Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo Nông thôn ngày nay về lỗi vi phạm trong các bài viết "Nhân dân mãi mãi là người đến sau" và bài "Lời than thở của các loài cá" đăng trên ấn phẩm Thế giới tiếp thị.
Tháng 4/2016, cá chết trắng dọc bờ biển Hà Tĩnh cho đến tận Thừa Thiên Huế. Suốt 3 tuần lễ dân chúng hoang mang, người đi biển chết đứng chết ngồi. Báo chí tố cáo Formosa - Khu Công nghiệp Vũng Áng do người Đài Loan - Trung Quốc đầu tư làm chủ là nơi gây ra tai họa. Thế nhưng, nhiều ngày sau khi thảm kịch lan tràn, ngày 22/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có một cuộc họp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nhưng lại là họp kín, không cho báo chí tham dự. Đoàn công tác của Bộ này nói “luật không cho phép báo chí tham dự (?)”, nhưng đồng thời cũng nhắc là “đây là công tác kiểm tra định kỳ” nên không có gì để báo chí vào xem.
Có nhìn thấy những bầy cá nằm chết vật vã, tràn trên bờ biển bởi các loại thuốc cực độc, mới thấy kinh hoàng. Các loại chất đầu độc biển cả đó, đều nằm trong số 45 loại hóa chất độc hại do Formosa được phép nhập về. Người hay cá cũng đều có thể là nạn nhân trong một thời gian ngắn với các loại hóa chất này. Nhưng mỉa mai là kết quả điều tra tìm thấy, thì do các chuyên gia về độc học mà báo chí tự mời phân tích và công bố, còn đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ngoài chuyện ngăn không cho báo chí vào lấy tin tìm hiểu, chỉ đưa ra những kết luận mơ hồ.
Người ta không biết rồi cuộc họp đó giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền Hà Tĩnh, khu tự trị Formosa đó sẽ công bố điều gì với báo chí. Ung dung với sức mạnh về tiền bạc và thế lực kiểu Chaebol, chủ đường ống chất thải độc có thể sẽ đưa ra những bản kết luận nhòe nhoẹt với trách nhiệm không thuộc về ai. Bất chấp nguồn tài nguyên biển hàng trăm cây số của Việt Nam bị hủy diệt, môi trường sống của hàng triệu con người bị đảo lộn, đe dọa.
Người dân Việt Nam thường là người biết sau, chỉ vỡ lẽ khi hiểm nguy kề sát bên mình. Không ai ngờ rằng đường ống xả chất độc từ Formosa, là chính là hệ thống được Bộ Tài nguyên và Môi trường ký giấy cho phép và xác định là luôn kiểm tra, nhận thấy mẫu nước thải “đủ chuẩn”. Đường ống đó chạy dài ra vịnh Sơn Dương, ống có đường kính 1,2m, chiều dài 1,3km, nằm cách mặt biển 12m. Nhân dân chỉ biết về đường ống chất thải đó - ngày đêm đổ vào nguồn nước, nguồn đánh bắt của họ - ngay sau khi cá tôm vật vã, ngoi ngóp chết ngập bờ. Mọi thứ diễn ra như chuyện đã rồi.
Nhân dân chỉ được biết sau, chỉ biết khi phải oan uổng gánh chịu hậu quả, một cách ngơ ngác. Kể từ năm 1989, khi Trung Quốc khởi dựng đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) cho đến nay, hàng chục đập nước ngăn dòng Mekong khác đã trở thành một loại vũ khí sinh thái trấn áp toàn bộ vùng Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện. Thế nhưng người dân Việt Nam cũng chỉ nhận được những tin tức hết sức lạc quan và hời hợt của Ủy Ban Mekong Việt Nam. Và rồi khi khô hạn đến, đất đai chết, ruộng đồng chết… người dân mới bàng hoàng nhận ra mình đang ở tình cảnh gì, bị bỏ rơi thế nào.
Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội tiết lộ cho biết có đến 90% các dự án tổng thầu EPC ở Việt Nam là do Trung Quốc nắm giữ, kể các các ngành quan trọng như dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Có đến 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án hàng trọng điểm quốc gia. Rồi nhân dân chỉ là người biết sau cùng, khi đường ống Sông Đà vỡ đến lần thứ 17, do nhà thầu Xinxing, Trung Quốc đảm nhiệm. Dự kiến, hơn 200.000 dân cư sẽ là nạn nhân trực tiếp.
Nhân dân chỉ được biết sau cùng, khi nghe tin dữ rằng mỗi người đang mang trên lưng món nợ công lịch sử, với 30 triệu đồng/người. Có những gia đình người Việt suốt cuộc đời cắm mặt làm, không đủ ăn, nay giật mình nghe tin mình cũng phải gánh nợ công cho Nhà nước. Kể cả hai đứa bé chết chìm ở Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắc, nghèo đến mức phải chôn chung một hòm cũng không thoát khỏi. Nhân dân mãi mãi là người đến sau trong con đường đến ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Họ được gọi tên để biết mình cùng chịu trách nhiệm vì Nhà nước khai thác bauxite cho Trung Quốc, ở Nhân Cơ lỗ đến 3000 tỷ đồng trong 6 năm mà vẫn cố làm. Người dân được thông báo muộn màng rằng hàng trăm ngàn tỉ đồng mà họ đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội đã bị tự tiện mang đi cho vay, mất trắng cả ngàn tỉ nhưng không ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó, một công nhân chưa đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội, thì bị răn đe là sẽ mang đi xử lý hình sự.
Nhân dân mãi mãi là người đến sau. Và đến chỉ để nhận biết sự thiệt hại hay tai ương đang rót xuống đầu mình, xuống gia đình mình. Họ cũng chỉ biết sau cùng, rằng những nhân vật cấp cao như Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền thì vượt lên trên, thoát khỏi mọi thứ với nhà cao cửa rộng xênh xang.
Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác.
Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. Và đường đi đến đó, chẳng thong dong gì, mà có thể thông qua những ống dẫn chất thải như của Formosa.
Tuấn Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét