Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

​Xâm phạm quyền biểu tình sẽ bị phạt nặng

TT - Đây là nội dung đáng chú ý của một điều luật hoàn toàn mới trong dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) được Chính phủ trình tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chiều 31-3.


Các nữ sinh Nha Trang phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam - Ảnh: T.T

Phần lớn các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân cũng được đề nghị nâng mức hình phạt so với quy định hiện hành.

Theo đó, “tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” được thể hiện tại điều 164 của dự luật.

Điều 164 quy định: Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân (nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều khác của bộ luật này) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm;

Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm;

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm.

Theo đề nghị của Chính phủ, chính sách hình sự sẽ có sự thay đổi lớn đối với nhóm các tội liên quan đến kinh tế, khi dự thảo quy định tăng các hình phạt tiền và giảm hình phạt tù.

Đặc biệt, Chính phủ đề nghị phi tội phạm hóa đối với hai tội danh: tội kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo bổ sung quy định về việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một nửa số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng việc quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ.

Theo đó, cần phân loại, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

Dự kiến Ủy ban Tư pháp dành trọn hôm nay (1-4) thảo luận các nội dung quan trọng của dự án bộ luật này.

Cần hiểu đầy đủ về “quyền im lặng”

Phát biểu trước khi kết thúc phiên thẩm tra dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định thế giới không gọi là “quyền im lặng” mà đây là cách nói thông thường của chúng ta.

Luật của nhiều quốc gia và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự, chính trị của con người gọi là “quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình”.

Bị can, bị cáo chỉ được im lặng, nhận tội hoặc không nhận tội của mình nhưng không được im lặng khi nói về tội của người khác.

“Anh ta im lặng về tội của mình thì đấy không phải tình tiết tăng nặng, nhưng anh ta im lặng khi khai về đồng bọn thì hoặc đó là tình tiết tăng nặng, hoặc anh ta sẽ bị truy tố thêm về tội không tố giác tội phạm. Chúng ta không nên gọi đây là quyền im lặng để người ta hiểu nhầm bị can, bị cáo có quyền im lặng” - ông Bình nói.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị không đưa vào luật “quyền im lặng”.

“Luật không cấm nhưng ai cũng hiểu rằng chúng ta không khuyến khích bị can, bị cáo im lặng. Chúng ta dạy con chúng ta cũng không khuyến khích chúng im lặng. Tôi nghĩ rằng chúng ta học nước ngoài thì phải học cho đúng, cho bài bản” - ông Hiện bày tỏ.

LÊ KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét