Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Sau hiệp thương lần 2, chính quyền Hà Nội sẽ quyết liệt ‘cân đối’ 48 người tự ứng cử?

Cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 bắt đầu có dấu hiệu đỡ nhàm chán. Nói cách khác, bắt đầu có kịch tính.

100% đại biểu có mặt thông qua danh sách sơ bộ ứng viên Quốc hội tại Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.


Sáng 17/3/2016, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Kết quả: với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt nhất trí, hội nghị hiệp thương lần thứ hai của TP Hà Nội đã thông qua danh sách người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.

Chi tiết đáng chú ý là hầu như không một ứng cử viên độc lập nào bị loại khỏi danh sách sơ bộ.

Theo tường thuật của báo điện tử Vnexpress, thậm chí tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng số người tự ứng tăng hơn kỳ bầu cử trước thể hiện sự tiến bộ về dân chủ và người nộp hồ sơ tự ứng cử đầy đủ, theo đúng luật, phải được tôn trọng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của mỗi công dân, không nên đưa họ ra khỏi danh sách, chỉ trừ trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật: “Tôi thấy tự ứng cử là một bước tiến của về mặt dân chủ trong bầu cử, để tiến tới xã hội dân chủ hơn”.

Ở một thái cực khác, Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình thành phố Hà Nội Đào Thanh Hương “tâm tư”: “Trong số tự ứng cử đợt này, phải nói có người rất xứng đáng, rất tâm huyết với đất nước, dân tộc; có đóng góp nhất định trong đơn vị của mình. Tuy nhiên, cũng có người cảm giác như là chơi chơi thôi!”.

Bà Hương không quên ám chỉ những người “chơi chơi”: “Việc ai bước được vào vòng ba (hiệp thương) thì khi đó trí tuệ của chúng ta, những người ngồi ở đây và đặc biệt các ban ngành của thành phố sẽ xem xét để làm sao 48 người tự ứng cử cân đối với 39 người được các đơn vị, cơ quan thành phố giới thiệu”.

“Cân đối” là từ ngữ vừa bóng bẩy vừa ẩn dụ, muốn hiểu sao cũng được. Từ ngữ này được bổ nghĩa bởi một phát ngôn như răn đe của ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam: “Khi thực hiện đưa về tổ dân cư nhận xét, để xem những ứng viên đó có chấp hành pháp luật hay không”.

Nguy cơ hiển hiện trước mắt đối với giới ứng cử viên được chính quyền giới thiệu là “một chọi một’, thậm chí số tự ứng cử còn cao hơn cả số được giới thiệu. Nếu sau vòng “hiệp thương tổ dân phố”, “hiệp thương nơi công tác” và hiệp thương lần 3 mà vẫn không “cân đối”, tức không loại được “đủ số” ứng viên độc lập, danh sách đưa ra bầu cử chắc chắn sẽ bị “pha loãng”, mà do vậy nguy cơ những ứng cử viên được giới thiệu bị thất cử sẽ không còn là hão huyền.

Có thể hiểu tâm trạng ‘kinh khủng” ra sao đối với giới chức chính quyền và công an vào những ngày này. Không biết làm sao đạt được “dân chủ đến thế là cùng”, Tiểu ban an ninh của Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ còn cách tung hỏa mù về “có tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử”. Nhưng ngay lập tức, một số đại biểu quốc hội và quan chức có trách nhiệm đã phản pháo thủ đoạn này.

Rõ là tình thế không còn như những năm trước, khi công an và chính quyền muốn loại ai thì loại, muốn làm gì thì làm.

Dân chủ hóa xã hội đang dần hình thành. Ngay cả những người trong đảng cũng dần nhận ra một trong những bước tiến đến dân chủ là bằng vào những ứng cử viên độc lập có trách nhiệm và có chương trình hành động cụ thể.

Đã đến lúc những tờ báo ra sức mạt sát người tự ứng cử như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Petrotimes cùng các trang dư luận viên cần nhận ra rằng số đông người dân, chứ không phải Bộ chính trị, sẽ quyết định đảng cầm quyền đi theo hướng nào. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét