Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Không chờ bầu cử tháng Năm, Quốc hội tháng Ba có thể ‘kiện toàn X’?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.


11.03.2016


‘Thay ngựa giữa dòng’

“Quốc hội dự kiến kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước” - một “quyết nghị” khá bất ngờ và bất thường trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 2/2016, diễn ra gần một tháng sau khi Đại hội XII của đảng cầm quyền tạm lắng “cơn binh lửa”.

Kỳ họp 11 Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 21/3/2016. Như một hồi còi báo hiệu chính trường Việt Nam xung vào trận mới.

Như một tín hiệu cho thấy bên thắng trận sau Đại hội XII đang nôn nóng muốn “kết thúc” bàn cờ chính trị, sau khi hàng loạt ẩn số về nhân sự tại đại hội này đã được xử lý.

Sau “chiếu tướng”, logic bất di bất dịch sẽ là “thay máu”. Nhưng thời điểm thanh lý dàn nhân sự cũ có thể sẽ được rút ngắn đáng kể. Nếu trước đây thông tin được tuyên truyền là 3/4 “tứ trụ” cũ, trừ tổng bí thư đảng, sẽ được thay thế sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2016 và sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới diễn ra 2 tháng sau đó, thì có thể tổng bí thư tái đắc cử với châm ngôn nổi tiếng “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” sẽ đốc thúc để mọi việc được “kiện toàn” gấp rút hơn.

Trong thuật ngữ chính trị Việt Nam, “kiện toàn” là một từ đặc biệt và đặc thù riêng. Rất thường khi nói tới việc kiện toàn, người ta hiểu ngay đó là một sự sắp xếp lại, thay thế nhân sự. Thậm chí là một cuộc cách mạng về lãnh đạo cao cấp.

Kỳ họp 11 của Quốc hội Việt Nam càng “cách mạng” hơn khi có tới 1 tuần để bàn “công tác nhân sự cấp cao”, thậm chí có thể dài hơn nếu 1 tuần chưa đủ để “chốt”.

Tuy vẫn chưa có thông tin về các “chức danh lãnh đạo nhà nước” là những chức danh nào và cụ thể là những ai trong phương trình kiện toàn nhân sự, một số dư luận đang cho rằng “ẩn số X” sẽ tiếp tục được giải mã theo hướng “thay ngựa giữa dòng”.

‘Văn phòng chính phủ Tết này vắng tanh!’

Rõ như ban ngày, kết quả Đại hội XII nghiêng hẳn phần thắng về phía những người bên đảng. Tổng Bí thư Trọng đã không còn sụt sùi rơi lệ như hồi Hội nghị trung ương 6 cuối năm 2012, thay vào đó ông nở nụ cười mãn nguyện “Tôi bất ngờ…”.

Tuy được một số cuộc thăm dò không chính thức và cả vài báo đài phương Tây đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ tổng bí thư, rốt cuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đột ngột không còn là ủy viên Bộ Chính trị.

Không những bị loại khỏi danh sách 19 nhân vật “quyền lực nhất” trong đảng cầm quyền, ông Dũng còn không là ủy viên Trung ương, cho dù có người mô tả bản lĩnh của ông là “chiến đấu đến phút cuối cùng”.

Cái “phút cuối cùng” đượm tính bi kịch ấy đã khiến những người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng bàng hoàng. Một người thuật lại: “Ngay sau khi biết tin “Anh Ba” chỉ nhận được 41% phiếu đề cử trong ngàn rưởi đại biểu Quốc hội, tôi vọt ra quán cà phê trung tâm là nơi nhóm Anh Ba đang nhấp nhổm hóng tin. Nhưng ở đó họ đã biết cả. Nhìn quanh quất, toàn những bộ mặt thẫn thờ xuôi xị, không thốt nổi một lời, dù mới vài giờ đồng hồ trước đó họ còn tưng bừng chúc tụng nhau về chiếc ghế tổng bí thư trong tầm tay của Anh Ba nếu vượt qua cửa ải đại biểu Quốc hội”.

Kịch tính của nước mắt và đau tim đã khiến những kẻ chậm chạp nhất cũng phải bò khỏi giường bệnh. Lần này và khác với những đại hội trước, đảng hành động mau mắn đến khó ngờ. Nếu sau những đại hội trước, công tác bố trí lại nhân sự chủ chốt phải sau hàng tháng hoặc vài ba tháng, thì chỉ sau khi kết thúc Đại hội XII chưa đầy một tuần, người ta đã thấy bên đảng sốt sắng bố trí hàng loạt chức vụ quan trọng như Hoàng Trung Hải làm bí thư Hà Nội, Đinh La Thăng làm bí thư TP HCM, Võ Văn Thưởng làm trưởng ban tuyên giáo trung ương, Đinh Thế Huynh làm thường trực Ban Bí thư… Ngay cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - được cơ cấu làm thủ tướng trong tương lai gần - dù chưa chính thức nhậm chức nhưng đã công nhiên bố trí “làm việc” tại Ngân hàng nhà nước - một trong những cứ điểm sinh tử nhất của bên chính phủ.

Một “fan đảng” hết sức hể hả: “Tết trước văn phòng chính phủ còn nườm nượp xe hơi quà cáp, nhưng Tết này vắng tanh!”.

‘Hạ cánh an toàn’ hay ‘hồi sau sẽ rõ’

Nếu kỳ họp Quốc hội 11 vào tháng 3/2016 diễn ra đúng theo “kế hoạch”, có thể hình dung một số cương vị “lãnh đạo nhà nước” sẽ được thay thế. Đầu tiên là ông Trương Tấn Sang, sau đó có thể đến một phó chủ tịch nước.

Nhưng bằng vào định nghĩa của “nhà nước” và thông lệ văn phong “lãnh đạo đảng và nhà nước” mà không cần thêm thắt từ “chính phủ”, có thể hiểu “chức danh lãnh đạo nhà nước” bao gồm cả chức danh lãnh đạo chính phủ.

Có thể, kế đến là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng cũng theo dư luận, “ẩn số X” mới là kiện toàn quan yếu nhất. Bàn cờ chính trị Việt Nam có “thông thoáng” hay không chính là ở vị trí này.

Hai ngày trước khi kết thúc Đại hội XII, có thể khẳng định đỉnh quyền lực trong cuộc đời ông Nguyễn Tấn Dũng đã được xác lập tại Hội nghị trung ương 10 tháng Giêng năm 2015 - thời điểm ông Dũng được cho là nhảy vọt lên vị trí đầu tiên trên bảng tổng sắp thăm dò tín nhiệm trong Bộ Chính trị.

Sau Hội nghị 10, biểu đồ suy vong của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được kéo màn từ từ: bắt đầu bằng chiến dịch “luân chuyển cán bộ” do “tổng công trình sư” Tô Huy Rứa kiến tạo đã tước đi đến hơn tám chục vị trí trực tiếp hoặc gián tiếp liên đới với bên chính phủ, sau đó đến Quyết định 244 do Tổng Bí thư Trọng ký về “đảng viên không được phép ứng cử hoặc nhận đề cử nếu không được cấp ủy giới thiệu”.

Và có thể còn một lô xích xông những nguyên do vừa vĩ mô vừa vụn vặt khác - như 12 điểm được giải trình trong “Thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị” vào đầu tháng 12/2015.

Cận Tết nguyên đán 2016, người ta còn thấy vài công văn đóng dấu “Tối mật” thanh minh cho Thủ tướng Dũng xuất hiện trên mạng.

Nhưng sau đó thì bặt tăm. Bóng dáng của Thủ tướng Dũng - vốn xuất hiện rất đậm trước Đại hội XII, kể cả trên báo chí phương Tây, nay nhạt nhòa hẳn.

Sau cú rơi đột ngột của “Anh Ba” tại Đại hội XII những gì còn lại cứ thế tuôn trào. Tại phiên họp tháng 2/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, động thái xem xét báo cáo nhiệm kỳ của thủ tướng chính phủ đã dẫn đến một kết luận hiếm thấy: “có hạn chế yếu kém”.

Trước đây, nhân vật duy nhất phát ra từ “yếu kém” đối với thành tích lãnh đạo của giới chính phủ là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ngoài ông Sang, không một kỳ họp Quốc hội và cả hội nghị Ban chấp hành Trung ương nào khẳng định mối truy buộc trầm trọng đến thế.

Còn sau Đại hội XII, thậm chí ông Nguyễn Tấn Dũng suýt nữa không thể đi California dự Hội nghị ASEAN do Tổng thống Obama chủ trì vào giữa tháng 2/2016. Lối mở rất nghiệt ngã là dường như chỉ nhờ vào sự can thiệp của phía Mỹ, Bộ Chính trị Việt Nam mới quyết định cho ông Dũng “được đi”.

C’est la vie - Đời là thế. Thủ tướng Dũng đã tự đánh mất quá nhiều cơ hội “vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

Nhưng trớ trêu thay, vừa ở Mỹ trở về, người từng phát ra thông điệp đầu năm 2014 “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” đã tận dụng chút cơ hội còn lại của mình để “chặn” luật Biểu tình. Theo lệnh của ông, giới chức bên chính phủ đã thẳng thừng khước từ yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc phải trình món nợ gần một phần tư thế kỷ này ra kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.

Người dân không hiểu Thủ tướng Dũng muốn gì! 

Số phận chính trị của ông, xét cho cùng, cũng là thân phận thường dân. Không ai học được chữ “Ngờ”.

Cuối cùng nhưng chưa phải kết cục, phía trước vẫn đầy khó lường. Nguyễn Tấn Dũng có “hạ cánh an toàn” hay không - đó lại là một ẩn số sinh tử nữa mà như người đời thường nói một cách văn hoa “hồi sau sẽ rõ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét