NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Câu “chọn thép hay cá” là cách nói ngắn gọn xuất phát từ nội dung trả lời VTC14 của Ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại công ty Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng Hà Tĩnh. Vì lối trả lời tuy ngang ngược nhưng thẳng thắn này mà lập tức, ông Chu Xuân Phàm bị cho thôi việc, hồi hương. Cũng vì chuyện thép và cá mà nhà cầm quyền bộc lộ sự yếu kém, lúng túng trong xử lý vấn đề một cách hết sức lộ liễu.
Nhân dân chọn cá
Tập đoàn Formosa đã gây nên thảm họa môi trường khủng khiếp ở Việt Nam. Độc tố cực mạnh làm cho cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển Hà Tĩnh và cho đến nay đã lan dần ra ít nhất 4 tỉnh Miền Trung khác.
Cá không còn môi trường sống. Ngư dân lao đao vì không có sản lượng và có đánh bắt được vài con cũng không biết bán cho ai.
Nơi đâu cũng cảnh giác, không ai dám ăn cá. Các tỉnh trực tiếp chịu thảm họa đã đành, dân miền núi cũng và các tỉnh khác cũng không dám ăn vì sợ gian thương đem cá chết lưu thông đi các nơi.
Người ta lo tích muối, tích nước mắm, đề phòng muối, mắm sau đó bị nhiễm độc bởi nước biển hay bởi cá chết.
Thảm họa này không biết đến khi nào mới được khắc phục, kể cả về môi trường và tâm lý không dám ăn hải sản lan rộng ra cả nước. Nó đè nặng lên cuộc sống của ngư dân Miền Trung vốn bao đời nay kiếm sống bằng nghề chài lưới, nuôi thủy hải sản.
Giám đốc đối ngoại Formosa nói toạc ra rằng, muốn có thép thì phải chấp nhận mất cá. Nhưng thép Formosa làm ra không phải để cho không, không phải để chia cho nhau theo kiểu của nhà. Muốn thép để xây dựng, phải bỏ tiền ra mới có được. Khi đã có tiền thì họ mua được thép, đâu cứ nhất thiết phải mua thép của Formosa. Vì vậy, dân chọn cá là điều dễ hiểu.
Ngày 1/5/2016, những cuộc biểu tình, tạm gọi là “biểu tình chọn cá” đồng loạt nổ ra khắp nơi. Chỉ riêng Hà Nội và Sài Gòn đã có hàng nghìn người tham gia. Như một phản ứng dây chuyền, biểu tình từ hai thành phố lớn lan nhanh ra các tỉnh: Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Quảng Bình đã liên tiếp biểu tình từ 3 ngày trước đó tại hai xã Quảng xuân, Cảnh Dương thuộc huyện Quảng Trạch và tiểu thương ở thị xã Đồng Hới.
Không chỉ ở Việt Nam, các cuộc biểu tình của đồng bào người Việt cũng nổ ra nhiều nơi trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, biểu tình nổ ra ở các tiểu bang Sydney, Los Angeles, Houston, New Jersey. Để đến được chi nhánh của Formosa ở tiểu bang Sydney, nhiều bà con đã phải đi 8.9 giờ xe hơi mới tới, đòi công ty này và những kẻ đồng lõa phải chịu trách nhiệm trước người dân Việt Nam về thảm họa biển miền Trung.
Điều tuyệt diệu là đông đảo người Việt tại Đài Loan đã đến tận trụ sở của tập đoàn Formosa đòi họ phải chịu trách nhiệm về những tai họa đã gây ra cho Việt Nam. Cuộc biểu tình này diễn ra cùng lúc với hàng ngàn người xuống đường tại các tỉnh, thành phố ở quốc nội. Bà con giơ cao các biểu ngữ bằng cả tiếng Hoa và tiếng Việt: “Formosa hãy rời khỏi Việt Nam”, “Chúng tôi chọn tôm cá, không chọn thép”.
Cần lưu ý rằng, người Việt ở Đài Loan đều là những người sang đó lao động hoặc lập gia đình, không có đảng phái chính trị nào hết. Họ xuống đường vì tình yêu đối với đất nước, với đồng bào nên không thể cho là bị các thế lực thù địch xúi giục.
Điểm qua các cuộc biểu tình khắp nơi trong nước và hải ngoại để thấy người Việt Nam chọn tôm cá chứ không chọn thép. Đó cũng là câu trả lời Giám đốc đối ngoại Formosa tại Vũng Áng khi ông này nêu vấn đề phải chọn hoặc là cá hoặc là thép.
Nhà cầm quyền chọn gì?
Ngày 2/4/2016, những con cá đầu tiên bị nhiễm độc chết nổi lên và dạt vào vùng biển Hà Tĩnh. Chỉ khi đó, sự thật về Formosa xả chất thải với nhiều độc tố ra biển mới được phơi bày. Người ta đã phát hiện ra đường ống xả thải trộm của Fosmosa nằm tận đáy biển.
Formosa là thủ phạm gây nên thảm họa môi trường biển ở Miền Trung, điều đó không có ai nghi ngờ và chính ông Chu Xuân Phàm giám đốc đối ngoại của công ty này đã gián tiếp xác nhận qua câu nói chọn cá hay chọn thép.
Tuy nhiên, việc tìm cách lảng tránh hay bao che cho Fosmosa của quan chức tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên môi trường đã làm tăng thêm sự phẫn nộ của dư luận. Ngoài ra, người ta còn truyền cho nhau những câu chuyện hài chỉ có ở Việt Nam. Chẳng hạn ông Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường bảo việc lắp đặt đường ống xả thải có phép nhưng ông Bộ trưởng thì bảo không. Ông Võ Tuấn Nhân cho rằng chưa có bằng chứng Fosmosa liên quan đến vụ cá chết và đổ cho “thủy triều đỏ” nên trang Việt Nam thời báo của Hội nhà báo độc lập gọi ông là “thứ trưởng thủy triều đỏ”. Trong khi đó, anh chàng Chu Xuân Phàm nói toạc ra là muốn có thép phải chấp nhận chết cá chứ không cần đến ông Tuấn che đậy. Còn Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thì xui dại dân rằng cứ yên tâm ăn cá, tắm biển bình thường ở… Vũng Áng. Trời đất, may mà không ai nghe ông xui. Phát ngôn của ông liều tới mức một người dân xưng tên là Dũng gọi điện cho ông, “gạ” cung cấp cho ông mỗi ngày 1 ký cá Vũng Áng để gia đình ông… xơi và đề nghị ông ra biển Vũng Áng để…tắm.
Nếu những ai còn tin cậy vào các quan chức, cho rằng lời nói của các ông chỉ nhằm trấn an dư luận thì nên tìm hiểu thêm để biết các ông chọn gì thông qua cách cư xử với các cuộc biểu tình vì môi trường.
Cuộc xuống đường ngày 1/5/2016 thu hút hàng ngàn người dân ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh tham gia. Một cuộc biểu tình ôn hòa, với những thông điệp bảo vệ môi trường và yêu cầu làm rõ thảm họa môi trường ở Miền Trung thiết nghĩ cần phải được tôn trọng và ủng hộ. Thế nhưng thực tế xảy ra không như thế.
Nhà cầm quyền đã cho công an lùng sục, ngăn chặn và bắt giữ những người biểu tình như bắt giặc.
Ở Hà Nội, Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt khi vừa mon men đến quán nước gần nơi biểu tình. Lê Anh Hùng vừa thực hiện chuyến đi miền Nam ra lúc sáng sớm liền bị công an đến tận nhà áp giải ra phường. Lợi dụng công an sơ hở, anh cướp xe… của mình bỏ chạy, phóng thục mạng. Sự việc xảy ra trong tích tắc, nhanh đến nỗi công an chỉ kịp kêu: “Ớ! Ớ! đi đâu thế”. Tất nhiên, anh chẳng trốn đi đâu mà trốn đi biểu tình. Chỉ cần ra đó, 8 công an bắt lại anh thật đơn giản, có điều mục đích của anh là biểu tình đã thực hiện xong. Cũng tại Hà Nội, Lê Hoàng cho biết trên trang facebook của mình, anh bị công an phường Chương Dương lôi cổ về đồn công an đánh nhừ tử vì can tội dám chụp ảnh họ khi đang canh nhà anh. Khi anh được tha về với bộ dạng tơi tả , đến lớp đón con thì cháu đã đói lả.
Ở Sài Gòn, một số người bị đánh, có máu chảy, có cả phụ nữ mang thai. Một loạt bị bắt đem về đồn công an: Dương Thị Tân, Huỳnh Anh Tú, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hữu Tình, Việt Quân, Đỗ Tửng …
Ở Nghệ An khoảng 10 bạn trẻ bị bắt, chưa rõ đến lúc này (hết ngày 2/5) đã thả ra hết chưa. Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn bị bắt trước đó và truyền thông nhà nước đã đưa lên ti vi, báo chí với những tội trạng rất vớ vẩn là đi thu thập tài liệu, phỏng vấn ngư dân ở vùng biển nhiễm độc rồi đưa lên mạng…
Vậy thì nhà cầm quyền Việt Nam chọn gì? Chọn cá thì đã không đàn áp, đánh đập người cùng sự lựa chọn.
Thực ra, họ đã chọn thép ngay từ đầu, từ khi chấp nhận cho Formosa vào Vũng Áng với những ưu đãi và đặc quyền, tới mức khó tin. Vũng Áng được coi là một khu vực bất khả xâm phạm. Cơ quan chức năng phát biểu rằng: “Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này”. Thậm chí báo Công an nhân dân còn cho rằng đây là “vùng lãnh thổ nước bạn”.
Nhưng bây giờ biển nhiễm độc, cá chết, họ cũng phải đắn đo. Không lẽ thỉnh thoảng lại để cá chết hàng loạt, nổi lềnh phềnh trên mặt biển như một bằng chứng tố cáo cái khu công nghiệp mà họ rất tâm huyết, cưng chiều này. Bỏ thép thì họ không bao giờ muốn. Hay là chọn cả cá và thép? Chọn cả hai vẫn có thể được với điều kiện Formosa phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình xử lý nước thải. Nhưng điều này sẽ làm giá thành thép đội lên và nó trái với “truyền thống” phá hoại môi trường của Formosa. Tập đoàn này đã từng có những thành tích bất hảo ở Căm Pu Chia, ở Mỹ về việc làm ô nhiễm môi trường và được “vinh dự” nhận giải “Hành tinh đen”.
Ngoài ra, cũng cần phải tính đến chuyện nhà cầm quyền VN có đủ can đảm để bắt Formosa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý nước thải và giám sát chặt chẽ việc xả nước thải của công ty này không?
2/5/2016
NTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét