lúc đầu vẫn được gặp chồng hàng
tháng. Bà đã một thân một mình trong tình trạng đau ốm để đi thăm chồng. Tuy
nhiên, kể từ tháng 9 năm 2013 đến nay, trại giam số 6 đã không cho bà Lộc gặp
mặt ông Nhàn với lý do “hai người lấy nhau nhưng không có giấy chứng nhận kết
hôn”. Khi bà Lộc thắc mắc “tại sao những tháng trước tôi vẫn được gặp mặt ông
ấy, các ông có hỏi giấy kết hôn đâu” thì cán bộ trại giam trả lời: “Vì tên bà
không có trong cuốn sổ thăm gặp”. Họ còn “tốt bụng” gợi ý cho bà rằng muốn tiếp
tục gặp chồng, bà phải có giấy ủy quyền từ người có quan hệ trực diện với ông
Nhàn. Sau khi được người con đẻ ông Nhàn viết giấy ủy quyền theo như yêu cầu
của trại giam, thế nhưng khi bà Lộc đến trại để thăm chồng thì phía trại giam
vẫn từ chối không cho bà gặp với lý do “giấy ủy quyền không đúng đối tượng”
(!?).
Từ đó, bà vẫn bền bỉ lặn lội đến trại giam trong tình
trạng sức khỏe suy yếu (bà mới qua một cơn phẫu thuật cách đây vài tháng) với
hy vọng mong manh “chắc lần này sẽ được gặp”. Nhưng hết lần này tới lần khác,
bà đều thất bại trở về.
Chặng đường từ nhà bà Lộc tới Trại giam số 6 Thanh
Chương, Nghệ An ước chừng 450 cây số. Bà phải rời khỏi nhà lúc 4 giờ sáng để
kịp chuyến xe sớm và hy vọng sẽ “cập bến” trại giam trước 4 giờ chiều cùng
ngày. Qua giờ ấy, người ta sẽ không tiếp bà với lý do “hết giờ làm việc”. Làm
các thủ tục gửi quà cho ông Nhàn xong, bà Lộc tiếp tục ngồi chờ xe khách để về
Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội bắt xe về Bắc Giang. Từ bến đỗ Bắc Giang, bà lại bắt
đầu chặng đường bằng xe Honda và về tới nhà lúc tờ mờ sáng hôm sau. Tính sơ sơ
chặng đường bà Lộc phải đi là 900 cây số với ngót nghét 24 tiếng đồng hồ. Cứ
thế, hết tháng này qua tháng khác, mùa đông cũng như mùa hè, nắng cũng như mưa,
hết lần trước tới lần sau đều không lần nào được gặp dù chỉ là 5 phút đồng hồ.
Mà có phải nói đi là đi ngay được đâu, phải chuẩn bị mua sắm, quà cáp lỉnh kỉnh từ vài hôm trước. Mua quà cho người
tù không dễ như mua quà cho người ta ở ngoài. Có những thứ rất bình thường
nhưng nếu không muốn cho người tù nhận, cai tù chỉ cần phán một câu xanh rờn
“thứ này là vật cấm”, coi như món đồ đen đủi bị hất lại, dù đó chỉ là một chiếc
kẹp tóc, hay chiếc quần xoọc lửng có dải
rút.
Trong lần vào thăm (nhưng không được gặp) mới đây nhất
hôm 7 tháng 5, 2015 bà Lộc cho biết cán bộ Trại giam số 6 chỉ cho bà gửi thuốc
men và trái cây vào cho ông Nhàn. Những thứ còn lại như đồ dùng và thức ăn nấu
chín đều phải mang về. Dù rất uất ức vì sự vô lý ấy, bà vẫn phải kiềm chế và
bình tĩnh hỏi han cớ sự, cố gắng nài nỉ người cai tù chuyển cho ông Nhàn hộp
thịt bà kho sẵn. Lần nào cũng người cai tù ấy, không đeo cấp số hiệu, không
xưng tên với thái độ rất trịch thượng, cáu kỉnh của kẻ bề trên, nói với bà Lộc:
“khi nào anh Nhàn bớt căng thẳng thì mới cho nhận thịt”. Bà Lộc hỏi: “Có chuyện
gì xảy ra với ông Nhàn? Tại sao không cho ông ấy nhận đồ tiếp tế như mọi khi?
Ông ấy có bị làm sao, hay làm điều gì sai cũng phải cho chúng tôi biết chứ”.
Người cai tù đáp: “Sai trái gì chị khắc biết”.
Ô hay! Gần hai năm không cho gặp mặt, không cho gửi
thư, không cho gọi điện, không một cán bộ trại giam nào chịu mở miệng trả lời
về tình trạng của ông Nhàn thì “khắc biết” bằng cách nào? Câu thông báo: “khi
nào anh Nhàn bớt căng thẳng thì mới cho nhận thịt” của cai tù làm người ta liên
tưởng tới phát minh rùng rợn của người Trung Hoa thời trung cổ: để nước nhỏ
giọt lên đầu người tù. Cách tra tấn ấy không đau, nhưng chết từ từ. Không cho
nhận thịt hay không được ăn thịt cũng không đau, không chết nhưng cũng có thể
vì suy kiệt mà chết. Chắc hẳn phía trại giam hy vọng sáng kiến “cấm vận” như
thế sẽ hạ gục niềm kiêu hãnh của một tù nhân lương tâm. Chả lẽ, trí tuệ và lòng
tự trọng của một tên cai tù chỉ được đo lường bằng miếng thịt?
Khi bà Lộc nói thêm vài câu thì người cai tù răn đe:
“Nếu còn nói nữa thì thuốc men và trái cây cũng khỏi nhận”. Sau đó tên cai tù
tiếp tục tràng giang đại hải những câu kiểu như ban ơn: chị không biết điều;
chị phải biết chị không thuộc đối tượng được thăm gặp hoặc gửi quà; chị chả có
tư cách gì để được gặp anh ta; tôi tiếp chị thế này là xuất phát từ tình cảm
của Trại đối với chị; chúng tôi rất rộng lượng và nhân đạo đã chuyển giúp quà
vào cho chị; chị phải biết anh Nhàn là thành phần được ưu ái lắm nên mới được
nhận quà như thế; chúng tôi chỉ thực hiện đúng theo luật pháp; luật pháp vốn
quy định như thế, không thể làm khác được v.v...
Bà Lộc tối tăm mặt mày với hàng loạt những câu gắt
gỏng kiểu ban ơn của người cai tù quen mặt nhưng chưa một lần biết tên. Và bất
lực trở về trong uất nghẹn.
Có lẽ từ giờ tới khi ông Nhàn hết án bà Lộc vẫn sẽ
kiên trì lặn lội vượt gần ngàn cây số cả đi lẫn về chỉ với hy vọng gửi cho ông
chút quà mà không thứ nào... bị loại. Đấy là bà không bao giờ cho phép mình
nghĩ (xấu) rằng: người cai tù chỉ nhận quà lấy lệ rồi chẳng chuyển cho ông
Nhàn. Cai tù giàu thế, ăn chặn quà cáp của tù làm gì cho nó tổn phước.
Thời cộng sản, các quan to quan bé, quan gái quan trai
đều có cái tài đẻ ra luật. Chả nghén ngẩm thai sản gì cũng đẻ được tuốt. Phọt
ra đằng miệng một cái là đẻ được cả đống luật (rừng) trong tức thì, nhanh đến
chóng mặt. Hy vọng trong lần tới, người cai tù nào đó bỗng dưng đẻ được cái
luật “chiếu cố” để bà Lộc bất thình lình được gặp mặt chồng một lần dù chỉ
trong ít phút, chứ gần hai năm bặt vô âm tín bà lo lắng lắm. Lá thư hồi mùa hè
năm 2013 cứ ám ảnh bà. Thư ấy ông Nhàn viết, sau lần bị đánh hộc máu mồm, ông
thấy trong người yếu hẳn, hay bị chướng bụng ợ chua.
Từ đó, bà không biết tình trạng chồng bà, ông Nguyễn
Kim Nhàn, trong tù ra sao nữa.
Phạm Thanh Nghiên.
Ngày 14 tháng 5 năm 2015.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét