GNsP (03.12.2015) – Cơ quan công quyền tỉnh Đắc Nông can thiệp quá nhiều về cái chết của nạn nhân Nguyễn Xuân Quyền, 16 tuổi. Tất cả mọi hồ sơ bệnh án, kết quả giám định pháp y… của thiếu niên này đều được cơ quan công an cầm giữ, không giao về cho gia đình nạn nhân mặc dù gia đình đã yêu cầu.
Thiếu niên Nguyễn Xuân Quyền, 16 tuổi, tử vong tại trại giam huyện Cư Jút sau hai tuần bị giam, giữ trái pháp luật.
Tử vong do bị đánh chết trong quá trình tạm giam, giữ?
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Quyền được đồng loạt báo trong nước loan tin là do bị ‘đột quỵ trong khi tập thể dục môn chống đẩy’. Về phía gia đình nạn nhân khẳng định, Quyền bị đánh đập nhiều trong quá trình tạm giam với nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Một nguồn thông tin đáng tin cậy xác nhận với GNsP, quản giáo trại giam đã đánh đập Quyền đến trọng thương.
“Tôi không tin là Quyền đột quỵ mà tôi tin là công an đánh chết Quyền”. Bà Nguyễn Thị Nhi, mẹ của nạn nhân, quả quyết.
Chị ruột của Quyền là Nguyễn Thị Bích Anh, SN 1997, thổn thức: “Nếu như công an nói Quyền bị bệnh thì em không bao giờ tin. Trong 16 năm mẹ em nuôi dưỡng Quyền chưa bao giờ Quyền phải lên bệnh viện cả, mà mới có bị giam 15 ngày mà họ nói là Quyền bị bệnh thì không bao giờ em tin. Tại sao Quyền ở nhà thì không sao, nhưng lên đó [trại tạm giam] thì lại nghe tin Quyền chết.”
Còn anh ruột của Quyền là Nguyễn Xuân Viện, SN 1991, khẳng khái nói: “Không bao giờ em nghĩ Quyền chết một cách vô lý như vậy. Quyền rất khỏe mạnh, phụ giúp gia đình nhiều việc nặng, sức Quyền ngang em, có khi làm nhiều việc nặng hơn em.”
Công an huyện Cư Jút giam, giữ và đánh người trái pháp luật
Theo thông tin gia đình, Quyền và một người bạn liên quan đến vụ mất xe máy của bác ruột, nghi ngờ Quyền lấy trộm xe, đem đi bán, bác ruột đã gọi công an xã Tâm Thắng đến bắt Quyền để làm sáng tỏ vụ việc. Nhưng công an xã đã chuyển Quyền lên công an huyện Cư Jút.
Tại công an huyện Cư Jút, thiếu niên 16 tuổi này bị giam, giữ một cách trái phép gần hai ngày, vào ngày 26-27.10.2015. Tại đây, các cán bộ đã đánh đập Quyền. Điều này được Quyền kể lại với người chị ruột là Bích Anh:
“Sau khi Quyền bị tạm giam hai ngày thì trên cơ thể của Quyền có nhiều vết bầm tím. Em hỏi Quyền ‘công an đánh như thế nào mà lại bị bầm tím như thế này?’. Quyền nói là ‘nó lấy cây gậy to, rồi cứ đánh thôi.”. Em hỏi là đánh có mạnh không sao lại bị như thế này. Quyền nói là “đau lắm’. Em mới nói là ‘ở nhà mày lì lắm cơ mà?’. Quyền nói là: “Lì, nhưng công an đánh đau lắm chịu không được, công an đánh không kêu ai được’… Em thấy, chân tay Quyền bầm tím hết, mắt cá chân xưng to lên…”
Nhiều vết bầm tím trên cơ thể nạn nhân Nguyễn Xuân Quyền.
Chiều 27.10, công an huyện gọi gia đình bà Nhi lên bảo lãnh Quyền về.
Ba ngày sau, chiều ngày 30.10.2015, công an huyện gọi bà Nhi và Quyền lên làm việc, Quyền ở lại, bà Nhi về. Một lúc sau, xe tù của công an chở Quyền về nhà, đọc lệnh tạm giữ Quyền 60 ngày (tức hai tháng), còng tay Quyền đi và cho lên xe chở về trại tạm giam công an huyện Cư Jút.
Thiếu niên Quyền được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, nhiều vết bầm tím trên cơ thể, co giật, sùi bọt mép
Hai tuần sau, tối ngày 16.11.2015, công an huyện Cư Jút gọi điện thoại cho gia đình bà Nhi và yêu cầu bà bão lãnh Quyền về nhà, vì Quyền đang được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Cư Jút. Bích Anh, chị ruột của Quyền, kể tiếp:
“Mẹ em và em cứ tưởng Quyền bị bệnh nhẹ. Em chở mẹ lên bệnh viện thấy Quyền nằm bất động ở trên băng ca, em vào xem nhưng họ không cho và đuổi em ra. Có một ông công an hỏi gia đình là Quyền có bệnh tật gì không thì gia đình nói là không. Sau đó, họ chuyển lên bệnh viện tỉnh Đắc Lắk. Lúc bác sĩ khám chỉ thấy Quyền co giật liên tục và sùi bọt mép thôi. Bệnh viện tỉnh Đắc Lắk không chữa được nên phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng họ không đưa bất kỳ một giấy tờ nào liên quan đến bệnh án của Quyền cho gia đình. Họ yêu cầu mẹ viết đơn bão lãnh rồi mới đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ đã ký và họ chuyển Quyền lên bệnh viện Chợ Rẫy.”
Anh Xuân Viên, anh của Quyền, cho biết thêm: “Vào ngày 16.12, Quyền đã bất tỉnh, người co giật liên tục, sau đó bác sĩ tiêm thuốc gì thì Quyền hết co giật, họ không cho Quyền thở ôxi mà bắt gia đình phải bóp bong bóng cho Quyền thở.”
“Bác sĩ [bệnh viện tỉnh Đắc Lắk] yêu cầu chuyển Quyền lên tuyến trên, họ yêu cầu gia đình làm thủ tục viết giấy cam đoan rằng, khi chuyển lên tuyến trên thì không có kiện cáo gì hết. Sau đó, công an vào can thiệp không cho gia đình lấy bất kỳ một giấy tờ hay hồ sơ bệnh án nào. Và họ chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. [Tại bệnh viện Chợ Rẫy], bác sĩ hỏi: ‘Quyền bị sao đây, có bị đánh đập gì không mà hôn mê sâu vậy, có bị té không…?’ Bác sĩ yêu cầu gặp quản giáo đang túc trực với gia đình tên là Thành, nhưng ông này không vào và nhắn gia đình rằng ‘đang có việc bận và nói là Quyền không có bị bệnh gì hết’. Bác sĩ tiếp tục yêu cầu cán bộ Thành vào gặp và nói rằng, nếu không vào gặp bác sĩ thì Quyền có chuyện gì cán bộ phải chịu trách nhiệm”. Anh Xuân Viên nói.
Theo quan sát của mẹ Quyền là bà Nhi khẳng định: “Tôi phát hiện bên ngực trái của cháu xưng bầm tím lên, tôi nghi nó bị đánh. Hai bên nách cháu đều tím bầm, hai bên tai chảy máu và tím bầm luôn”. ác nhận này cũng được anh ruột và chị ruột của Quyền khẳng định.
Bà Nhi cũng cho biết thêm, ngày nào cũng có khoảng 10 công an túc trực tại bệnh viện nơi điều trị thiếu niên này.
Khám nghiệm tử thi
Chiều ngày 18.11, công an thông báo cho gia đình biết, Quyền đã tử vong. Sau đó, cơ quan bảo vệ pháp luật cùng với bên giám định pháp y khám nghiệm tử thi Nguyễn Xuân Quyền. Người chứng kiến sự việc là anh Xuân Viên, anh ruột của Quyền, kể lại: “Khi họ mổ, em thấy, hộp sọ trắng bệch, họ nói là không bị bầm, hay bị nứt hộp sọ. Phần ngực có nhiều nước vàng, ứ nước bên trong. Phổi bên trái có màu đen, phổi bên phải sáng hơn so với phổi bên trái. Dạ dày có màu đen…”
Tuy nhiên, kết quả giám định pháp y, hồ sơ bệnh án hay bất kỳ giấy tờ liên quan đến Quyền đều được bên công an cầm giữ, gia đình không được nhận bất kỳ một tờ giấy nào ngoài hai phim chụp X-quang.
Gia đình và họ hàng tiễn đưa Quyền đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Công an huyện Cư Jút tạm giam Quyền là trái qui định pháp luật.
Về luật pháp, khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự (“BLHS”) qui định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. “Người chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi) phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục” (khoản 2 Điều 69 BLHS). Và khoản 3 Điều 8 qui định: “tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”. Trong trường hợp này, theo qui định tại khoản 2, khoản 3 Điều 138 BLHS (tội trộm cắp tài sản), chỉ khi tài sản (xe máy) bị trộm cắp có giá trị “từ 50 triệu đến dưới 200 triệu” mới thuộc “tội nghiêm trọng: có mức án của khung hình phạt đến 7 năm tù”; hoặc “từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng” mới thuộc “tội rất nghiêm trọng: có mức án của khung hình phạt lên đến 15 năm tù”.
Theo khoản 1 Điều 120 Bộ luật Tố tụng Hình sự, công an huyện đã xác định hành vi phạm tội (nếu có) của Quyền là tội phạm ít nghiêm trọng (giá trị tài sản dưới 50 triệu đồng). Trong trường hợp này, nếu em Nguyễn Xuân Quyền chưa đủ 16 tuổi, sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu em Quyền đã đủ 16 tuổi thì được miễn trách nhiệm hình sự do Gia đình có đơn bảo lãnh…Việc tạm giam Quyền là trái qui định pháp luật.
Đòi công lý cho Quyền
Khi Quyền tử vong, bên phía công an hỗ trợ cho gia đình bà Nhi 50 triệu đồng để lo an táng, và họ căn dặn gia đình bà không được kêu gọi người dân gây rối loạn, bạo động ở địa phương.
Bà Nhi mong muốn: “Gia đình chỉ muốn đòi lại công bằng cho Quyền mà thôi.”.
Anh ruột của Quyền đồng tình với bà Nhi, anh Xuân Viên nhấn mạnh: “Mong muốn đòi lại công bằng cho Quyền vì đây là cái chết oan uổng. Mong muốn làm sáng tỏ để dư luận được biết nhiều hơn vì không chỉ đòi lại công lý cho gia đình em mà còn cho nhiều gia đình khác nữa.”
Ao ước của gia đình bà Nhi liệu có thành hiện thực vì hoàn cảnh gia đình bà khá éo le, gia cảnh khó khăn khi bà và đứa con trai cả là chủ lực chính trong gia đình. Người chồng bị bệnh mất khả năng lao động, 5 người con của bà phải nghỉ học sớm để bươm trải kiếm từng miếng cơm manh áo.
Bà Nhi cũng ước ao, có một vị Luật sư đồng hành với gia đình để kêu oan cho con trai bà.
Huyền Trang, GNsP
Ba Bụi đã hí họa rất đúng. VÀO SINH RA TỬ là chốn cửa quyền côn an Việt Nam.
Trả lờiXóa