Blogger Phạm Viết Đào
Đại hội lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Hội nhà văn Việt Nam do nhà nước công nhận nhóm họp từ ngày 09-11/7/2015 tại Hà Nội.
Hội Nhà văn Việt Nam đừng để các hội viên bị đẩy sang phía “đối lập", đó là ý kiến phát biểu của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Đại hội lần thứ 9 Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc sáng hôm 9/7/2015 tại Khách sạn La Thành, Hà Nội.
Ý kiến trên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, được phát biểu tại hội trường trong phiên họp chiều hôm thứ Năm; đây là phiên thảo luận về báo cáo tổng kết của Ban chấp hành Hội Nhà văn VN khoá 8 do Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8, ông Hữu Thỉnh trình bày.
Nguyễn Việt Chiến là tác giả của bài thơ nổi tiếng "Tổ quốc nhìn từ biển"… một trường ca được viết sau khi Nguyễn Việt Chiến mãn hạn tù.
Ông Chiến nguyên là phóng viên nội chính của báo Thanh Niên, từng bị bắt cùng với phóng viên Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi trẻ do các nhà báo này đã có những tin bài liên quan tới Vụ án PMU 18 bị các cơ quan pháp luật kết tội là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Khó ai có thể tự tin trong cuộc đời cầm bút của mình, có khả năng tránh hết được những cú tai nạn nghề nghiệp, những sự rủi ro do sự mơ hồ mông lung của nghề nghiệp và của pháp luật điều chỉnh loại nghề nghiệp này
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Tại diễn đàn này, với tư cách là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từng bị phạt tù do nghề nghiệp, Nguyễn Việt Chiến khẩn thiết đề nghị Hội nhà văn Việt Nam cần có biện pháp, tổ chức, động thái nhằm bảo vệ, chăm sóc, ngoài hiếu hỉ hội 'đã làm tốt', cần giúp các nhà văn hội viên tránh, hạn chế những rủi ro đáng tiếc do “ tai nạn “ nghề nghiệp mang lại…
Trợ giúp lâm nạn
Là người cầm bút, vừa là nhà báo vừa là nhà thơ, Nguyễn Việt Chiến cho rằng khó ai có thể tự tin trong cuộc đời cầm bút của mình, có khả năng "tránh hết" được những cú tai nạn nghề nghiệp, những sự rủi ro do sự "mơ hồ mông lung" của nghề nghiệp và của pháp luật điều chỉnh loại nghề nghiệp này.
Với tư cách là hội nghề nghiệp có đủ khả năng hiểu thấu việc làm động cơ chính trị của các hội viên, Hội nhà văn Việt Nam cần có sự tham gia trợ giúp khi hội viên của mình lâm nạn...
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự về những ngày ông bị cầm tù, ông đã biết ơn một số bạn bè, tờ báo của Hội nhà văn vẫn tìm cách đăng thơ cho ông, những bài viết của ông và những sản phẩm đó được vợ con ông chuyển vào tù đã giúp Nguyễn Việt Chiến có thể nghị lực để vượt qua những ngày tháng lao tù.
Nguyễn Việt Chiến kể có những đêm trong tù ông đã "thức trằng" vì nhận được tin bạn bè đã tìm cách đăng thơ cho ông, vẫn nhớ và quan tâm tới ông, khi ông đang bị cầm tù.
Tại diễn đàn đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX này, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vui mừng thấy tại đại hội có mặt nhà văn Phạm Viết Đào, người cũng vừa thoát khỏi sự tù tội vì viết blog; ông cho đó là sự khích lệ đáng quý của Hội đối với hội viên, với người cầm bút, không bỏ rơi, quay mặt với hội viên khi họ bị lâm nạn.
Một đại hội khu vực của Hội nhà văn Việt Nam nhóm họp vào đầu tháng 5/2015 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẩn thiết đề nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cần kịp thời lên tiếng để các cơ quan pháp luật kết thúc lệnh điều tra đối với nhà văn Nguyễn Quang Lập, mặc dù hiện nay ông Nguyễn Quang Lập đã xin ra không tham gia bất cứ hội, đoàn thể nào.
Tiểu ban cựu tù
Theo ông Chiến, Hội nhà văn Việt Nam cần lên tiếng bảo trợ cho Nguyễn Quang Lập, nguyên hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vì "anh là người yêu nước" và là "một nhà văn có tài…"
Nguyễn Việt Chiến cho rằng sở dĩ ông viết thành công được bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển", sau khi ra khỏi tù là do có một số việc làm của bạn bè, của một số cơ quan xuất bản của Hội nhà văn Việt Nam quan tâm tới ông.
Hội nhà văn Việt Nam khoá IX này nên có tiểu ban, hay một câu lạc bộ mà cán bộ khung tập hợp những nhà văn từng can án, bị đi tù… giống như Câu lạc bộ tù Côn Đảo, Hoả Lò… để các nhà văn có nơi để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm hữu ích cho nghề cầm bút, tránh rủi ro cho nghề cầm bút
Nhà văn Phạm Viết Đào
Và ông kiến nghị Hội Nhà văn Việt Nam cần phải tìm cách để các hội viên của mình không bị "đẩy sang phía đối lập…"
Sau ý kiến của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn Lê Hoài Nam đều đã đăng đàn lên tiếng đề nghị Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khoá này, cần có biện pháp giúp đỡ bảo vệ danh dự, nhân phẩm của hội viên của mình khi bị các cơ quan pháp luật đụng đến.
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng lĩnh vực văn chương chữ nghĩa là lĩnh vực "trừu tượng", rất dễ bị cắt nghĩa, hiểu cắt nghĩa "thô thiển" và "quy chụp" khác nhau.
Là một Hội nghề nghiệp, Hội nhà văn Việt Nam cần có những biện pháp can thiệp, lên tiếng để các hội viên ít gặp rủi ro, ít tai bay vạ gió do nghề cầm bút mang lại cho họ. Có như thế hội mới trở thành ngôi nhà "ấm áp" của hội viên…
Thiết nghĩ, nên chăng, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khoá IX này nên có tiểu ban, hay một câu lạc bộ mà cán bộ khung tập hợp những nhà văn từng can án, bị đi tù… giống như Câu lạc bộ tù Côn Đảo, Hoả Lò… để các nhà văn có nơi để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm hữu ích cho nghề cầm bút, tránh rủi ro cho nghề cầm bút.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một blogger, nhà văn, từng bị bắt và kết án 15 tháng tù giam vì tội 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ' theo Điều 258 Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét